Tham nhũng tràn lan: Lỗi chủ yếu do doanh nghiệp? - Dân Làm Báo

Tham nhũng tràn lan: Lỗi chủ yếu do doanh nghiệp?

SGTT.VN - Kết quả nghiên cứu "Hiện trạng tham nhũng trong khu vực doanh nghiệp" do phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Thanh tra Chính phủ công bố sáng 4.4 tại Hà Nội cho thấy, hầu như các doanh nghiệp đều chủ động trong việc đưa hối lộ.

Theo đó, có đến 55,47% doanh nghiệp được khảo sát cho biết lý do gửi quà biếu, phong bì cho cán bộ giải quyết thủ tục đăng ký kinh doanh là “để được ưu tiên giải quyết nhanh hơn”. Lý do “để bày tỏ lòng cảm ơn” có 47,39% doanh nghiệp chọn, chỉ có 14,63% doanh nghiệp nói là đưa hối lộ “theo gợi ý của cán bộ giải quyết thủ tục”.

Với việc xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có đến 39,84% doanh nghiệp cho rằng “phải có mối quan hệ quen biết mới được giao đất”. Do đó, 63,2% gửi quà biếu, phong bì cho cán bộ giải quyết thủ tục về đất là muốn “được ưu tiên giải quyết nhanh hơn”. 54,76% cho rằng đó là theo thông lệ chung và chỉ có 18,15% đưa theo "gợi ý của cán bộ".


* Tham nhũng là một vấn nạn trong sự phát triển của xã hội.

Hình thức phổ biến nhất là biếu tiền, với 86,8% doanh nghiệp được khảo sát trong xin cấp quyền sử dụng đất, tỷ lệ biếu tiền để có giấy đăng ký kinh doanh là 82,94%. Gửi quà biếu là hiện vật chỉ có đồng tình của 30,4% và 29,76% doanh nghiệp, trong hai lĩnh vực trên.

Tiếp đó, để tiếp cận khoản vay hỗ trợ của Nhà nước, 49% doanh nghiệp cho rằng “phải có mối quan hệ với ngân hàng hoặc cán bộ tín dụng”. Do đó, cần có chi phí bồi dưỡng cán bộ tín dụng, chiếm 39,9%. Việc gửi quà biếu cho cán bộ phụ trách đấu thầu là rất phổ biến, với sự đồng tình của 42,97% doanh nghiệp được khảo sát.

Đáng chú ý, chính doanh nghiệp cũng ý thức “doanh nghiệp là một trong những đối tượng góp phần gây ra nạn tham nhũng", với 62,35% doanh nghiệp đồng tình. Nhìn chung, hầu hết các doanh nghiệp nhận thấy họ vừa là nạn nhân vừa là tác nhân gây ra tham nhũng.

Nhận định về báo cáo khảo sát này, ông Conrad F Zellmann, phó giám đốc tổ chức Hướng tới minh bạch TI nhấn mạnh, doanh nghiệp đã ý thức được vai trò của mình, tuy nhiên dường như vẫn tiếp tay cho các khoản thanh toán không chính thức. Từ đó, ông Zellmann cho rằng, doanh nghiệp khá bi quan về mức độ của tham nhũng trong tương lai.

Nhóm tác giả thực hiện dự án đã đưa ra một số khuyến nghị, đó là cần có cơ chế chính sách phải minh bạch rõ ràng để “không thể” có tham nhũng, chế tài nghiêm minh để “không dám”, cải cách chế độ tiền lương để con người không đến nỗi “đói ăn vụng, túng làm liều” thì người ta sẽ cân nhắc “không làm”.

Mặc dù vậy, nhóm nghiên cứu nhận định, vai trò gốc rễ trong việc chống tham nhũng vẫn là Nhà nước.

Nghiên cứu trên được trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển (DEPOCEN) thực hiện, với số lượng 270 doanh nghiệp ở 6 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, TP.HCM và Cần Thơ.

VIỆT ANH



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo