Nguyễn Quang Lập (Quê Choa Blog) - Báo Việt Nam+ loan tin: Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành TW Đảng khóa XI (tại đây) với bài diễn văn quan trọng của TBT Nguyễn Phú Trọng (Xem toàn văn tại đây) bàn đến những vấn đề rất nóng hổi: sửa đổi hiến pháp 1992, luật đất đai, chống tham nhũng và cải tiến chế độ tiền lương. Tóm lại Hội nghị lần này là để “Chỉ rõ những kết quả, mặt tích cực đã đạt được; những hạn chế, bất cập còn tồn tại và nguyên nhân” của cả bốn vấn đề trên, đặc biệt là “nguyên nhân gốc rễ” gây ra những “hạn chế, bật cập” đó là gì, như TBT đã nhấn mạnh trong phần chống tham nhũng.
Tất nhiên là vậy rồi, nếu không tìm ra được nguyên nhân gốc rễ thì việc chạy chữa phòng chống chắc chắn sẽ không đi đến đâu, NQ4 sẽ không bao giờ thành công. Đấy là nói thành công thực sự chứ thành công nhờ cái loa như xưa nay vẫn thành công thì chẳng nói làm gì.
Bốn vấn đề bao la sâu rộng mình không đủ trình độ và thời gian để nói hết, chỉ xin nói đôi ba câu về chống tham nhũng và luật đất đai, hai vấn đề nóng bỏng nhất hiện thời.
Nguyên nhân gốc rễ đẻ ra tham nhũng là gì? Đấy là cơ chế tạo ra quyền lực tuyệt đối. Trong bài Độc tài (tại đây) Huy Đức đã dẫn ra câu nói nổi tiếng của Lord Acton, nhà sử học người Anh (1834-1902): “Quyền lực có khuynh hướng tha hóa, quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối”. Đó là một chân lý cho bất kì ai muốn tẩy trừ tham nhũng đến tận gốc rễ của nó. Trong bài phát biểu của mình, TBT đã đề cập đến 7 nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém trong việc chống tham nhũng. 7 nguyên nhân đó, hoặc nhiều hơn nữa, đều đúng cả. Nhưng tất cả các nguyên nhân đó đều là con đẻ của nguyên nhân tạo ra cơ chế quyền lực tuyệt đối, điều mà TBT không hề nhắc đến.
Cũng vậy, nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình trạng trên 70% khiếu kiện về đất đai trong suốt 20 năm qua chính là chế độ sở hữu toàn dân có vấn đề. Huy Đức đã nói rất đúng: “Không nên coi một chính sách luôn giữ kỷ lục trên dưới 80% tổng số người khiếu kiện trong suốt hơn 20 năm qua là không có gì sai”. Lựa chọn một chế độ sở hữu nào để cho người dân có quyền làm chủ thực sự mảnh đất của mình, chế độ sở hữu toàn dân hay chế độ đa sở hữu, chính là vấn đề cốt lõi cần đề cập đến trong hội nghị quan trọng này. Nhưng hỡi ôi, mở đầu câu chuyện chính sách, pháp luật đất đai, TBT đã khẳng định như đinh đóng cột: “Đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân và nguồn lực to lớn của đất nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Thế thì bàn làm sao, bàn thế nào? Hu hu.
Thôi thôi em không dám bàn nữa, em sợ lắm. Chào các bác. Chúc hội nghị các bác thành công tốt đẹp, em ngược đây!