Những sự thật không thể chối bỏ (phần 1) - Dân Làm Báo

Những sự thật không thể chối bỏ (phần 1)

Đặng Chí Hùng (Danlambao) - Lời đầu tiên, tôi xin gửi lời cám ơn chân thành đến Dân Làm Báo và bạn đọc. Trên tinh thần dân chủ chúng ta đang hướng tới, tôn trọng tất cả các ý kiến trái chiều, dân chủ có nhiều con đương, mỗi người chúng ta có quyền đưa ra con đường đó để bạn đọc và nhân dân lựa chọn. Sự lựa chọn của nhân dân là ý kiến cuối cùng về con đường của dân tộc. Với tinh thần đó, tôi mong mọi người đọc hãy tiếp thu bài viết như một ý kiến cá nhân của tôi. Và như đã nói ở những bài trước, con đường dân chủ tôi chọn là con đường không có cộng sản, không còn cộng sản dựa trên nguyên tắc khơi lại sự thật, chấn hưng dân trí. Có người biện luận ông Hồ không phải là Thánh thì có cái sai, nhưng cái sai của ông không phải chỉ một lần, một lỗi, nó thành hệ thống. Vậy chúng ta không thể bỏ qua nhằm trả lại sự thật cho lịch sử.

Sau đây là bài đầu tiên của tôi về vấn đề này với nội dung nói về một tấm bình phong bấy lâu của đảng cộng sản Việt Nam và những kẻ dân chủ cơ hội.

Thực ra những vấn đề tôi nêu lên và loạt bài này không phải là mới mẻ, nhiều người đã đề cập. Nhưng tôi xin phân tích, đánh giá trên cách nhìn mới và phân tích ý kiến của cá hai bên: Phản đối và ủng hộ nhân vật HCM. Qua đó chúng ta có thể thấy rõ sự thật của vấn đề nhằm trả nó về với chân giá trị vốn có đã bị đánh cắp lâu nay.

Sự thật thứ nhất: Bác đi tìm đường cứu nước hay cứu bác?

Trong chuỗi sự kiện về ông Hồ, xin bắt đầu từ việc đầu tiên đó là việc ông ta đi “tìm đường cứu nước”. Sự việc này sẽ xoay quanh lá thư của ông xin học trường thuộc địa của Pháp. Tôi xin xoay quanh hai vấn đề là: Có hay không là thư đó và ông viết thư với mục đích gì?

Ngày 31-5-2011, tại Sài Gòn đã diễn ra cuộc Hội thảo với chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Hành trình tìm đường cứu nước”. Cuộc hội thảo do các cơ quan sau đây đứng ra tổ chức: Thành ủy đảng CSVN TpHCM, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Những cơ quan trong ban tổ chức cuộc hội thảo đều tầm cỡ khá cao trong nước, nên cuộc hội thảo quy tụ nhiều nhân vật quan trọng của CSVN, kể cả cựu tổng bí thư Lê Khả Phiêu, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Trước hết là nguyên văn lời trong sách Lịch sử Việt Nam của các tác giả là người của đảng cộng sản đã viết về sự kiện thanh niên Nguyễn Tất Thành xuống tàu Amiral Latouche-Tréville ngày 5-6-1911 để ra đi như sau:

“Sự thất bại của các phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục của cuộc vận động Duy Tân và phong trào chống thuế ở các tỉnh Trung Kỳ mà Người (Hồ Chí Minh) từng tham gia khi đang học ở trường Quốc Học Huế, đã thôi thúc Người hướng về các nước Tây Âu, mong muốn được đến “tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những Tự do, Bình đẳng, Bác ái”. Sau khi rời Huế vào Phan Thiết … Được ít lâu, lấy tên là Văn Ba, Người xin làm phụ bếp trên chiếc tàu thủy Đô đốc La Tusơ Tơrêvin (La Touche Tréville), thuộc hãng vận tải hợp nhất của Pháp, để đi ra nước ngoài “xem nước Pháp và các nước khác làm như thế nào rồi sẽ trở về giúp đồng bào…” (Nguyễn Khánh Toàn và một nhóm tác giả, Lịch sử Việt Nam, tập 2, Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội, 1985, tr. 145).

Ngoài ra trong sách Chủ Tịch Hồ Chí Minh, tiểu sử và sự nghiệp của nhà xuất bản Sự Thật giải thích sự ra đi của Hồ Chí Minh cũng có nội dung gần giống như sau: 

“… Ít lâu sau, Hồ Chủ tịch vào Sài Gòn. Nam Kỳ dưới chế độ thuộc địa cũng chẳng khác gì Trung Kỳ dưới chế độ bảo hộ và Bắc kỳ dưới chế độ nửa thuộc địa, nửa bảo hộ. Ở đâu nhân dân cũng bị áp bức, bóc lột, đồng bào cũng bị đọa đày, khổ nhục. Điều đó càng thôi thúc Hồ Chủ tịch đi sang các nước Âu tây để xem nhân dân các nước ấy làm như thế nào mà trở nên độc lập, hùng cường, rồi sẽ trở về “giúp đỡ đồng bào” đánh đuổi thực dân Pháp. Ý định ấy của Người (HCM) đã dẫn Người từng bước đi tới tìm một phương hướng mới cho sự nghiệp cứu nước của nhân dân ta.” (Ban Nghiên cứu Lịch sử đảng trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiểu sử và sự nghiệp, in lần thứ tư (có xem lại và bổ sung), Hà Nội: Nxb. Sự Thật, 1975, tr. 15).

Trong sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, cũng do nhà xuất bản Sự Thật ấn hành, trả lời phỏng vấn của tác giả Trần Dân Tiên, Hồ Chí Minh nói về lý do ra đi như sau: “…Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta…” (Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, Hà Nội: Nxb. Sự Thật, 1976, tr. 13).

Ở đây có điều oái oăm: Trần Dân Tiên chính lại là Hồ Chí Minh. Ông Hồ dùng một tên khác viết sách tự ca tụng mình. Sở dĩ nói oái oăm là ở Việt Nam cũng như trên thế giới, có nhiều người viết sách về hoạt động của mình, đôi khi để tự khen mình, hoặc để biện hộ cho những việc làm của mình, nhưng họ đều đề tên thật, chịu trách nhiệm về những điều họ viết. Chỉ có ông Hồ Chí Minh là dùng một tên khác tự ca tụng mình.

Như vậy có thể kết luận, qua các sách của nhà cầm quyền cộng sản và qua chính những lời viết của Hồ Chí Minh, ông ta đi ra nước ngoài nhắm mục đích tìm đường cứu nước. Nhưng sự thực có phải vậy hay không?

Bức thư xin học trường thuộc địa Pháp

Đây là vấn đề thứ nhất. Tại sao Bác Hồ yêu nước, có tinh thần chống Pháp từ bé lại xin gia nhập trường thuộc địa này? Trong khi đó ngôi trường lại là nơi đào tạo quan lại nhằm thực hiện chính sách thực dân của Pháp ở Việt Nam.

Đây là hình ảnh về hai bức thư đó: 





Đó là hình ảnh về hai bức thư mà trên internet bấy lâu nay không thiếu. Nó có thật hay không? Tôi xin trả lời là có thật vì đó là điều công nhận của cả hai bên. 

Đầu tiên là phía “lề trái”: vào tháng 02/1983, hai sử gia VN, tiến sĩ Nguyễn Thế Anh và Vũ Ngự Chiêu, đã công bố khắp thế giới, một tài liệu vô cùng quan trọng, tại văn khố Pháp duy nhất liên quan tới giai đoạn 1911 của Nguyễn Tất Thành. Đó là 2 lá thư xin nhập học Trường Thuộc Địa (Ecole Coloniale) viết ngày 15/09/1911 và một lá viết tại New York ngày 15/12/1912. Điều này chứng tỏ rằng Nguyễn Tất Thành, bỏ nước ra đi chỉ với mục đích tìm đường làm quan (làm Việt Gian tay sai cho Pháp) để giải quyết chuyện cơm ăn áo mặc của riêng mình, chứ không hề có ý định cứu nước giúp dân như Trần Dân Tiên và báo của đảng cộng sản từng viết sách ca tụng.

Nhưng để chứng minh cho đây là 2 lá thư có thật, tôi xin dẫn chứng về sự công nhận của bên “lề phải”:

Trên trang chủ của Sachhiem.net có bài Phản hồi của một vị xưng là giáo sư Trần Chung Ngọc, ông này là người của đảng cộng sản. Bài phản hồi của ông ta về những điểm trong DVD “Sự thật về HCM”. Sau đây là nguyên văn đoạn ông ta viết về lá thư: “DVD đưa ra một tài liệu, bức thư của Hồ Chí Minh xin học ở trường thuộc địa, và đã bị giám đốc trường nầy từ chối không cho học, để chứng minh rằng mục đích của ông Hồ không phải là xuất ngoại để cứu nước mà để tìm đường làm ăn. Bức thư được ông Nguyễn Gia Phụng dịch ra tiếng Việt và đọc trong DVD. Nhưng đưa ra tài liệu này, những người làm DVD không nghĩ đến phản tác dụng của nó. Thứ nhất, họ không tìm hiểu tại sao giám đốc trường thuộc địa lại từ chối đơn xin học của ông Hồ với lý do rất đáng buồn cười: “Mục đích của ông tới đây là để kiếm sống chứ không phải là để đi học”. Như vậy ông này công nhận sự có thật của lá thư với nội dung xin học của ông Hồ. Phần nội dung tôi xin trình bày sau. 

Thứ hai đó là trên tranh chủ có cái tên rất “Fan club” của HCM: http://thehehochiminh. wordpress. com/2010/01/03/1911_lathu_truong_thuocdia/

Có đoạn nói về tác giả nước ngoài, cả bài viết trên trang đó và ký giả nước ngoài đều công nhận bức thư đó là có thật:

William J. Duiker viết về Lá thư Nguyễn Tất Thành xin vào học trường thuộc địa (1911)

Theo W. J. Duiker, đây là một lá thư do Nguyễn Tất Thành viết. Tuy nhiên, trong “Hồ Chí Minh toàn tập”, không thấy có lá thư này. Để tạo điều kiện bạn đọc tiếp cận và nghiên cứu, chúng tôi trích đăng ý kiến của W. J. Duiker. Hoan nghênh bạn đọc phản hồi về lá thư theo địa chỉ email: info@thehehochiminh. net 

Anh Thành đã trở lại tàu trước khi tàu nhổ neo; tàu đã đến Cảng Le Havre ngày 15.7, và vài ngày sau đã đến Cảng Dunkerque và cuối cùng trở lại Marseilles, và ở đó cho đến giữa tháng 9. Tại đây, anh đã viết một bức thư gửi cho Tổng thống nước Cộng hòa Pháp. Vì đây là một sự kiện đáng chú ý, tôi xin chép toàn văn thư này…

Tôi xin nêu ra dẫn chứng của cả hai phía phê phán và ủng hộ ông HCM để thấy rằng 2 bức thư đó là có thật chứ không phải bịa đặt.

Bác viết gì trong thư?

Nội dung của 2 bức thư là khá giống nhau, tôi cũng xin ghi ra đây phần dịch của cả hai phía ủng hộ và không ủng hộ để bạn đọc thấy .

Trước tiên là lời trên trang:

Có nội dung như sau về bức thư thông qua lời dịch của WILLIAM J. DUIKER

Marseilles 

Ngày 15 tháng Chín năm 1911

Thưa Ngài Tổng thống!

Tôi xin hân hạnh yêu cầu Ngài giúp đỡ cho tôi được vào học nội trú tại Trường Thuộc địa. 

Hiện nay, để nuôi thân, tôi đang làm việc cho công ty Chargeurs Réunis (Tàu Amiral Latouche – Tréville). Tôi hoàn toàn không còn nguồn lực nào và rất thiết tha muốn có học vấn. Tôi muốn trở nên có ích cho nước Pháp trong quan hệ với đồng bào tôi và đồng thời mong muốn đồng bào tôi thu lợi được từ học hành.

Quê tôi ở tỉnh Nghệ An, Trung Kỳ. Với hy vọng rằng Ngài sẽ phúc đáp theo hướng thuận lợi đề nghị của tôi, tôi xin Ngài Tổng thống nhận sự biết ơn sâu sắc của tôi.

Nguyễn Tất Thành

Sinh tại Vinh, 1892 

Con trai của Ông Nguyễn Sinh Huy (tiến sĩ văn chương)

Học sinh tiếng Pháp và chữ nho 

Còn sau đây là nội dung của nó dưới bút dịch của những người “lề trái”. Trong bài “Từ mộng làm quan đến đường cách mạng Hồ Chí Minh và Trường Thuộc Địa”, hai tác giả Nguyễn Thế Anh và Vũ Ngự Chiêu đã dịch như sau:

“Tôi xin trân trọng thỉnh nguyện lòng hảo tâm của ông ban cho tôi đặc ân được nhận vào học nội trú Trường Thuộc Địa.

Tôi hiện đang làm công trong công ty Chargeurs Réunis để sinh sống (trên tàu Amiral Latouche-Tréville).

Tôi hoàn toàn không có chút tài sản nào, nhưng rất khao khát học hỏi. Tôi ước mong trở nên hữu ích cho nước Pháp đối với đồng bào tôi, đồng thời làm thế nào cho họ hưởng được ích lợi của nền học vấn…” (Đặc san Đường Mới, số 1, Paris, tt. 8-25)

Như vậy rõ ràng về nội dung của cả lề phải và lề trái đều giống nhau. Đó là sự thật mà đảng cộng sản hoặc những người dân chủ cơ hội phải chấp nhận. 

Trên thực tế 2 lá thư trên đều bị bác bỏ, Nguyễn Tất Thành tiếp tục hành nghề trên các tàu biển. Ngày 15-12-1912, từ New York, Hoa Kỳ, Nguyễn Tất Thành gởi đến viên khâm sứ Pháp tại Huế một lá thư rất thống thiết xin một đặc ân là ban cho cha Nguyễn Tất Thành là Nguyễn Sinh Sắc, một chức việc nhỏ như giáo thụ hay huấn đạo, để ông nầy có điều kiện sinh sống trong hoàn cảnh cha của Nguyễn Tất Thành nghèo túng sau khi bị cách chức quan (do đánh chết người): “… cầu mong Ngài (chỉ khâm sứ Pháp) vui lòng cho cha tôi (cha của Thành tức Nguyễn Sinh Sắc) được nhận một công việc như thừa biện ở các bộ, hoặc huấn đạo, hay giáo thụ để cha tôi sinh sống dưới sự quan tâm cao quý của Ngài…” (Thành Tín (tức Bùi Tín), Mặt thật, California: Nxb. Saigon Press, 1993, tt. 95-96).

Vậy bản chất của việc Bác đi không phải là tìm đường cứu nước mà bác đi là vì mưu sinh. Chuyện mưu sinh là chuyện thường của con người. Nhưng ông Hồ và đảng cộng sản đã bịa đặt và thần thánh hóa nó thành cứu nước.

Tuy nhiên về phía ủng hộ ông Hồ lại có những lập luận như sau; như lời của ông Trần Chung Ngọc có viết: “Sở dĩ trường thuộc địa bác đơn xin học của ông Hồ vì trong đơn ông Hồ “đã dại dột” viết rõ là mục đích của ông là có thể dùng nền học vấn để giúp ích cho đồng bào của ông, để cho họ được hưởng những hữu ích của nền học vấn mà ông thu thập được [“Je désirerais devenir utile à la France vis à vis de mes compatriotes et pouvoir en même temps les faire profiter des bienfaits de l’instruction”]. Đó chỉ là một câu để có thể xin vào học trường thuộc địa. Trường thuộc địa là để đào tạo những tay sai phục vụ cho nước Pháp, chứ không phải để phục vụ cho dân thuộc địa. Giám đốc trường thuộc địa không phải là không biết điều này, nên đã từ chối với một lý do vốn không phải là lý do, vì nó rất vô lý. 

Hay trên trang: http://thehehochiminh. wordpress. com/2010/01/03/1911_lathu_truong_thuocdia/ có viết: Tuy nhiên, qua việc anh Thành đã học tại Trường Quốc học ở Huế, ta thấy hành vi của anh không có gì đáng ngạc nhiên. Sự thù địch của anh đối với ách thống trị thực dân của Pháp ở Đông Dương dường như đã được xác định, song điều rõ ràng là anh vẫn chưa quyết định nên đi theo con đường nào để giải phóng đất nước và, theo lời kể của bản thân anh, anh vẫn thiết tha được học hành để nâng cao hiểu biết tình hình. 

Tôi xin chứng minh đó là những luận điệu biện hộ sai trái cho sự thật của ông Hồ. 

Xin nói sơ qua về ngôi trường này. Đây là ngôi trường được thành lập năm 1885 để đào tạo các quan chức phục vụ cho chính quyền ở các nước thuộc địa Pháp, trường Thuộc địa có bao gồm một “bộ phận bản xứ” dành cho thần dân thuộc địa với khoảng 20 suất học bổng cho học sinh Đông Dương thuộc Pháp. 

Việc ông Hồ lúc đó đã là thanh niên, có nhận thức rõ ràng về ngôi trường đó là dĩ nhiên. Ông ta biết nó được sinh ra để đào tạo những kẻ đàn áp nhân dân. Sao ông ta lại xin học? Ở Việt Nam, nhất là khi ông ra nước ngoài có thiếu gì ngôi trường học văn hóa, nâng cao hiểu biết như lời các tác giả lề phải biện hộ? Sao ông Hồ nhất định phải không chỉ một lần mà những hai lần cố xin cho được vào ngôi trường xấu xa đó, không xin vào trường khác? Vậy mục đích ơ đây không phải vào để “Tìm hiểu” mà là muốn làm quan kiếm miếng cơm. Mà quan đó là quan “Ăn hiếp” nhân dân.

Ông Trần Chung Ngọc và các tác giả biện hộ về nội dung rằng vị quan Pháp không cho học vì sợ ông Hồ học để nâng cao dân trí cho nhân dân. Xin thưa các tác giả biện hộ cho ông Hồ. Đó là ông hiệu trưởng lúc đó có biết ông Hồ là ai? Anh hùng nào mà sợ ông ta truyền đạt cho nhân dân chống Pháp? Ngôi trường đó mở cho người Việt thì ông Hồ có học hay không cũng là chuyện bình thường. Ông Hồ lúc đó chẳng là cái gì mà ông hiệu trưởng Pháp phải “sợ” cả. Hơn thế nữa, bất cứ một lá đơn xin học nào, nhất là trường quan trọng như trường thuộc địa lúc đó đều phải làm đơn với những quy định nhất định. Cái đơn của ông Hồ cũng không là ngoại lệ, vậy thì việc nó viết “Tôi muốn trở nên có ích cho nước Pháp trong quan hệ với đồng bào tôi và đồng thời mong muốn đồng bào tôi thu lợi được từ học hành” cũng là điều bình thường chứ không phải sự “dại dột” như ông Ngọc viết. Và bạn đọc có thể thấy môi quan hệ giữa Pháp và nhân dân ta lúc đó là quan hệ của thực dân và nô lệ, vậy việc ông Hồ muốn giúp “lợi ích” cho nước Pháp trong quan hệ chính là việc dùng chức quan (nếu có) để thay người Pháp cai trị nhân dân.

Trên đây là sự thật đầu tiên về ông Hồ. Tôi dùng cả những tài liệu, phân tích của hai phái ủng hộ và chống đối để chứng minh rằng: Ông Hồ có viết thư xin học trường thuộc địa. Việc ông xin học ở đây nhằm làm quan, có miếng cơm chứ ông chẳng có tư tưởng căm thù Pháp, không có ý định “tìm đường cứu nước” như chính ông và đảng cộng sản đã bịa đặt.

Tại sao ông Hồ và đảng cộng sản lừa dối không công khai bức thư? Tại sao ông đi kiếm ăn lại nói dối “Tìm đường cứu nước”? Đó chính là sự lừa dối không thể chấp nhận được.

06/06/2012




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo