Y khoa buồn - Dân Làm Báo

Y khoa buồn

Dr. Nikonian - Chiều nay bệnh nhân thưa vắng, được về sớm, lơ đãng dán mắt vào cái tivi chẳng mấy khi coi, có một phóng sự trên VTV2, “Chương trình sàng lọc trẻ sơ sinh”, cứ làm tôi mãi ngẫm nghĩ. Chẳng đi đến đâu, thôi thì viết ra cho nhẹ lòng!

À thì ra thế, y khoa nước ta tiến bộ quá chừng! Những mảnh nhiễm sắc thể mà bọn chúng tôi chỉ được đánh vật trên giáo trình luyện thi đại học 20 năm về trước, giờ này người ta đã trích ly, đong đếm, khảo sát được dưới kính hiển vi.

Chúng giúp chẩn đoán sớm, thật sớm những dị tật bẩm sinh ngay từ trong bụng mẹ, mà ông tạo trớ trêu đã đặt trên số phận của một thai nhi. Có bệnh chữa được, có bệnh chưa chữa được.

Chưa chữa được, chứ không phải không bao giờ chữa được, hiểu theo cái nghĩa lạc quan nhất của một ngành di truyền học đang tiến bộ từng ngày. Với một bản đồ gen được thiết lập, người ta có thể phán quyết về số phận của một con người: bình thường lành lặn, hay tận cùng hẩm hiu với một dị tật bẩm sinh nào đó, không tương hợp với cuộc sống. Đồng thời, là những hệ lụy cay đắng, đau đớn của những bậc cha mẹ không may!

Nhưng phát hiện sớm, từ trong bụng mẹ, để làm gì?

Nếu để điều trị sớm, để giúp sửa chữa sớm, thật sớm sự lỡ tay của Tạo hóa thì quá tốt rồi. Ai cũng mong ước thế! Còn như để hủy diệt một mầm sống từ trong trứng nước, “giúp cải tạo giống nòi” thì có nên chăng? Đành rằng, nuôi dạy một đứa con bệnh hoạn, đầy khuyết tật quả là một gánh nặng nhiều khi quá sức chịu đựng.

Nhưng, thai nhi non nớt đó đâu có quyền được chọn quyền được sinh ra, khỏe mạnh hay bệnh hoạn, ưu tú hay đầy khuyết tật. Không phải lỗi của nó, cũng không phải lỗi của bất cứ ai cả. Chấm dứt sự sống của một hài nhi yếu ớt, bệnh hoạn, chỉ duy trì những thai nhi khỏe mạnh, có lý lẽ của nó! Nhưng hình như, nó phảng phất chút gì giông giống thuyết ưu sinh (eugenics) mà Nietzsche là một trong những người đại diện.

Nietzsche chủ trương chỉ nên tồn tại những cá thể ưu việt, thuần chủng, khỏe mạnh hoàn toàn. Mà ai cũng biết, tư tưởng của Nietzsche đã từng là mầm mống cho những trang đen tối và bi thảm nhất trong lịch sử nhân loại, chủ nghĩa Quốc xã.

Primum non nocere! Trước hết, không làm tổn hại! Lời răn y khoa số 1 từ cổ đại, chắc không ai không đồng ý. Vì mục đích cao quí và tối hậu nhất của y khoa là chữa lành, chứ không phải hủy diệt! Vì quyền được sống của mọi sinh mạng, thì đều quý giá như nhau! Vì những gì y học bó tay hôm nay, biết đâu lại có thể được chữa lành trong một tương lai rất gần! Vì những hài nhi bị tuyên án tử hôm nay, năm, mười, hay năm mươi năm sau biết đâu có thể khỏe mạnh bình thường nhờ những tiến bộ vũ bão của y học.

Bao nhiêu bệnh lý phải bó tay bao năm về trước, nay có thể điều trị tử tế, đàng hoàng. Trường hợp song sinh Việt Đức là một ví dụ điển hình. Từ một dị tật hiếm hoi, kinh khủng và nặng nề đến vậy, ít nhất cũng có một con người được sống, như một con người, dù co 1tật nguyền đôi chút. Điều đó há chẳng tốt đẹp hơn nếu cặp song sinh này bị “sàng lọc” ngay từ trong trứng nước hay sao? Nếu nhân loại quyết định hủy diệt tất cả những mầm sống mà nền y học của nó hiện không thể trị lành, chắc chắn vô số bệnh nhân nan y của tôi ắt hẳn đã phải về bên kia thế giới từ lâu. Sự sống, dù ngắn ngủi, dù đầy bệnh tật hiểm nghèo, chắc chắn luôn luôn quý giá hơn cái chết!

Phải chi, chúng ta có những cơ sở nuôi dạy, chăm sóc trẻ khuyết tật thật tốt đẹp, để những đứa trẻ không may đó có cơ hội được sinh ra, được chăm sóc, được sống tử tế và được hy vọng vào một nền y học đang tiến bộ từng ngày. Hơn là chúng phải ra đi từ trong bụng mẹ, hay sinh ra và trở thành một gánh nặng không thể chịu nổi cho cha mẹ. Vì vậy, không hề lên án, tôi cảm thông nỗi đau đớn của những bậc cha mẹ phải đành lòng bỏ đi đứa con bệnh hoạn đang hình thành của mình. Trong sự chia sẻ này, pha lẫn nhiều ngậm ngùi về một nền y học hữu hạn và còn quá nhiều bất lực!

Truyện cổ kể rằng, một vị thiền sư nọ khi đạt chánh quả, đã đặt một con kiến lạc lối trên tay áo nhẹ nhàng xuống đất. Lẽ nào, chỉ có những con kiến khỏe mạnh, không tật không nguyền, mới xứng đáng với tình yêu thương muôn loài, với lòng tôn kính sự sống?

Cái đầu dấm dớ của tôi cũng không nén nổi một tiếng thở dài khi ống kính chĩa sát, thật sát vào những hình hài dúm dó đầy khuyết tật. Hình như, quá say sưa với kiểu đưa tin theo kiểu “người thật việc thật”, người quay phim nào đó đã quên mất một nguyên tắc bất di bất dịch trong nghề y, là quyền riêng tư của mỗi bệnh nhân.

Phải chăng, vì nhiệt tình minh họa của lợi ích của chương trình sàng lọc sơ sinh, người ta có quyền trưng lên các phương tiện truyền thông, những con người bất hạnh này như những ví dụ cụ thể, lạnh lùng và không chút xót thương.

Những lời giảng giải của đồng nghiệp tôi về chứng suy giáp trạng bẩm sinh, chắc chắn sẽ dẫn đến thiểu năng trí tuệ về sau, thật chính xác và uyên thâm. Nhưng có ai nhìn thấy ánh mắt đau đớn, cúi gằm đầy cam chịu của một bà mẹ trẻ cũng lồ lộ dưới ống kính, khi gia cảnh bất hạnh của mình được đem làm dẫn chứng một cách sinh động, lạnh lùng đến thế hay không? Đồng nghiệp tôi khi đang say sưa giảng giải, có được sự ưng thuận của gia đình hay không, tôi không biết? Vì trong những dòng generic ở cuối phim, tôi không thấy một dòng cảm tạ, hay ghi nhận sự cộng tác của những con người rất đỗi bất hạnh này.

Nhưng tôi biết chắc rằng, những cuốn sách thuốc mà tôi học, nếu không cần thiết, bắt buộc phải che mắt và bộ phận sinh dục trước khi chụp ảnh, in thành sách để chúng tôi học làm thầy thuốc. Thông lệ này cũng là điều bắt buộc khi mổ tử thi, để tỏ lòng kính trọng một đồng loại xấu số. Ngay ở nhà xác, tôi đã đọc được một câu cách ngôn đầy minh triết ”Mortui vivos docent – Người chết dạy kẻ sống”.

Tiên quyết hơn cả, tất cả các hình ảnh từ bệnh nhân, khi sử dụng cho mục đích giảng dạy hay truyền thông, đều phải có sự đồng ý và cho phép của chính bệnh nhân đó, hay gia đình của họ. Đó là một nguyên tắc đẹp đẽ và bất di bất dịch! Vì nhân danh sự hiểu biết hay quyền lợi cộng đồng, để phơi bày bệnh tật và niềm đau khổ của một gia đình bất hạnh, chắc chắn không phải là mục tiêu của một nền y khoa nhân bản.

Thế nên, một nền y khoa dù tân tiến cách mấy, nhưng thiếu tính nhân văn và lòng tôn trọng con người, mãi mãi là một nền y khoa buồn!

Viết thêm: Dù viết bài này đã lâu, tôi cũng không ngờ nó đã được nhiều người đọc, chia sẻ, đồng cảm hay phản bác với những suy nghĩ mọn của mình đến thế. Vấn đề quá lớn lao, và chắc sẽ còn nhiều tranh luận. Xin post thêm một đôi dòng về tiểu sử của GS. Stephen Hawking, một khuôn mặt lỗi lạc và sáng chói của khoa học trong thế kỷ 20.

Lại tự hỏi, nếu người ta áp dụng chính sách “sàng lọc sơ sinh”, làm sao hình hài dúm dó vặn vẹo này có thể tồn tại cho chúng ta ngưỡng mộ và ca ngợi?


Dr. Nikonian


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo