Một ngân hàng muốn mua khoản nợ 600 triệu USD của Vinashin - Dân Làm Báo

Một ngân hàng muốn mua khoản nợ 600 triệu USD của Vinashin

Nhà băng này sẵn sàng trả tiền ngay 210 triệu USD, tương đương 35% mệnh giá khoản nợ gốc. - Chủ tịch HĐQT một ngân hàng lớn cho biết: "Chúng tôi sẵn sàng mua lại toàn bộ khoản nợ của Vinashin với giá bằng 35% mệnh giá, tức 210 triệu USD so với gốc 600 triệu USD, và trả tiền ngay”. Không chỉ ngân hàng ông, một số tổ chức tài chính khác và quỹ đầu tư nước ngoài cũng quan tâm mua số nợ này. Vấn đề chỉ là giá bao nhiêu. 

Suốt 13 tháng qua giá nợ của Vinashin dao động rất mạnh trên thị trường quốc tế tùy thời điểm và tùy người mua, người bán. Tháng 9/2010, trái phiếu nợ của tập đoàn được chào mua - chào bán xung quanh 60% mệnh giá. Tháng 10 nó nhảy lên gần 70% mệnh giá. Khi đó, một quỹ đầu tư nước ngoài tại TP HCM đã tận dụng thời cơ bán ra 50 triệu USD (giá trị gốc). Sau đó giá rớt dần và gần như đứng ở mức 50% mệnh giá suốt thời gian Vinashin và các chủ nợ thương lượng. 

Nhiều tổ chức muốn mua lại khoản nợ của Vinashin 
nhưng chưa đạt được thỏa thuận về giá. Ảnh: VNS.

Đầu tháng 11, Elliott Vin (Hà Lan), một quỹ đầu tư mạo hiểm và là một trong những chủ nợ nước ngoài, đệ đơn kiện Vinashin và 21 đơn vị nhằm đòi nợ. Sau đó, giá nợ có lúc chỉ còn giao dịch ở mức bằng 40% mệnh giá. 

Vào tháng 12 năm ngoái Vinashin phải trả 60 triệu USD đầu tiên (phần gốc, lãi trả riêng) trong tổng nợ 600 triệu USD mà một nhóm các ngân hàng nước ngoài đã cho vay trước đó. Cứ 6 tháng tập đoàn lại trả tiếp 60 triệu USD, tương đương 10% khoản nợ. Như vậy, nếu theo đúng hợp đồng, đến tháng 12 này Vinashin phải trả tổng cộng 180 triệu USD. 

Các chủ nợ “nóng ruột” khi không nhận lại được gốc và lãi của phần nợ đầu tiên. Credit Suisse (Singapore), đơn vị bảo lãnh phát hành cho khoản nợ và là chủ nợ lớn nhất, liên tục đề nghị các cuộc gặp để thương thảo. Tháng 4/2011, một ủy ban bao gồm bốn chủ nợ là Credit Suisse, Depfa Bank, Maybank, Elliott Advisors đã được thành lập. Standard Chartered Bank lúc đầu là thành viên của ủy ban, nhưng rút lui sau đó không lâu. 

Sau khi được một số ngân hàng trong nước "bật đèn xanh", Vinashin chính thức đưa ra hai đề nghị với các chủ nợ. Hoặc tập đoàn trả ngay số nợ với mức bằng 35% mệnh giá ban đầu, hoặc hoán đổi hợp đồng cũ thành hợp đồng vay mới với những điều kiện mới. 

Đổi lại, các chủ nợ đưa phương án: Hoán đổi hợp đồng cũ thành hợp đồng vay mới kỳ hạn 15 năm với lãi suất Libor cộng 150 điểm phần trăm mỗi năm. Lãi suất sẽ tăng thêm 50 điểm phần trăm nữa từ năm thứ 11 đến năm thứ 15. 

Một trong số các ngân hàng nội địa quan tâm mua nợ của Vinashin giải thích mức giá 35% là hợp lý bởi có thể phải 10 năm nữa Vinashin mới có khả năng trả đủ gốc. Khi mua nợ, ngân hàng phải mua bảo hiểm để tránh rủi ro và phí bảo hiểm trong trường hợp này không thấp chút nào. Mức giá thấp là để bù đắp cho sự mạo hiểm, nơi rủi ro cao, lợi nhuận cao. 

Một quỹ đầu tư nước ngoài cho biết có thể xem xét mua nếu mức giá bằng 40% mệnh giá trở xuống. Họ là tổ chức buôn bán trái phiếu chuyên nghiệp, từng bán ra trái phiếu nợ Vinashin với giá bằng 70% mệnh giá, mua lại ở mức gần bằng nửa, coi như thành công. 

Ở đề nghị thứ nhất, thực ra Vinashin chỉ là người chắp nối giữa chủ nợ nước ngoài và các tổ chức mua nợ trong nước. Hiện tập đoàn không có nguồn để trả nợ. Với chủ nợ trong nước, Vinashin dễ khất nợ hơn. Các chủ nợ nước ngoài cũng nhận thấy việc tự trả nợ của Vinashin ở thời điểm này không khả thi, nhưng họ là giới kinh doanh, họ không thể để mất quá nhiều nếu chấp nhận đề nghị thứ nhất. Đề nghị thứ hai thực chất là giãn nợ và có thể đi kèm chi phí tăng lãi. 

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)


*

Tập đoàn VN mua lại nợ Vinashin?

BBC - Hôm 6/4/2012, tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn đưa tin "một tập đoàn đa ngành" Việt Nam "có tiềm lực tài chính mạnh" và "quan hệ tốt với các chủ nợ của Vinashin" đã mua lại một số khoản nợ của Vinashin. 

Đây được cho là nguyên nhân khiến quỹ đầu tư Elliott Advisors đã từ bỏ vụ kiện Vinashin lên tòa Thượng thẩm London.

Elliott, một quỹ đầu tư ở Mỹ, đã mua lại một phần khoản nợ 600 triệu đôla của Vinashin và đâm đơn kiện tập đoàn tàu thủy này hồi cuối năm ngoái vì không trả được nợ. Tuy nhiên, mới đây một số nguồn tin cho hay quỹ này đã rút lại đơn kiện. 

Tờ báo từ Sài Gòn cho biết đối tác đề nghị mua lại nợ của Vinashin "có trong tay hàng trăm triệu đôla Mỹ" và "có thể trả ngay lập tức toàn bộ nợ của Vinashin với giá gốc. 

Trước đó, trước khi đệ đơn kiện vào đầu tháng 11/2011, Elliott Advisors và các chủ nợ khác đã được Vinashin "chào mời" phương án trả nợ ngay "bằng tiền toàn bộ số nợ" với mức bằng 35% mệnh giá ban đầu, tương đương 210 triệu đôla Mỹ. 

Tuy nhiên, Elliott Advisors và các chủ nợ vào thời điểm đó "đã từ chối vì cho rằng giá quá thấp", "không thể chấp nhận." 

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, các chủ nợ của Vinashin có thể "thu hồi ngay một phần nợ bằng tiền" và phần còn lại sẽ nhận bằng "những công cụ nợ khác" có khả năng "chuyển đổi thành tiền" sau một thời gian. 

Các chủ nợ cũng có thể "chuyển thành công cụ nợ khác "toàn bộ phần nợ" với các công cụ nợ có nhiều loại hạn mức, kỳ hạn từ 5-10 năm, kể cả phương án "hoán đổi" hợp đồng cũ thành hợp đồng vay mới kỳ hạn 15 năm "với lãi suất Libor cộng 1,5% một năm." 

Lãi suất này sẽ tăng thêm 0,5% nữa từ năm thứ 11 đến năm thứ 15, vẫn theo tờ thời báo từ Sài Gòn. 
'Nhiều câu hỏi' 

Một chuyên gia kinh tế của Việt Nam cho rằng việc doanh nghiệp trong nước đề nghị "mua lại nợ" của Vinashin là "rất có lợi" cho tập đoàn này, mặc dù vẫn còn nhiều câu hỏi xoay quanh việc xử lý những người liên đới trách nhiệm trong vụ Vinashin. 

TS Lê Đăng DoanhTS Lê Đăng Doanh nói doanh nghiệp trong nước đề nghị mua lại nợ của Vinashin là "có lợi" cho tập đoàn này

Bình luận với BBC về khả năng "một tập đoàn đa ngành" trong nước của Việt Nam "mua lại nợ" của Vinashin, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nói:

"Trên thế giới trong thị trường tài chính, việc mua lại nợ để giải quyết số nợ tồn động, mà như trong trường hợp của Vinashin thì khả năng trả nợ đúng thời hạn là không có, và khả năng trả trong thời gian tới đây cũng rất phi phỏng, thì một số tập đoàn nào đấy có khả năng thanh toán có thể mua lại nợ đó với tỷ lệ không phải là 100% mà thấp hơn rất nhiều, thí dụ như là 30 hay 40%... 

"Trong trường hợp của Vinashin tôi chắc rằng một thị trường nợ như vậy rất có lợi đối với Vinashin và cũng mở ra một khả năng giải quyết các nợ đó đối với các chủ nợ mà các công ty, tập đoàn nào đó ở Việt Nam có khả năng trả nợ, thì họ có thể đứng ra làm." 

Về các biện pháp, công cụ mua lại và giải quyết nợ mà các bên liên quan có thể thương thảo, áp dụng, Tiến sỹ Doanh cho biết thêm: 

"Trước hết, người ta sẽ được cắt giảm một số khoản nợ nhất định. Trên cơ sở đó, người ta có thể thương thảo khả năng chi trả. Khả năng chi trả có thể một phần bằng tiền tươi, thóc thật; còn có một phần khác có thể sử dụng các công cụ tài chính có giá nào đấy mà hai bên có thể thống nhất thỏa thuận với nhau..." 

Tuy nhiên trong trường hợp giải quyết một phần nợ của Vinashin này, chuyên gia không cho rằng các bết có thể chi trả bằng hiện vật mà có khả năng sẽ "sử dụng các công cụ tài chính thích hợp" nhất định để giải quyết. 

"Về chi tiết kỹ thuật, hai bên sẽ phải thảo luận kỹ lưỡng với nhau để có thể đi đến thống nhất," chuyên gia nói. 

'Vẫn còn băn khoăn' 

Cựu lãnh đạo Vinashin Phạm Thanh Bình và các bị cáo khác bị Tòa án Hải Phòng tuyên phạt tổng cộng 124 năm tù 

Trước câu hỏi liệu công chúng và các giới quan sát trong nước đã thỏa mãn hay chưa về xử lý các sai phạm trong vụ Vinashin, trong đó có phán quyết của Tòa án Nhân dân TP Hải Phòng hôm 30/3/2012, ông Doanh nói: 

"Con số thiệt hại của Vinashin là quá lớn, cho nên số án tù mà ông Phạm Thanh Bình đã nhận như vậy cũng là một án tù rất cao. Về mặt đó, công luận có thể có sự hài lòng nhất định. 

"Tuy vậy, người ta vẫn hỏi rằng chỉ có Vinashin gây ra tác hại như thế hay sao, còn có ai có trách nhiệm để dẫn đến tình trạng Vinashin như thế này hay không? 

"Chả nhẽ một mình Vinashin dám tự tung, tự tác để gây ra các sai phạm như thế hay sao? Và các cơ quan giám sát, chỉ đạo thì không ái có trách nhiệm gì cả, hay sao?" 

Chuyên gia cũng cho hay công luận tiếp tục đặt câu hỏi về "cơ chế, thể chế và sự quản lý nào đã dẫn đến những sai phạm như vậy" và đòi hỏi phải rút ra bài học để tránh lặp lại những sai phạm như Vinashin. 

"Điểm thứ ba là xử những người sai phạm rồi thì tái cấu trúc Vinashin thì có kết quả tích cực gì không, thì cho đến nay, công luận vẫn chưa được thông báo. 

"Mới đây, dư luận được biết Vinashin lại xin chính phủ một khoản vay với lãi suất là 0%, có nghĩa là tình hình tài chính của Vinashin vẫn hết sức khó khăn. Vinashin khó có sản phẩm bán được để có thể lãi, hoàn vốn và trả lương cho công nhân viên chức của mình." 

'Trách nhiệm chính phủ?' 

Công luận chưa thấy các lãnh đạo chính phủ Việt Nam trong giai đoạn sai phạm ở Vinashin chịu trách nhiệm cụ thể ra sao 

Bình luận về trách nhiệm, nếu có, không chỉ về mặt chính trị, hành chính, của một số thành viên chủ chốt trong chính phủ tại giai đoạn xảy ra các sai phạm của Vinashin, trong đó có các vị Thủ tướng, Phó Thủ tướng thường trực, ông Doanh nói: 

"Hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói là Thủ tướng không có sai phạm gì trong trường hợp của Vinashin và Thủ tướng đã nhận trách nhiệm và trách nhiệm đó có lẽ là trách nhiệm tinh thần hoặc trách nhiệm hành chính. 

"Còn không thấy có kiểm điểm gì, thông báo gì về trách nhiệm cụ thể gì của Thủ tướng cả, mặc dù tập đoàn Vinashin này trực tiếp đặt dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng." 

"Còn về phần ông Nguyễn Sinh Hùng đã được cử làm trưởng ban tái cấu trúc của Vinashin, sau đó ông chuyển sang bên Quốc hội, thì tôi không thấy sau đó có sự xem xét trách nhiệm đến đâu hay chưa. 

"Và cho đến nay vẫn chưa thấy ông Nguyễn Sinh Hùng phát biểu chính thức gì về việc này cả." 

Theo truyền thông Việt Nam, vụ sai phạm ở tập đoàn Vinashin đã gây ra các thiệt hại với tổng các khoản nợ theo công bố tại thời điểm điều tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng ít nhất vào khoảng 80.000 tỉ đồng. 

Ngoài ra, vẫn theo báo chí trong nước, khi bị phát hiện sai phạm, Vinashin được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 2006, đang nợ ít nhất "khoảng 1 tỉ đôla từ vốn phát hành trái phiếu quốc tế được Chính phủ bảo lãnh." 

Tập đoàn này cùng còn được xác định các khoản nợ với một chục ngân hàng, trong đó có BIDV, Vietcombank, Agribank, Vietinbank và một số ngân hàng thương mại cổ phần. Nợ của Vinashin với các ngân hàng quốc doanh chiếm khoảng trên 50% tổng số nợ. 

Tới thời điểm năm 2010, tập đoàn công nghiệp đóng tàu vốn hoạt động đa ngành nghề này được xác định có tổng nợ tới khoảng 4.5 tỷ đôla và vào tháng 3/2011, tập đoàn vốn trong tình trạng nợ nần, phá sản đã được chính phủ tuyên bố cho phép "tái cấu trúc."



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo