Trung cộng làm không nói, Việt Nam nói không làm - Dân Làm Báo

Trung cộng làm không nói, Việt Nam nói không làm

Phạm Trần - Muốn đoàn kết được toàn dân thì đảng phải “nói và làm” để cho dân thấy cái tâm và cái tầm của Lãnh đạo chứ không thể cứ nói rồi để đấy, hay nói ra như một mệnh lệnh để cho người khác làm còn mình thì cứ ì ra rồi khi cấp dưới thất bại thì lãnh đạo phủi tay hoặc “xóa bài làm lại” như đang được lập đi lập lại trong nhiều lĩnh vực...

*

“Có thể nói rằng chủ quyền lãnh thổ nước ta đang đứng trước thử thách lịch sử rất to lớn. Trách nhiệm trước lịch sử đang đòi hỏi thế hệ chúng ta nhận rõ nguy cơ và có quyết sách sáng suốt, quyết tâm mạnh mẽ để bảo vệ giang sơn gấm vóc, đảm bảo cho cuộc sống hạnh phúc vững bền của các thế hệ con cháu muôn đời sau.”

Đó là lời nói như đinh đóng cột rất hiếm được nghe từ một nguyên Đại biểu Quốc hội của Nhà nước Cộng sản Việt Nam như trường hợp của Tiến sỹ, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết tuyên bố với báo Tiền Phong trong số ra ngày 13/08/2012.

Giáo sư Thuyết, 64 tuổi, quê quán Hà Nội từng giữ chức Đại biểu Quốc hội Tỉnh Lạng Sơn trong hai nhiệm kỳ khóa XI và XII, tổng cộng 10 năm. Ông là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. 

Giáo sư Thuyết là người nói thẳng và không ngại phê bình Chính phủ về nhiều việc làm không ích quốc lợi dân. Ông cũng là một trong một trong số rất ít Đại biểu Quốc hội đã công khai chống các dự án khai thác Bauxite trên Tây Nguyên vì lợi ít mà hại nhiều; dự án cho người nước ngoài mà chủ yếu là người Trung Quốc Bắc Kinh, Hồng Kông và Đài Loan thuê đất rừng dài hạn 50 năm trên vùng biên giới Việt-Trung và tại các vùng đất chiến lược khác.

Ông đã đóng vai quan trọng tại diễn đàn Quốc hội chống thành công dự án làm Đường cao tốc nối liền Sài Gòn-Hà Nội. Ngoài ra ông cũng đã đề xuất, nhưng bị Ban thường vụ Quốc hội bác, việc yêu cầu Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời điều tra trách nhiệm các viên chức lãnh đạo Chính phủ, kể cả Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng, trong vụ làm ăn thua lỗ mất ngót 1000 tỷ bạc của Tổng Công ty Công nghiệp Tầu thủy Việt Nam (Vinashin Business Group).

Vì vậy, khi còn ngồi ở nghị trường, ông là người được báo chí quan tâm theo dõi và nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân. 

Vậy lần này, khi tình hình Biển Đông sôi sục bởi những hành động hung hãn và công khai bành trướng chiếm lấn biển đảo và tài nguyên Việt Nam của Trung Cộng thì những lời nói của Tiến sỹ Thuyết không phải là vô ích với người dân trong khi Nhà nước chưa biết nên cầu “hòa” hay “chiến” dù giặc đã vào trong nhà rồi!

Thật vậy, khi Giáo sư Thuyết nói “chủ quyền lãnh thổ nước ta đang đứng trước thử thách lịch sử rất to lớn” vì thực tế chứng minh Trung Cộng đã ngang nhiên “Tàu hóa” hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào cơ sở hành chính tự họ đặt tên gọi là Tam Ta, bao gồm cả vùng đảo và biển họ đang tranh chấp với Phi Luật Tân quanh bãi đá ngầm Macclesfield mà Bắc Kinh gọi là Trung Sa. 

Tệ hại hơn là việc Trung Cộng đã đặt trụ sở hành chính của Tam Sa ngay trên đảo Phú Lâm của Hoàng Sa mà họ gọi là đảo Vĩnh Hưng. Một Bộ chỉ huy quân sự để bảo vệ Tam Sa cũng đã được thành lập.

Sau đó, Trung Cộng ngang nhiên đưa 30 thuyền đánh cá xuống đánh bắt ở vùng biển Việt Nam ở Trường Sa trong 3 tuần từ ngày 12/07/2012, sau khi Việt Nam thông qua Luật biển ngày 21/ 06/2012 xác nhận Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Ngang ngược hơn nữa, kể từ ngày 01/08/2012, Bắc Kinh còn ra lệnh cho trên 23,000 tầu đánh cá, được bảo vệ bởi các tầu Hải quân trá hình Hải giám có võ trang, tràn ngập Biển Đông để tự do đánh bắt ở hai vùng biển Việt Nam quanh Hoàng Sa và Trường Sa. 

Thậm chí nhiều tầu cá đã xâm nhập sâu vào đánh bắt trong vùng vịnh Bắc bộ của Việt Nam mà lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam lại không dám thi hành Pháp lệnh (ban hành ngày 26/01/2008) để nghiêm trị các tầu đánh cá Trung Cộng khi chúng vi phạm lãnh hải.

Trong khi ấy thì Trung Cộng lại gia tăng đâm đầu đánh cá Việt Nam, chận bắt, tịch thu tài sản và bắt ngư dân Việt Nam phải ký giấy nhìn nhận vi phạm biển đảo của Trung Cộng trước khi thả.

Tầu chiến của Hải quân Việt Nam và Lực lượng Biên phòng không dám nghênh chiến với tàu Trung Cộng để bảo vệ ngư dân Việt Nam.

Về mặt nhà nước thì Việt Nam chỉ biết phản ứng bằng nước bọt và vài bản công hàm ngoại giao cho “phải phép” với nội dung 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”!

Nhà cựu lập pháp Nguyễn Minh Thuyết còn khẳng định “trách nhiệm trước lịch sử đang đòi hỏi thế hệ chúng ta nhận rõ nguy cơ và có quyết sách sáng suốt, quyết tâm mạnh”, như vậy chẳng lẽ “một bộ phận không nhỏ người dân” vì quá tin vào lời đảng rao “đã có đảng, nhà nước lo” nên không cần biết giặc đã vào nhà? 

Hay là đảng và nhà nước cũng đã bị Trung Cộng “cho lên đồng” bằng bùa “16 chữ vàng mã” và “tinh thần 4 đểu” nên không còn minh mẫn và quyết tâm đối phó?

Khi được hỏi: “Trước nguy cơ bị xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta cần hành động thế nào?”

Giáo sư Thuyết đáp: “Chúng ta phải tăng cường sức mạnh quốc phòng. Nhưng quan trọng hơn là phải luôn mài sắc tinh thần cảnh giác. Về đối nội, phải khoan sức dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Phải làm cho mỗi người Việt Nam thấm nhuần chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và tin tưởng vào sức mạnh Việt Nam trong cuộc đấu tranh thiêng liêng bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.”

Tình hình trước mắt 

Căn cứ vào tình hình thực tế trên đất liền, Việt Nam đã mất cảnh giác với âm mưu của Trung Cộng từ cái thuở thương thuyết để phân định biên giới giữa hai nước, sau khi hai bên nối lại bang giao năm 1991.

Nhưng “Hiệp ước biên giới trên đất liền”, được hai bên ký ngày 30 tháng 12 năm 1999 có công bằng không, hay Việt Nam đã để mất bao nhiêu đất thì hãy đọc lại một đoạn trong Bài viết của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ của CSVN tại Bắc Kinh từ 1974 đến 1989.

Ông viết: “Năm 1984, Trung Quốc huy động một Trung đoàn với hỏa lực mạnh liên tục tấn công bắn giết phân đội quân ta đóng giữ cao điểm 1.502 (Tầu gọi là núi Lão Sơn, xã Thanh Thủy) ở huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang, tên cũ là Hà Tuyên), cuối cùng chiếm lấy cao điểm ấy làm điểm quan sát từ xa, nhòm vào nội địa ta. Ở biên giới phía Bắc nước ta từ trước đến nay, dân hai bên đã có những việc xâm canh, xâm cư, dân ta cũng có một số điểm xâm canh sang đất Trung Quốc, diện tích không đáng kể, dân Trung Quốc xâm canh, xâm cư sang nước ta tại rất nhiều điểm, tổng diện tích khá lớn. Trong đàm phán phân định biên giới, Trung Quốc luôn nêu lên “phân định theo hiện trạng”, tranh luận qua lại, Trung Quốc luôn nêu “nhân nhượng lẫn nhau vì đại cục (?), cuối cùng Trung Quốc vẫn ăn hơn thì mới chịu. Thác Bản Giốc vốn của ta nay họ chiếm đứt được một nửa. Xưa Nguyễn Trải tiễn cha đến tận ải Nam Quan, trước nay ta vẫn nói đất nước ta từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, sau đàm phán, biên giới nước ta tụt lùi xuống mãi đến chợ Tân Thanh, đối diện đã là trụ sở hải quan của Trung Quốc….” (Bauxite Viet Nam, 17-03-2010)

Sau đó, dưới hai thời Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (Khóa đảng VIII) và Nông Đức Mạnh, hai Khóa đảng IX và X), Việt Nam đã để cho Trung Cộng vào xây dựng hai Nhà máy khai thác quặng Bauxite ở Lâm Đồng và Đắk Nông. 

Nhà nước Việt Nam cũng đã phê duyệt kế họach “phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxit giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025” do Quyết định 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 01/11/2007. 

Mặc dù Chính phủ Việt Nam và cả Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã tuyên bố không có kế họach ưu tiên bán quặng Bauxite cho Trung Cộng, nhưng khó mà tin chuyện Trung Cộng không phải là khách hàng số 1 của Việt Nam sau khi cả hai nhà máy Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) đều do Công ty Chalieco của Trung Cộng thực hiện từ đầu đến cuối.

Tiếp đến là hàng loạt các Công ty lớn bé của Trung Cộng đều “bỗng dưng” lại nối đuôi nhau “trúng thầu rẻ” để nhảy vào làm hầu hết các dự án xây dựng và phát triền kinh tế của Việt Nam, trong số này quan trọng là các nhà máy điện và nhà máy làm xi-măng. Nhiều nhà thầu Việt Nam, dù có khả năng hơn, cũng đã bị đá văng ra ngoài.

Thế là hàng chục ngàn lao động Trung Quốc được “bế” sang Việt Nam làm việc với lý do tự bịa rằng công nhân người Việt “không có khả năng tay nghề” trong khi các “chuyên viên Trung Quốc” lại chính là các lao động tay chân trộn hồ, bẻ sắt, đủn xe con rùa hay cột dây, thu dọn!

Nhà nước Việt Nam, trách nhiệm là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lại không nắm vững được có bao nhiêu ngàn công nhân người Trung Quốc đang làm việc ở Việt Nam đã cướp mất công ăn, việc làm của người Việt!

Bộ này chỉ biết chung chung có từ 30 đến 45 ngàn công nhân người nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam. Trong khi báo chí Việt Nam đã đăng tin nhiều lần con số công nhân người Trung Quốc làm chui, không có giấy phép hợp lệ bị phát giác tại mỗi nhà máy từ 100 đến vài trăm người là chuyện thường.

Thế rồi đến chuyện các phố Tàu cứ đua nhau mọc lên với đủ mọi nhà hàng, tiệm buôn và cư dân đến nhập cư một cách tự nhiên như họ đang ở trên đất Trung Hoa. 

Các công trường làm việc của Trung Quốc cũng cứ việc tự do trèo cờ Trung Cộng, treo bảng hiệu chữ Hán, rào cao kín cổng cao tường cấm chỉ người Việt, đôi khi có cả cán bộ Chính quyền Việt không được bén mảng tới dòm ngó.

Chuyện “tham quan” bất ngờ đến một công trường của công ty Trung Quốc để cho biết sự tình của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã một lần bị chận ngoài cửa không cho vào, dù ông và người trợ lý đã cho biết họ là ai.

Như vậy liệu nhà nước Việt Nam đã có “mài sắc tinh thần cảnh giác”, như Giáo sư Thuyết đã khuyến cáo, để biết bên trong hàng rào và chiếc cổng có người Trung Quốc canh gác ấy những công nhân trai tráng người Trung Quốc đang làm gì không? Hay là họ đang học tập tư tưởng Mao, hoặc là đào hầm giấu súng đạn, hoặc rèn binh luyện tường để chờ thời và “sẽ phất khi cờ đến tay”?

Lại còn chuyện thương lái Trung Quốc đã và đang ra vào Việt Nam như đến chỗ không người để tự do chuyển hàng lậu qua biên giới, đầu cơ, tích trữ và thao túng thị trường thực phẩm, hàng hóa, gia súc, hải sản khắp hang cùng ngõ hẻm… ấy là chưa kể các kế họach xúi nông dân, ngư dân Việt Nam pha trộn các chất hóa học giết người vào thực phẩm, cây kỹ nghệ để hại kinh tế Việt đã được báo chí nói tới.

Gần đây lại lòi ra cả chuyện kỹ thuật viên Trung Quốc dùng máy nén khí công suất lớn để “cố vấn” ngư dân Việt đánh bắt sá sùng và các loại hải sản khác gây nguy hại cho sự tồn tại của sinh vật dưới biển.

Báo An Ninh Thủ Đô (Hà Nội) đã trích dẫn Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn “cho biết, vừa nhận được báo cáo của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ninh cho biết, thời gian qua, các cơ quan chức năng trên địa bàn đã bắt giữ được một số vụ kỹ thuật viên Trung Quốc chỉ đạo, hướng dẫn ngư dân Việt Nam dùng máy nén khí công suất lớn để đánh bắt các loài thủy sản như sá sùng, tôm, cua, cá... Điều nguy hại là nếu hình thức đánh bắt này không được kịp thời ngăn chặn sẽ tận diệt toàn bộ nguồn lợi thủy sản ở cả tầng mặt và tầng đáy biển, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái.” (Báo ANTĐ, ngày 09/08/2012)

Như vậy thì “tinh thần 4 tốt” mà Lãnh đạo Việt Nam học được từ Lãnh đạo Tầu sau Hội nghị Thành Đô bên Trung Quốc năm 1990 có chỗ nào “tốt” không?

Cũng trong cuộc phỏng vấn của báo Tiền Phong, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết còn yêu cầu nhà nước “phải đưa vấn đề Biển Đông, bao gồm những chứng cứ về chủ quyền của Việt Nam và hành vi xâm phạm chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc ra các diễn đàn, tổ chức quốc tế. Mặt khác, phải sẵn sàng đáp trả đúng mức các hành động xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ”, nhưng ý kiến này không mới.

Trước Giáo sư Thuyết cũng đã có nhiều nhà trí thức, cựu Tướng lãnh và chuyên gia biển đảo, chuyên gia pháp luật đã khuyến cáo Chính phủ Việt Nam phải mạnh dạn tố cáo Trung Cộng ra trước các cơ quan Quốc tế, kể cả Liên Hiệp Quốc để bảo vệ chủ quyền, nhưng nhà nước đã bỏ mọi lời khuyên ngoài tai.

Vì vậy, mới đây, vào ngày 06/08/2012, đã có 71 nhà Trí thức đã gửi Thư ngỏ đến các cấp Lãnh đạo Đảng và Nhà nước lên án những “mưu đồ chiến lược bá quyền” của Trung Cộng “nhằm làm cho Việt Nam suy yếu, chịu khuất phục hay lệ thuộc vào Trung Quốc”.

Đồng thời họ cũng “mong Nhà nước công bố trước nhân dân ta và nhân dân thế giới thực trạng quan hệ Việt – Trung” vì rất nhiều người không hiểu vì sao mà Nhà nước không dám làm mạnh với Trung Cộng như phản ứng của Phi Luật Tân.

Trái cấm Trung Quốc 

Thái độ ngập ngừng “như có điều gì đã mắc nghẹn trong cổ” không nói ra được của Nhà nước Việt Nam trước hành động xâm lược của Tầu đã phản ảnh trong thái độ từ chối tổ chức biểu tình hay cấm và thẳng tay đàn áp người dân biểu tình tố cáo Trung Cộng xâm lăng càng ngày càng đẩy người dân đến chỗ hoài nghi về tinh thần ái quốc của giới cầm quyền hiện nay ở Việt Nam.

Vì vậy lời khuyến của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết muốn đảng nên “phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” để tạo sức mạnh cho công cuộc tranh đấu bảo vệ Tổ Quốc đã cho thấy rõ là hiện nay ở Việt Nam sở dĩ người dân còn thờ ơ với vận mệnh sống còn của đất nước vì họ chưa có trọn quyền “nhân dân làm chủ” đất nước như đảng vẫn nói.

Do đó muốn đoàn kết được toàn dân thì đảng phải “nói và làm” để cho dân thấy cái tâm và cái tầm của Lãnh đạo chứ không thể cứ nói rồi để đấy, hay nói ra như một mệnh lệnh để cho người khác làm còn mình thì cứ ì ra rồi khi cấp dưới thất bại thì lãnh đạo phủi tay hoặc “xóa bài làm lại” như đang được lập đi lập lại trong nhiều lĩnh vực.

Riêng trong thái độ và hành động dương đầu với bành trướng của Trung Cộng ở Biển Đông thì những lập luận của Lãnh đạo coi quan hệ Việt-Trung là vấn đề “nhạy cảm” không nên làm ồn lên để phương hại đến lợi ích chung, hay kế họach của đảng nên tốt hơn hãy “tuyệt đối cấm nói đến Trung Quốc để tránh chia rẽ Việt-Trung” là một quan niệm tháo chạy của những con người bạc nhược và chủ trương đầu hàng cần bị loại bỏ để tránh hiểm họa cho dân cho nước.

Đối với những cấp lãnh đạo đảng ở Thành phố Hồ Chí Minh mới đây đã nói với 3 ông Lê Công Giàu, Nguyễn Quốc Thái và Cao Lập hôm 10/08/2012 rằng “Trong quá trình lãnh đạo đất nước và dân tộc, Đảng Cộng sản VN đã lãnh đạo thành công các cuộc cách mạng bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước. Đảng đã chứng tỏ bản lĩnh lãnh đạo đưa đất nước và dân tộc vượt qua bao khó khăn và giành thắng lợi, do vậy phải tin tưởng vào Đảng. Về việc chống Trung Quốc, Đảng đã làm được nhiều việc trên các mặt quân sự, ngoại giao. Quan điểm của Đảng là mềm dẻo nhưng kiên quyết. Phải giữ ổn định để bảo vệ thành quả bao năm nay và để phát triển. Phải mạnh để bảo vệ tổ quốc tốt hơn. Về việc yêu nước có nhiều cách yêu nước, UBND và Thành ủy chưa chủ trương biểu tình lúc này, biểu tình không giải quyết được tình hình chống Trung Quốc” cũng chỉ là một cách nói để trốn bổn phận bảo vệ nước và vuốt lòng 42 Trí thức đã sốt sắng với sự an nguy của Tổ quốc trước đe dọa của quân Đại Hán.

Nhưng lập luận này chẳng hy vọng gì cứu được nước nếu Trung Cộng xua quân đánh chiếm Trường Sa và làm chủ Biển Đông ngay bây giờ, hay trong tương lai.

Nó cũng không đủ khả năng ngăn cấm hàng ngàn tầu đánh cá của Trung Cộng đang và sẽ tiếp tục hoành hành và tự do đánh bắt trong vùng biển của Việt Nam trước con mắt thèm thuồng và cay đắng của ngư dân Việt Nam.

Nguy hiểm hơn, thái độ “tụt dù” này không thể nào ngăn được Trung Cộng đào dầu, lấy khí đốt và khoáng sản ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông.

Tuy nhiên cái điệu ru này lại làm cho giới cầm quyền an phận với những gì họ đang có dù có làm cho người dân buồn ngủ và nhụt chí thêm.

Đây cũng chính là sự khác biệt giữa “làm không nói của Trung Cộng và nói không làm của Việt Nam”.

(08/012) 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo