Những lão Hạc thời đại - Dân Làm Báo

Những lão Hạc thời đại

Đặng Việt (Danlambao) - Kính hương hồn cụ Nam Cao. Lão Hạc của cụ thời ấy có được dăm sào ruộng là nhờ: “Hồi còn mồ ma mẹ nó, mẹ nó cố thắt lưng buộc bụng, dè sẻn mãi, mới đẻ ra được năm mươi đồng bạc tậu. Hồi ấy, mọi thức còn rẻ cả...”. Nghèo khổ, khốn nạn như cuộc đời của vợ chồng nông dân lão Hạc vẫn còn có cơ hội dè sẻn mua được dăm sào đất. Còn hàng triệu nông dân khác ở Việt Nam thời Pháp thuộc, tiền đóng thuế thân chưa có, lấy gì mua đất.

Người ta lên rừng sâu núi thẳm, người ta xuống biển, rồi xuôi vào nam, đến những vùng bưng hoang... nơi mà “dưới sông sấu lội, lên rừng cọp um”. Không chỉ chiến đấu với thú dữ, côn trùng nơi rừng sâu, nước độc, người nông dân Việt còn phải đối diện với những cơn sốt rét rừng quái ác, với thời tiết nghiệt ngã quanh năm, trong khi tài sản của họ chỉ có cái cuốc, cái rựa và một ý chí sắt đá là phải tìm một chốn nương thân. Người ta dở đất, khai hoang vùng đất dữ; đói: vào rừng kiếm củ mài, bẫy thú; khát: nước suối, nước sông vẫn đục phù sa. Thời gian trôi đi, vùng đất bưng hoang, hay những cánh rừng nguyên sinh đã được con người đánh thức. Ruộng vườn xanh ngát, xóm làng đông vui. Đời sống dẫu nghèo, nhưng tình làng nghĩa xóm vẫn lai láng tình người. 

Sau thời kỳ chín năm, người dân sống giữa hai làn đạn. Một bên đại diện cho chính nghĩa quốc gia, nền đệ nhị cộng hòa; một bên là tiền đồn xã hội chủ nghĩa, quyết đánh đuổi đế quốc, thực dân đem lại nền độc lập, tự do cho dân tộc. Người nông dân chỉ có ba lựa chọn: theo chính thể VNCH, cầm súng chống lại bọn cộng nô; hoặc vào bưng biền gia nhập đội quân kháng chiến theo lời Bác gọi; hay là: ngày theo Mỹ, đêm theo Việt Cộng. Dù vậy, giống như Lão Hạc, trong mọi hoàn cảnh nào, dân mình vẫn không bao giờ quên giữ đất ruộng cày, nơi mà bao đời tổ tiên đã dày công tạo dựng bằng mồ hôi và nước mắt. 

Hòa bình lập lại, đất rừng, bưng hoang còn nhiều, hàng triệu nông dân nghe theo lời Đảng gọi, vào vùng kinh tế mới, nơi rừng sâu núi thẳm hay chiến khu bưng biền ngày xưa. Người nông dân trong cuối thập niên 70 cho tới thập niên 90, dẫu không còn “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”, nhưng những hiểm nguy hậu chiến tranh đang chực chờ tước lấy mạng sống của họ. Đó là hàng tấn bom đạn chưa nổ, hàng tấn chất độc khai hoang đang nằm sâu với lòng đất. Hàng nghìn nông dân bỏ mạng, hàng chục nghìn người khác phải bỏ lại một phần thân thể chỉ để đánh đổi một vài hecta đất vô cùng quý giá. 

Mươi năm sau: (xin lỗi cụ Giang Nam) 

“Đổi mới tùm lum 
Rồi quản lý ruộng đồng 
Quê tôi đầy dự án 
Từ biệt ruộng, tôi đi 
Bà lão nhà bên (có ai ngờ) 
Cũng đành mất đất 
Hôm gặp tôi vẫn cười ngơ ngác 
Mắt đã nhòa (Đau thương quá đi thôi) 

Hai cuộc đời đen không nói được một lời 
Mỗi bước chân qua, tôi ngoái đầu nhìn lại 
Mưa đầy trời cho đời dân giá lạnh 
Hòa bình biết sẽ về đâu 

Còn đâu nữa ruộng xưa, bãi mía, luống cày 
Lại gặp bà 
Ngập ngừng với lá đơn cầu thỉnh 
Vẫn ngơ ngác cười khi tôi hỏi nhỏ 
Chuyện đền bù khó nói lắm, cậu ơi! 

Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi 
Bà để yên trong bàn tay tôi lặng lẽ 
Hôm nay nhận được tin bà 
Không tin được dù đó là sự thật 
Công an tra tấn, trói bà vào khám 
Chỉ vì bà đi đòi đất, bà ơi! 

Đau xé lòng tôi, chết nửa con người 
Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm 
Có những ngày trốn học bị đòn roi 
Nay yêu quê hương vì trong từng nấm đất 
Đã trở thành tài sản của các quan. 

Cụ Nam Cao ơi! Lão Hạc ngày xưa tận khổ, tận nghèo, thế mà còn hạnh phúc gớm! Trước khi nuốt bã chó của Bỉnh Tư, Lão Hạc còn làm được văn tự, giao cho ông giáo, để nhường đất cho thằng con đang làm công-tra ở tận phương Nam. Còn những Lão Hạc ngày nay, còn có mảnh đất nào để mà làm văn tự. Bởi lẽ đất đai ngày nay là của chung, nhưng mà nhà nước quản lý. 

Người yêu của con trai Lão Hạc vì tiền đi lấy thằng phó lý. Con trai Lão Hạc thất tình, đăng ký làm phu đồn điền cao su. Trước khi đi, anh nói với Lão Hạc: “Con biếu thầy ba đồng để thỉnh thoảng thầy ăn quà: xưa nay con ở nhà mãi cũng không nuôi được bữa nào, thì con đi cũng chẳng phải lo, thầy bòn vườn đất với làm thuê làm mướn thêm cho người ta thế nào cũng đủ ăn; con đi chuyến này cố chí làm ăn, bao giờ có bạc trăm con mới về, không có tiền, sống khổ sống sở ở cái làng này, nhục lắm!”. Không biết bạc trăm thời của Lão Hạc quý giá trị bao nhiêu? Nhưng có lẽ nhiều lắm, vì khi trở về làng với số tiền đó, anh không cảm thấy nhục nữa. 

Con cái Lão Hạc thời đại bây giờ ra sao? Đi làm công nhân, đi làm Ô-shin với đồng lương “ba đồng, ba cọc”, sống chui rúc trong những ngôi nhà trọ tồi tàn, diện tích không quá 15m2, mơ một ngôi nhà đơn sơ giống như mơ được sống trong những câu chuyện thần tiên. Người khá hơn, chạy vạy kiếm được vài trăm triệu, lo cho con được đi lao động nước ngoài, dẫu có đỡ khổ hơn, nhưng vẫn mang tiếng là đi ở đợ cho ngoại quốc. Những con gái của Lão Hạc, nhan sắc thuộc diện tầm tầm, không ruộng vườn, không đất đai phải lặn lội lên tận Sài Gòn hoa lệ, hay Hà Nội thành đô để bán bia ôm, làm gái đĩ; có những đứa nhan sắc trội hơn, đành chấp nhận làm vợ cho những anh chồng già xứ người, chịu trăm đắng, nghìn cay để mong được đổi đời. 

Lão Hạc ở nhà một mình, sống trong cảnh đói nghèo thê thảm. Trước lòng tốt của ông giáo, nhưng vì ý thức thân phận của người nghèo khổ, hay là do lòng tự trọng, liêm sỉ, nên Lão đã không nhận bất cứ sự trợ giúp nào từ phía ông giáo. Thậm chí, khí bán con Vàng, cái khoảnh khắc Lão “cố làm ra vui vẻ”, nhưng vẫn không giấu được khuôn mặt “cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước”. Nỗi đau đớn cố kìm nén ấy cứ dày dò lương tâm, bởi trước đó, con Vàng đã từng là bầu bạn với Lão, Lão khóc hu hu... Cuối cùng, Lão cũng phải bật ra câu nói não nề nhưng hết sực thật lòng của con người thiện lương: “Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi mà còn đánh lừa một con chó!”. Sự ân hận của Lão Hạc cũng bình thường thôi. Bởi bản chất của những con người nhân hậu, những người nông dân chân đất sống trọn thủy, trọn chung và giàu lòng nhân nghĩa đã được Nam Cao bộc lộ trong những đoạn văn đầy nước mắt. 

Nhưng hôm nay lại xuất hiện những con người không phải lừa một vài con chó, mà lừa cả một dân tộc mà không hề “ầng ậng nước mắt”, không hề “cười như mếu và khóc hu hu...”. Đất nước Việt Nam này có còn bao nhiêu thằng Bỉnh Tư. Hãy giao cho bọn phản bội rất, rất nhiều phần bã chó. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo