Thiếu minh bạch khi lắp máy đài tàu đối với ngư dân - Dân Làm Báo

Thiếu minh bạch khi lắp máy đài tàu đối với ngư dân

SGTT.VN - Ngư dân Quảng Bình vừa được lắp đặt 133 máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa, thường gọi là máy đài tàu. Theo quyết định của Chính phủ thì các khoản lắp đặt này đều được Nhà nước đài thọ. Thế nhưng, Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KTBVNLTS) Quảng Bình lại yêu cầu người dân phải nộp hàng chục triệu đồng.

Hàng loạt ngư dân xã Bảo Ninh bức xúc nói, theo thông tư liên tịch số 11/2011 hướng dẫn thực hiện quyết định số 48/2010/QĐ-TTG ngày 13.7.2010 của Thủ tướng về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa..., thì máy đài tàu được hỗ trợ lắp đặt miễn phí 100%. Thế nhưng khi tiến hành, nhiều ngư dân lại bị thu từ 10 triệu đồng mỗi máy, có nơi thu 15 triệu đồng, có nơi bị thu 28 triệu đồng một cách vô lý. Các khoản đóng góp được hứa sẽ trả lại cho ngư dân sau chuyến đi biển đầu tiên kể từ ngày lắp đặt máy này, song hàng loạt ngư dân đã trải qua 3-4 chuyến, Chi cục KTBVNLTS vẫn không hoàn lại tiền cho ngư dân.

Ngư dân Quảng Bình gặp nhiều khó khăn trên biển nhưng trên bờ cũng không ít nhiêu khê.

Ông Nguyễn Ngọc Khôi, ở thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh có một chiếc thuyền đánh bắt ở vùng biển xa cho hay gia đình ông phải vay mượn đủ 14 triệu đồng nộp cho cán bộ Chi cục KTBVNLTS và được giải thích là tiền “thế chấp” để lắp máy. Ông Khôi cho biết: “Cán bộ về thu tiền bảo cứ nộp đi, có biên lai mà. Lắp xong ra khơi rồi thì bắn tín hiệu về, ở bờ nhận được, xong chuyến biển là được hoàn lại tiền. Nghe ưng bụng, tui lắp, nhưng tàu tui đã lắp 4 tháng, mấy lần ra khơi, đầy đủ thủ tục hồ sơ rồi và mấy lần hỏi cán bộ Chi cục cứ lần khần, không trả lại tiền. Rứa là răng?”. Nhiều chủ thuyền ở Mỹ Cảnh làm đúng trình tự, thủ tục về máy đài tàu là sau mỗi chuyến biển đều có phô tô công chứng nhật ký hải trình nộp Chi cục KTBVNLTS nhưng đều bặt vô âm tính. Qua tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, có thuyền nộp rất cao, như thuyền của ông Phạm Văn Tắc (Bảo Ninh) phải nộp 28 triệu đồng. Trong hóa đơn gia đình ông Tắc giữ, cán bộ Chi cục ghi là tiền “mua máy”, giấy trắng mực đen, rõ ràng.


Nhiều tàu biển đã lắp đặt đài tàu, và phải đóng tiền thế chấp, có tàu bị ghi là mua máy, được hứa trả sau chuyến ra khơi đầu tiên nhưng vẫn bặt vô âm tín.

Hàng loạt ngư dân của các xã biển khác như Đức Trạch, Nhân Trạch, Thanh Khê (Bố Trạch), Cảnh Dương (Quảng Trạch)…cũng bị Chi cục này bắt “nộp tiền” một cách bất hợp lý và sai trái với quyết định 48 hỗ trợ ngư dân của Thủ tướng.

Tại xã Đức Trạch, ông Hồ Đăng Chiến, Chủ tịch xã nói: “Không hiểu răng, Chính phủ nói miễn phí, rứa mà ngư dân xã tui lại bị buộc phải nộp mỗi máy đài tàu mười triệu, bà con hỏi tui nhiều lắm mà không biết cách chi giải thích”. Khi tiếp xác với các ngư dân đã lắp đặt máy đài tàu, hầu hết họ đều mong muốn Chi cục KTBVNLTS trả lại tiền để người dân có dòng vốn vận hành vào thời buổi kinh tế khó khăn.

Làm việc với ông Lê Văn Lợi, Chi cục trưởng Chi cục KTBVNLTS Quảng Bình về sự việc trên, ông Lợi buông một câu rằng các vấn đề liên quan đến quyết định 48 đều thuộc vấn đề “mật” nên không trả lời báo chí.

Trong khi đó, nhiều ngư dân tin rằng, có điều gì đó không minh bạch trong việc thu tiền lắp đặt máy đài tàu đối với họ. Và khi bài báo này đến tay bạn đọc, một số ngư dân xã Bảo Ninh cho biết, có một số cán bộ Chi cục này về trả lại tiền sau nhiều tháng buộc họ đóng “thế chấp” một cách không minh bạch, nhưng nhiều ngư dân của các xã biển khác ở Bố Trạch, Quảng Trạch, Đồng Hới cho hay vẫn chưa nhận được chính tiền thế chấp của mình.


Ông Phạm Văn Tắc phải ký nộp đến 28 triệu cho một cái máy miễn phí.

BÀI VÀ ẢNH: QUỐC NAM



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo