Kính tặng những người Việt Nam đã dũng cảm xuống đường khẳng định: “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam” trên đường phố Hà Nội và Sài Gòn ngày này năm trước 05.06.2011
Nguyễn Thượng Long (Danlambao) - Hai mươi năm trước làm con chó, lại làm con chó Nhật thì cực là có giá, còn đến nay tình hình Việt Nam đã khác. Với giá chó hơi, giá chó móc hàm đang ngày càng tăng đến chóng mặt, thịt chó ngày càng là món khoái khẩu ghê sợ của nhiều thành phần trong một xã hội ngày càng lộ rõ khuynh hướng tôn thờ sự ăn nhậu và hưởng lạc, tôi sợ đám “…tặc” đang nhan nhản khắp các trụ sở, cơ quan, ngành nghề, khắp đường phố xóm làng Việt Nam… sẽ không để cho con vật đáng yêu đó canh giữ nỗi buồn báu vật nữa đâu. Ở kiếp sau… “Để canh giữ nỗi buồn” không biết người Việt Nam nên xin được làm con vật gì đây nhỉ? Câu trả lời sẽ thật buồn và chẳng dễ một chút nào...
*
Tháng 7 năm 1961 – Chuyên gia tâm lý học Stanley Milgram thuộc Đại Học Yale USA đã làm một loạt các thí nghiệm khoa học để chứng minh hiện tượng có không ít người sẵn sàng thực hiện những mệnh lệnh trái với lương tâm, ngược với những chuẩn đạo đức thông thường. Thực nghiệm này được thực hiện nhờ một người hỏi và một người trả lời các câu hỏi của người này. Hai người này hoàn toàn không biết gì nhau, luôn cách ly nhau trong suốt quá trình hỏi – đáp. Người hỏi là một người tình nguyện, có nghề nghiệp bình thường, sống hòa nhã với mọi người xung quanh. Anh ta là một mẫu người “Nhân chi sơ tính bản thiện…” điển hình. Milgram trao cho người đó một thiết bị đặc biệt và một danh mục các câu hỏi soạn sẵn cùng với đáp án đúng cho từng câu. Nếu người kia trả lời đúng thì không có vấn đề gì, nếu trả lời sai với đáp án, thiết bị đặc biệt trong tay người hỏi sẽ phóng qua hệ thống dây dẫn tới người trả lời đang ở nơi xa một xung điện.
Bằng cách như vậy, Milgram đã tạo cho người hỏi một niềm tin: Với mỗi lần trả lời sai, là một lần người trả lời đã bị trừng phạt bằng điện và lần sai sau, trị số điện áp trừng phạt lại cao hơn điện áp của lần trừng phạt trước. Nhưng... người trả lời chỉ là một nhân vật ảo. Câu trả lời chỉ là những đoạn băng ghi âm sẵn, thậm chí có cả những tiếng xuýt xoa, hối tiếc sau mỗi lần trả lời sai. Khi điện áp trừng phạt đã đến độ nguy hiểm, lời người đáp là những tiếng rên la, đau đớn, hoảng loạn… rằng tôi có bệnh tim và khẩn cầu ngừng thí nghiệm.
Lúc này hầu như tất cả những người trong vai người hỏi đều hỏi ý kiến Milgram rằng: “Có nên dừng hỏi không?” Khi được Milgram trấn an rằng: “Nếu có bất trắc gì xảy ra… anh sẽ không phải chịu trách nhiệm gì hết!”… thì hầu hết người hỏi lại tiếp tục sử dụng hình phạt này đến cả mức độ điện áp trừng phạt đạt tới ngưỡng 450 volt (!?). Chỉ có 35% số người hỏi là kiên quyết dừng lại không hỏi nữa để tránh đau đớn cho người bị hỏi.
Milgram kết luận: “Dưới áp lực của mệnh lệnh và khi không phải chịu trách nhiệm cá nhân, những người bình thường vẫn có thể thực hiện những việc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng người khác”.
Năm 1971 một trắc nghiệm tâm lý khác đã được Philip Zimbardo thực hiện ở Đại Học Tổng Hợp Stanford – California USA. Trong bài viết “Tại sao người ta hành xử tàn ác?” đăng trên Bauxite.com ngày 17 – 5 – 2012, Giáo Sư Nguyễn Văn Tuấn viết rất kĩ về trắc nghiệm này:
“24 sinh viên được chia thành 2 nhóm một cách ngẫu nhiên. Nhóm 1 gồm 12 người được giao nhiệm vụ quản giáo và nhóm còn lại đóng vai tù nhân. Một nhà tù giả được thiết kế ở tầng trệt của khoa tâm lý thuộc Đại Học Stanford. Quản giáo được trao quyền muốn làm gì thì làm, nhưng không được huấn luyện cách hành xử. Còn tù nhân, khi vào nhà tù, bị quản giáo khám xét, “bắt rận”, thậm chí bắt cởi truồng.
Nhưng thí nghiệm này đã phải ngừng trước thời hạn vì những hành xử tàn bạo của quản giáo và rối loạn tâm thần của tù nhân. Thời gian thí nghiệm dự kiến là 2 tuần, nhưng đến ngày thứ 6 thì phải ngừng. Thực ra, chỉ sau một ngày rưỡi, một tù nhân đã có triệu chứng rối loạn tri giác như la khóc, mất bình tĩnh và suy nghĩ bất bình thường. Tất cả tù nhân khác đều tỏ ra ngoan ngoãn tuân theo lệnh của quản giáo. Trong khi đó, các quản giáo càng ngày càng tỏ ra hung dữ, tàn ác, và có hành động saditic (tức là thích thú với những đòn tra tấn tàn ác). Đến ngày thứ 5 thì gia đình của các tình nguyện viên đặt vấn đề với Giáo Sư Zimbardo, và luật sư cũng doạ sẽ kiện ra tòa…cuộc thí nghiệm đã phải ngừng. Phần lớn những đối tượng tham gia cuộc thí nghiệm, quản giáo cũng như tù nhân đều tỏ ra có vấn đề về tâm lý và tâm thần sau khi tham gia thí nghiệm này”...
“Sau công trình… có thể nói là khá “Tai Tiếng” trên, Giáo Sư Zimbardo nổi tiếng trong giới tâm lý học như là một người tiên phong trong việc giải thích những biến chuyển trong hành vi của con người. Có người gọi ông là một “evil scientis” (Nhà khoa học độc ác), vì đã tạo ra một thí nghiệm để chứng minh rằng: Con người bình thường có thể trở nên ác ôn và cái ác có thể thắng cái thiện nếu được trang bị bằng một ý thức hệ. Sau này ông còn được Nhà Trắng (Quốc Hội Mĩ) mời đến để điều trần về những bạo loạn trong nhà tù. Những hành động tàn ác với tù nhân ở nhà tù Abu Ghraib cũng có thể giải thích qua kết quả thí nghiệm của Zimbardo.” (Nguyễn Văn Tuấn – Vì sao họ hành xử tàn ác?).
Cũng theo giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: “Nghiên cứu này cho thấy người bình thường… có thể trở nên những kẻ ác ôn nếu được trang bị một ý thức hệ hay một giáo điều nào đó. Họ kết luận rằng, tình huống và môi trường là nguyên nhân làm cho người tốt trở nên người ác. Kết quả nghiên cứu này không bao giờ được công bố trên bất cứ một tập san khoa học nào cả, vì nó không đáp ứng được các vấn đề gọi là Y Đức”. (hết trích).
***
Sự biến đổi về tính cách, nhân cách của con người trong xã hội Việt Nam giai đoạn này, không nằm ngoài những kết luận của 2 trắc nghiệm khoa học kể trên, những trắc nghiệm đã có từ nhiều chục năm trước. Điều đó chứng tỏ, người Việt Nam chúng ta dù đã từng ngộ nhận mình là lương tâm của thời đại thì nay hóa ra chúng ta cũng không là một ngoại lệ trong đời sống nhân loại.
Bùi Thị Minh Hằng bị đập nát chiếc nón ghi dòng chữ “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam” giữa các bạn bè tại Hồ Gươm Hà Nội, bên phải cô là nhà giáo Dương Thị Xuân mang kính trắng, người mặc áo No-U là blogger nhà văn Nguyễn Tường Thụy.
Vụ khủng hoảng Bùi Thị Minh Hằng vừa qua cũng không nằm ngoài “vùng phủ sóng” của 2 trắc nghiệm về sự biến đổi nhân cách kể trên. Không biết vì mệnh lệnh nào, mệnh lệnh từ đâu… mà ban lãnh đạo Hà Nội lại yên tâm vươn tay vào tận Vũng Tầu để bắt giữ cô Bùi Thị Minh Hằng rồi nhốt cô vào trại phục hồi nhân phẩm?
Không biết vì hệ ý thức nào? Vì giáo điều nào?... mà người ta có thể vô tư quy kết Bùi Thị Minh Hằng, người cầm trịch câu “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam!” trong hầu hết các cuộc biểu tình giữa Hà Nội, lại là kẻ gây rối trật tự công cộng! Thế ra trật tự công cộng là phải cúi mặt, ngồi im ngay cả khi lãnh thổ, lãnh hải, ngư dân mình bị ngoại bang đe dọa?
Vụ khủng hoảng Bùi Thị Minh Hằng còn có một tình tiết làm xúc động biết bao người coi trọng nhân cách, đó là câu nói của viên bác sĩ công an ở Trại Thanh Hà - Vĩnh Phúc. Là một người thầy thuốc, ông quá biết những gì đã làm thân xác của người phụ nữ BTMH mà ông có trách nhiệm trông nom, chỉ sau 5 – 6 tháng đã tàn tạ đi 14 Kg trọng lượng. Đó chính là những yếu tố “Tình huống và môi trường” mà Zimbardo nói tới trong thí nghiệm của ông. Những yếu tố này, theo thuận đề Zimbardo thì sẽ phải biến viên bác sĩ này thành một thứ ác ôn như những trường hợp khác. Vậy mà sự thay đổi thái độ sống của viên bác sĩ lại theo chiều hướng ngược lại. Bùi Hằng sau này kể cho Phương Bích rằng:
Viên thầy thuốc của trại đã nói rất chân tình với cô ấy, anh ta nói nhiều lần, nói công khai trước nhiều người và nói trước mặt cả cấp trên của anh là “hãy để anh ta đưa cô ấy về đến nhà một cách an toàn, rồi thì anh ta sẽ cởi bỏ bộ quân phục này!”.
Câu nói này đã làm sửng sờ biết bao người. Nhiều người nhờ đọc được thông tin này, đã cải thiện được cách nhìn nhận những người vì một lý do nào đó phải âm thầm đi dưới bóng cờ “Chỉ Biết Còn Đảng Còn Mình!”.
Đã từng là một Phó Tổng Biên Tập của Bán Nguyệt San Tổ Quốc những ngày tờ báo này hiện diện kiêu hãnh và công khai giữa Hà Nội, tôi đã từng nhiều lần phải đối diện với các nhân viên an ninh, các thẩm vấn viên cao cấp của Tổng cục An ninh Việt Nam trong chuyên án “Nguyễn Thượng Long và đồng bọn”…, tôi thấy: “Những người có nhân cách như viên bác sĩ công an trong vụ khủng hoảng BTMH không phải chỉ là một trường hợp duy nhất”. (Tìm đọc: “Bây giờ tháng mấy?” của Nguyễn Thượng Long 2010)
Đây chính là hiện tượng, cái ác phải lùi bước trước cái thiện ngay trong một con người, mà con người đó cũng đã từng được nhuộm kỹ thứ ý thức hệ ngoại lai, xa lạ: “Chuyên chính vô sản phải triệt để!” và “Đấu tranh giai cấp là không khoan nhượng!”. Hình như, với một số người nào đó, nhờ họ được sở hữu bộ mã gen của dòng họ có tính trội về những phẩm chất nhân cách cao đẹp và ở họ đã có quá trình tự giáo dục đặc biệt hơn người, nên “Gần mực mà không đen”, “Gần bàn đèn mà không nghiện hút”, nên “Hội chứng đám đông” là vô tác dụng với họ. Với những người có phẩm chất đặc biệt như thế, định đề Zimbardo không phải là không có những ngoại lệ.
Trong vụ cưỡng chế đất đai của gia đình Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng - Hải Phòng lại có những dấu vết nhân cách kiểu khác. Đã có lúc Nữ Thần Công Lý như mỉm cười với anh em họ Đoàn, nhưng buồn thay! Đến nay họ vẫn tiếp tục lao lý, với tội danh giết người mà chẳng hề có ai chết cả. Trong khi đó, ngôi nhà 2 tầng của họ bị ủi đổ, thủy sản – hải sản trong đầm bị vét sạch là do “Người ngoài hành tinh”, nên chẳng ai trên mặt đất này là người có tội cả. Trong trường hợp này thuận đề của Zimbardo: “Tình huống và môi trường là nguyên nhân làm người tốt trở nên người ác!” chỉ dành cho anh em Đoàn Văn Vươn, còn phản đề: “Tình huống và môi trường cũng đã làm người ác trở thành “Người Tốt” (xin lưu ý người tốt trong nháy nháy!) thì dành cho những ông lớn, những quan chức cấp xã, huyện đến cấp thành phố Hải Phòng liên quan đến vụ cưỡng chế này. (!?)
Trong sự kiện Tiên Lãng, nói về nhân cách, về ý thức xã hội mà không nói đến câu nói gây ấn tượng của người em dâu Đoàn Văn Vươn thì quả là thiếu sót: “Gia đình chúng em chấp nhận mất để cả xã hội được!”. Câu nói của người nông dân ít học đó cũng đủ để nói: “Nhân cách, ý thức xã hội của một con người có khi tỉ lệ nghịch với lượng tri thức có trong đầu của người đó!”. Thưa các bậc trí giả đang mải “ngủ vùi”! Các ngài sẽ phản biện thế nào về câu nói này?
Khi vụ cưỡng chiếm đất đai ở Tiên Lãng không suôn sẻ như ban lãnh đạo Hải Phòng mong muốn, gia đình Đoàn Văn Vươn được nhiều vị nhân sĩ - trí thức lớn - nhiều lão thành cách mạng bênh vực, nhiều nhà báo tự do, blogger lề dân cùng một số tờ báo lề đảng còn giữ được ít nhiều nhân cách, đồng lòng lên tiếng, lại được Thủ tướng Dũng miễn cưỡng để mắt đến và nói những lời có cánh… nhiều người tin rằng, sẽ chưa thể có những trận cưỡng chiếm tương tự như thế nữa. Nhưng, những gì đã diễn ra trên cánh đồng Văn Giang – Hưng Yên ngày 24 – 4, trên cánh đồng Vụ Bản – Nam Định ngày 9 - 5 và gần đây nhất là buổi trưa 22 – 5 – 2012 mẹ con bà Phạm Thị Lài ở Cái Răng – Cần Thơ phải khỏa thân trong những nỗi cay đắng, ê chề liên quan đến đất đai bị cưỡng chiếm, trong khi đó thái độ của chính quyền các cấp từ trong Nam ra ngoài Bắc tiếp tục là vô cảm, là thách thức… đã làm mọi người vô cùng bàng hoàng và thất vọng.
Lại một lần nữa Stanley Milgram và Philip Zimbardo hoàn toàn đúng khi đưa ra những kết luận của mình. Lần này, điều mà Zimbardo gọi là “Tình Huống và Môi Trường…” làm người tốt thành kẻ ác, không phải là những khắc nghiệt, không phải là cái gì to tát như một ý thức hệ, một giáo điều nào đó… mà đơn giản hơn nhiều chỉ là vì:
Đền bù cho dân là một thì lợi nhuận lúc bán ra sẽ gấp vài chục lần, có khi tới hàng trăm lần đã biến biết bao con người vốn dĩ là “Nhân Chi Sơ – Tính Bản Thiện”, thoắt trở thành những kẻ tật nguyền về nhân cách khi khơi khơi phát biểu những lời độc ác với chính đồng bào của mình.
Hãy nghe ông Hào phó chủ tịch Tỉnh Hưng Yên báo cáo gì với thủ tướng Dũng về tình hình cưỡng chế đất ở Văn Giang:
“Trong vụ việc ở Văn Giang, có sự móc nối chặt chẽ với những phần tử chống đối ở nước ngoài. Các thông tin còn được tường thuật từng giờ tại chỗ để tuyên truyền xuyên tạc, dàn dựng những video clip giả để vu khống bôi nhọ chính quyền”.
Hãy nghe ông Thanh chánh văn phòng UBND Tỉnh Hưng Yên nói những lời vô cảm đến thế nào về việc hai ông nhà báo của VOV bị lực lượng cưỡng chế đánh như đánh chó dại giữa trận cưỡng chế:
“Chưa thể khẳng định hai người bị đánh trong những video clip là người của VOV – (Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam)”
Thực ra cũng chỉ vì cái siêu lợi nhuận còn hơn cả buôn bán ma túy của phi vụ đất cát này mà những “Đầy Tớ” cấp tỉnh của nhân dân Hưng Yên bỗng quên béng mình là ai? Mình đang ngồi ở đâu? Mình sẽ phải nói năng phát biểu thế nào để chứng tỏ mình là những người xứng tầm với công việc.
Việc hai nhà báo của VOV bị lực lượng cưỡng chế đánh đập dã man trong các clip mà hai ông này vẫn một thời gian dài nhịn nhục… rất khó hiểu, thì nay họ đã công khai danh tính, đã xuất hiện trên truyền thông với những gương mặt bơ phờ, ngơ ngác, sưng vù và méo xệch cùng với những bản tường trình mùi mẫn, những kiến nghị nỉ non chuyện này, chuyện nọ cũng chỉ để đấy mà thôi… không biết có làm cho ông Hào phó CT Hưng Yên, ông Thanh chánh văn phòng UBND Hưng Yên phải giật mình vì đã trót có những lời nói hớ hênh rất thiếu chính trị.
Việc chỉ ít ngày sau, dù biết tỏng hai ông nhà báo của VOV đến Văn Giang là để “Định hướng dư luận!”, để bắt quả tang mình “chống lệnh” cưỡng chế như thế nào? thì người dân Văn Giang vẫn mang hoa cùng cả đặc sản của đồng đất quê mình tới tận cơ quan VOV tại Hà Nội để ủy lạo hai con người đã được chính mình cứu giúp khỏi trận đòn “Quân ta đánh nhầm quân mình” của đám người thú tính. Không biết trước tình huống đó, hai ông “Định Hướng Dư Luận” nghĩ gì?
Để lĩnh lương! Để thăng tiến!... Hai ông đã để lại một vết nhọ quá buồn, làm xấu xí thêm cái diện mạo vốn dĩ đã quá thê thảm của những người cầm bút chỉ biết còn đảng còn mình. Và một lần nữa, lại bừng sáng lên một bài học cho tất cả mọi người:
“Thái độ sống cao đẹp có ở mỗi người không hề phụ thuộc vào chuyện nhiều chữ hay ít chữ, nhiều học hay ít học mà lại phụ thuộc vào cái “Nhân chi sơ tính bản… gì?” tiềm ẩn nơi sâu thẳm tâm hồn mỗi người và điều mà người viết bài này muốn nói tới khi chọn nhan đề là Dấu Vết Của Nhân Cách”.
Khi bài viết này đang trong giai đoạn “vươn hình hài đứng dậy” thì “Những dấu vết của nhân cách” lại phải ghi thêm một “Dấu Lặng Buồn”.
Ngày 1 – 6 – 2012, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đến trụ sở của sở 4 T (TTTT) Hà Nội để làm việc theo giấy mời của họ. Để tránh những bất ngờ xấu có thể đến với mình, cùng đi với Tiến Sĩ Diện còn cụ bà lão thành cách mạng Lê Hiền Đức, một Teresa của dân oan việt Nam, giải thưởng minh bạch quốc tế và Luật Sư Hà Huy Sơn đoàn luật sư Hà Nội. Chẳng biết điều gì đã xảy ra mà trong ngày 1 và 2 – 6… cư dân mạng nháo nhác lên trước những tấm hình cụ Lê Hiền Đức chân tay nhòe nhoẹt máu và kết thúc cuộc đi cùng Tiến Sĩ Diện của cụ lại ở phòng cấp cứu của bệnh viện Việt Xô trong một tình trạng sức khỏe tồi tệ. Cùng ngày một loạt báo lề phải đã đưa tin rất một chiều về vụ việc này và ông Đại - Trưởng công an quận Đống Đa cho biết:
“Hành vi của bà Lê Hiền Đức đã vi phạm Nghị định 73 của Chính phủ vì đã đến trụ sở cơ quan nhà nước gây rối, cản trở hoạt động, vi phạm điều 143 Bộ luật Hình sự. Đáng ra, cơ quan công an phải bắt giữ bà Đức theo đúng quy định của pháp luật nhưng vì bà đang nằm bệnh viện nên khi nào ra viện, chúng tôi sẽ mời bà Đức đến Công an quận làm việc và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật”.
Chao ôi nghe cứ như là người dân đất Việt chúng tôi đã được sống, được che chở, được bảo vệ trong một thể chế pháp quyền, pháp trị cực chuẩn rồi thì phải? Đọc được những gì bác Đại mới lớn tiếng… ai cũng nghĩ ngay đến câu hỏi:
“Thế cái vụ mấy bác thương binh đến làm loạn ở Viện Hán Nôm trước đó mấy ngày thì bây giờ ra sao rồi nhỉ?! Bác Đại trưởng công an quận cập nhật tình hình xử lý vụ này cho bà con biết đi!”.
Thưa bác Đại, tôn trọng sự thật, tôn trọng lẽ công bằng cũng là một phẩm chất đáng quý của những người có nhân cách đấy chứ.
Có thể nói, người Việt Nam ở trong và ngoài nước đang chứng kiến một Việt Nam đương đại đã và đang hồi sinh những phẩm chất nhân cách cao đẹp không thể phủ nhận được như:
Ngay từ 5 – 6 – 2011, mọi người bảo nhau hô vang đường phố Sài Gòn và Hà Nội lời thề khẳng định “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam!” bất chấp những nỗ lực cản trở gây khó dễ đến từ phía chính quyền.
Nhóm Bauxite.com sau những nỗ lực không mệt mỏi đòi nhà nước phải dừng lại việc để người Trung Quốc vào khai thác bauxite ở Tây Nguyên, họ lại vừa dũng cảm ra Tuyên Bố về vụ cưỡng chế đất trái pháp luật, trái đạo lý ở Văn Giang chứ không phải là nỉ non kiến nghị xin cho như trước. Tuyên Bố này nay đã có nhiều ngàn chữ ký tán thành.
Gần đây nhất, nhiều nhân sĩ, trí thức, lão thành cách mạng đã gửi thư tới Đại Sứ đặc mệnh toàn quyền cộng hòa Philippines tại Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ nhân dân Philippines bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo của mình trên tinh thần: “Thương người như thể thương thân”, “Cháy nhà hàng xóm không bình chân như vại”, “Bênh vực người hàng xóm chính là bảo vệ mình”…
Đây là những nét son, nét nhạc chói lọi nhân cách Việt Nam đích thực trên bước đường phục hưng những giá trị tinh thần Việt Nam đã có từ ngàn đời. Buồn thay! qua quá nhiều năm tháng phải đi theo những ảo tưởng về một thế giới đại đồng không tưởng, những giá trị truyền thống đã từng bị xao lãng và người đời cũng phải chứng kiến đời sống tinh thần của người Việt mình xuất hiện quá nhiều những mảng mầu u tối, những hòa thanh tội lỗi, u buồn của những phẩm cách hết sức xa lạ, bệnh hoạn đến thảm thương… điều mà các khoa học gia Stanley Milgram và Philip Zimbardo ở phần đầu bài viết này đã từng lý giải sau những thí nghiệm khoa học của mình.
Hơn 20 năm trước, đối diện với những u tối của xã hội Việt Nam những ngày ĐCS tuyên bố cởi trói cho văn nghệ sĩ sau đó lại trói lại, thi sĩ Nguyễn Quang Thiều bỗng thốt lên trong bài “Bài hát về cố hương” những lời làm nao lòng người đọc:
“Tôi hát bài hát về cố hương tôi
Trong những chiếc tiểu sành đang xếp bên lò gốm
Một mai đây tôi sẽ nằm trong đó
Kiếp này tôi là người
Kiếp sau phải là vật
Tôi xin ở kiếp sau, là một con chó nhỏ
Để canh giữ nỗi buồn - báu vật cố hương tôi”.
(Nguyễn Quang Thiều 1992 – Bài Hát Về Cố Hương)
Bài thơ này in trong tập “Sự mất ngủ của lửa”, sau những ì xèo này nọ của mấy “ông Cẩm, ông Cò cầm roi - cầm còi” nghênh ngang trước các nhà xuất bản, trước các tòa báo lề đảng… bài thơ vẫn cứ được truyền lan trong giới yêu thơ như một hiện tượng thi ca không tiền khoáng hậu, tập thơ vẫn được đặt vào vị trí xứng đáng của nó là giải nhất thơ 1992 và Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 1993.
Hai mươi năm trước làm con chó, lại làm con chó Nhật thì cực là có giá, còn đến nay tình hình Việt Nam đã khác. Với giá chó hơi, giá chó móc hàm đang ngày càng tăng đến chóng mặt, thịt chó ngày càng là món khoái khẩu ghê sợ của nhiều thành phần trong một xã hội ngày càng lộ rõ khuynh hướng tôn thờ sự ăn nhậu và hưởng lạc, tôi sợ đám “…tặc” (cẩu tặc, hải tặc, không tặc, lâm tặc, thủy tặc, đất tặc, đinh tặc, sưa tặc, vàng tặc, văn tặc, báo chí tặc, giao thông tặc, giáo dục tặc… còn những tặc gì nữa, xin người đọc bổ sung) đang nhan nhản khắp các trụ sở, cơ quan, ngành nghề, khắp đường phố xóm làng Việt Nam… sẽ không để cho con vật đáng yêu đó canh giữ nỗi buồn báu vật nữa đâu.
Ở kiếp sau… “Để canh giữ nỗi buồn…”…không biết người Việt Nam nên xin được làm con vật gì đây nhỉ? Câu trả lời sẽ thật buồn và chẳng dễ một chút nào.
Hà Đông 05 – 6 – 2012.
- Nơi ở: Văn La – Phú La – Hà Đông – Hà Nội.
- ĐT: 0433521066 & 01652323836.
- Email: nguyenthuonglong571@gmail.com