Bùi Tín - Đó là tình hình của triều đình bành trướng Bắc Kinh những ngày gần đây. Họ dùng thủ đoạn, gạ gẫm mua chuộc chủ nhà, phá hoại cuộc họp của ASEAN, ngăn cản không cho ra tuyên bố chung, tránh né, trì hoãn việc bàn về Quy tắc ứng xử ở vùng Biển Đông, tránh né việc họ bị lên án có những mưu đồ và hành động xâm lăng và bành trướng bằng vũ lực ở vùng biển Đông.
Cuộc họp kết thúc trong thất bại, nhưng Trung Quốc vui mừng, hể hả rằng cuộc họp diễn ra tốt đẹp, nước chủ nhà là Campuchia làm tốt nhiệm vụ chủ tọa. Báo chí Bắc Kinh lên giọng, hí hửng nhắc lại câu nói của Ngoại trưởng kiêm phó thủ tướng Campuchia Hor Nam Hong: "Ðây không phải là tòa án để xét xử và lên án ai hết”.
Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Philippines Robert del Rosario đều lắc đầu nói rõ là thất bại rất đáng tiếc, 45 năm nay chưa từng có việc ASEAN họp xong mà không ra được thông cáo chung.
Trong phiên họp bế mạc, ngoại trưởng Indonesia và ngoại trưởng Singapore cố cứu vãn tình thế, chỉ yêu cầu trong Thông cáo nói chung chung là đã thảo luận trao đổi ý kiến về những vấn đề gì, vậy mà chủ tọa vẫn cố tình không chấp nhận, vội vã thu gom giấy tờ trên bàn, đứng dậy ra khỏi phòng, đột nhiên kết thúc cuộc họp.
Trung Quốc đã thực hiện được mưu đồ chia rẽ hàng ngũ các nước ASEAN theo thủ đoạn tách ra từng nước để rồi họ có thể khuất phục từng nước một, theo chiến thuật bẻ gẫy từng chiếc đũa. Họ dùng uy thế của nước lớn và dùng tiền của nước có nhiều tiền nhằm phục vụ ý đồ phi nghĩa rất lộ liễu, trắng trợn.
Nhưng những cái đầu xâm lược ở Bắc Kinh đã tính sai. Họ đã lập tức ở vào thế thua về chiến lược, trong dài hạn. Hầu hết các nước ASEAN, trừ Campuchia đều không hài lòng và lên án thái độ phá đám đáng hổ thẹn của Bắc Kinh. Chính Campuchia phải thanh minh liên tiếp - nhưng khó thuyết phục được dư luận - là không bị nước lớn mua chuộc và sai khiến.
Bốn nước lên án mạnh mẽ nhất cả Trung Quốc và Campuchia là Việt Nam, Philippines, Indonesia và Singapore. Báo chí Brunei, Malaisia và Thái Lan cũng đều phàn nàn về thái độ phá đám của Trung Quốc. Rõ ràng Trung Quốc chỉ tự dấn mình vào thế bị cô lập.
Chính sách đối ngoại "nụ cười" của Bắc Kinh đã trở nên mỉa mai và trái ngược với những hành động sỗ sàng của họ.
Đúng lúc này, việc họ rêu rao mời đấu thầu khai thác dầu ở 9 lô đều nằm trong vùng chủ quyền không thể tranh chấp của Việt Nam càng lộ rõ thêm tâm địa tham lam vô độ của họ. Họ còn ngang nhiên lập ra bộ chỉ huy quân sự thành phố Tam Sa bao gồm cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Họ còn huy động một đoàn 30 tàu đánh cá cùng tàu hải giám và tàu hậu cần lớn ồ ạt xâm nhập vùng biển Việt Nam, vơ vét trắng trợn vô vàn hải sản quý của ta. Tột đỉnh của xâm lược, họ lại còn xây một trại giam trên đảo của ta do họ chiếm để giam tù bà con ngư dân ta đã và sẽ bị họ bắt giữ. Tất cả chuỗi hành động ngang ngược này đang thổi bùng thêm ngọn lửa đấu tranh sôi sục của toàn dân ta khắp cả nước.
Tất nhiên, chuỗi hành động ngổ ngáo của bọn bành trướng đang buộc chính quyền nước ta đang "nhu nhược với giặc, ác với dân” phải chọn thái độ rõ ràng dứt khoát là đi theo dân, gắn bó với dân để chống giặc đã đến tận cửa ngõ, hay là vẫn nhu nhược với giặc và đàn áp nhân dân? Họ không thể tránh né thái độ rõ ràng, minh bạch trước câu hỏi khẩn thiết này của toàn dân.
Một nguy cơ chiến lược nữa cho bọn bành trướng là hành động liều lĩnh của chúng đang thúc đẩy thêm sự gắn bó chiến lược của hầu hết các nước ASEAN với Hoa Kỳ cũng như với Nhật Bản và Ấn Độ. Nhà báo Peter Hartcher trên báo the Sydney Morning Herald ngày 17/7 cho rằng Bắc Kinh đã đi một nước cờ dại dột, làm cho sự nhu cầu liên minh về chiến lược của một số nước ASEAN với Hoa Kỳ càng thêm cấp bách và mạnh mẽ.
Trong khi báo Mỹ tỏ rõ thái độ phê phán hành động phá hoại hội nghị ASEAN của Bắc Kinh, ngoại trưởng Hillary Clinton lên tiếng ngay rằng :”Lập trường rõ ràng của chính phủ Hoa Kỳ (ở vùng biển Đông) là các cuộc tranh chấp phải được giải quyết không được ép buộc, không có đe dọa, không được dùng vũ lực”(…without coercion, without intimidation, threats, use of force ).
Về phía Trung Quốc, nhà ngoại giao nổi tiếng Ngô Kiến Dân, từng làm phiên dịch tiếng Pháp cho Mao Trạch Đông, từng là đại sứ ở Pháp và Hà Lan, từng là Viện trưởng học viện ngoại giao Trung Quốc, hiện là giám đốc Trung tâm nghiên cứu các vấn đề quốc tế ở Thượng Hải, sau những sự kiện trên đây, vừa viết trên Nam Phương Nhật báo (Nan Fang Daily) rằng “Trung Quốc cần theo đường lối hòa bình, đoàn kết với thế giới, tránh bị cô lập, cô lập là đại họa”. Đây là một tiếng nói có trọng lượng.
Rõ ràng Trung Quốc bành trướng càng hung hăng táo tợn bao nhiêu chỉ càng dấn thân vào tình trạng cô lập và chỉ thúc đẩy các nước khác đoàn kết chặt chẽ thêm, liên minh toàn diện với các nước dân chủ đông đảo và hùng cường.
Tuy giành được một thắng lợi chiến thuật, những kẻ bành trướng mù quáng đang và sẽ chuốc lấy những thất bại chiến lược nặng nề.
Tất cả vấn đề là lãnh đạo nước ta có thấy thời cơ để tỉnh ngộ ra không?