Nguyễn Văn Khải - Ông già Ôzôn (Danlambao) - Kính mong các bạn đưa thông tin này lên mạng càng sớm, càng tốt vì ngày 6-7-2012 bà con Đại Từ sẽ tới trụ sở của tập đoàn điện lực tại Hà Nội yêu cầu trả lời về an toàn điện trong các ngôi nhà họ đang ở.
Tổ công tác liên bộ còn nợ dân văn bản trả lời 30-10-2007
Nguyễn Văn Khải - Ông già Ôzôn
Vào lúc 8h32 phút ngày 30-10-2007, Ông Hoàng Văn Vi tổ trưởng tổ công tác liên bộ bị điện giật trong nhà nông dân Nguyễn Văn Bình thuộc đội 14 xã Hùng Sơn, Huyện Đại Từ, Thái Nguyên vì đã dùng bút thử điện dí vào dây thép trong nhà để khảo sát sự không an toàn điện trong ngôi nhà này cũng như hàng ngàn ngôi nhà khác dưới đường dây 220kV hoặc 110kV. Sau khi bị điện giật, ông Vi chạy ra ngoài sân và chạy ra khỏi cổng không dám quay lại ngôi nhà này. Rất nhiều bà con nông dân, đại diện UBND xã Hùng Sơn ông Đồng Quang Nghị, đại diện UBND huyện Đại Từ là ông Nguyễn Việt Đức, đại diện UBND Tỉnh Thái Nguyên là ông Nguyễn Thế Sơn, đại diện Văn phòng chính phủ ông Lê Thủy Anh, đại diện Bộ Công Thương ông Trần Phùng Trạch, đại diện Bộ Y tế là Bác sĩ Nguyễn Xuân Hiên , đại diện bộ KHCN ông Đặng Quang Minh chứng kiến hiện tượng này. Trong đoàn còn có bà tiến sĩ Trần Thị Ngọc Lan đã bỏ về từ trước 8h sáng vì sau khi vào tới sân nhà ông Bình, đi rẽ sang chuồng trâu nhìn thấy đường dây truyền tải 220kV trên đầu, quá gần mình, bà nói: "Ở đây nguy hiểm lắm, không thể ở lâu được" và bỏ về luôn.
Từ năm 2006 đến hôm ấy đã có hàng trăm lá đơn kêu cứu của bà con huyện Đại Từ và các địa phương khác trong tỉnh Thái Nguyên bị tập đoàn Điện lực giăng đường dây tải điện 220kV hoặc 110kV đi qua mái nhà mình. Đây là những ngôi nhà đã được xây dựng từ nhiều năm. Do đời sống kinh tế được nâng cao, họ đã xây thành những ngôi nhà có tường gạch, mái xi măng, hoặc ngói. Thậm chí có những nhà đã xây hai tầng, hoặc ba tầng. Chẳng hạn như nhà anh Bình, có nóc nhà cao 6m, nhà chị Nhâm hàng xóm cao ba tầng hơn 10m. Từ ngày có đường dây điện cao thế đi trên mái, cuộc sống ở đây bắt đầu bị bất ổn. Nhiều thiết bị điện đang sử dụng bị bốc cháy như máy sao chè trong nhà bà Phạm Thị Sen (Chồng là Cáp Quý Long) xóm Rừng Chùa, xã Phúc Chìu; tivi, quạt máy ở nhà mẹ liệt sĩ Hoàng Thị Mở xã Thịnh Đức và con gái là Tống Thị Tâm ở xã Phúc Chìu, TP Thái Nguyên. Đặc biệt cháu Dương Hồng Sơn sinh 1999, cháu nội của bà Nguyễn Thị An ở xóm Mới, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ bị bỏng điện phải đi cấp cứu ở bệnh viện…
Sau khi hoàn thành đường truyền tải điện, ngành điện nói rằng: các gia đình đang sống trong những ngôi nhà ở dưới đường dây được đảm bảo an toàn điện vì họ đã mắc xong các dây nối đât. Trong các báo cáo đều có những số đo rất “đẹp” của cường độ điện trường ở trong và ngoài nhà cũng như cường độ dòng điện cảm ứng. Giữa năm 2007 tôi được ông Đồng Quang Nghị, chủ tịch UBMTTQ xã Hùng Sơn mời lên hướng dẫn bà con trồng chè sạch, bảo quản chè. Vì khi đó nhiều thương lái Trung Quốc đang yêu cầu bà con làm chè bùn, chè vàng để họ thu mua. Đây là một kế hoạch vô cùng thâm độc nhằm hủy diệt thương hiệu chè Thái Nguyên.
Trong năm ngày hướng dẫn bà con, tôi đã phát hiện được sự mất an toàn về điện ở khu vực này. Thực hiện phép đo hiệu điện thế cảm ứng tại nhiều nhà cho thấy kết quả không như của nghành điện. Riêng nhà anh Bình, trong năm ngày đó đều đo được hiệu điện thế cảm ứng vào khoàng 600V. Từ kết quả đo của tôi, bà con yêu cầu ngành điện đo lại hiệu điện thế cảm ứng. Trước khi đo phải dùng máy để đo hiệu điện thế của ổ cắm điện của mạng điện lưới-nếu kết quả xấp xí 220V thì có thể coi rằng máy hoạt động tốt và có thể tin tưởng vào kết quả đo của máy đo. Ngày 1-8-2007 tại nhà anh Đinh Sỹ Vinh hiệu điện thế cảm ứng nghành điện đo được là 263V, nhà bà Nguyễn Thị Hải là 96V, nhà anh Nguyễn Văn Bình là 256V. Chỉ cần học hết lớp bảy hoặc đã đi làm ở các công xưởng, nhất là khu gang thép Thái Nguyên, mỏ than Núi Hồng... ai cũng biết rằng mình đang sống trong một môi trường mất an toàn điện. Dân Thái Nguyên nói chung và dân Đại Từ đã gửi đơn đi khắp các ban nghành, các cấp chính quyền, từ huyện tới tỉnh, chính phủ, quốc hội... cho nên mới có tổ công tác liên bộ lên Thái Nguyên và vào nhà anh Bình.
Sau khi ông Vi bỏ đi, các nhân viên nghành điện tiếp tục đo đạc các thông số điện ở nhà anh Bình và nhiều nhà khác. Kết quả đo còn được các gia đình lưu giữ:
Tại nhà ông Nguyễn Văn Bình, hiệu điện thế cảm ứng là 862V cho nên đã làm ông Hoàng Văn Vi bị điện giật. Nhà bà Trần Thị Vân hiệu điện thế cảm ứng 348V, nhà ông Nguyễn Văn Tĩnh có hiệu điện thế cảm ứng 607V….
Kết quả đo hiệu điện thế cảm ứng phụ thuộc rất nhiều vào môi trường như thời tiết, vật liệu làm nhà, khoáng sản dưới đất, đồ dùng trong và ngoài nhà. Nhưng tất cả các kết quả đo ở các thời điểm khác nhau đều cho hiệu điện thế cảm ứng rất lớn gây nguy hiểm cho người sống ở đó.
Với điều kiện bình thường, trong các ngôi nhà dùng mạng điện lưới 220V, hiệu điện thế cảm ứng không quá 10V. Đèn rọi sáng cục bộ trong các máy móc của các xưởng cơ khí có bóng đèn với hiệu điện thế hiệu dụng là 36V. Dòng điện đi qua người không được quá 70mA. Vậy những người dân đang sống trong những ngôi nhà ở dưới đường dây truyền tải điện 220kV, thậm chí là còn cả đường dây 110kV đi song song hoặc bắt chéo thì làm sao có thể gọi là an toàn. Việc ông Hoàng Văn Vi bị điện giật chính là câu trả lời phải có trong văn bản của Tổ công tác Liên bộ từ 30-10-2007 cho dân. Tại sao đến bây giờ vẫn chưa có?