Tăng viện phí, tăng gánh nặng cho dân - Dân Làm Báo

Tăng viện phí, tăng gánh nặng cho dân

TT - Dù nhiều địa phương không tăng viện phí hết khung mà liên bộ Y tế - Tài chính cho phép nhưng cũng đủ làm các bệnh nhân nghèo, nhất là người không có bảo hiểm y tế, “thấm đòn”.

Đa số các địa phương đã thông qua việc tăng viện phí đều không áp dụng mức giá kịch khung theo thông tư 04/2012 của liên bộ Y tế - Tài chính. Nhưng thực tế cho thấy mức tăng viện phí khá “choáng” đối với người nghèo, nhất là đối với người không có bảo hiểm y tế (BHYT).

Nhận xét về việc tăng giá viện phí ở một số địa phương, ông Lý Ngọc Kính - nguyên cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế - nói mức khung viện phí Bộ Y tế đưa ra không chia chặt chẽ theo nhóm bệnh viện tỉnh nghèo thì chỉ tăng bao nhiêu, tỉnh thu nhập khá hơn tăng thế nào nên các tỉnh được đề xuất những mức thu nằm trong khung chung đó. Điều này cho thấy còn có những bất hợp lý và nhất là thiếu thuyết phục.

Tăng giá ngay từ tháng 8
"Quan điểm của chúng tôi là nên có lộ trình điều chỉnh viện phí từ từ. Sở Y tế Nam Định đã chuẩn bị phương án viện phí trình UBND tỉnh, nhưng ý kiến chung là năm 2012 quá khó khăn nên chúng tôi để đến kỳ họp cuối năm 2012 mới trình ra HĐND.

Các bệnh viện cũng rất kêu, nhưng chúng tôi nói họ hãy đặt mình vào vị trí người bệnh, liệu mình có chịu nổi với mức lương ba cọc ba đồng?"
Bà Đặng Thị Minh (giám đốc Sở Y tế Nam Định)
Tăng các khoản thu dịch vụ y tế, người bệnh sẽ thêm gánh nặng - Ảnh: DƯƠNG NGỌC

HĐND TP Cần Thơ vừa thông qua tờ trình về chi tiết cơ cấu giá viện phí mới theo thông tư 04/2012 của liên bộ Y tế - Tài chính. Bác sĩ Bùi Thị Lệ Phi - giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ - cho biết có 413 dịch vụ khám chữa bệnh sẽ áp dụng theo giá viện phí mới kể từ đầu tháng 8-2012. Nhìn chung, mức tăng cao nhất chừng 70% so với khung giá của liên bộ Y tế - Tài chính.

“Chúng tôi hết sức cân nhắc, vì mức sống của người dân ĐBSCL vẫn còn rất khó khăn. Việc tăng giá viện phí lần này tác động không nhỏ đến đời sống của bà con, đặc biệt là ở Cần Thơ vẫn còn 40% dân số chưa có thẻ BHYT. Vì vậy, không thể có chuyện trung ương cho giá bao nhiêu là phải xây dựng bằng giá đó, phải căn cứ vào thực tế và mức sống của người dân để có lộ trình phù hợp. Nhiều tỉnh lân cận bàn tán nói Cần Thơ xây dựng giá thu thấp như vậy là phá giá, nhưng thực tế chúng tôi nghĩ đến khó khăn của người dân” - bác sĩ Bùi Thị Lệ Phi nói.

Lân cận Cần Thơ, Hậu Giang thông qua mức giá thu viện phí mới và cũng áp dụng đầu tháng 8-2012. Theo bác sĩ Võ An Ninh - giám đốc Sở Y tế Hậu Giang, mức tăng giá của các bệnh viện ở mức 62% so với khung trần, nếu so với giá cũ tăng bình quân 3 lần.

Theo Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, sau nhiều lần họp và cân nhắc, Sóc Trăng mới xây dựng được mức giá thu viện phí mới bằng khoảng 75% khung giá trần (cao hơn mức giá của Cần Thơ). Tại Kiên Giang, UBND tỉnh cũng đã có tờ trình HĐND về việc ban hành viện phí mới, mức giá đề xuất là 70% khung giá trần.

UBND tỉnh Long An đã trình HĐND tỉnh ra nghị quyết viện phí mới với mức 70% so với khung trần, trong đó có một số loại dịch vụ tăng rất cao, chẳng hạn tiền giường điều trị tại phòng hồi sức tích cực (ICU, chưa bao gồm máy thở) từ 12.000 đồng/ngày tăng lên 335.000 đồng/ngày, tức tăng tới 29 lần.

Tương tự, HĐND tỉnh Bến Tre đã thông qua giá viện phí mới với mức khoảng 80% so với khung trần. Vượt cả tỉnh Bến Tre, HĐND tỉnh Vĩnh Long đã chấp thuận tăng viện phí với mức 81% so với khung trần. Có lẽ đây là hai tỉnh có mức tăng giá cao nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Riêng Tiền Giang chưa thông qua mức giá viện phí mới. Nhưng theo ông Nguyễn Hùng Vĩ - phó giám đốc Sở Y tế Tiền Giang, dự kiến mức viện phí sẽ bằng 85% khung giá trần, đây là mức giá có thể nói là rất cao so với nhiều địa phương trong khu vực. Tuy nhiên ông Vĩ nói: “Viện phí này so với mức sống của người dân Tiền Giang hiện nay là phù hợp. Người trung bình khá đã đủ điều kiện chi trả, đặc biệt là giúp quỹ BHYT không bị vỡ”.

Nhiều mức tăng chưa có cơ sở

HĐND tỉnh Quảng Ngãi vừa thông qua việc tăng viện phí với mức 66,28% so với khung giá trần của liên bộ Y tế - Tài chính. Một tỉnh có tỉ lệ hộ nghèo 21,4%, việc tăng viện phí là cả một gánh nặng đối với người dân. Qua bảng giá viện phí mới cho thấy mức giá mới tăng theo ba nhóm: tăng dưới 3 lần, tăng từ 3-5 lần và tăng trên 5 lần.

Một đại biểu HĐND tỉnh cho hay việc tăng viện phí được trình quá gấp, thời gian thảo luận, phản biện lại ít nên việc thông qua chưa thuyết phục người dân. Ông này cũng nói việc tăng viện phí chưa đi cùng với việc đầu tư nâng cao cơ sở vật chất cũng như năng lực chuyên môn của y bác sĩ, nên khó nâng cao công tác khám chữa bệnh.

Ông Đỗ Ngọc Thạch - giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ngãi - cũng nói: “Họ xây dựng mức giá như thế, HĐND tỉnh quyết rồi mình phải thực hiện. Thật ra nhiều mức tăng chưa có cơ sở”. Ông Thạch ví von: “Trước mua ký thịt 30.000 đồng, nay tăng lên 60.000 đồng thì có thể bỏ ăn thịt. Nhưng dân có bệnh, có tăng giá đến mấy cũng phải đến bệnh viện”. Riêng ông Nguyễn Mạnh Hùng, trưởng Ban văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, lại băn khoăn: năm 2011, Bệnh viện Đa khoa tỉnh có số thu 126,6 tỉ đồng nhưng nguồn thu này sử dụng thế nào còn chưa rõ, nay kinh phí sẽ tăng thêm do viện phí tăng, Sở Y tế chưa giải thích rõ sử dụng tiền vào việc gì.

Một trong những nội dung mà các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam đưa ra tại kỳ họp thứ 4, khóa VIII diễn ra trong ngày 11-7 là việc quy định một số loại phí khám chữa bệnh. Theo đề án, mức giá khám chữa bệnh trong các cơ sở y tế được đề xuất với HĐND bằng 75% khung giá tối đa của liên bộ Y tế - Tài chính, trong đó có nhiều dịch vụ tăng gấp hai lần...

Ông Nguyễn Dương Triều, trưởng Ban văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, cho rằng mức giá chưa đúng, chưa được cơ quan chuyên môn là Sở Tài chính rà soát, thẩm định chi tiết, mang tính áp đặt tiên lượng và chưa có cơ sở thực tế.

Gánh nặng với người nghèo

Đối với các bệnh viện, hầu hết quan điểm cho rằng tăng viện phí lần này là phù hợp để tránh việc ngân sách phải bù cho các bệnh viện quá lớn. Nhưng đối với người dân, việc tăng viện phí là một “cú sốc” không nhỏ, nhất là với người nghèo và người không có BHYT.

Anh Thạch Sen (ngụ xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: “Nghe thông tin sẽ tăng viện phí, tui rất lo. Số tiền mà tui đang điều trị bệnh hằng tháng không dưới 3 triệu đồng. Với mức thu mới, chắc chắn sẽ phát sinh tăng thêm không dưới 2 triệu đồng”. Anh Sen bị bệnh thận nhiều năm nay.

Đang nuôi con bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ, bà Nguyễn Thị Lành (ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) băn khoăn: “Tui nghe nói Nhà nước sắp tăng giá viện phí, người nghèo làm thuê làm mướn như tụi tui lo quá. Hiện nay với giá này mà tui nuôi con ở đây cũng tốn hết mấy trăm ngàn một ngày. Sắp tới tăng giá nữa chắc phải ở nhà uống thuốc nam”.

Theo ông Đinh Văn Kê (huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình), con trai ông đã hơn bốn năm điều trị tại Bệnh viện huyện Yên Thủy với chẩn đoán hội chứng thận hư. Cứ nằm viện ba tuần, bệnh đỡ, ra viện một tháng sau lại nhập viện, nghĩa là trung bình gần hai tháng nhập viện một lần. Gia đình ông có sổ bảo hiểm hộ nghèo, chỉ phải đồng chi trả 5%, nghĩa là mỗi lần nằm viện mất 5-6 triệu đồng thì gia đình phải đóng chừng 300.000 đồng. Số tiền này là không nhỏ khi phải điều trị liên tục trong nhiều năm.

“Tiền giường hiện nay tại bệnh viện huyện là 70.000 đồng/ngày/người, nay nghe nói tăng thêm nữa, nhà tôi không biết lấy tiền đâu để đưa cháu đi chữa bệnh” - ông Kê tâm sự.

Bà Thái Thị Lan (thị xã Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) cũng nói chồng bà phải nhập viện vì bệnh tim mạch. Gọi là có BHYT nhưng bảo hiểm cũng chỉ cho phép hỗ trợ chi trả ở mức nào đó. “Chúng tôi là công chức, có BHYT còn phải xoay xở đủ kiểu để gồng lên gánh viện phí, thử hỏi những người dân phải trả viện phí 100% làm sao chịu nổi?”.

NHÓM PV - CTV TUỔI TRẺ

TP Đà Nẵng chưa thông qua viện phí mới

Ngày 11-7, ông Phạm Hùng Chiến - giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng - cho biết địa phương chưa thông qua mức thu viện phí mới. “Việc chưa áp dụng mức viện phí mới là để khoan thư sức dân” - ông Chiến nói.

Hiện ngành y tế đang phối hợp cùng Bảo hiểm xã hội TP, Sở Tài chính để cùng xây dựng đề án viện phí mới. Sau đó sẽ có báo cáo UBND TP trước khi trình HĐND TP vào kỳ họp tháng 12 tới. Như vậy, nếu được thông qua thì nhanh nhất cũng phải đến năm 2013 mới triển khai việc áp dụng viện phí mới.

Ông Chiến nhấn mạnh: TP Đà Nẵng có hơn 82% dân số có thẻ BHYT và đang phấn đấu đạt 100% vào cuối năm 2012, nên người dân sẽ “dễ thở” hơn với mức giá viện phí mới.

Vụ “Lật tẩy chiêu đẩy giá thuốc”: Cục Quản lý dược yêu cầu báo cáo


Người dân nộp viện phí tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam - Ảnh: TẤN VŨ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Quản lý dược (viết tắt là Cục Dược) Bộ Y tế cho biết đã có văn bản gửi Công ty cổ phần dược phẩm Savi (Savipharm) và Công ty GlaxoSmithKline Pte Ltd Singapore (GSK), yêu cầu báo cáo vụ việc sáu loại thuốc do hai công ty trên sản xuất và phân phối đã tăng giá 2-4 lần sau khi thay tên mới và xuất khẩu tại chỗ. Phòng quản lý giá thuốc Cục Dược cho biết sáu loại thuốc tăng giá trên chưa kê khai giá tại cục.

Tuy nhiên theo tìm hiểu, khi nhập khẩu chuyến hàng đầu tiên cho từng mặt hàng nói trên, Phytopharma - đơn vị nhập khẩu cho GSK - có kê khai giá thuốc với Cục Dược. Cụ thể, ngày 13-10-2011,

công ty kê khai giá bán buôn dự kiến tại VN với mặt hàng Loperamide GSK 2mg là 1.585 đồng/viên (giá xuất là 346 đồng/viên)...; ngày 9-12-2011, công ty kê khai tiếp mặt hàng Metformin GSK 850mg với giá 2.303 đồng/viên (587 đồng/viên)... Các bảng kê khai này đều có dấu công văn đến do Cục Dược xác nhận.

Trả lời về việc Cục Dược có đồng ý với bảng kê khai giá thuốc mà Phytopharma gửi hay không, ông Phan Thành Lây - tổng giám đốc công ty - xác nhận Phytopharma có gửi bảng kê khai giá thuốc các mặt hàng nói trên tới Cục Dược và cục không có ý kiến gì về bảng kê khai này. Theo quy định, trong vòng 17 ngày làm việc nếu Cục Dược không có ý kiến gì tức là đồng ý với bảng kê khai giá của doanh nghiệp. Nếu không đồng ý, cục sẽ có văn bản yêu cầu doanh nghiệp giải trình.

Để tránh nhầm lẫn thuốc sản xuất trong nước với thuốc sản xuất ở nước ngoài, khi đồng ý cho Savipharm thay đổi công ty đăng ký thuốc và thay đổi tên thuốc sáu mặt hàng nói trên sang cho GSK, Cục Dược đã yêu cầu: về nhãn thuốc, GSK phải bổ sung logo của Savipharm cùng với logo của GSK; tên và địa chỉ của Savipharm cùng chỗ với GSK. Cục Dược còn yêu cầu tên và logo của công ty đăng ký không được lớn hơn nhà sản xuất, tức là tên và logo của GSK không được lớn hơn Savipharm. Về nhãn vỉ, Cục Dược đề nghị ghi rõ tên công ty sản xuất (tức Savipharm) để người sử dụng có thể nhận biết. Yêu cầu này của Cục Dược là đúng theo quy định về hướng dẫn việc ghi nhãn thuốc của Bộ Y tế.

Trên thực tế, ghi nhận giá sáu mặt hàng thuốc trên ở các nhà thuốc tại TP.HCM, Tuổi Trẻ phát hiện hai mặt chính của nhãn thuốc (vỏ hộp thuốc) không có logo và tên của Savipharm mà chỉ có logo và tên của nhà đăng ký GSK. Tên của Savipharm chỉ có ở hai mặt phụ của vỏ hộp thuốc. Tìm hiểu việc duyệt mẫu nhãn thuốc của Cục Dược cho các mặt hàng này cho thấy sự bất nhất trong việc thực hiện quy chế về ghi nhãn thuốc. Cụ thể, khi duyệt các mẫu nhãn thuốc cho các mặt hàng nói trên, Cục Dược lại cho phép trên hai mặt chính của vỏ hộp thuốc chỉ cần in logo và tên của nhà đăng ký GSK mà không cần tên và logo của nhà sản xuất Savipharm.

Như Tuổi Trẻ đã thông tin, sau khi Savipharm và GSK ký kết “Chuyển giao quyền lưu hành sản phẩm của Savipharm cho GSK Singapore” và “Hợp đồng sản xuất và cung ứng thuốc” thì Savipharm tiến hành sản xuất cho GSK 6/15 mặt hàng thuốc. Các mặt hàng này đã được Cục Dược đồng ý cho thay đổi công ty đăng ký và thay đổi tên thuốc từ Savipharm sang cho GSK.

Sản xuất xong, Savipharm thực hiện xuất khẩu tại chỗ cho GSK thông qua nhà nhập khẩu là Công ty cổ phần Dược liệu trung ương 2 (gọi tắt Phytopharma, ở TP.HCM) với giá xuất khẩu rất rẻ: xuất gần 104.000 hộp cho sáu loại thuốc (gồm Loperamide GSK 2mg, Metformin GSK 850mg...) với giá trên 3,1 tỉ đồng (không VAT), nhưng Phytopharma nhập khẩu với giá hơn 21,3 tỉ đồng (chưa VAT), chênh lệch hơn 18 tỉ đồng.

L.TH.H. - L.ANH



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo