Một dùi cui có thể gây thương tích mấy tuần cho vài người
Một ngòi bút có thể gây tổn hại chục năm cho hàng triệu tâm hồn
Ông Nguyễn Ngọc Năm là một chiến binh
cầm bút trung thành. Ông Hàn Phi Long cũng rứa. Cả hai công tác tại Trung tâm Tin của Đài Tiếng nói Việt Nam,
với chức năng nhiệm vụ được ghi tại http://tinvov.vn/VeTrungTamTin.aspx:
“Trung
tâm Tin (NewsCenter) là đơn vị sản xuất, khai thác tin, bài từ các nguồn; là đầu mối duy nhất tiếp nhận, quản lý, biên tập, xử lý tin, bài
của các Cơ quan thường trú và tin của phóng viên, biên tập viên trong Đài.”
Tại trung tâm đầu mối quan
trọng ấy, ông Ngọc Năm giữ trọng trách Trưởng phòng Thời sự, Chính trị - Kinh tế.
Mặc dù bản thân bị quân ta đánh
tả tơi khi thi hành công vụ
trong chiến dịch cưỡng chế ở Văn Giang, ông Ngọc Năm vẫn nghiến răng chịu đựng để
công bố bài “Hoàn thành cưỡng chế 72 ha đất ở Văn Giang - Hưng Yên” (xem Phụ lục 1), trong đó tường thuật:
“Ngày 24/4, UBND huyện Văn Giang (Hưng Yên) đã tiến hành cưỡng chế giải phóng mặt bằng 72 ha đất
nông nghiệp, thuộc xã Xuân Quan, theo đúng quy định
của pháp luật, để bàn giao cho nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị
Thương mại - Du lịch Văn Giang...”
Để viết bài
này thì chỉ cần chép từ tài liệu của chính quyền, chẳng phải xuống hiện trường
làm chi cho vất vả và nguy hiểm. Thế nhưng hai ông vẫn ra quân. Vì sao ư? Hãy bớt chút thời
gian, đọc bản tường trình của Nguyễn Ngọc Năm gửi lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt
Nam (xem Phụ lục 2) thì sẽ rõ.
Ông Ngọc Năm viết:
“Ngày 23/4/2012, tôi tham gia buổi họp
báo do Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức. Tại cuộc họp này, sau khi nghiên cứu
thông cáo báo chí, tôi có một số câu hỏi trên tinh thần ủng hộ chủ trương của tỉnh, như: ‘Ngày nào tổ chức
cưỡng chế? Công tác chuẩn bị như thế nào để đảm bảo an toàn tuyệt đối? Nhà báo đến tác nghiệp, đưa tin có được không? Với những đối
tượng cầm đầu, lôi kéo, kích động thì phân loại, xử lý như thế nào?’.”
Vâng, chỉ cần
“nghiên cứu thông cáo báo chí” do Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên phân
phát thì ông Ngọc Năm đã có đủ cơ sở để “ủng hộ chủ
trương của tỉnh”. Hơn thế nữa, nếu không
phải là người am hiểu và “ủng hộ chủ trương của tỉnh”, trong đó
có chủ trương cấm báo chí, thì ông sẽ không thể nghĩ ra câu hỏi “nhà báo đến
tác nghiệp, đưa tin có được không?” Bởi lẽ, đến tác nghiệp, đưa tin là quyền
và nghĩa vụ của nhà báo. Hơn nữa, nếu việc cưỡng chế là đúng, là tử tế, thì
chính quyền lại càng phải vận động báo chí đến chứng kiến và tường thuật, để tránh
dư luận hiểu lầm. Câu hỏi khác thường của ông Ngọc Năm thuộc dạng “tối đến có được ngủ hay không”, khiến
người ta hiểu rằng nó không đơn thuần là một câu hỏi, mà chứa cả hướng trả lời,
và phảng phất hương vị đồng tình. Khi bị công an bắt và bị hỏi “Tỉnh Hưng
Yên đã cấm báo chí, anh thấy như thế nào?”, thì ông vẫn thể hiện chính kiến
bằng câu trả lời né tránh: “Tôi không bình luận gì về việc cấm đó của tỉnh
Hưng Yên”.
Suy luận trên
không mâu thuẫn với thực tế là ông Ngọc Năm vẫn cùng ông Phi Long đến Văn Giang, bởi lẽ ông
hiểu rằng mình không nằm trong cái vòng báo chí chung chung ấy, mà thuộc vào
cánh quân đặc biệt, với sứ mệnh đặc biệt, như chính ông viết trong bản tường
trình:
“Ngày 24/4/2012, là ngày tiến hành việc
cưỡng chế tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tôi tiếp tục được cử đến hiện trường
nắm bắt thông tin, báo cáo tình hình để có tuyên
truyền đúng định hướng.”
Không chỉ “tuyên
truyền đúng định hướng” một cách thụ động, ông Ngọc Năm còn tham gia “định hướng tuyên truyền”:
“Với
thái độ hết sức kiềm chế, bình tĩnh, tôi đã khai đúng như những gì tường trình ở
trên. Nói rõ mục đích đến Xuân Quan là để nắm tình
hình cho định hướng tuyên truyền...”
Với
tư duy như vậy, ông Ngọc
Năm đã đặt câu hỏi thứ tư trong buổi họp báo: “Với
những đối tượng cầm đầu, lôi kéo, kích động thì phân loại, xử lý như thế nào?” Đấy mới là đối tượng chính của “tuyên truyền đúng định
hướng”. Còn việc ngăn chặn và xử lý những hành vi sai trái của lực lượng cưỡng
chế (nếu có) thì “nằm ngoài vùng phủ sóng”, ông không quan tâm.
Ngay cả khi phải
viết bản tường trình về việc bản thân bị lực lượng cưỡng chế đánh đập, ông Ngọc
Năm cũng tranh thủ thực thi nhiệm vụ “tuyên truyền đúng định hướng”:
“… một bên là vài trăm người dân (đứng ngoài đường trước
cửa nhà văn hóa thôn 1). Hàng rào cảnh sát ngăn cản không cho mọi người ra
đồng. Một nhóm người ném gạch đá vào hàng rào cảnh
sát liên tục. Nhưng lực lượng cảnh sát chỉ giơ khiên đỡ mà chưa có hành động
chống trả nào.”
Đoạn tường
thuật sinh động trên cũng xuất hiện gần như nguyên văn trong bản tường trình
của Hàn Phi Long (xem
Phụ lục 3):
“… một bên là vài trăm người dân (đứng ngoài đường trước
cửa nhà văn hóa thôn 1). Một bên là hàng rào cảnh sát ngăn cản không cho mọi
người ra đồng. Một nhóm người ném gạch đá vào hàng
rào cảnh sát, nhưng lực lượng cảnh sát chỉ giơ khiên đỡ mà chưa có hành động
chống trả nào.”
Hãy
so sánh hai đoạn vừa trích dẫn! Dài 59 – 60 chữ mà giống nhau gần hết, chỉ bị sai
lệch có vài ba chữ, thật là kỳ diệu. Nếu không cùng được tôi luyện trong một lò
đào tạo mẫu mực, thì liệu hai người khác nhau có thể phát ngôn giống nhau, như
đã dày công học thuộc lòng cùng một kịch bản hay không?
Chưa hết, hãy nghe ông Ngọc
Năm kể tiếp:
“Tôi thấy tình hình khá phức tạp nên dùng điện thoại di động quay cảnh những người quá khích
hò hét, ném gạch với thời lượng 33 giây rồi cất máy vào túi…”
“Sau thời gian
tấn công lực lượng cưỡng chế bằng gạch đá chưa đạt kết quả, nhóm người này lại
ném ‘bom xăng’. Lực lượng cưỡng chế buộc phải nổ pháo.”
Còn ông Phi Long, khi công
an hỏi “Sao đã
cấm quay phim, chụp ảnh, anh còn chụp ảnh?” thì trả lời:
“Khi đó tôi thấy
phía người dân có những hành vi rất quá khích, ném gạch đá, chai xăng về phía
lực lượng cưỡng chế, nhưng tôi thấy họ rất nhẫn nhịn chịu đựng mà không có phản
ứng gì. Tôi chụp ảnh để làm tư liệu về việc người dân có những hành vi vi phạm
nghiêm trọng để làm tư liệu khi cần thiết. Như vậy mục đích chụp ảnh của tôi là
rất rõ ràng”.
Qua nhãn quan của hai phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, bạn đọc thấy rõ là “người dân có những hành vi vi phạm
nghiêm trọng”, “rất quá khích” và chống người thi hành công vụ một
cách thô bạo. Còn lực lượng cưỡng chế thì sao? Dân
càng quá khích và hung hãn bao nhiêu, thì lực lượng cưỡng chế lại càng “nhẫn nhịn chịu đựng” bấy nhiêu, “chỉ giơ khiên đỡ mà chưa có hành động
chống trả nào”. Khi người dân “ném
bom xăng” thì lực lượng cưỡng chế chỉ “nổ pháo” (có lẽ cũng vui tai
như pháo mừng xuân thuở chưa bị cấm), và đấy cũng chỉ là việc mà họ “buộc
phải” làm.
Nếu không
có trục trặc phát sinh khi hợp đồng tác chiến, thì có lẽ huyền thoại trên đã được
Ngọc Năm và Phi Long truyền qua Đài Tiếng nói Việt Nam, đến hàng chục triệu đồng
bào trên mọi miền của Tổ quốc. Và dân ta lại được giáo dục bằng những giáo
trình có chung định hướng với bài “Khẩn
trương điều tra, làm rõ vụ việc tại Viện Hán Nôm” của Quốc An đăng
trên báo Quân đội nhân dân và bài “Ủng
hộ chính sách của Nhà nước, một thương binh nặng bị hành hung” của
Hoàng Linh đăng trên báo Báo Cựu chiến binh ngày 19/05/2012. May thay, trận đòn đồng đội đã làm hai ông cụt
hứng, nên ca chưa trọn bài.
Ngoài việc bản thân bị
quân ta đánh oan, Ngọc
Năm và Phi Long không đề cập bất kỳ một sai phạm nào khác của cuộc cưỡng chế. Hẳn
Ngọc Năm chưa quên người phụ nữ cùng bị bắt và cũng bị còng tay như ông, đã
giúp ông móc điện thoại từ trong túi, và nói với ông rằng: “Vì anh mà tôi bị
đánh...”. Đó chính là bà Ngô Thị Ánh, người đã hô bà con cứu hai ông, nên bị công an đánh
đập và bắt
giam. Ấy vậy mà trong tường trình của ông, câu chuyện của bà Ánh được nhắc tới
mới nhẹ nhàng làm sao:
“Trên xe, chị phụ nữ cho tôi biết ‘thấy chúng tôi bị đánh
đập vô cớ, chị chạy theo thì bị bắt’.”
“Chạy theo thì bị bắt”, chỉ
vậy thôi. Ngòi bút từng trải không hề lạc đề sang chuyện bà Ánh bị đánh.
Cuối cùng,
ông Ngọc Năm chỉ đề nghị “Lãnh đạo Công an tỉnh Hưng Yên cần… làm rõ sự việc”
đánh nhà báo (tức là đánh bản thân hai ông). Bên cạnh “trách nhiệm (bồi thường)
sức khỏe, danh dự”, ông chỉ yêu cầu những người có lỗi phải “chân thành
nhận lỗi, rút kinh nghiệm”. Quân của hai binh chủng khác nhau đánh nhầm
nhau khi phối hợp tác chiến cũng là chuyện thường tình, việc gì phải kỷ luật
hay truy tố. “Chín bỏ làm mười” để cùng nhau lo việc lớn. Thậm chí, có lẽ lo
lãnh đạo của mình vì quá thương lính mà sinh ra nóng nảy, lại ảnh hưởng không tốt
đến đại cục, nên ông Ngọc Năm còn “đề xuất: Đài TNVN cần tỏ rõ thái độ mềm dẻo...”
Bản tường
trình của Ngọc Năm và Phi Long đã phác họa chân dung chiến binh cầm bút tuyệt đối
trung thành với… định hướng. Trận đòn của lực lượng cưỡng chế tuy gây chút đau
đớn, nhưng lại họ cơ hội ngàn vàng để thể hiện lòng son sắt với phía cầm cương.
Một số người
phỏng đoán rằng Ngọc Năm và Phi Long đến Văn Giang để tìm hiểu sự thật, đặng bảo
vệ người dân. “Khen
nhau như thế bằng mười hại nhau”. Chớ nói vậy mà oan cho họ, lại ảnh hưởng đến sinh mạng
chính trị và đường thăng tiến của họ, rồi ai đó lại phán rằng: “Thế thì bị quân ta nện cho cũng đáng đời lắm”.
*
Nói thêm cho rõ ý
Có
ý kiến cho rằng: Sao lại phê phán, khi hai ông Nguyễn Ngọc Năm và Hàn Phi
Long đang cùng Đài Tiếng nói Việt Nam đề nghị chính quyền Hưng Yên điều tra,
làm rõ vụ việc đánh nhà báo?
Xin thưa: Làm
như vậy, họ mới chỉ hành động với tư cách của người bị hại và cơ quan có người
bị hại.
Điều mà họ cần
phải thể hiện là: Với tư cách nhà báo và cơ quan báo chí hàng đầu, đã trực
tiếp chứng kiến những điều sai trái của cuộc cưỡng chế, thì chính họ phải đưa sự
thật ra công luận, chứ không thể chỉ làm đơn đề nghị ai đó điều tra. Và điều họ
phải quan tâm đề cập là cuộc sống của muôn dân, chứ không chỉ số phận của bản
thân và đồng nghiệp.
Nếu đưa
tin lảng tránh sự thật, thậm chí bóp méo sự thật, thì họ không chỉ lừa nhân dân,
mà còn lừa cả bộ máy lãnh đạo của chính mình.
Hà Nội, ngày 21/05/2012
*
Phụ
lục 1 (Bài đăng trên http://vov.vn/ vào lúc 2:49 PM, ngày
26/04/2012)
(VOV)
- UBND huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đã hoàn thành việc cưỡng chế giải phóng
mặt bằng ở xã Xuân Quan để bàn giao cho nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị
Thương mại - Du lịch Văn Giang.
Ngày
24/4, UBND huyện Văn Giang (Hưng Yên) đã tiến hành
cưỡng chế giải phóng mặt bằng 72 ha đất nông nghiệp, thuộc xã Xuân
Quan, theo đúng quy định của pháp luật,
để bàn giao cho nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị Thương mại - Du lịch Văn
Giang.
Trong
72 ha đất giao đợt này có hơn 66 ha đã được các hộ dân nhận tiền đền bù, hỗ trợ
và bàn giao đất; còn lại 5,8 ha thuộc 166 hộ không nhận tiền đền bù, hỗ trợ
phải tiến hành cưỡng chế. Nhà đầu tư đã nhận bàn giao mặt bằng lúc 16h30 chiều
cùng ngày.
Dự
án Khu đô thị Thương mại - Du lịch Văn Giang được Thủ tướng Chính phủ chấp
thuận tháng 3/2003; chính thức ban hành Quyết định thu hồi và giao đất tháng 6
năm 2004. Dự án có quy mô gần 500 ha thuộc 3 xã Phụng Công, Cửu Cao, Xuân Quan
của huyện Văn Giang, do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng
làm chủ đầu tư.
Dự
án nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và quy hoạch Vùng thủ đô Hà Nội;
quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 đã
được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.
Ngọc Năm/VOV-Trung tâm tin
*
Phụ
lục 2 (Bản tường trình của Nguyễn Ngọc Năm)
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
BẢN TƯỜNG TRÌNH
(Vụ việc đánh phóng viên VOV tại Văn Giang, Hưng Yên ngày
24-04-2012)
Kính gửi: Lãnh đạo Đài
Tiếng nói Việt Nam
Lãnh
đạo Trung tâm Tin.
Tôi là Nguyễn Ngọc Năm, Trưởng phòng Phóng viên Thời sự
Chính trị - Kinh tế, Trung tâm Tin xin trình bày sự việc bị lực lượng cưỡng chế
đánh vào sáng 24/4/2012 tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên như
sau:
Tôi được giao nhiệm vụ theo dõi, đưa tin, nắm tình hình
để báo cáo vụ việc cưỡng chế ở huyện Văn Giang.
Ngày 23/4/2012, tôi tham gia buổi họp báo do Văn phòng
UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức. Tại cuộc họp này, sau khi nghiên cứu thông cáo báo
chí, tôi có một số câu hỏi trên tinh thần ủng hộ chủ
trương của tỉnh, như: “Ngày nào tổ chức cưỡng chế? Công tác chuẩn bị
như thế nào để đảm bảo an toàn tuyệt đối? Nhà báo
đến tác nghiệp, đưa tin có được không? Với những đối tượng cầm đầu, lôi kéo,
kích động thì phân loại, xử lý như thế nào?”.
Những câu hỏi của tôi đã được chủ trì họp báo trả lời và
lãnh đạo các ban, ngành cùng nhiều đồng nghiệp dự họp báo đồng tình.
Ngày 24/4/2012, là ngày tiến hành việc cưỡng chế tại xã
Xuân Quan, huyện Văn Giang, tôi tiếp tục được cử đến hiện trường nắm bắt thông
tin, báo cáo tình hình để có tuyên truyền đúng định
hướng.
Tôi chấp hành chỉ đạo của cấp trên, đồng thời cử phóng
viên Hán Phi Long đi cùng bằng xe máy, đến Xuân Quan lúc khoảng 9h00.
Chúng tôi vào hành lang Nhà văn hóa thôn 1, xã Xuân Quan
(nơi đang tụ tập đông người). Nhà văn hóa thôn (đang ở giai đoạn hoàn thiện)
liền kề Nghĩa trang liệt sĩ là nơi giáp ranh giữa khu dân cư với cánh đồng đang
bị cưỡng chế. Chúng tôi đứng quan sát một bên là hàng rào cảnh sát (đứng chắn ở
gần cổng nghĩa trang liệt sĩ); một bên là vài trăm
người dân (đứng ngoài đường trước cửa nhà văn hóa thôn 1). Hàng rào cảnh sát
ngăn cản không cho mọi người ra đồng. Một nhóm người ném gạch đá vào hàng rào
cảnh sát liên tục. Nhưng lực lượng cảnh sát chỉ giơ khiên đỡ mà chưa có hành
động chống trả nào.
Tôi thấy tình hình khá phức tạp nên dùng điện thoại di động quay cảnh những người quá khích hò
hét, ném gạch với thời lượng 33 giây rồi cất máy vào túi. Chúng tôi
tiếp tục đứng tại hành lang nhà văn hóa thôn cách đám đông tụ tập ở đường làng
chừng hơn 20 mét.
Sau thời gian tấn công lực lượng
cưỡng chế bằng gạch đá chưa đạt kết quả, nhóm người này lại ném “bom xăng”. Lực
lượng cưỡng chế buộc phải nổ pháo. Đám đông tán loạn, còn lực lượng cưỡng
chế từ phía cổng nghĩa trang liệt sĩ bắt đầu tiến lên.
Tôi vẫn đội mũ bảo hiểm màu trắng mang tên “Bảo Minh”
đứng tại hành lang nhà văn hóa thôn 1, thì thấy một nhóm cảnh sát và người mặc
thường phục đeo băng đỏ đi vào nghĩa trang liệt sĩ và nhảy qua hàng rào nghĩa
trang để sang khu vực nhà văn hóa thôn. Lúc đó tôi nhìn thấy phóng viên Hán Phi
Long vẫn đội mũ bảo hiểm đang đứng trên bờ móng nhà văn hóa thôn, tay cầm một
máy ảnh du lịch.
Đi đầu nhóm cưỡng chế là hai công an đến bên Phi Long hỏi
gì đó, rồi ngay lập tức xốc nách Long về sát chân tường nghĩa trang liệt sĩ.
Liền đó, một người đeo băng đỏ giật máy ảnh của Long; khoảng gần chục người
dùng dùi cui, gậy vụt vào người; liên tiếp đấm đá anh Long rất mạnh. Thấy vậy,
tôi đứng trong hành lang nhà văn hóa thôn, dùng điện thoại để quay hình ảnh
này. Nhưng chỉ quay được khoảng 10 giây, tôi thấy Long ôm bụng gục xuống. Theo
phản xạ tự nhiên, tôi dừng quay, chạy lại phía lực lượng cưỡng chế và hét lên
nhiều lần: “Chúng tôi là nhà báo, sao các anh lại đánh chúng tôi? Chúng tôi là
nhà báo, không được đánh …”.
Khi chạy tới nơi lực lượng cưỡng chế, tôi lại nói nhiều
lần “Chúng tôi là nhà báo làm nhiệm vụ, các anh đừng đánh…”. Họ không những
không nghe mà còn vặn hai tay tôi về phía sau, dùng gậy, dùi cui đánh vào
người, đấm đá vào mặt, vào ngực tôi. Lúc đó tôi lại tiếp tục hét lên nhiều lần
“Tôi là nhà báo, sao lại đánh tôi?”. Nhưng có người trong nhóm người cưỡng chế
còn chửi “Đ. M mày! Nhà báo cũng đánh cho chết mẹ mày đi”. Tôi bị mấy người vặn
tay về phía sau, dẫn giải về trước cửa nghĩa trang liệt sĩ và tiếp tục đánh hội
đồng. Một công an nói lớn “Đừng đánh vào mặt nó”… rồi tôi bị còng tay số 8, mũ
bảo hiểm rơi mất lúc nào không biết.
Còng tay tôi xong, một trung úy (cao, béo) và một thiếu
úy (thấp, gầy) áp giải tôi đi theo hướng cánh đồng đang bị cưỡng chế, đến một
con đường hai bên trồng tre để chờ xe thùng tới chở đi. Trên đường đi, tôi gặp
một số sĩ quan đeo lon thượng tá, trung tá liền nói “tôi là nhà báo” nhưng họ
lặng thinh. Một chiếc camera của lực lượng cưỡng chế đã ghi lại hình ảnh tôi bị
còng tay số 8 và hai sĩ quan công an áp giải.
Đợi khoảng hơn 10 phút, tôi bị đưa lên xe thùng cùng với
một phụ nữ khoảng ngoài 40 tuổi và một thanh niên 20 tuổi. Cả ba chúng tôi bị
còng. Khi lên xe, vị Trung úy áp giải tôi định thu điện thoại của tôi. Nhưng
tôi nói “Nếu thu điện thoại của tôi anh phải lập biên bản, vì tôi không biết
anh là ai, tên là gì. Điện thoại tôi mất thì ai phải đền? Tôi lại đang bị còng
thế này”. Thế là vị Trung úy nọ phải trả lại điện thoại vào túi áo ngực cho tôi.
Ngay khi tôi ở trên xe, nhận được điện thoại của anh Phi
Long (trước đó đã gọi mấy cuộc nhưng tôi không được nghe máy). Sau này tôi được
biết, Phi Long bị đánh đau, được mấy người can và khi tôi xuất hiện thì họ bỏ
Long lại để tấn công tôi, nên Phi Long chạy thoát vào một nhà vệ sinh gần đấy
với nhiều vết sưng tím trên mặt và vệt máu loang cả ra quần áo. Tôi nhờ chị phụ
nữ lấy điện thoại ra và nói cho Long biết: “Anh bị bắt về Công an huyện Văn
Giang. Em về Công an huyện đi”.
Trên xe, chị phụ nữ cho tôi biết “thấy chúng tôi bị đánh đập vô cớ,
chị chạy theo thì bị bắt”. Còn thanh niên kia nói rằng, chị gái anh
ta muốn đi lấy chồng nhưng do gia đình không chịu nhận tiền đền bù nên không
được đăng ký kết hôn. Cả hai đều nói là họ không có hành động gì, bị bắt oan.
Tôi được đưa đến trụ sở Viện kiểm sát nhân dân huyện Văn
Giang. Ngay khi biết tôi là nhà báo, cảnh sát đã tháo còng số 8, lập biên bản
tạm thu điện thoại và giấy tờ của tôi (gồm Thẻ Nhà báo; Thẻ Đảng viên; Chứng
minh nhân dân; Thẻ hội viên hội luật gia Việt Nam).
Lấy lời khai của tôi là một Thượng tá (không đeo
biển hiệu công an)
tự xưng tên là Tần. Với thái độ hết sức kiềm chế, bình tĩnh, tôi đã khai đúng
như những gì tường trình ở trên. Nói rõ mục đích đến
Xuân Quan là để nắm tình hình cho định hướng tuyên truyền và khẳng
định “Tôi là một nhà báo được cử đi làm nhiệm vụ, tôi không có gì sai. Mặt
khác, với việc cưỡng chế diễn ra công khai, thì nhà báo đến chứng kiến không có
gì sai?”.
Ngoài “Biên bản ghi lời khai”, tôi còn phải làm một BẢN
TƯỜNG TRÌNH. Tôi vẫn tường trình đúng sự việc như vừa nêu. Trong đó có yêu cầu
phía công an: “Tìm ra những người đã trấn áp, đánh đập chúng tôi; Cùm tay và áp
giải tôi như tội phạm hình sự nguy hiểm; Có trách nhiệm bồi thường tính mạng, sức
khỏe chúng tôi nếu có gì xảy ra…”. Tôi còn nhớ trong bản tường trình viết rất
rõ: “Bây giờ là 13 giờ ngày 24/4/2012, tôi không đủ bình tĩnh và thoải mái hoàn
toàn như lúc bình thường, nên những gì trình bày mới chỉ là ban đầu. Có chi
tiết nào chưa nhớ ra, tôi xin bổ sung sau”. Tiếp đó tôi xin phép gọi điện thoại
cho Phi Long, bảo Long sang trụ sở Viện kiểm sát để trình bày sự việc.
Khi tôi trình bày xong, cũng là lúc phóng viên Phi Long
tới trụ sở Viện kiểm sát nhân dân huyện Văn Giang, gặp Công an để tường trình
toàn bộ sự việc với một điều tra viên khác.
Chúng tôi được gặp nhau sau khi việc lấy lời khai kết
thúc. Sau đó, có hai bác sĩ được cử đến để khám tình trạng thân thể của chúng
tôi (có biên bản do công an giữ). Tôi thấy mặt, miệng Phi Long sưng vù; máu vẫn
rỉ ra khóe miệng; quần và áo đều dính nhiều vết máu. Sau đó, chúng tôi được
“mời” đi bộ sang trụ sở Công an huyện Văn Giang.
Khoảng hơn 13 giờ, chúng tôi được “mời” ăn cơm hộp với
công an. Phi Long đau miệng không ăn được cơm nên công an mua sữa để uống.
Đầu giờ chiều, tôi lại được một Thiếu tá (không đeo biển
hiệu) lấy lời khai lần thứ hai. Anh tự xưng tên là Tiến (đội trưởng đội trọng
án). Trước khi lấy lời khai, anh Tiến “xin được tâm sự” khá dài …với tôi.
Trong lần lấy lời khai này, tôi được anh Tiến hỏi “Anh có
thấy chúng tôi cắm biển cấm quay phim, chụp ảnh không?” Tôi trả lời “Không
thấy! Và nếu có thì việc làm đó là không đúng luật, vì không ai cấm quay phim,
chụp ảnh ở khu dân cư cả? Mặt khác, khi tôi đến thôn 1, phía sau những người tụ
tập, thì mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường”.
Hỏi “Tỉnh Hưng Yên đã cấm báo chí, anh thấy như
thế nào?”. Trả lời “Tôi không bình luận gì về việc cấm đó của tỉnh Hưng Yên”.
Hỏi “Sao anh đã đi họp báo, biết là cấm mà anh vẫn đến?”.
Tôi trả lời “Tôi được tiếp nhận thông tin tại họp báo là, để đảm bảo an toàn,
các nhà báo không nên đến khu vực cưỡng chế. Mặt khác, tôi không đến khu vực cưỡng chế ngoài cánh đồng, mà đến khu
dân cư. Và, tôi không thấy bất cứ một văn bản nào của cơ quan nhà
nước có thẩm quyền cấm nhà báo hoạt động khu vực này. Tại cuộc họp báo, đã có 2
nhà báo cho rằng, không để nhà báo đến đưa tin là vi phạm luật báo chí, nhưng
phía chủ trì họp báo không đưa ra kết luận nào cả”.
Hỏi “Sao đã cấm, anh còn quay phim?”. Tôi trả lời “Tôi
quay phim bằng điện thoại di động là theo yêu cầu nghề nghiệp để báo cáo tình
hình. Thời lượng quay chỉ từ 20 đến 30 giây, trong khi máy điện thoại của tôi
có thể quay hàng giờ đồng hồ. Như vậy mục đích quay phim của tôi đã rõ ”.
Hết phần lấy lời khai, theo đề nghị của tôi, anh Tiến
đồng ý đưa giấy cho tôi viết “ĐƠN ĐỀ NGHỊ” gửi ông Giám đốc Công an tỉnh Hưng
Yên. Trong đơn tôi trình bày sơ qua sự việc và có ba yêu cầu:
Thứ nhất: Lãnh đạo Công an tỉnh Hưng Yên cần có buổi
làm việc với lãnh đạo của chúng tôi để làm rõ sự việc. Ai có lỗi phải chân thành nhận lỗi, rút kinh nghiệm.
(Tìm ra ai là người đánh chúng tôi, ai là người ra lệnh?).
Thứ hai: Có trách nhiệm (bồi thường) sức khỏe, danh
dự của chúng tôi, nhất là với phóng viên Hán Phi Long.
Thứ ba: Kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc đối với
lực lượng cưỡng chế. Nếu không, những vụ cưỡng chế tương tự sẽ trấn áp tràn
lan, gây hậu quả xấu.
“ĐƠN ĐỀ NGHỊ” của tôi đưa cho anh Tiến sau buổi làm việc.
Sau đó, tôi đề nghị Công an đưa Phi Long đi chiếu chụp
tại Trung tâm y tế Văn Giang. Yêu cầu này được chấp thuận vào cuối giờ chiều
hôm đó. Chúng tôi được nhận lại tài sản như điện thoại, máy ảnh, các giấy tờ
tùy thân. Họ yêu cầu tôi xóa 2 đoạn clip trong máy điện thoại (33 giây quay lúc
9h23 phút và đoạn 10 giây quay lúc 9h28 phút).
Trong lúc anh Phi Long đi chụp phim, từ trụ sở Công an
huyện Văn Giang, tôi đã gọi điện báo cáo sự việc với đồng chí Giám đốc Trung
tâm Tin, Nguyễn Hoài Thu.
Sau khi anh Phi Long đi chiếu chụp về, anh Tiến (Thiếu
tá, đội trưởng đội trọng án); Anh Hồng (thượng tá, Trưởng phòng Cảnh sát hình
sự) đã xin lỗi chúng tôi về sự việc diễn ra buổi sáng. Chúng tôi về đến cơ quan
lúc 19 giờ ngày 24-04-2012. Tôi đi mua cho Long một chiếc áo sơ-mi để thay
chiếc áo có nhiều vết máu trước khi về nhà.
Lúc 21 giờ, tôi báo cáo toàn bộ sự việc với đồng chí Vũ
Hải như báo cáo đồng chí Nguyễn Hoài Thu lúc buổi chiều.
Kính thưa các đồng chí!
Những ngày sau, phóng viên Phi Long phải nghỉ ở nhà điều
trị vết thương và bớt căng thẳng. Tôi vẫn đi làm bình thường, tuy có đau một
chút ở phần mềm. Chúng tôi rất bình tĩnh, cố gắng không để sự việc xấu thêm.
Tuy nhiên, ngày hôm sau, trên rất nhiều trang mạng đã truyền nhau đoạn Clip
công an đánh chúng tôi. Một số phóng viên báo khác đã biết, hai người bị đánh
trong Clip là phóng viên VOV.
Ngày
26-04-2012, tôi có gọi điện cho một số vị lãnh đạo ở Hưng Yên. Trong đó, Giám
đốc Công an, ông Trần Huy Ngạn nói rằng chưa nhận được đơn của tôi; Ông Chánh
văn phòng UBND tỉnh Bùi Huy Thanh và Chánh văn phòng Tỉnh ủy Nguyễn Văn
Doanh hứa sẽ báo cáo lãnh đạo tỉnh về sự việc này. Sau đó, tôi có gọi điện cho
Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Văn Cường và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thông, nhưng
cả hai vị không nghe máy.
Qua
sự việc này, tôi đề xuất: Đài TNVN cần tỏ rõ thái độ
mềm dẻo, nhưng kiên quyết đối với sự việc phóng viên của Đài bị hành
hung. Cụ thể:
-
Nếu ĐƠN ĐỀ NGHỊ của tôi với Công an Hưng Yên được thực hiện và lãnh đạo công an
tỉnh Hưng Yên lên Hà Nội làm việc, thì Lãnh đạo Trung tâm Tin tiếp và giải
quyết.
-
Nếu ĐƠN ĐỀ NGHỊ của tôi với Công an Hưng Yên không được thực hiện, thì lãnh đạo
Đài TNVN, Liên chi hội nhà báo Đài TNVN có công văn gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng
Yên đề nghị tổ chức một buổi làm việc. Trong đó làm rõ: Những ai đã hành hung
phóng viên? Ai là người ra lệnh? Cần rút kinh nghiệm thế nào? Xử lý vấn đề ra
sao?
Nội
dung làm việc trên tinh thần xây dựng, với mục đích bảo vệ những phóng viên
khác khi hoạt động ở cơ sở, đồng thời nâng cao và bảo vệ uy tín của Đài TNVN.
Kính
mong các đồng chí xem xét, cho ý kiến.
Hà
Nội, ngày 26 tháng 4 năm 2012
NGƯỜI
VIẾT TƯỜNG TRÌNH
Nguyễn
Ngọc Năm
*
Phụ
lục 3 (Bản tường trình của Hán Phi Long)
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
BẢN TƯỜNG TRÌNH
(Vụ việc đánh phóng viên VOV tại Văn Giang, Hưng Yên ngày
24-04-2012)
Kính gửi: Lãnh đạo Đài
Tiếng nói Việt Nam
Lãnh đạo Trung tâm Tin.
Tôi là Hán Phi Long, phóng viên Phòng Phóng viên Thời sự
Chính trị - Kinh tế, Trung tâm Tin xin trình bày sự việc bị lực lượng cưỡng chế
đánh vào sáng 24/4/2012 tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên như
sau:
Sáng ngày 24/4/2012, khi đang ở trên phòng, tôi được anh
Nguyễn Ngọc Năm, Trưởng phòng gọi điện lên thông báo em đi với anh để xuống
hiện trường vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Văn Giang, Hưng Yên cùng nắm bắt thông
tin về vụ cưỡng chế giải phóng mặt bằng ở xã Xuân Quan. Tôi chấp hành chỉ đạo
của cấp trên, rồi cùng với anh Năm đi Hưng Yên bằng xe máy.
Chúng tôi đến xã Xuân Quan vào khoảng 9h00 sáng, sau khi
từ trên đê rẽ phải theo con đường bê tông đi vào trong làng, đi được khoảng mấy
trăm mét, tôi thấy rất đông người dân đang đứng ngoài đường với vẻ mặt rất căng
thẳng, chúng tôi không thể đi tiếp vào được. Sau đó tôi đã quay xe lại, để xe
vào sâu trong một con ngõ nhỏ là cổng của 1 hộ dân, tôi khóa xe và lấy máy ảnh
nhỏ du lịch mang theo. Khi ra đường tôi mới biết đây là đoạn đường cuối của
thôn để ra cánh đồng. Đứng quan sát tôi thấy cách đó khoảng 25-30m, đối diện
với những người dân là lực lượng cưỡng chế thi hành bao gồm công an mặc cảnh
phục, cảnh sát hình sự có khiên đỡ và cả lực lượng mặc thường phục, (có người
đeo băng đỏ, người không đeo), có người mang camera, máy ảnh quay phim.
Khi đó tôi thấy tình hình rất căng thẳng, một bên là vài trăm người dân (đứng ngoài đường trước cửa nhà
văn hóa thôn 1). Một bên là hàng rào cảnh sát ngăn cản không cho mọi người ra
đồng. Một nhóm người ném gạch đá vào hàng rào cảnh sát, nhưng lực lượng cảnh
sát chỉ giơ khiên đỡ mà chưa có hành động chống trả nào. Do sợ khi
đứng lẫn trong đám đông này kiểu gì cũng bị “tai bay vạ gió” vì rất hỗn loạn,
tôi và anh Năm đã đi vào Nhà văn hóa thôn (đang ở giai đoạn hoàn thiện), cách
đường có người dân tụ tập khoảng 30m, liền kề Nghĩa trang liệt sĩ là nơi
giáp ranh giữa khu dân cư với cánh đồng đang bị cưỡng chế. Chúng tôi đứng quan
sát.
Sau đó tôi lấy máy ảnh, ra đứng trên tường bao sân của
nhà văn hóa đang xây dở để chụp 2 kiểu ảnh làm tư liệu. Lực lượng cưỡng chế từ
phía cánh đồng và nghĩa trang liệt sĩ bắt đầu tiến lên.
Một nhóm cảnh sát và cảnh sát cơ động lúc này từ trong
nghĩa trang liệt sỹ trèo qua tường rào, tiến về phía nhà văn hóa. Lúc này tôi
vẫn đội mũ bảo hiểm màu trắng, tay cầm máy ảnh du lịch đứng tại hành lang nhà
văn hóa không chụp ảnh nữa. Đi đầu nhóm cưỡng chế tiến về phía tôi đứng là hai
công an, một anh thấp nhỏ đeo lon thượng úy đến bên tôi. Một ai đó chửi và hỏi:
“Đ. M thằng kia là thằng nào mà vào đây chụp ảnh?” Tôi trả lời ngay: “Tôi
là phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam” 2 lần. Nhưng họ không nghe, rồi xốc nách
tôi kéo về sát chân tường nghĩa trang liệt sĩ. Lúc này tôi nói lớn hơn, liên
tiếp: “Tôi là nhà báo ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Có gì các anh để tôi giải thích
chứ sao lại lôi tôi thế này”? Liền đó, mấy công an viên và những người mặc
thường phục khác lao vào, chửi: “Đ.M mày giải thích con mẹ mày à? Đấm chết con
mẹ mày đi”.
Một người lao vào giật máy ảnh trên tay tôi, nhiều công
an và người không mặc sắc phục lao vào dùng dùi cui, tay không đấm, đạp, vụt
vào mặt, người tôi, lên gối vào ngực tôi, liên tiếp đấm đá, vụt tôi rất mạnh.
Lúc này tôi đau quá, máu trên mặt chảy ướt hết áo và quần của tôi, tôi choáng
váng gục ngã vào chân tường rào của nghĩa trang liệt sỹ. Mấy bà cụ đứng cạnh đó
để xem vụ cưỡng chế thấy vậy mới hô hoán lên rằng, “sao đánh người vô cớ thế,
đánh chết người ta rồi”…Thấy vậy, anh Năm lúc đó mới chạy ra và hô hoán nhiều
lần: “Chúng tôi là nhà báo, sao các anh lại đánh chúng tôi? Chúng tôi là nhà báo,
không được đánh …”.
Sau khi gục xuống đường, mấy công an kia bỏ tôi ra và lao
về phía anh Năm đánh anh Năm, khi đó chỉ còn vài công an ở chỗ tôi, tôi đã bám
theo mấy cụ già kia trốn vào trong một vườn cây gần đó.
Thấy máu trên mặt tôi vẫn chảy rất nhiều, mấy bà cụ liền
bảo là phải vào trạm xá gần đây để băng bó lại, không thể để thế được và đưa
tôi đi vòng phía mấy vườn cây vào phía sau trạm xá. Vào đến nơi, tôi được mấy
nữ nhân viên y tế ở đây sơ cứu, lau vết rách trên môi cho tôi và bảo “Chảy máu
nhiều như thế thì nên nằm xuống nghỉ tí đi cho đỡ choáng váng đã”. Sau khi nằm
khoảng 10 phút, tôi lấy điện thoại gọi cho anh Năm, nhưng gọi mãi không được.
Lo cho anh Năm nên tôi lại đội mũ bảo hiểm vào và đi ra phía cổng trạm xá. Lúc
này lực lượng cưỡng chế là công an, cảnh sát cơ động vẫn đứng rất đông ở đó,
tôi thấy có một người đeo quân hàm thượng tá cảnh sát cơ động, tôi trình thẻ
phóng viên Đài TNVN ra và nói: “Chúng tôi là phóng viên Đài TNVN xuống đây có 2
người, nhưng vừa rồi trong lúc chúng tôi bị công an đánh, có đồng chí Ngọc Năm
là Trưởng phòng của tôi cũng bị đánh và hiện tôi không thể liên hệ được, các
anh ở đây có thể liên hệ ra phía ngoài được hỏi cho tôi tình hình và đề nghị
đừng đánh phóng viên nữa”. Ông thượng tá kia nói đang “như thế này thì không
biết đâu, không giải quyết gì cả”, rồi quay đi.
Lúc này tôi rất hoang mang và lo cho anh Năm, vì tôi đã
thoát ra ngoài được còn anh Năm thì không thể liên lạc được, tôi quay vào trong
trạm xá, ngồi đó một lúc. Tôi tiếp tục gọi điện thoại cho anh Năm, sau đó cũng
thấy nhấc máy, anh Năm hỏi: “chú thế nào rồi, có bị bắt không? Tôi nói em trốn
thoát rồi, không bị bắt. Anh Năm nói anh bị bắt, còng tay, đang trên xe thùng
về công an huyện rồi. Em về ngay công an huyện để trình báo cho họ biết”
Lúc này máu trên mặt tôi vẫn tiếp tục chảy ra, nhưng tôi
cũng cố lại đi vòng qua sau một số vườn cây của những hộ dân ở đây, để ra ngoài
đường (tôi thật sự lại bị bắt và đánh tiếp). Sau đó đi xuống công an huyện Văn
Giang. Tại đây sau khi trình thẻ ở cổng công an cho người bảo vệ, tôi được chỉ
vào trong một phòng của đội cấp chứng minh nhân dân, tại đây tôi được một
công an đeo quân hàm cấp úy tiếp. Tôi trình thẻ phóng viên, trình bày sự việc
cho anh này, sau đó anh này bảo tôi ngồi đợi và vào báo cáo lãnh đạo. Anh này
cầm thẻ phóng viên của tôi đi khoảng nửa tiếng, sau đó quay lại đưa cho tôi.
Bảo đợi “sếp” làm việc.
Tôi ngồi ở đó hơn 1 tiếng đòng hồ, không thấy ai nói gì,
ra làm việc hay hướng
dẫn
tôi đi đâu. Lúc này tôi tiếp tục gọi điện thoại cho anh Năm và nói rằng: “Em
đang ở công an huyện Văn Giang đây, anh ở đâu” anh Năm nói “anh đang bên Viện
kiểm sát, em sang đây đi”. Tôi lại đi sang Viện kiểm sát, ngồi đợi ở đây một
lúc. Tôi hỏi mấy nhân viên ở đây, họ nói “Có anh Năm đang ở đây và đang làm
việc với cơ quan công an, anh cứ ngồi ngoài chờ đi”.
Tôi chờ khoảng gần 1 tiếng, thấy lâu quá tôi liều đi vào
phòng nơi đang lấy lời khai của anh Năm. Lúc này có 1 viên công an đang ghi
biên bản lời khai của anh Năm, thấy mặt mũi tôi máu me bê bết, sưng tấy nhiều
chỗ, anh Năm nói “Đây là phóng viên Phi Long, bị công an đánh đến thế này đây”,
lúc đó khoảng 12 giờ trưa.
Sau khi lấy lời khai của anh Năm xong, đến phần việc của
bác sĩ vào kiểm thể (kiểm tra thương tích) thấy tôi như vậy, anh Năm đề nghị
kiểm tra cho 2 người. Hai người được nói là bác sĩ đến kiểm tra tra thương
tích, ghi biên bản xong. Lúc này trên mặt tôi máu vẫn rỉ ra khóe
miệng; mặt
mũi sưng phù nề, quần
và áo đều dính nhiều vết máu. Sau đó, chúng tôi được “mời” đi bộ sang trụ sở
Công an huyện Văn Giang.
Khoảng hơn 13 giờ, chúng tôi được mời ăn cơm hộp với công
an. Tôi nói, bị đau, không thể há miệng được nên không thể ăn được cơm được,
các anh cho tôi hộp sữa để tôi uống.
Đầu giờ chiều, tôi được một Đại úy (không đeo biển hiệu)
giới thiệu tên Trưởng, Phòng Hình sự công an Hưng Yên lấy lời khai của tôi.
Tôi được anh Trưởng hỏi “Ai cử các anh về đây làm việc,
có giấy quyết định gì không?”. Trả lời, “Tôi được Trưởng phòng là lãnh đạo trực
tiếp của tôi phân công về đây”. Hỏi ai cử trưởng phòng anh đi. Tôi nói bên
chúng tôi làm việc rất nguyên tắc, cấp trên của Trưởng phòng cử đi”.
Anh Trưởng hỏi “Anh có thấy chúng tôi cắm biển cấm quay
phim, chụp ảnh không?” Tôi trả lời “Không thấy! Và nếu có thì việc làm đó là
không đúng luật, vì không ai cấm quay phim, chụp ảnh ở khu dân cư cả? Mặt khác,
khi tôi đến thôn 1, phía sau những người tụ tập, thì mọi sinh hoạt vẫn diễn ra
bình thường”.
Hỏi “Tỉnh Hưng Yên đã cấm báo chí, anh có biết không?”.
Trả lời “Tôi không biết gì về quy định này, đến thời điểm hiện tại tôi chưa nhận
được bất cứ văn bản nào, ai ký gửi đến cho các cơ quan báo chí. Nên tôi đến đây
là hoàn toàn phù hợp và đúng theo Luật quy định”.
Hỏi “Hôm qua anh có đi dự buổi họp báo của tỉnh Hưng Yên
không”. Tôi trả lời “Tôi không đị dự, có người khác nên tôi không biết.”.
Hỏi “Sao đã cấm quay phim, chụp ảnh, anh còn chụp ảnh?”.
Tôi trả lời “Khi đó tôi thấy phía người dân có những
hành vi rất quá khích, ném gạch đá, chai xăng về phía lực lượng cưỡng chế,
nhưng tôi thấy họ rất nhẫn nhịn chịu đựng mà không có phản ứng gì. Tôi chụp ảnh
để làm tư liệu về việc người dân có những hành vi vi phạm nghiêm trọng để làm
tư liệu khi cần thiết. Như vậy mục đích chụp ảnh của tôi là rất rõ ràng ”.
Hết phần lấy lời khai, theo đề nghị Công an đưa tôi đi
chiếu chụp tại Trung tâm y tế Văn Giang. Yêu cầu này được chấp thuận vào cuối
giờ chiều hôm đó. Chúng tôi được nhận lại tài sản như điện thoại, máy ảnh, các
giấy tờ tùy thân. Trước đó, họ đã xóa mấy bức ảnh tôi chụp.
Sau khi tôi đi chiếu chụp về, anh Tiến (Thiếu tá, đội
trưởng đội trọng án); Anh Hồng (thượng tá, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự) đã
xin lỗi chúng tôi về sự việc diễn ra buổi sáng. Ngay lúc đó anh Năm đã viết 1
bản kiến nghị lên lãnh đạo công an tỉnh Hưng Yên yêu cầu làm rõ vụ việc, anh
Tiến đã tiếp nhận đơn và hứa chuyển cho lãnh đạo xem xét. Chúng tôi về đến cơ
quan khoảng hơn 19 giờ ngày 24-04-2012. Tôi được anh Năm mua cho một chiếc áo
sơ-mi để thay chiếc áo có nhiều vết máu, đứt khuy áo trước khi về nhà.
Những ngày sau, tôi phải nghỉ ở nhà điều trị vết thương
và bớt căng thẳng. Chúng tôi rất bình tĩnh, cố gắng không để sự việc xấu thêm.
Tuy nhiên, ngày hôm sau, trên rất nhiều trang mạng đã truyền nhau đoạn Clip
công an đánh chúng tôi. Một số phóng viên báo khác đã biết, hai người bị đánh
trong Clip là phóng viên VOV.
Do phải nghỉ việc gần hai tuần để điều trị vết thương và
ổn định tinh thần nên tôi viết bản tường trình chậm hơn. Rất mong lãnh đạo Đài,
các cơ quan có thẩm quyền biết và giải quyết vụ việc này, với mục đích bảo vệ
những phóng viên khác khi hoạt động ở cơ sở, đồng thời nâng cao và bảo vệ uy
tín của Đài TNVN.
Kính mong các đồng chí xem xét, cho ý kiến.
Hà Nội, ngày 3 tháng 5 năm 2012
NGƯỜI VIẾT TƯỜNG TRÌNH
Hàn Phi Long