Sợ hãi và hy vọng - Dân Làm Báo

Sợ hãi và hy vọng

Phản hồi bài viết "Cuộc cách mạng của Sợ Hãi" của Vũ Đông Hà

Tạ Nhất Linh (Danlambao) - Đã lâu lắm, tôi mới lại được đọc một bài viết tâm đắc như thế về con đường của cách mạng dân chủ ở nước ta. Đọc xong, thấy sáng ra nhiều điều. Và thật mừng vì đã có người nêu ra những suy nghĩ rất thực tế để từng bước đi tới mục tiêu cao cả.

Chúng ta, những người đã chán ngấy cái xã hội ‘xã hội chủ nghĩa’ mà mấy ông như Lenin đã vẽ ra. Nhưng vẫn phải nói rằng về phương pháp làm ‘cách mạng’ thì Lenin rất thực tế. Ông ta đã viết hai tác phẩm “Làm gì?” và “Bắt đầu từ đâu?” để hướng dẫn cho các đệ tử của mình những chiêu thức rất cụ thể, tránh sa vào tranh cãi lý luận chung chung khi thời cơ cách mạng sắp chín muồi.

Và tôi có cảm giác rằng bài viết của Vũ Đông Hà ở mức độ nào đó có tác dụng giống như vậy. Anh (xin tạm gọi như vậy) đã đưa ra những nhận định đúng và những đường hướng cũng như phương pháp hợp lý (tất nhiên là do anh đã học kỹ những bài học từ Gandhi, từ cách mạng ở Nam Tư, từ Mùa Xuân A-rập).

*
Trước tiên, xin điểm lại hai trong số những nhận định mà tôi tâm đắc.

1) “Tội ác lớn nhất của một triều đại không hẳn là đốt sách, giết người hay làm cho đất nước trở nên nghèo khó, mà là làm cho cả một dân tộc trở nên hèn nhát, ích kỷ và mê muội.”

Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định này. Đó là chân lý. Hãy tưởng tượng một thói xấu gắn với tính ích kỷ: thói trấn trớ, lười nhác, không thích làm việc, chỉ thích hưởng thụ. Một khi lực lượng nắm quyền lực không đối xử tốt với những người chăm chỉ và làm ra những giá trị vật chất hay tinh thần, mà chỉ tìm mọi cách nâng đỡ những kẻ xu nịnh, hối lộ, đem lại lợi ích riêng cho những kẻ nắm quyền, thì trong xã hội số người chăm chỉ sẽ giảm đi nhanh chóng, và sẽ kết cục là hầu như không còn ai muốn làm việc thật sự nữa. Khi đó, những người làm thật sẽ bị chê cười, bị coi là ngu dại. Thói điêu ngoa giả dối sẽ lan tràn, và không thể nào đảo ngược xu thế tha hóa được nữa. Ngay cả khi đã thay đổi chế độ thì cũng phải mất mấy chục năm may chăng mới đẩy lùi được tệ nạn làm chơi ăn thật. 

Đây chỉ là một trong những tính cách làm cho một dân tộc tự đưa mình xuống hố. Trong sự tương tác với những thói xấu khác như tính hèn nhát mà Vũ Đông Hà đã phân tích, nó tàn phá đất nước, tàn phá lương tri, làm suy đồi đạo đức và dẫn đến sự bất hạnh tột cùng.

2) “Mọi việc làm dù mục tiêu cao cả đến đâu, dù có gây được khó khăn cho bộ máy độc tài, nhưng sau đó vẫn chừng đó một nhúm người là một kế hoạch thất bại. Một việc làm dù được dư luận ca ngợi đến đâu (hào hùng, can đảm, nhiệt tình, yêu nước...) nhưng sau đó gây thêm sự sợ hãi trong quần chúng cũng không nên xem là một thành công.”

Năm ngoái, ở Hà Nội và Sài Gòn đã có 10 ngày chủ nhật mà một số người yêu nước xuống đường tuần hành phản đối Trung Quốc xâm lược. Sau nhiều lần bị đàn áp khốc liệt, phong trào lắng xuống. Rồi đến một hôm, thủ tướng cộng sản Nguyễn Tấn Dũng từ diễn đàn quốc hội lên tiếng trước cả nước và trước chính quyền Bắc Kinh khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời yêu cầu quốc hội tiến hành làm luật biểu tình, những người đi tuần hành 10 chủ nhật trước lại tiếp tục ra đường với khẩu hiệu ‘ủng hộ thủ tướng’. Kết quả là lực lượng công an đã hốt rất nhiều người lên xe buýt đưa về cái gọi là trại cải tạo. 

Sang năm nay, vào ngày 1 tháng 7 vừa qua, nhân việc quốc hội thông qua Luật Biển, một cuộc biểu tình lại được nhen nhóm. Lại đàn áp, bắt bớ. Và từ nay thì chắc là tổ chức tiếp biểu tình sẽ rất khó khăn, ít nhất là trong năm nay.

Sau hai cuộc biểu tình đầu tiên 5 – 6 và 12 – 6 năm ngoái, tôi đã thực sự khâm phục những người đứng ra tổ chức biểu tình, cả về lòng quả cảm lẫn sự khéo léo trong cách thức tổ chức, vận động. Nhưng khi có chủ trương tuần nào cũng đi biểu tình thì tôi đã rất băn khoăn về tính hiệu quả và kết cục của nó. Và trên thực tế, chính việc biểu tình thường xuyên đã gây ra mệt mỏi chán nản cho những người tham gia, và gây cả cảm giác sợ hãi hay ít ra là ớn ngại khi bị đàn áp ngày càng khốc liệt. Việc thường xuyên biểu tình mà không có đột biến thậm chí giống như việc tự đem mình làm đối tượng để các lực lượng ‘chuyên chính’ tập dượt đàn áp. Đến giờ, rõ ràng họ đã rất có kinh nghiệm trong việc làm tan rã các đám biểu tình.

Và việc nêu khẩu hiệu ‘ủng hộ thủ tướng’ rõ ràng chỉ có tính sách lược, nhưng nó là một sách lược hơi thảm hại.

Khi tôi nêu ra những băn khoăn của mình với anh em, có người đã cho tôi là hèn nhát; sau đó thì tôi không dám nói nữa.

Đến nay, khi được đọc bài viết của Vũ Đông Hà, tôi thấy nhẹ cả người. Đã có người cũng hiểu giống như tôi. Không, anh thấu hiểu hơn tôi. Và anh còn đưa ra được cả những chiêu thức rất cụ thể cho những hoạt động cần thiết sắp tới để khơi dậy một phong trào bền vững và chắc chắn sẽ lớn mạnh dần.

*

Vũ Đông Hà trước hết đã nêu lại những sách lược đấu tranh đầy tính toán thông minh của Mahatma Gandhi, của phong trào Otpor, của Mùa Xuân A-rập. Rồi anh phân tích tình hình nước ta để đề xuất các phương thức đấu tranh cho chúng ta. Phải nói là chưa có một bài viết nào của những người khát khao làm cách mạng dân chủ tạo cho tôi niềm tin nhiều như bài viết của Vũ Đông Hà.

Tôi rất tán thành và khoái chí với việc anh so sánh Milošević với Nguyễn Tấn Dũng (với cái đuôi luôn ngoe nguẩy để làm trò hề Đinh La Thăng hay Đinh Tặc). Đúng thế! Hãy đưa Nguyễn Tấn Dũng và một hai đệ tử ruột của y ra làm trò cười. Hãy rải truyền đơn, làm thơ ca hò vè về Nguyễn Tấn Dũng, chĩa mũi nhọn vào y. Hãy vẽ tranh biếm họa về y, bày trò bắn súng, phóng phi tiêu vào mặt y, vào hình nộm của y. Hãy làm cho y ăn không ngon, ngủ không yên, làm cho chính đồng bọn của y không còn muốn liên minh chắc chắn với y nữa! Hãy tạo ra những trò chơi làm cho những tầng lớp thanh niên, đặc biệt là sinh viên, kể cả những người chưa bao giờ để ý đến những trò bỉ ổi của y, thấy thích thú, và tham gia vào trò chơi giống như chơi một kiểu game hấp dẫn nhất. Hãy chĩa mũi dùi vào y, vì y là kẻ gian manh nhất và hiện vẫn còn nhiều thực lực nhất.

Cho đến giờ vẫn còn có người mơ hồ tin vào những lời đường mật của y về lòng thương dân, những lời hoa mỹ về dân chủ và chủ quyền quốc gia. Đừng tin những gì y nói, mà hãy nhìn kỹ những việc y làm!

Học tập Mahatma Gandhi, mặc dù phải căn cứ vào tình hình cụ thể ở nước ta, nhưng một cuộc đi bộ na ná như Hành Trình Muối cũng rất khả thi. Chỉ cần chuẩn bị kỹ như Gandhi đã làm.

Tin rằng sau đây sẽ có rất nhiều người tham gia bàn bạc chung quanh những ý tưởng mà Vũ Đông Hà đã chuyển tải về hoặc chính anh đề xuất cho chúng ta, đồng thời chúng ta cũng có thể nêu ra thêm những ý tưởng sang tạo mới.

Ngày 7 tháng 7 năm 2012




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo