Truyện cổ tích bị cấm - Dân Làm Báo

Truyện cổ tích bị cấm

Hoàng Đức Doanh (Danlambao)Ngày xửa, ngày xưa nước ta bị một nước phương Tây đô hộ, chúng gọi tên nước ta là An Nam. Lúc ấy dân ta còn lạc hậu, nhưng thiên nhiên ưu đãi cho nhiều của cải lại nằm cạnh biển Đông, án ngữ con đường từ Đại tây dương sang Thái bình dương cho nên có nhiều nước lăm le nhòm ngó.

Thời ấy nước phương Tây tuyển mộ lính người An Nam để đánh nhau với phe tay sai cho nước phương Bắc, Qua vài năm, nước phương Bắc lại giúp ta vũ khí, lương thực để đánh nhau với nước phương Tây, đánh nhau ác liệt đến mấy chục năm làm cho dân ta thiệt hại biết bao nhiêu sinh mạng, đất nước tang tóc tiêu điều.

Tưởng như thế là vừa lòng nước phương Bắc, nào ngờ chúng lại hùng hùng, hổ hổ kéo quân sang với lời đe dọa dạy cho dân ta bài học. Một lần nữa lại thịt nát, xương tan.

Hơn chục năm sau, chúng lại thân thiện với ta, chúng mời vua quan nước ta sang hòa giải. Đến lúc này thì toàn dùng lời ngọc, chữ vàng, trong bụng toàn chứa đồ tốt. Tốt đến mức ông quan thượng thư Ngoại vụ phải thốt lên: “Lại bắt đầu một thời kỳ Bắc thuộc “ để mọi người nhớ đến nghìn năm Bắc thuộc xưa kia!

Nói đến thế mà vua chẳng nghe quan, kế tiếp nhau mấy đời vua tuần tự thay nhau sang triều cống. Thấy nước ta giàu tài nguyên nên chúng hết nhòm ngó khoáng sản, lại nhòm ngó hải sản, rồi nông sản, rồi đất đai, rồi biển cả, chúng chẳng từ thứ gì. Gặm đằng chân xem chừng đã ổn, chúng tiếp tục lân đến đằng đầu, ấy là có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà chúng lâu nay luôn để mắt tới.

Ngần ấy đời vua, hèn nhất ông vua có tên hiệu là Đức Nông. Ông vua này mang dòng máu của quan án sát tỉnh Nghệ an tên là Hồ Sỹ Tạo, Thời ông ta trị vì nhân dân lầm than điêu đứng, nhân dân oán thán thành lời: bầy lũ vua quan hèn với giặc, ác với dân!

Thời bấy giờ có một người đàn bà tên là Minh Hằng quê ở Sơn tây là hậu duệ đời thứ 49 thuộc dòng dõi bà Trưng mang dòng máu Lạc Hồng.

Trước tình thế nước phương Bắc chèn ép vua quan nước An Nam, lộ rõ ý đồ bành trướng đang lăm le cưỡng chiếm hai quần đảo, bà Minh Hằng cùng nhiều bậc sỹ phu và nhân dân biểu dương lực lượng để tỏ thái độ phản đối.

Nếu vào thời vua anh minh trị vì chắc bà sẽ được trọng thưởng, khi chết được xây đền thờ để vinh danh tinh thần yêu nước. Nhưng dưới thời của các ông vua Đức Nông thì lại là mang tội. Quan Tổng đốc Hà thành ký lệnh bắt tống tù thời hạn là 24 tháng. Bà Minh Hằng thấy mình không có tội, ai lại tống tù người yêu nước nên bà không khuất phục, bà không phục tùng các điều kiện trong tù. Bà đã tuyệt thực nhiều lần, hủy hoại thân thể và sẵn sàng lấy cái chết để chứng minh cho tấm lòng yêu nước của mình. Bà sút cân, gầy đi trông thấy.

Đã 5 tháng bà bị đối xử bất công. Trong những giây phút tuyệt vọng, bà đã dùng dao tự rạch tay trái của mình, vết đứt kéo dài già nửa gang tay, máu me tung tóe, bà cứ mặc, thấy vậy những người tù hô hoán rồi thày thuốc Giang có mặt. Cũng may, bao nhiêu quan cai tù duy có thày Giang là bà còn thiện cảm, bà ngồi yên cho thày Giang băng bó.

Cũng đêm hôm ấy, bà không ngủ, đang mơ mơ màng màng bà thấy có một vị nữ tướng ngồi trong kiệu trên lưng voi, xung quanh quan quân đông kín. Vị nữ tướng cúi xuống nói với bà: Minh Hằng, con đúng là hậu duệ của dòng máu Lạc Hồng. Con can đảm lên, bọn vua quan hèn mạt sẽ phải quỳ dưới chân con.

Vết thương sưng tấy, trong người nóng ran, đau đớn trỗi dậy, bà tỉnh hẳn biết mình vừa mơ. Bà triền miên suy nghĩ mông lung chưa biết số phận mình rồi sẽ ra sao. Trong lòng dâng lên nỗi căm thù bọn bành trướng, căm thù bọn vua quan hèn mạt làm cho bao người dân đang khổ như bà.

Đêm nay, khi trời vừa sáng, bà ngồi dậy, người nặng như chì, bà cố gắng chịu đựng giữ vẻ bình thường, bà vẫn nhớ lời vị nữ tướng; con can đảm lên…

Đến giờ quan cai tù đi mở khóa, các tù nhân ùa ra ngoài. Bà vẫn ngồi lại. Khi đến giờ làm việc có một giám thị thông báo, bà có quyết định được tha. Bán tín, bán nghi, bà vẫn cảnh giác xem âm mưu thủ đoạn gì đây. Khoảng một giờ sau, có ba quan cai tù đến, một người xòe tờ giấy ra đọc quyết định trả lại tự do cho phạm nhân Minh Hằng.

Với người khác thì sẽ vui mừng chấp hành quyết định, nhưng với bà thì không, bà đòi trị tội kẻ mà hống hách gieo oan cho bà. Thêm lần nữa bà bị khóa tay cưỡng chế đưa lên xe.

Bọn cai tù phải dùng 3 chiếc xe và hơn 20 người vừa quân, vừa quan trong đó có thày Giang áp tải bà về thành phố Vũng tàu nơi có đứa con trai yêu quí Bùi Trung Nhân đang mong đợi. Bà lại được ngắm nhìn sóng biển, nơi ấy ở tít mù khơi có hai quần đảo mang tên Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu.

Cũng mất một thời gian, ai mà nhắc tới Minh Hằng, nhắc tới căm thù quân bành trướng phương Bắc, bọn quan lại chắc sẽ không tha, mãi đến sau này nhân dân mới được tự do truyền tụng. Truyện cổ tích bị cấm một thời, cái thời thổ tả! 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo