VOA - Ấn Độ tuyên bố không nước nào được gây cản trở cho hoạt động thương mại ở Biển Đông. Theo tin hôm thứ Sáu của Press Trust of India, Ngoại trưởng Ấn Độ SM Krishna tuyên bố như thế tại một cuộc họp báo ở Bangalore để đáp lại sự phản đối của Trung Quốc đối với các dự án hợp tác thăm dò dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông.
Ông Krishna khẳng định khu vực này nên được dùng để gia tăng các hoạt động liên quan tới thương mại giữa các nước ven Biển Đông.
Ông nói rằng “điều này đã được chấp nhận bởi các nước ASEAN và bởi Trung Quốc trong cuộc đối thoại giữa họ với khối ASEAN;” và vì vậy, “Ấn Độ tán thành chủ trương là những tuyến đường thương mại này phải là những tuyến đường tự do để thương mại phát triển.”
Trung Quốc đã phản đối bất kỳ hoạt động nào trong vùng Biển Đông, kể cả hoạt động thăm dò dầu khi của Ấn Độ, trong lúc Bắc Kinh có tranh chấp chủ quyền với các nước ASEAN như Việt Nam và Philippines.
Hình: AP - Ngoại trưởng Ấn
Độ S.M. Krishna khẳng định khu vực Biển Đông
nên được dùng để gia tăng
các hoạt động liên quan tới thương mại giữa các nước ven Biển Đông
Trước chuyến công du của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đến New Dehli hồi tháng trước, một viên chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo Ấn Độ đừng thăm dò dầu khí tại khu vực này để bảo đảm “hòa bình và ổn định” của khu vực.
Khi được hỏi phải chăng quan hệ Ấn-Trung đang bị căng thẳng, Ngoại trưởng Krishna nói rằng “tuyệt đối không có căng thẳng giữa Trung Quốc với Ấn Độ.”
Trong một tin khác liên quan tới Ấn Độ, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với Ấn Độ dự kiến sẽ đạt mức 7 tỉ đô la vào năm 2015.
Theo tin của hãng India Blooms, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Ranjit Rae hôm thứ Sáu nói rằng mậu dịch song phương Ấn-Việt có phần chắc sẽ từ mức 4 tỉ đô la của năm 2011 lên tới 7 tỉ đô la vào năm 2015.
Phát biểu tại một cuộc hội chợ quốc tế ở Hà Nội, Đại sứ Rae nói rằng các công ty Ấn Độ đang thực hiện 78 dự án ở Việt Nam với tổng vốn đầu tư 790 triệu đô la.
Ông cho biết hai nước dự trù mở đường bay trực tiếp với việc ký kết một biên bản ghi nhớ giữa Vietnam Airlines và Jet Airways. Ông Rae nói thêm rằng Ấn Độ xem Việt Nam là điểm đến chính của các nhà đầu tư vào khu vực đông nam châu Á và họ muốn tiến vào các khu vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm, plastics, giấy, khoáng sản, dầu lửa và thép.
Mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã hướng dẫn một phái đoàn cấp cao đến thăm Ấn Độ từ ngày 25 tháng 3 đến ngày 2 tháng tư trong khi Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Anand Sharma đã tới thăm Việt Nam từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 3.
Nguồn: PTI, India Blooms News Service, Baodientu.chinhphu.vn
http://www.voanews.com/vietnamese/news/vietnam/south-china-sea-region-property-of-the-whole-world-and-india-indo-vn-trade-146415405.html
*
'Biển Đông là của chung'
BBC - Ngoại trưởng Ấn Độ tuyên bố Biển Đông là tài sản chung của thế giới và không nước nào được đòi thống trị.
Ông S.M. Krishna khi được giới phóng viên hỏi về phản đối của Trung Quốc trước dự án khai thác dầu với Việt Nam tại Biển Đông đã nói: "Ấn Độ duy trì quan điểm rằng Biển Đông là tài sản chung của thế giới".
"Tôi cho rằng các con đường thông thương như vậy không thể bị quốc gia đơn lẻ nào can thiệp."
Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo Ấn Độ về hậu quả khi cho tập đoàn ONGC-Videsh tham gia thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Đông với tập đoàn PetroVietnam.
Tháng 10 năm ngoái, hai tập đoàn nhà nước này đã ký thỏa thuận thăm dò dầu khí ở hai lô 127 và 128 ngoài khơi hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận, bắt đầu từ năm 2012.
Việt Nam nói hai lô 127 - 128 nằm hoàn toàn tại bể trầm tích Phú Khánh trong thềm lục địa của Việt Nam và rất gần bờ biển.
Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc đã phản ứng gay gắt trước dự án chung Việt-Ấn. Phát ngôn viên Trung Quốc nói đây là hành động “vi phạm chủ quyền và lợi ích quốc gia của Trung Quốc, là bất hợp pháp và vô giá trị.”
Đáp lại cảnh báo của Trung Quốc, Ngoại trưởng Krishna nói Biển Đông cần được chia sẻ giữa tất cả các quốc gia xung quanh.
Hiểu biết chung
Ông Krishna nói: "Điều này đã được Trung Quốc và các nước Asean thống nhất trong các cuộc đối thoại. Ấn Độ trung thành với chủ thuyết cho rằng các con đường thông thương cần được tự do để phát triển thương mại".
Ấn Độ, tuy bác bỏ bình luận cho rẳ̀ng quan hệ Ấn-Trung gần đây gặp căng thẳng, đang tích cực thúc đẩy hiện đại hóa hải quân của mình.
Tháng 1/2012, New Delhi nhận tàu ngầm nguyên tử từ Nga, gây chú ý từ các nước láng giềng, nhất là Trung Quốc.
Không chỉ phản đối Ấn Độ, Trung Quốc còn đe dọa các công ty của nhiều quốc gia muốn làm ăn với Việt Nam trong lính vực dầu khí.
Về phần mình Việt Nam khẳng định tiếp tục các dự án trong lĩnh vực dầu khí, vốn mang lại nguồn thu nhập chính cho nền kinh tế.
Mới nhất, Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom vừa tuyên bố tham gia dự án khai thác khí ở Biển Đông, tại nơi mà công ty Anh BP từng phải rút lui dưới áp lực của Trung Quốc.
Thông cáo của Gazprom ra hôm thứ Năm 5/4 cho hay hãng này đã đạt thỏa thuận với PetroVietnam để cùng khai thác khí đốt tại hai lô 5.2 và 5.3 ngoài khơi Việt Nam.
Hai lô này là nơi có các mỏ khí Hải Thạch và Mộc Tinh, nằm trong bồn trũng Nam Côn Sơn giữa quần đảo Trường Sa và bờ biển Việt Nam. Trung Quốc đã nhiều lần phản đối việc Việt Nam thăm dò khai thác ở khu vực này, mà Bắc Kinh cho là "nằm bên trong hải giới truyền thống" của Trung Quốc.