Phạm Trần - Vấn đề đặt ra cho đảng CSVN bây giờ là họ đã “xưng tội với ai”, trong khi nhân dân không được quyền tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng và xây dựng, chỉnh đốn đảng? Nếu lãnh đạo đảng chỉ “xưng tội với nhau” thì có ai bảo đảm họ sẽ không “chín bỏ làm mười” vì tình đồng chí, đồng đội với nhau? Đảng có giỏi thì hãy làm ngược lại để cho dân thấy...
*
Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương đảng CSVN vừa hoàn tất 16 ngày “kiểm điểm tự phê bình và phê bình” từ 12/7 đến 7/8/2012, nhưng Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo diễn cho đoàn kịch 18 người “xưng tội” với nhau.
Theo tin chính thức, các bản kiểm điểm của 14 Ủy viên Bộ Chính trị (BCT) và 4 người thuộc Ban Bí thư (Ban này có 10 người nhưng 6 người cũng đồng thời là Ủy viên BCT) viết dài từ 10 đến 22 trang giấy, có người đã viết đi viết lại đến 3 hay 4 lần.
Tin này cũng nói tất cả mọi người đều phát biểu, ngắn nhất 30 phút và dài nhất là 2 giờ đồng hồ sau khi đã nghe Văn phòng Trung ương Đảng trình bày dự thảo Báo cáo kiểm điểm.
Nội dung kiểm điểm không được tiết lộ, nhưng tin của Báo điện tử Trung ương đảng viết: “Tháng 9, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ họp thông qua Báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Bản tiếp thu giải trình..., đánh giá chính thức về kết quả kiểm điểm, xem xét việc kỷ luật (có hay không, đến mức nào đối với tập thể và cá nhân) để báo cáo với Trung ương.”
Nhưng cũng chưa chắc Báo cáo kiểm thảo lịch sử này sẽ được công bố đến toàn dân.
Tuy nhiên đây là đợt kiểm điểm chi tiết và quan trọng đầu tiên trong lịch sử 82 năm của đảng CSVN đã do Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương thực hiện.
Mục đích của việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình lần này là nhằm làm gương cho đảng viên, nhất là những người có chức có quyền, trong quyết tâm thi hành Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI phổ biến ngày 16/1/2012 nói về “Một số nội dung cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Đấy cũng là lý do Nguyễn Phú Trọng đã triệu tập Hội nghị cán bộ toàn quốc để “hướng dẫn việc tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng.”
Trọng nói: “Mục đích của hội nghị là trao đổi kinh nghiệm bước đầu đã đạt được trong quá trình chuẩn bị và các bước tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Đảng để các tỉnh ủy, thành ủy và tương đương nghiên cứu, triển khai thực hiện theo đúng Chỉ thị, Kế hoạch của Bộ Chính trị về triển khai thực hiện nghị quyết đặc biệt quan trọng này.”
Tại sao?
Bởi vì đảng CSVN bây giờ đã mất hết tín nhiệm trong nhân dân. Điều được gọi là mối liên hệ “máu thịt” giữa dân và đảng không còn nữa.
Ở nhiều nơi, đảng đã biến thành “kẻ thù của dân” và dân đã bị nhà nước coi là “lực lượng thù địch của đảng”. Những vụ Nhà nước dùng công an, cảnh sát và thuê mướn cả côn đồ, lực lượng xã hội đen hoạt động ngoài vòng pháp luật để đàn áp dân trong việc cưỡng chế đất đai như ở Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên) và Vụ Bản (Nam Định) cho thấy giữa dân và nhà nước không còn có thể sống chung với nhau nữa.
Những vụ khiếu kiện đông người kéo về Trung ương, đến các Trụ sở đảng, Chính quyền địa phương đòi đền bù, chống bất công xã hội nổi lên khắp nơi là một bằng chứng đảng đã xa dân.
Tình hình đen tối đến độ đã có người dân phải xả thân tự thiêu cho đến chết như trường hợp bà Đặng Thị Kim Liêng, mẹ nhà báo tự do đang bị giam Tạ Phong Tần, qua đời ngày 30/7/2012 trước trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu, vì không chịu nổi áp bức và thường xuyên khủng bố tinh thần của chính quyền nữa!
Thêm vào đó là tình trạng “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong đảng nay đã đến mức có thể làm cho đảng tan khiến khóa đảng XI này phải làm mọi việc để cứu đảng.
Ủy viên Bộ Chính trị Ngô Xuân Dụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói: “Phương châm của đợt sinh hoạt này là phòng ngừa, ngăn chặn, trị bệnh cứu người, giúp nhau cùng tiến bộ, vì sự trong sạch, vững mạnh của tập thể và từng cá nhân trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, vì sự nghiệp chung của Đảng. Kiểm điểm để mỗi đồng chí, cả tập thể mạnh thêm và toàn Đảng mạnh thêm. Không làm được thì coi như đợt kiểm điểm này không đạt mục tiêu yêu cầu đặt ra.” (Báo điện tử Đảng, 14/08/2012)
Vì vậy, khi thực hiện cuộc kiểm điểm phê bình, tự phê bình, Nguyễn Phú Trọng cũng nói rằng: “Toàn Đảng đang bước vào thời điểm rất thiêng liêng và hệ trọng, đang làm những công việc rất thiêng liêng và hệ trọng. Mỗi cán bộ, đảng viên có trách nhiệm rất lớn đối với đất nước, dân tộc, đối với Đảng, chính vì thế phải phát huy đầy đủ tinh thần trách nhiệm để làm tốt công việc này. Đây là thời điểm phải hết sức tỉnh táo, bình tĩnh, vững vàng, thể hiện cho được bản lĩnh, phẩm chất tốt đẹp của người cộng sản, của người đảng viên cộng sản chân chính của Đảng Cộng sản Việt Nam…”
Không ai biết chuyện Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương cho là “rất thiêng liêng và hệ trọng” có liên quan gì đến lằn ranh giữa “cái chết và sự sống” của đảng ra sao, nhưng chính Ban Chấp hành Trung ương đảng đã nói trong Nghị quyết 4 cuối năm 2011 rằng: “Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.”
Nghị quyết cũng nói rõ nguyên nhân vì đã có: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”
Vì vậy đảng phải tập trung làm 3 việc:
“Một là, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng.
Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Ba là, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.”
Đó là lý do Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương phải kiểm điểm tự phê bình và phê bình riết ráo để làm gương, may ra có thể cứu nguy cho đảng khỏi tan rã.
Nhưng muốn thực hiện được Nghị quyết 4 thì ưu tiên phải chống được tham nhũng, trong đó vấn đề nan giải là phải giải quyết được tệ nạn “lợi ích nhóm”, tức quyền lợi của các phe phái trong nội bộ đảng, và phải quy rõ trách nhiệm và kỷ luật người đứng đầu có lỗi.
Chủ tịch Nhà nước Trương Tấn Sang đã nói rõ nếu không chống được tham nhũng trong nhiệm kỳ đảng XI này (đến năm 2016) thì coi như Nghị quyết 4 không thành công.
Từ Vinashin đến Nguyễn Tấn Dũng
Vì vậy mà không có gì ngạc nhiên khi kiểm điểm, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã thảo luận cả đến vấn đề làm ăn thua lỗ của các doanh nghiệp nhà nước, điển hình là Tập đoàn Tầu thủy Vinashin và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Vinashin, theo một nguồn tin có thẩm quyền ở Việt Nam cho người viết bài này biết rằng, tổng số tiền thua lỗ và nợ phải trả của Vinashin đã được tổng cộng gần 100,000 tỷ đồng (không phải 1,000 tỷ đồng như vẫn thường nghe nói).
Riêng Vinalines thì chỉ riêng năm 2011 đã thất thu khoảng 500 Tỷ đồng. Tổng Thanh Tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã đề cập đến con số tiền thua lỗ của Vinalines là trên 300 ngàn tỷ đồng khi trả lời tại buổi họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 22/08/2012.
Chủ tịch Vinalines là Dương Chí Dũng, khi bị phát giác làm ăn thua lỗ, đã bỏ trốn là đề tài đang gây tranh cãi ở Việt Nam giữa Quốc hội và Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang.
Nguyễn Tấn Dũng cũng "đã yêu cầu Bộ Công An" phải tìm bắt cho bằng được Dương Chí Dũng để tìm ra manh mối.
Nhưng người có trách nhiệm về chính trị lớn nhất trong hai vụ Vinashin và Vinalines, cũng như đối với vấn đề nhân sự và điều hành các Doanh nghiệp Nhà nước lại là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng Nguyễn Tấn Dũng vẫn an vị vì Quốc hội không dám điều tra trách nhiệm của Thủ tướng khi Bộ Chính trị chưa “bật đèn xanh”!
Do đó, mọi người sẽ không ngạc nhiên nếu trong quyết định của Bộ Chính trị công bố vào tháng 9 tới đây sẽ có phần “phê bình” hay “nhận trách nhiệm” của Nguyễn Tấn Dũng trong kiểm điểm kết thúc ngày 07/08/2012.
Nhưng chuyện phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam là chuyện “nước chảy qua cầu”, nên Tổng Thanh Tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã nhìn nhận với Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21/08/2012: “Cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội; là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.”
Như vậy thì có hy vọng gì Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, nay đã được chuyển từ Nguyễn Tấn Dũng sang Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng sẽ thay đổi được bộ mặt của đảng, sau đợt kiểm điềm tự phê bình và phê bình?
Vì vậy rất ít người ở Việt Nam tin đảng sẽ thành công. Quyền lợi của các phe phái trong đảng, hay “lợi ích nhóm”, bây giờ đã chương phình ra trong bất kỳ lĩnh vực nào có thể làm ra tiền, dù to hay bé.
Hơn nữa cuộc kiểm điểm, dù có nghiêm chỉnh và thành thật mấy chăng nữa cũng chỉ là việc của “đảng nói, đảng làm với nhau” theo phương thức “vừa đá bóng vừa thổi còi” thì làm nên cơm cháo gì?
Do đó, vấn đề đặt ra cho đảng CSVN bây giờ là họ đã “xưng tội với ai”, trong khi nhân dân không được quyền tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng và xây dựng, chỉnh đốn đảng?
Nếu lãnh đạo đảng chỉ “xưng tội với nhau” thì có ai bảo đảm họ sẽ không “chín bỏ làm mười” vì tình đồng chí, đồng đội với nhau?
Đảng có giỏi thì hãy làm ngược lại để cho dân thấy.
(08/012)