Lê Thiên (danlambao) - Dân đen cứ nai lưng ra khai thác đất đai hoang hóa! Cứ đổ mồ hôi sôi nước mắt và cả máu cho mảnh đất bé nhỏ - sự sống còn của gia đình! Rồi cứ lê thân còm vác đơn đi khiếu kiện! Làm gì ai? Cưỡng chế là cưỡng chế! Đã cưỡng chế thì đừng trông chờ thương cảm! Đừng hòng có thứ công lý nào vượt lên trên quyền cưỡng chế? Cưỡng chế! Không dễ đánh đổ nó, quật ngã nó được! Đảng “ta”, chủ nhân tuyệt đối của cưỡng chế sừng sững đó! Nó có cả một hệ thống công lý của sức mạnh quân sự, sức mạnh Công an và sức mạnh bè phái độc quyền! Ai đụng đến nó được khi mà đằng sau nó là hàng triệu đảng viên “còn đảng còn mình”?!...
*
“Một số người vẫn nhiều khi vô hình trung biến Ủy ban thành một thứ ủy ban đòi đất, hay một thứ bao công”. (Lời Đức Cha Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh, kiêm Chủ tịch UB/CL&HB trực thuộc HĐGMVN trả lời phỏng vấn RFI ngày 06.03.2012).
Sở hữu đất đai
Nơi mục từ “Công bằng” hay “Công lý” (Justice), cuốn Bách khoa Từ điển Công giáo (BKTĐCG) đưa ra một bản phân tích dài và sâu sắc về quyền tư hữu. Khi đề cập đến các quyền của con người, cuốn BKTĐCG nhấn mạnh “quyền tư hữu là một trong những quyền lớn nhất, thiết yếu nhất của con người không ai được phép xâm phạm bất cứ với lý do gì”. Nói cách khác, “Quyền sở hữu chủ là một quyền tuyệt đối và xứng đáng được hưởng (the right of ownership may be absolute and qualified)”.
Do đó, sở hữu chủ có toàn quyền sử dụng hay cho người khác sử dụng trong giới hạn nào đó cái phần tư hữu của mình. Như vậy, chủ tài sản “có quyền đuổi những kẻ khác tìm cách chiếm dụng tài sản riêng tư ấy - he has the right to exclude others from the enjoyment its uses”. Kẻ nào chiếm dụng tài sản tư trái ý muốn của sở hữu chủ, kẻ ấy vi phạm lẽ công bằng nặng nhẹ tùy mức độ vi phạm.
Những luật pháp do chế độ độc tài toàn trị, đảng trị nặn ra, không được soạn thảo và biểu quyết bởi những vị dân cử chính hiệu được chính người dân trực tiếp và tự do bầu chọn trong một cuộc phổ thông đầu phiếu công khai minh bạch, những cái gọi là luật pháp ấy trong đó có luật về đất đai, đều là những thứ luật què quặc bất công chỉ phục vụ cho một nhóm thiểu số đặc quyền đặc lợi chứ không phục vụ toàn dân.
Mặt khác, chính thể CS dựa trên chủ nghĩa Mác-xít để cai trị. Chủ nghĩa này sai lầm từ căn bản khi nó triệt tiêu quyền sống của con người bao gồm cả quyền tư hữu, chủ nghĩa ấy tự diệt vong là điều đương nhiên. Thế nhưng! Dù chủ nghĩa Mác xít ấy đã gục ngã hơn 10 năm rồi, tại Việt Nam nhà cầm quyền CS đến nay vẫn cứ bám víu vào nó để mà tự tung tự tác dựng lên một chính thể tội ác không ngừng gây bất ổn nhiễu nhương, tham nhũng thối nát đè đầu bóp cổ người dân một cách tàn bạo! Chính thể ấy phải bị toàn dân lên án và loại trừ.
Tư Bản Đỏ, ông là ai?
Cả nước Việt Nam từ bắc chí nam đang thịnh hành một thứ Tư bản mới gian ác gấp ngàn vạn lần nền Tư bản cổ điển mà Các Mác không tiếc lời nguyền rủa và rêu rao rằng “nó đang giãy chết”. Cái nền tư bản mới đang tràn lan như bầy sâu bọ rúc rỉa máu dân, nó có cái tên gọi mỹ miều là Tư Bản Đỏ.
“Tư Bản Đỏ” không phải là biệt danh hay hỗn danh do “thế lực thù địch” chế ra để gán ghép cho. “Tư Bản Đỏ” là tên gọi đúng người, đúng việc từ bản chất.
TƯ BẢN vốn là con đẻ của Kinh Tế Thị Trường Tự do. Còn ĐỎ là danh hiệu mà người Cộng sản tự nhận là biểu tượng của riêng mình, “biểu tượng cách mạng xã hội chủ nghĩa”. Vậy, nếu KINH TẾ THỊ TRƯỜNG là Tư Bản,và XÃ HỘI CHỦ NGHĨA là ĐỎ, thì “Kinh tế Thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đích thị là TƯ BẢN ĐỎ vậy!
Thủ đoạn cưỡng chế
Trong Kinh tế Thị trường, quyền sở hữu thuộc về con người, từng cá nhân con người. Kinh tế Thị trường tự do tôn trọng quyền tư hữu, và giới tư bản của nền kinh tế ấy được quyền làm giàu hợp pháp từ tài sản riêng tư của mình, kể cả bất động sản chiếm hữu hợp pháp. Nhưng cái kinh tế thị trường có cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” thì ngược lại, nó triệt tiêu hoàn toàn quyền cá nhân sở hữu bất động sản. Nó mượn danh nghĩa “toàn dân” dưới khẩu hiệu “đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân” để tác oai tác quái, làm chuyện manh động, ăn cướp ăn giật làm giàu, giàu sụ từ mồ hôi và nước mắt của kẻ tiện dân.
Nhân danh “sở hữu toàn dân”, Tư Bản Đỏ sử dụng nhiều thủ đoạn, mà thủ đoạn đê hèn và tàn ác nhất là thủ đoạn cưỡng chế, một thủ đoạn đánh cướp dã man và thô bạo nhất núp dưới danh nghĩa luật pháp xã hội chủ nghĩa của Đảng và nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Dân đen cứ nai lưng ra khai thác đất đai hoang hóa! Cứ đổ mồ hôi sôi nước mắt và cả máu cho mảnh đất bé nhỏ - sự sống còn của gia đình! Rồi cứ lê thân còm vác đơn đi khiếu kiện! Làm gì ai? Cưỡng chế là cưỡng chế! Đã cưỡng chế thì đừng trông chờ thương cảm! Đừng hòng có thứ công lý nào vượt lên trên quyền cưỡng chế? Cưỡng chế! Không dễ đánh đổ nó, quật ngã nó được! Đảng “ta”, chủ nhân tuyệt đối của cưỡng chế sừng sững đó! Nó có cả một hệ thống công lý của sức mạnh quân sự, sức mạnh Công an và sức mạnh bè phái độc quyền! Ai đụng đến nó được khi mà đằng sau nó là hàng triệu đảng viên “còn đảng còn mình”?!
Thế lực nào hà hơi tiếp sức cho cưỡng chế hoành hành?
Điều đáng kinh hãi hơn cả là một khi được sự tiếp sức hay bảo kê của một số nhà lãnh đạo tôn giáo, thì hành vi cưỡng chế được bảo đảm vững chắc hơn, an toàn hơn, cường độ bạo lực gia tăng ở mức cao hơn, rộng hơn, như mọi người dân Việt đều thấy từ nhiều năm qua, mỗi năm mỗi quyết liệt!
Phải chăng sự đồng tình ngấm ngầm (bằng im lặng) hay tích cực (bằng bịt miệng) của những nhà lãnh đạo tôn giáo vừa là thuẫn đỡ vừa là chất kích thích cực mạnh mang sinh lực cho bất công hoành hành? Trong khi lẽ ra sứ mệnh của nhà lãnh đạo tinh thần các tôn giáo là phát huy công bằng xã hội đồng đều cho mọi tầng lớp dân chúng dựa trên nền tảng đạo lý và giáo lý của tôn giáo mình.
Thật ra, chỉ cần một thái độ im tiếng trước bất công cũng đủ cho Tư Bản Đỏ cơ hội đâm chồi nẩy lộc, tha hồ vung dao tuốt kiếm! Huống hồ là những cách “lý giải”… đổ thêm dầu, cổ súy tội ác thay vì bênh vực những con người quê mùa thấp cổ bé miệng!
Chúng ta thử nghe một vị chủ chăn Công giáo trả lời ký giả Gia Minh của đài Á châu Tự do (RFA) vào ngày 10/10/2010: “Bây giờ trong bối cảnh Việt Nam có một số biến động, phần nào mang màu sắc chính trị, nên người ta hiểu Công lý là phải đấu tranh cho quyền lợi của người Công giáo, chẳng hạn vấn đề đất đai.”
Ngày 25/02/2012, đúng thời điểm cả nước sôi sục vì những bất công và bất cập trong cách thức mà đảng và nhà nước CSVN sử dụng để “cưỡng chế đất đai” của anh Đoàn Văn Vươn khiến anh phải đối đầu chống trả, thì cũng chính vị chủ chăn trên lại mạnh mẽ xác lập quan điểm nhất quán của ngài: “Ngày hôm nay, do cố ý hay vô ý, do chưa được chuẩn bị để tiếp cận với những vấn đề thiết thân và nhạy cảm trong đời sống xã hội, do bối cảnh ra đời của UB nên khi đề cập đến Công lý & Hòa bình là người ta nghĩ đến việc đòi đất, đó là một cách hiểu méo mó lệch lạc cần phải được thay đổi”.
Lời phát biểu trên không hề là lời bịa đặt để vu oan giáng họa, mà là do chính các trang web của các Gp Việt Nam chuyển tải lên internet cho mọi người cùng đọc.(Ghi nhận những ngày học hỏi về GHXHCG của Giáo tỉnh Hà Nội tổ chức tại TGM Thanh Hóa, THỨ BẢY, 25 THÁNG 02 2012 07:26 BBT WTGP HN. http://tonggiaophanhanoi.org/tin-tuc/tin-giao-hoi-viet-nam/3088-ghi-nhan-nhung-ngay-hoc-hoi-ve-ghxhcg-cua-giao-tinh-ha-noi-to-chuc-tai-tgm-thanh-hoa).
Chỉ hai tuần lễ sau, vào ngày 06/3/2012, trả lời phỏng vấn của RFI, ĐGM Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch UBCL&HB của HĐGMVN lại tuyên bố: “Một số người vẫn nhiều khi vô hình trung biến Uỷ ban thành một thứ ủy ban đòi đất, hay một thứ bao công”. (RFI: Phỏng vấn Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình về quan hệ Vatican-Việt Nam 06.03.2012).
ĐC Chủ tịch CL&HBVN nói tiếp: “Có một số người đòi hỏi quá và biến chúng tôi thành như một cơ quan đòi đất và muốn chúng tôi can thiệp vào chuyện Nhà nước, mà theo quan điểm chung, thì Giáo hội tôn trọng vai trò của chính quyền dân sự. Giáo hội góp ý, chỉ lên tiếng. Chúng tôi chỉ dừng ở chỗ là đưa ra những định hướng, những nhận định, chứ không thể là thay thế hay can thiệp vào chính quyền dân sự, vì đó không phải là mục đích của chúng tôi.”
Hội Thánh lên án tà thuyết, bạo quyền và bất công
Những lời tuyên bố trên phải chăng là những lời trần tình biểu thị lập trường “không can thiệp” của Giáo Hội Công giáo? Thiết tưởng chỉ có Giáo lý Hội Thánh Công Giáo mới có thẩm quyền trả lời cặn kẽ và dứt khoát cho câu hỏi trên. Xin nêu vài thí dụ:
Tại số 2401, Giáo lý Hội Thánh dạy: “Điều Răn Thứ Bảy cấm lấy hoặc giữ tài sản của kẻ khác cách bất công, cấm làm hại của cải họ bất cứ bằng cách nào... Phải tôn trọng… quyền tư hữu”.
Đây không phải chỉ là một lời khuyên, mà là một lệnh truyền “phải tôn trọng quyền tư hữu”, cấm lấy hoặc giữ tài sản của kẻ khác cách bất công, cấm làm hại của cải họ bất cứ bằng cách nào...
Vụ Đoàn Văn Vươn, Tiên Lãng và vụ Nguyễn Thành Năm, Cồn Dầu là những điển hình gần nhất của sự bất công thô bạo ấy: Cưỡng chế là gì nếu không phải là dùng quyền lực, dùng “cơ chế” của sức mạnh bạo lực (với hàng trăm công an và binh lính) truy bức, cướp đoạt tài sản (đất đầm và cả đất nghĩa trang hàng trăm năm) của người dân, gây thiệt hại cả nhà cửa lẫn tài sản khác và cả sinh mạng người dân.
GLHTCG số 2402 lại khẳng định: “… để bảo đảm an toàn cho cuộc sống của con người khỏi nghèo đói và bị bạo lực đe dọa, Thiên Chúa… cho con người quyền sở hữu của cải là chính đáng để bảo đảm tự do và nhân phẩm con người…”
Ở đây, Hội Thánh minh định rõ hơn vai trò trách nhiệm của chính Hội Thánh đối với “quyền sở hữu của cải của con người.” Giáo Hội không lên tiếng vì đất hay cho đất. Nhưng khi “đất” trở thành tài sản của cá nhân mà tài sản ấy bị xâm phạm, thì Giáo Hội lên tiếng. Tiếng nói của Giáo Hội là tiếng nói bảo vệ “tự do và nhân phẩm con người”, tiếng nói bênh vực sự sống của con người, nhất là người nghèo đói, những người bị “bạo lực đe dọa”.
GLHT CG số 2424 ghi tiếp: “Những thể chế ‘đòi hy sinh những quyền lợi căn bản của cá nhân và đoàn thể cho tổ chức sản xuất tập thể’ đều đi ngược với phẩm giá con người. Những gì biến con người thành phương tiện thuần túy để trục lợi, đều nô lệ hóa con người, đưa tới việc tôn thờ tiền bạc và góp phần truyền bá chủ nghĩa vô thần.
Hội Thánh không hề xen vào hay kêu gọi xen vào việc của nhà nước. Nhưng Hội Thánh có quyền và cả có bổn phận cảnh giác con người trước những nguy cơ của những “thể chế biến con người thành phương tiện thuần túy để trục lợi, nô lệ hóa con người…” Ở đây Giáo lý Hội Thánh Công Giáo không ngần ngại chỉ rõ cái thể chế ấy là công cụ của “chủ nghĩa vô thần”.
Số 2425: “Hội Thánh phi bác các ý thức hệ chuyên chế và vô thần đang hoạt động dưới hình thức “chủ nghĩa cộng sản” hoặc “chủ nghĩa xã hội”… Điều hành kinh tế chỉ dựa trên kế hoạch tập trung sẽ phá hủy tận gốc các mối liên hệ xã hội”.
Rõ ràng Hội Thánh kiên quyết “phi bác các ý thức hệ chuyên chế và vô thần” nêu đích danh cái ý thức hệ mà Hội Thánh cực lực phi bác kia chính là “chủ nghĩa cộng sản” hay “chủ nghĩa xã hội” mà Hội Thánh lên án là đang điều hành một “thứ kinh tế… phá hủy tận gốc các mối liên hệ xã hội”.
Như vậy, Hội Thánh có làm chính trị không khi thẳng thắn “phi bác” một thể chế chính trị vô thần, vô luân, bất công và bất nhân… có cái tên gọi là chế độ “xã hội chủ nghĩa” ấy?
Số 2407 xác lập một lần nữa điều Hội Thánh đã dạy nơi số 2401: “Điều răn thứ bảy cấm trộm cắp, nghĩa là cấm chiếm đoạt tài sản tha nhân bất chấp ý muốn chính đáng của sở hữu chủ…”
Rất nhiều những tài sản của tha nhân bị chiếm đoạt “bất chấp ý muốn chính đáng của sở hữu chủ”. Những tư nhân ấy có thể là cá nhân, có thể là tập thể (như tôn giáo, tập thể phục vụ tâm linh và ý thức xã hội). Bao nhiêu khiếu kiện, bao nhiêu tiếng gào, bao nhiêu đấu tranh đều bị dập tắt tàn nhẫn chẳng những bằng vũ lực “chuyên chính” mà còn bằng cả côn đồ du đãng, khi thì đội lốt dân phòng, khi thì mang danh “đoàn thể nhân dân”, lúc khác lại núp dưới cái nhãn “nhân dân tự phát”. Đáng lên tiếng hay cứ im tiếng?
Những hình ảnh đau thương
Vẫn còn đó những thảm cảnh bắt bớ, tù tội, và cả máu đổ thịt rơi và chết chóc… Vẫn còn đó những dân oan từ Đồng bằng Sông Cửu Long và các tỉnh miền nam tới các tỉnh miền bắc đội đơn đi tìm Công lý một cách vô vọng, chẳng được cứu xét thì chớ, mà còn bị bắt bớ, bị vu oan giáng họa là “do thế lực thù địch xúi dục…” Những chuyện đó là chuyện “đất đai” hay là chuyện liên quan đến quyền sống của con người, quyền làm người?
Có lẽ không người dân nào muốn biến UBCL&HB của HĐGMVN và của Đức Cha Nguyễn Thái Hợp “thành như một cơ quan đòi đất và muốn [Đức Cha] can thiệp vào chuyện Nhà nước”! Chỉ cần một tiếng nói khích lệ tinh thần ít ra như Đức Cha Trần Thanh Chung vừa rồi cũng đủ vỗ về an ủi và nâng đỡ tinh thần những người dân bị bạo quyền áp bức.
Các nạn nhân của bạo quyền chỉ mong được nghe tiếng nói “ủy lạo” từ các nhà lãnh đạo tinh thần như Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (số 2408) dạy: “Mọi hình thức chiếm đoạt và cầm giữ cách bất công tài sản tha nhân, dù không nghịch với dân luật, vẫn nghịch với Điều răn thứ bảy”. Nghịch với Điều răn thứ bảy là gì nếu không phải là tội phạm tới đức công bằng, như tội ăn cắp, ăn cướp, ăn giật!
Như vậy có hay không cái chuyện “Ngày hôm nay, do cố ý hay vô ý, do chưa được chuẩn bị để tiếp cận với những vấn đề thiết thân và nhạy cảm trong đời sống xã hội, do bối cảnh ra đời của UB nên khi đề cập đến Công lý & Hòa bình là người ta nghĩ đến việc đòi đất, đó là một cách hiểu méo mó lệch lạc cần phải được thay đổi”?
Thật là đau lòng khi nghe lời của cấp thẩm quyền tôn giáo dạy phải thay đổi “cách hiểu méo mó lệch lạc”, mà lại không được nghe các ngài nêu rõ người ta “hiểu méo mó lệch lạc” ở chỗ nào và phải sửa sai làm sao!
Đất đai hay sự sống, quyền sống?
Đất có thể chưa là cái gì cả khi chưa ai đụng tới nó, khi nó chưa có chủ. Nhưng vì đất, người ta tàn nhẫn giết chết một con người hiền hòa chất phác không hề là đối tượng tranh đất thì đó mới là vấn đề.
Anh Nguyễn Thành Năm - Cồn Dầu không giành giật đất với ai và anh chẳng được lợi lộc gì trên cái mảnh đất người ta quyết cướp đoạt của Cồn Dầu, quê anh. Đất ấy là đất nghĩa trang, nơi an nghỉ của bao thế hệ tiền nhân người Cồn Dầu! Nhân danh công ích để cướp đất chia phần, người ta nhẫn tâm giết chết, bắt bớ, tù đày những cư dân dám lên tiếng bảo vệ công bằng xã hội. Lịch sử chắc chắn sẽ không dung tha tội ác này. Những kẻ im tiếng để biểu thị sự đồng tình với tội ác hoặc tệ hại hơn nữa, đồng lõa bịt miệng không cho tiếng kêu cứu được vang lên… một lúc nào đó cũng sẽ không thoát khỏi bản án của lịch sử.
Vì đất hay vì lẽ công bằng mà mà giáo dân các giáo xứ Thái Hà, Đồng Chiêm, Tam Tòa… cùng nhiều nơi khác đứng lên và rồi bị đàn áp tàn nhẫn?
Thực ra, khi muốn ăn, “hạm ăn” đưa ra đủ cớ để giành ăn! Giành không được thì “cưỡng chế”! Cưỡng chế! Chỉ nghe danh ngươi thôi, người Việt khắp nước đã rợn tóc gáy, nổi da gà!
Những cái chết và những đối kháng tuyệt vọng
Sau cái chết của Nguyễn Thành Năm ở Cồn Dầu, Quảng Nam, người dân trong nước lại bàng hoàng trước một cái chết khác cũng vô cùng bi thảm. Đó là cái chết của anh Nguyễn Văn Tưởng, cũng người Quảng Nam, làng Ngọc Sơn Tây, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình.
Chuyện xảy ra từ một buổi họp dân, bàn về chuyện đền bù đất đai ở địa phương vào sáng ngày 23 tháng 3. Vì mất quyền phát biểu, anh Nguyễn Văn Tưởng uất ức bỏ cuộc họp, tức tưởi chạy về nhà vác dao chạy tới nơi họp, vung dao chém hai cán bộ cộng sản. Sau đó, anh Tưởng chạy về nhà, chưa tới nơi thì ngã gục lìa đời.
Dù anh Tưởng chết vì bất cứ nguyên nhân nào, cái chết của anh “lại một lần nữa gióng lên hồi chuông về chuyện đất và người, cái chết như một tiếng kêu thảm thiết của người dân nghèo bị thiệt thòi và tăm tối, không lối thoát” như tác giả Liêu Thái nhận định trong bài viết "Cái chết oan uổng của một người nông dân bị mất đất".
Hiện tượng Đoàn Văn Vươn là một hiện tượng hy hữu: Đối với anh Vươn, mất đất, mất đầm là mất tất cả trong đó có sự sống của cả gia đình nhà anh. Hơn thế nữa, tiếng gào của anh qua đơn từ hay trước tòa án đều bị dập tắt. Anh đoán trước số phận anh. Anh liều một mất một còn với bạo quyền. Ai cũng tin rằng đó là trạng thái tâm thần bệnh hoạn của kẻ bị dồn nén cực độ! Lỗi không thuộc về anh Vươn, người bị vây bắt, mà chính là thuộc về thế lực vây bắt anh và thân nhân anh.
Giáo sư Tương Lai đưa ra nhận định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân là một qui định sản sinh ra dân oan, khiến cho khiếu nại về đất đai chiếm 70-80 khiếu kiện cả nước…” (Bauxite Việt Nam online ngày 26-2-2012). Ông Tương Lai kết luận bằng lời cảnh cáo: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân sẽ biến nông dân chất phác thành Đoàn Văn Vươn bạo động”. (Bauxite Việt Nam online ngày 26-2-2012 như trên). Giả sử Việt Nam có thêm nhiều Đoàn Văn Vươn khác vùng lên chống lại bạo quyền, thì có thể đó là dấu chỉ tích cực của một cuộc đổi thay ngoạn mục trên quê hương ta; ánh sáng tự do dân chủ sẽ ló dạng từ những hành động phản kháng như thế. Và từ đó sẽ tiêu tan bầu khí khủng bố bằng cưỡng chế thô bạo trên toàn cõi đất nước ta. Và sẽ không còn nữa bắt bớ, tù đày, chết chóc.
Về phía Công giáo, thiết tưởng chúng ta nên suy ngẫm lời kêu gọi mới đây của Đức Cha già Trần Thanh Chung, nguyên Giám Mục Kontum, khi ngài lên tiếng về thân phận của người giáo dân nơi sinh quán ngài: “Trong vấn đề tranh chấp như thế này, người môn đệ khôn ngoan của Thiên Chúa sẽ không đứng về phía nào cả mà chỉ đứng về lẽ phải. Lẽ phải ở đây là giải tỏa không cần thiết, mà nếu cần thì phải đền bù thật công bằng, chứ không phải bằng dùi cui, bằng súng đạn, với cái lý của kẻ mạnh… Ai hậu thuẫn, người đó phạm tội đồng lõa, tham gia vào việc giết người cướp của dân nghèo.” (Thư gửi HĐGMVN ngày 19/3/2012)
ĐC Trần Thanh Chung không nêu đích ai hậu thuẫn, ai phạm tội đồng lõa, nhưng chắc chắn ai cũng có thể nhận rõ đó là ai! Ngoài ra, lời kêu gọi của vị Giám mục gốc Cồn Dầu cũng phản ánh lời giảng dạy của GLHTCG, điều 2242: “Theo lương tâm, người công dân không được tuân theo những luật lệ của chính quyền dân sự khi chúng ngược lại các đòi hỏi luân lý, nghịch với các quyền cơ bản của con người hay giáo huấn của Tin Mừng”.
Ở đoạn cuối Giáo lý số 2242 ấy, Hội Thánh nhắc nhở: “Họ [Người công dân] được phép bênh vực các quyền lợi riêng của mình cũng như của đồng bào, chống lại những lạm dụng của công quyền…”
Nếu thẩm quyền Hội Thánh địa phương không cùng người công dân bênh vực quyền lợi chính đáng của con người, thì ít ra cũng phải có tiếng nói hỗ trợ người dân chống lại những lạm dụng của công quyền chứ lẽ nào lại im tiếng hoặc thậm chí tìm cách chống chế?
Hội Thánh Công Giáo đứng trên lập trường “Công lý và Tình Yêu” không hề nhẫn tâm chọn cho mình cái thái độ “sống chết mặc bay” trước nỗi oan và nỗi đau của con người bị áp bức, bóc lột!
Suy tư Tuần Thánh 2012