Cơ chế nào vậy thưa các ngài!? - Dân Làm Báo

Cơ chế nào vậy thưa các ngài!?

Đào Hữu Nghĩa Nhân - Trong cuộc tiếp xúc "đại cử tri" ngày 29 tháng 6 tại quân Ba Đình, TBT Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định quyết tâm chống tham nhũng là cuộc chiến tranh có tính chất sống còn của chế độ. Và cũng tại buổi gặp gỡ này Ngài tổng bí cũng đã dành 30 phút phát biểu để khẳng định cái gọi là quyết tâm đó!

Trong bài phát biểu của mình ông đã ca ngợi nghị quyết trung ương 4, và cho rằng nó đã đáp ứng yêu cầu của tuyệt đại đa số cán bộ và nhân dân? Ông nói nhiều người ca ngợi nó như là đã thổi một luồng sinh khí mới vào đời sống xã hội, tất cả đều vui mừng"?

Nói chung, tinh thần các bài phát biểu mà phần lớn chúng ta nghe thấy ở các vị lãnh đạo Đảng hầu hết đều na ná nhau từ khi khai sinh có Đảng đến giờ. Thông điệp từ nó là xưa cũ và cực kỳ nhàm chán, chẳng tạo ra một phương cách gì thật sự mới mẽ mà người dân trông đợi. Nếu không muốn nói là phát biểu thì cứ phát biểu còn thực tế nó diễn ra thế nào là một chuyện hoàn toàn khác chả liên quan gì với nhau. Trong các bài phát biểu ấy chúng ta thường nghe những từ đại loại như: quyết tâm, khẳng định, kiên trì, huy động tổng lực, nghiêm khắc, nhìn thẳng vào sự thật, nói hết...Ngoài ra để thể hiện tinh thần dân chủ cho cái "quyết tâm" muôn thuở ấy thành công mỹ mãn, không có điều chi mà không có dân chúng cùng tham gia với Đảng để giải quyết thành công cái 'quyết Tâm" ấy. Tương tự như lần này, ngài tổng bí của chúng ta cũng kết thúc bài phát biểu bằng cách hô hào kêu gọi, muốn công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực mà theo ông "tham nhũng, hư hỏng đâu cũng có" thành công là phải "dựa vào dân chứ chỉ có nội bộ làm là không ăn thua?. 

Nếu là một người mù, sống xa quê hương có lẽ không ai trong số họ phàn nàn gì khi nghe những bài phát biểu đao to búa lớn hết sức "được lòng dân" như thế này từ cửa miệng của các công bộc. Có lẽ vì thế, không phải ngẫu nhiên mà tổ chức NEF xếp hạng nước ta là quốc gia có chỉ số hạnh phúc đứng hàng thứ hai trên thế giới chỉ sau Costa Rica. Biết đâu đây là tổ chức những gã mù điều hành cũng nên?

Đúng như những gì ông Trọng nói " Tham nhũng hư hỏng đâu cũng có". và để thực sự làm cho bộ máy trong sạch như quyết tâm chính trị của người lãnh đạo cao nhất nước như ông Trọng, hay ông CT nước Trương Tấn Sang, cần phải có sự tham dự tích cực của người dân. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là gì khi mà mỗi lần tiếp xúc với cử tri các ông ý cũng chỉ tiếp xúc với các đại cử tri do chính quyền địa phương chỉ định được phép tham dự. Nói thật từ khi lớn đến giờ mình chưa bao giờ biết được là tại địa phương mình cư trú có diễn ra các cuộc tiếp xúc như thế? Phải chăng những người được gọi là "đại biểu nhân dân" cũng thừa hiểu sẽ khó khăn thế nào khi tiếp xúc với rộng rãi các cử tri không chọn lọc? Bởi chính những cuộc tiếp xúc như thế họ sẽ phải đối diện với những câu hỏi hóc búa, nơi mà các đại cử tri vốn như những chú cùu non hiền lành chẳng khi nào uyên náo ầm ĩ. Vậy liệu rằng cái mà như ngài Sang nói là "chúng tôi muốn nghe sự thật"- có thật như hơi thở cuộc sống hiện tại không? Hay chỉ đơn thuần là những lời chúc tụng giả dối, ca ngợi những thành tựu điều hành của chính phủ trong thời gian qua và cả những kiến nghị yếu ớt? 

Nếu các vị còn có chút thật tâm trong mong muốn dân góp ý chống tiêu cực có lẽ điều nên làm trước tiên là đổi mới hoàn toàn cách tiếp cận cử tri không qua chọn lọc. Không có những cản ngại nào cho những người dám chỉ trích điều hành của chính phủ. Tạo một cơ chế mới mà người tố cáo tham nhũng không bị bức hại. Và quan trọng là dám đưa ra ánh sáng những vụ tham nhũng tiêu cực nổi trội thời gian vừa qua như vụ Nexus technology, vụ Securency,...Điều tra cả trách nhiệm của Thủ tướng trong việc cải tố và điều hành Vinashin cách gì mà đẩy một tập đoàn bị phá sản sang một tập đoàn đang trên đà phá sản-Vinalines. Cũng xin nói thật với các vị, kiến nghị này là nói chơi cho vui thôi! Chứ còn lâu mới dám làm. Làm sao được khi mà hành động của các vị chỉ vì quyền lợi cho nhóm lợi ích của các vị hơn là vì quyền lợi dân chúng?

Không biết khi là người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng, thay thế vai trò của ông Dũng liệu ngài Trọng có cơ chế gì khả dĩ để người dân tham gia? Liệu rằng với cách nói xoa dịu, mang nặng tính tuyên truyền đó ngài sẽ tạo được cú hích nào nức lòng dân trong một rừng cơ chế đầy rẫy lợi ích nhóm và nặng bè phái trong bộ máy rệu rã, thiếu minh bạch?

Ngài thấy rõ rằng nội bộ đầy những gã tay nhúng chàm hoàn toàn chẳng thể làm gì! Vậy thì cơ chế gì cho người dân tham gia. Báo chí là một kênh mà nơi đó người dân có thể tham gia mạnh mẽ nhất nhưng lại là công cụ của Đảng. Ngài thử nhìn lại xem. Mỗi khi một địa phương nào đó làm chuyện xằng bậy thì y như rằng cơ quan thông tấn, báo chí của địa phương đó chỉ bảo vệ duy nhất những người đứng đầu chính quyền địa phương đó. Tấn công ồ ạt các cá nhân bị áp bức bởi các quan chức địa phương. Bản thân các tổng biên tập của các cơ sở báo chí được bổ nhiệm bởi người đứng đầu chính quyền địa phương đó. Điển hình như báo chí Hải Phòng trong vụ Tiên Lãng hoàn toàn tê liệt. Vụ đài truyền hình Hà Nội đấu tố bà Bùi Hằng, linh mục Ngô Quang Kiệt,...

Vậy đó, báo chí của các ngài đã ra tay tàn độc thế nào đối với những cá nhân mà các ngài gọi là những thành phần nguy hiểm cho xã hội. Còn những sai lầm, những tội ác bản thân các vị công bộc của các ngài đối với đất nước, đối với một người dân thấp cổ bé họng nào đó thì báo chí không dám đụng đến!

Chúng tôi thường nghe các ngài chỉ đạo báo chí phải đi đến cùng sự thật. Vậy thì sự thật đó là gì? Trong bài phát biểu chịu trách nhiệm về những điều hành yếu kém của chính phủ ông PTT Nguyễn Xuân Phúc nói " để xảy ra các yếu kém và sai lầm vừa qua, chính phủ xin hoàn toàn chịu trách nhiệm". Vậy thì trách nhiệm ở đây là gì, và cách khắc phục nó ra sao, báo chí có dám đi sâu vào mỗ xẻ phân tích không? Trách nhiệm cụ thể từng thành viên ra sao? Cơ chế nhận trách nhiệm tập thể như thế giải quyết được gì cho những sai lầm đã qua, hay đó cũng chỉ là một kiểu nói mị dân? Và cuối cùng các vị cũng lại âm thầm xếp lại những hồ sơ bất minh trong sự chán chường của dân chúng?

Thưa ngài Trọng, với một học hàm học vị cao ngất trong ngành lý luận Mác Lê- TSGS ngành xây dựng Đảng,những phát biểu của ngài chỉ có thể làm an lòng các đại cử tri được chỉ định, nhưng nó thật là nhố nhăng trong con mắt dân chúng, bởi ngài chỉ đưa ra giải pháp nửa vời mà không có cơ chế gì thực thi giải pháp đó. Dân chúng thấy, các ngài thấy rõ hơn bởi vì các ngài chính là người ở trong cái hộp kín ấy. Nhưng quyết tâm để đưa ra ánh sáng những dữ liệu đen tối bên trong chiếc hộp đen bí ẩn đó quả là chuyện xa vời. Các vị vừa đá bóng, vừa thổi còi thì trận đấu có gì mà đáng xem?

Thực tiễn cho thấy những phát biểu ấy của ngài cũng chỉ đơn thuần là trò chơi chính trị! Trong trò chơi ấy của một chế độ mà người đứng đầu như ngài sẽ chẳng bao giờ có nhu cầu chia sẽ quyền lực với dân. Bởi chia sẻ quyền lực với dân là ngài đã tự tay xóa bỏ chế độ. Các ngài vừa là người đứng đầu vừa mong muốn dân tham gia một cách giới hạn vào quyền lực bằng những cuộc chơi dân chủ nửa vời, giúp duy trì, kéo dài chế độ của các vị trong bệnh hoạn. Đồng thời nó cũng cố cho ngài lòng tự kỷ, thỏa mãn giấc mơ quyền lực! 

Ngày nào đó ngài và các đồng chí của ngài còn thỏa mãn tham vọng quyền lực, chẳng chóng thì chày các vị sẽ chết bởi tham vọng đó. Một Võ Nguyên Giáp ngày nào tung hoành ngang dọc chiến trường nay chỉ nằm chết gí trên giường bệnh, ngay cả bức tâm thứ của ông về Bau xít cũng không báo nào dám đăng. Một HCM là thế mà còn không quyết định nổi bất cứ quyết định quan trọng nào ở những năm cuối đời. Đặc biệt quan trọng khi Tàu có những hành vi đòi hỏi chủ quyền biển đảo của ta, chúng tôi chả hề nghe thấy bất cứ vị công bộc cao cấp nào trong bộ chính trị dám lên tiếng chỉ trích TQ. Thay vào đó nào là hội nghề cá, hội luật sư, petro VN,...toàn là những hội vớ vẩn thuần về dân sự lên án trông thật buồn cười!

Phải chăng chính sự vay mượn quyền lực trong quá khứ để đánh Pháp, chống Mĩ "cứu nước", bằng một khế ước bán rẻ cả vận mệnh tổ quốc, cốt cho các ngài thỏa mãn tham vọng quyền lực. Khế ước nhục nhã ấy nay vào lúc đáo hạn, dứt điểm nợ nần phải trả bằng bau xit, trả bằng rừng, bằng khoáng sản, trả bằng lãnh thổ trên đất liền cũng như trên biển,...Chính vì bán linh hồn cho con quỉ TQ đổi lấy quyền lực mà ngày nay tổ quốc này phải trả giá quá đắc chăng?

Đổi lại sự yếm thế với kẻ bề trên khốn nạn ấy, các ngài toan tính nhận thêm hai ngôi làng của Campuchia mà Hunsen dâng không cho Việt Nam? (nguồn BBC) Là người VN chân chính, chúng tôi không ai vui khi nghe tin này. Lịch sử của dân tộc ta cũng có quá nhiều tội ác với các dân tộc nhỏ. Các ngài hãy một lần làm kẻ quân tử, như là cách hành xử để đức lại cho con cháu mai sau! 

"Faust-một học giả tài ba, tính tình ngạo mạn, chuyên giao du với những kẻ đồi bại, sống đời sống của kẻ vô thần một cách tự do, phóng túng. Để thỏa mãn lòng mong muốn mở mang trí tuệ, Faust kết thân với quỷ Mephisto ở dưới địa ngục và hiến đi linh hồn của mình. Sau khi mở mang được rất nhiều kiến thức, thỏa mãn mọi dục vọng ở trần gian thì Faust bị Mephisto xé tan xác khiến cho máu, óc Faust vung vãi khắp nơi". Câu chuyện về Faust kẻ bán linh hồn cho quỉ (Wikipedia), liệu có tương đồng với câu chuyện các ngài đã làm trong quá khứ?

Cơ chế nào để ngài bảo rằng "chống tham nhũng là công việc của mọi người"? Khi bản thân các ngài giờ đây chẳng còn có linh hồn!



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo