Phe nào “thắng” thì có lợi cho dân tộc? - Dân Làm Báo

Phe nào “thắng” thì có lợi cho dân tộc?

Trần Phong (Danlambao) - Muốn hay không muốn thì chúng ta rồi cũng cần phải nhìn thẳng vào sự thật. Nói đến lòng yêu nước, yêu độc lập, tự do, dân chủ được sống một đời sống ấm no, hạnh phúc thì đất nước bắt buộc phải thực sự tự do, dân chủ theo thể chế tam quyền phân lập như đa phần các nước trên thế giới. Phải khẳng định đây chính là mong muốn của hầu hết nhân dân ta không phân biệt tôn giáo, lứa tuổi, trình độ và nơi cư ngụ. 

Nói chính xác ra, đó mới thực sự là khát vọng của chúng ta! Chứ hoàn toàn không phải là cái CNXH hay chủ nghĩa Mác-Lê ngoại lai mà đảng cs vẫn thường tuyên truyền và nói láo!...


Đấy là nói về số lượng” những người mong muốn giành lại những ước vọng sống còn đó từ tay cs trong đó có chúng ta. Nhưng “lực lượng” cần thiết để có thể đạt được khát vọng nêu trên thì chúng ta có những gì? Những nhà đấu tranh đòi dân chủ, những blogger có tiếng tăm thì phần lớn đang ở trong chốn lao tù. Những người còn ở ngoài thì bị áp bức, cô lập. Những trí thức còn có lòng tự trọng dù phải “ăn cơm đảng” nhưng quyết không nhắm mắt hùa theo đảng thì đã viết, đã cất lên tiếng nói phản biện vạch trần những  trò hề mị dân, phản dân hại nước của chính quyền thì hầu hết cũng đã và đang bị vô hiệu hóa bằng cách này hay cách khác, kể cả với những trò bỉ ổi nhất.

Vậy thì chúng ta còn lại những gì?. 

Nói đến tập hợp lực lượng quần chúng ư?

Hãy nghe những người lứa tuổi trên 60:…nói chuyện chính trị làm gì, kệ mẹ chúng nó, về mà tỉa cây, chơi với cháu nội-ngoại đi ông (bà) ạ… 

Còn đây, lứa thanh niên hoặc trung niên: lo học còn chưa xong hay chúng con còn kiếm “hào” (tiền) cái đã,...

Tất nhiên đó không phải là tất cả. Tuy nhiên, sự bàng quan của xã hội cũng không phải là ít, số còn lại thì không có gì trong tay ngoài ngòi bút và tiếng hô khẩu hiệu mỗi khi ít ỏi có dịp.

Lực lượng dân oan mất đất khiếu kiện, biểu tình ở khắp nơi trong nước thì thực chất chỉ là vì họ chưa được đền bù với giá xứng đáng hơn là “nhu cầu” đòi tự do, dân chủ. Lẽ ra nhà cầm quyền chỉ đứng ra làm trọng tài để nhà đầu tư tự thỏa thuận giá với dân thì họ lại đứng ra “nhận” việc đền bù cho người dân. Chính vì điều trái khoáy này đã xảy ra việc ăn chặn một phần lớn giá trị sở hữu của đất nước dẫn đến việc khiếu kiện kéo dài mà không thể giải quyết được vì đã “trót” đút túi chia nhau mất rồi. Thế là họ dùng mọi “vũ khí” trong tay để đàn áp những người nông dân vô tội. Nhưng bản chất của sự việc suy đến cùng thì cũng chỉ là “vì tiền”. Do đó, nếu nhà cầm quyền mà trả đúng giá trị đất cho họ thì lập tức “giải giáp” được ngay lực lượng tưởng chừng như rất đông này. Thế nhưng vì lòng tham ngu xuẩn của lũ quan tham đã “ngăn” không dùng giải pháp đó khi chúng vẫn còn có chỗ dựa là “lực lượng chức năng của đảng” trong tay. Vì thế lực lượng những người mất đất chỉ có thể được coi là một “lực lượng tiềm ẩn” cho phong trào đòi dân chủ cho đến khi có một “ngọn cờ” chính nghĩa phất lên vào một giai đoạn nào đó có đủ Thiên thời-Địa lợi-Nhân hòa mà thôi!…

Xưa, nay thường là “thời thế tạo nên anh hùng” chứ có mấy khi anh hùng mà tạo được “thời thế”?. Vậy thì với “thực lực” mỏng như vậy tại sao chúng ta lại không biết “dựa” vào “thời thế” để có thể “lợi dụng thời thế” có lợi nhất cho chính cuộc đấu tranh lâu dài của chúng ta? Vẫn biết rằng bất cứ cuộc đấu tranh nào thì những người dám đi tiên phong phần lớn cũng phải chịu cảnh tù đày, chúng ta hết sức trân trọng, ngưỡng mộ vàbiết ơn họ về những việc làm dũng cảm đó. Tuy nhiên, chính những tấm gương anh dũng đó cũng lại cho chúng ta những bài học kinh nghiệm quí báu về vấn đề làm sao để có thể bảo toàn được lực lượng vì cuộc đấu tranh với nhà cầm quyền cs là lâu dài chứ không thể chỉ ngày một ngày hai như mong muốn thiếu căn cơ của khá nhiều người.

Một sự thật là ngay như trong chúng ta khi tham gia trên diễn đàn mạng thì thử hỏi có mấy ai lấy tên thật không? Đấy không phải là sự hèn nhát vì nếu như “lòi” ra ai thì bị công an “hốt” bằng sạch thì liệu cuộc đấu tranh này được mấy ngày thì hết người tham gia? Mà cứ như vậy có khác gì những con thiêu thân vô tri vô giác cứ mỗi tối lại vây quanh những ngọn đèn kia? Cho nên, cuộc đấu tranh này cần phải có hình thức vừa công khai (là những nhà dân chủ, các blogger, những trí thức nêu trên) đồng thời là những “cây bút” bí mật như chúng ta đang làm, vì có một thực tế không thể phản bác là: Chính quyền cs không sợ “các thế lực thù địch” vô hình mà họ hay tuyên truyền để lấy cớ đàn áp một hay nhiều trường hợp cụ thể nào đó bằng chính sự “diễn biến” từ bên trong nội bộ của họ. Thời gian qua, trên các báo QĐND-Nhân Dân, Tạp chí CS… xuất hiện nhiều bài viết về đề tài này của mấy tay bồi bút của chế độ là một minh chứng cho điều đó.

Nhân đây tôi kể về một trường hợp: Tôi có đứa cháu gọi bằng bác, là sĩ quan cấp tá trong quân đội, hôm tới nhà tôi chơi nhân đúng lúc trên tivi đang nói về các trang mạng “lề dân” vào tối 30/9 vừa rồi. Tôi hỏi: Mày có hay vào mấy mạng đó đọc không, thấy thế nào?. Nó bảo: Thật ra, cháu cũng bận nhiều việc, nhưng sau hôm họp đảng ủy đơn vị quán triệt chỉ thị 7169 của chính phủ thì cháu mới thử vào xem sao. Ngập ngừng một lúc nó mới nói: Kể ra những thông tin trong đó cũng khá chuẩn! xem rồi, so với thực tế thì nhiều cái thấy chán lắm bác ạ...

Ví dụ như trên thì còn nhiều và nó cho thấy rất rõ là những trang mạng nói lên sự thật của chúng ta không phải là không có tác dụng. Tuy nhiên, chỉ có như vậy thì cũng không thể ngay lập tức là có được tự do, dân chủ từ nhà cầm quyền, nhưng nó cũng đã góp phần “giúp” họ hiểu được sự thật rồi tiến tới việc có thể tập hợp được lực lượng từ chính những người trong bộ máy này khi điều kiện cần và đủ xuất hiện vốn cần phải có thời gian cũng như hoàn cảnh chín mùi...

Ai cũng đã biết bản thân tổng Trọng là người vô cùng giáo điều và chỉ biết có đảng (vì có điếc hay mù thì mới không nhận thấy điều đó). Nhưng nếu cho rằng ông ta tin vào chủ nghĩa Mác-Lê và đảng cs đến mức mù quáng thì e rằng lại hiểu về ông ta và những đồng chí của ông ta chưa được thấu đáo, chưa đúng “tim đen” của họ. Thực ra bản thân những cán bộ cấp cao ấy không hề mù quáng tin gì vào cái thứ chủ nghĩa hay đảng cs nữa đâu mà họ buộc phải bấu víu vào như một cứu cánh để tồn tại nhằm tiếp tục đè đầu cưởi cổ nhân dân ta mà thôi. Vì sao? Rất đơn giản là, nếu không tiếp tục mà bám vào những thứ vừa nêu thì đương nhiên cái điều 4 Hiến pháp sẽ trở nên vô dụng, họ sẽ mất đi sự “chính danh” dù là sự chính danh ăn cướp của toàn dân, vậy họ còn “lãnh đạo” được ai nữa?

Đấy là nói về những cán bộ cấp cao, còn đảng viên cấp thấp hơn (kể cả không phải là đảng viên) nhất là trong lực lượng vũ trang (công an-quân đội...) thì không như trên-dưới 10 năm về trước. Hiện nay mức lương của những lực lượng này so với mặt bằng chung của xã hội là khá cao, chưa kể các bổng lộc khác tùy vị trí công tác. Mặt khác họ lại còn được “đảng cấp đất” - ví dụ như ở Hà Nội thì mỗi sĩ quan được cấp khoản từ 40-50 m2, còn ở Tp. HCM và các tỉnh khác do quĩ đất còn nhiều thì được hơn, trong khoảng từ 80-100 m2… Tất cả những “ưu đãi” trên cộng với cuộc sống của họ cũng không đến nỗi nào nếu so với thời bao cấp chưa xa, có những cái để cho họ so sánh cho nên ở họ thực sự là chưa có “nhu cầu” đòi tự do và dân chủ.

Vậy còn những người lính trơn? Đa số những người lính ấy là thụ động và bàng quan như đặc tính vốn có của dân ta trong suốt nhiều năm qua. Có thể họ cũng có những bức xúc nào đấy nhưng chưa đủ mạnh, chưa đủ vượt qua được sự sợ hãi khi các cấp chỉ huy của họ không “động tĩnh” gì. Chúng ta cùng nhớ lại cuộc chính biến năm 1991 tại Nga, nếu những vị chỉ huy không chống lệnh đàn áp nhân dân hay cho binh lính nã pháo vào tòa nhà quốc hội thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho nước Nga. Những người lính của chúng ta cũng thế thôi, đó là một sự thật mà chúng ta có thể kiểm chứng từ chính người thân của mình!

Đối với những người thuộc vào hàng ngũ “lão thành cách mạng” hay những cựu lãnh đạo đã về hưu thì đa phần họ đã, đang và sẽ vẫn được thụ hưởng những ưu đãi của chế độ. Do đó họ cũng chưa có “nhu cầu” chống đảng hay đấu tranh đòi dân chủ, tự do mặc dù ở họ sự “tin tưởng” vào cái học thuyết Mác-Lê, chủ nghĩa cs hầu như cũng không còn. Họ chỉ có “nhu cầu” chống tham nhũng phần vì “ngứa mắt” vì họ nhận thấy ở thời của họ tham nhũng chưa đến mức quá quắt và trắng trợn như bây giờ. Mặt khác họ cũng đã nhận ra lòng dân ai oán như thế nào đối với chính phủ hiện tại mà nếu không chống được tham nhũng thì không biết chế độ này sẽ tồn tại như thế nào, mà việc đó rõ ràng là ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của chính họ. Chính vì lẽ đó mà họ ra sức ủng hộ việc “chỉnh đốn đảng” hơn là vì mục tiêu vì dân vì nước.

Còn đối với những người “bình thường” ở vào lứa tuổi trên, dưới 60 thì đa phần lại hay “sống bằng quá khứ hào hùng” vốn là tâm lý chung của tuổi già. Thành phần này không phải là ai cũng nhận ra đến tận cùng của sự tiêm nhiễm, lừa bịp mà suốt từ hồi còn trẻ đã bị đảng tuyên truyền cũng như tiếp tục tuyên truyền, nhất là ở những vùng nông thôn vốn ít khi có dịp tiếp cận với mạng Internet. Những ai từng sống ở miền Bắc trước 75 đều biết hay trải qua về điều này, đảng cs tuyên truyền “hay” đến mức ngay bản thân tôi, năm 1964 lúc đó mặc dù mới đang học năm thứ nhất đại học, ấy thế mà rất nhiều người trong chúng tôi đã viết đơn xung phong vào bộ đội, không khí hừng hực đến nỗi có cái cảm giác dường như là “có lỗi” nếu mình không làm đơn xung phong như mọi người. May mà hồi đó lý lịch phải khai đủ 3 đời cả bên nội lẫn bên ngoại, với thành phần “Quan lại-Địa chủ-Tư sản” cả hai bên dòng họ (đời ông-bà) cho nên tôi không “được” tham gia quân đội, nhưng đó lại là cái may vì không phải tham dự vào một cuộc chiến tranh ý thức hệ, huynh đệ tương tàn mà mãi về sau này tôi và nhiều người khác mới hiểu ra…

Vậy thì “thành phần” này có tin vào đảng không? Câu trả lời là có, khá đông người vẫn còn tin mù quáng như vậy. Họ cho rằng chủ nghĩa Mác-Lê không sai mà chỉ là “một bộ phận không nhỏ” ở trong đảng vì mục tiêu tham nhũng nên mới làm sai đường lối của đảng mà thôi, và họ ủng hộ cũng như trông mong vào cuộc “chỉnh đốn đảng” lần này với một sự tin tưởng khá là ngây thơ… Oái oăm ở chỗ đó lại là sự thật. Một phần là do sự giấu kín như bưng của bộ máy lãnh đạo cấp cao (về những thối nát thuộc loại “thâm cung bí sử” của giới chóp bu). Một phần là hàng tháng họ vẫn sinh hoạt trong các chi bộ đảng nặng về tuyên truyền và dòm ngó lẫn nhau vốn là bản chất không thể thay đổi của đảng cs mặc dù họ đã là những người về nghỉ hưu. Mặt khác họ cũng thấy được rõ ràng là “so với trước” thì hiện nay, dù là dưới chính thể cs thì vẫn có nhiều nhà đầu tư của các nước “đế quốc-tư bản” vào đầu tư tại VN mà không chịu tìm hiểu cái điều rất sơ đẳng trong kinh tế là ở đâu có lợi nhuận là những nhà kinh doanh sẽ tìm đến, bất kể là chế độ đó như thế nào miễn là không bị quốc tế cấm vận. Bên cạnh đó là tâm lý hay “so với thời bao cấp” tức là đi so với... chính mình mà không chịu tìm hiểu, hay ít có điều kiện để tìm hiểu, để có thể so sánh với các nước khác có cùng xuất phát điểm như chúng ta. Nhưng nếu chỉ nói như vậy thì cũng không hẳn là đã thấu đáo vì hàng ngày xem những hình ảnh trên tivi hay trên báo chẳng lẽ họ lại không ngộ ra điều gì? Vậy thì phải hiểu về họ (những người thuộc lứa tuổi của tôi) như thế nào cho đúng? Vì giáo điều cs? Hay vì sự ngộ nhận nào đó? Hay là vì cái “quá khứ hào hùng” đánh Pháp “đuổi Mỹ” không cho phép họ phá đi cái mà chính họ đã góp phần “tạo dựng” là cái đảng này? Thậm chí, hay là họ lo sợ mất lương hưu khi có biến động xã hội? Dù thế nào thì “lực lượng” này tác động vào những suy nghĩ cũng như hành động của lớp con-cháu họ cũng không phải là nhỏ.

Sở dĩ tôi phải phân tích dài dòng như vậy là để chúng ta thấy được rằng “lực lượng” của chúng ta có gì, khi nhìn thẳng vào sự thật vốn có. Nhưng hiểu được điều đó rồi thì không lẽ chúng ta “ngồi im” mà không hành động gì? Hoàn toàn không phải như vậy! Biết được những gì ta có là để cùng nhau hành động cho phù hợp với thực tế. Người xưa chẳng đã dạy rằng: “biết mình biết người trăm trận, trăm thắng” đó sao?. Đúng như khẩu hiệu hành động của Danlambao là “Mỗi người chúng ta là một chiến sĩ thông tin” nhưng, thông tin như thế nào cho trúng, cho có tác dụng nhằm “phân hóa” nhằm “lôi kéo” được những người, nhất là các lực lượng chức năng (như công an-quân đội…) trong hàng ngũ cộng sản để họ trở về với dân tộc, giúp cho họ hiểu được những sự thật về đảng cs, cũng như phân biệt rõ đảng cs không thể và không phải là tổ quốc của người Việt Nam. Đó chính là nhiệm vụ của mỗi người chúng ta!

Nhưng cũng như những nhà hoạt động dân chủ ở Hải ngoại đem “tiếng nói” đòi dân chủ đến với toàn thể thế giới với điều kiện sẵn có, thì chúng ta cũng phải có phương pháp cụ thể cho phù hợp với thực tế từng thời điểm ở trong nước khi “lực lượng” chúng ta hiện có cũng chỉ như vậy. Vì thế, ngay trong những phát biểu của nhiều “còm sĩ” trên mạng cũng phải ý thức được điều đó. Trước khi phát biểu thì chúng ta hãy đọc thật kỹ nội dung các bài viết (kể cả việc phản biện lại bài viết nào đó) của các tác giả thì hãy nghĩ rằng, đó không chỉ là phát biểu cho cá nhân ta, mà còn cho nhiều người khác nhất là những người thuộc lực lượng của đảng cầm quyền cũng vào đọc. Chúng ta hãy tỏ ra có lý luận “hướng dẫn” họ thay vì những phát biểu vô trách nhiệm mà đôi khi cũng chỉ là để cho vơi bớt cơn tức giận nào đó hay vào “chửi bới” vài câu bậy bạ hoặc là đưa ra những “kịch bản” 5 ăn-5 thua mơ mộng như “đánh bạc” với thời thế thì phỏng có ích gì? Điều đó không hề làm đảng cs run sợ mà có lẽ cũng chỉ giống như lời Đức Thánh Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã viết trong hịch tướng sĩ rằng: “Mẹo cờ bạc không xua được quân thù…” mà thôi!. 

Trước khi đi vào phần chính của bài này tôi xin nhắc lại lời nói của cố tổng thống đầu tiên của nước Nga ông Bôrit Enxin, như một chân lý như sau: “Cộng sản là không thể sửa chữa, mà phải bị loại trừ!”. 

Thời gian qua, dư luận xã hội nói chung đã bàn luận và đưa ra nhiều “kịch bản” nhân cuộc chiến của hai phe “cung vua” và “phủ chúa”. Dưới đây tôi sẽ tổng hợp lại những “kịch bản” xoay quanh “cuộc chiến” thực tế này để chúng ta cùng “chọn lựa” xem đâu là “kịch bản” tốt nhất, phù hợp nhất cho cuộc đấu tranh vì tự do, dân chủ của chúng ta. Nói là “lựa chọn” cho có vẻ “sang” và “dân chủ” chứ thực ra chúng ta đã làm gì có được cái quyền đó?. Sau đây là 2 luồng “ý kiến” trên mạng: 

1. Có ý kiến cho rằng “trước hết cần phải loại bỏ ngay cái đảng cs này”: 

Chúng ta thấy rằng đây quả là một “phương án” như thể đang đi trên mây vậy. Họ quên mất rằng cả hai phe “cung vua” lẫn “phủ chúa” đều phải cố giữ bằng được cái đảng này vì lý do như đã phân tích ở trên. Thế thì có khác nào chúng ta giống một người gầy còm tay không vũ khí, lại không biết võ mà phải “đánh nhau” cùng lúc với hai thằng to lớn, có vũ khí đầy mình ở phía trước lẫn đằng sau. Chẳng cần phải dài dòng cũng biết là bên nào sẽ thua trắng! Cho nên có lẽ đây là “phương án” chỉ để nhằm cho hả giận mà thôi.

2. Phe “Phủ chúa” làm đảo chính, giải tán đảng cs, tuyên bố đa đảng và 3 Dũng lên làm tổng thống hoặc “cứ để cho tham nhũng phát triển phá nát cái đảng cs này rồi sẽ có tự do và dân chủ”: 

Đầu tiên, nói đến “đảo chính” thì cần phải có quân đội trong tay, nhưng 3 Dũng lại không có được điều đó vì tướng Phùng Quang Thanh và những tướng lĩnh chủ chốt cầm quân thì lại không thuộc phe với 3 Dũng. Vẫn biết rằng lợi dụng tình trạng phân cấp, 3 Dũng cũng đã “ban phát” cho khá nhiều tướng lĩnh cả công an lẫn quân đội ở cấp thiếu và trung tướng. Thế nhưng nếu bộ trưởng không trình danh sách lên thì thủ tướng lấy gì để ký? Cho nên trong những danh sách đề nghị phong tướng đó chắc chắn phải có những người của “cung vua” cài cắm vào. Và điều quan trọng nhất là 3 Dũng chỉ là người ký quyết định phong hàm, nhưng người trực tiếp “phân công” công tác cụ thể lại là tướng Thanh - Bộ trưởng Quốc phòng và Bí thư Quân ủy Trung ương, mà người đó lại chính là tổng Trọng!

Còn lực lượng an ninh như của tướng Hưởng, Tô Lâm, Tư Liêm… thì bất quá chỉ có thể giở trò ám sát, mà đâu có dễ thực hiện khi lực lượng mỏng như vậy? Đó là chưa nói đến bên “cung vua” họ đã cảnh giác và có những biện pháp đề phòng từ lâu rồi. Hơn nữa, bất cứ một cuộc đảo chính quân sự nào muốn thành công thì cũng đều phải có sự “chính danh” mà phe “phủ chúa” thì lại không thể có. Còn làm một “Lê Chiêu Thống” rước quân Trung cộng vào thì ở thế kỷ 21 này lại là điều không tưởng và Trung cộng cũng chẳng dại gì chường mặt ra một cách trắng trợn một khi không thể tìm ở đâu ra sự “chính danh” trong khi thực tế dù là hai phe nhưng chung một đảng thì cũng đã qui thuận chúng từ rất lâu rồi.

Tuyên bố đa đảng ư? Muốn thế thì phải “giải tán đảng cs” trước đã. Nhưng nên nhớ đây là thể chế cs độc tài toàn trị cho nên việc “giữ đảng” là yếu tố sống còn của nhiều phe phái cũng như nhiều tầng lớp trong xã hội như phần đầu đã phân tích. Vì thế 3 Dũng không thể có các điều kiện để làm việc động trời này nếu như không muốn bị ghép tội phản quốc. Mặt khác, uy tín cũng như bộ mặt thật tham nhũng, độc tài, phe nhóm đã phơi bày toàn diện ra trước bàn dân thiên hạ rồi thì ngoài những tay chân, bộ hạ ra thì 3 Dũng không thể có được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân cũng như các lực lượng khác. Có một thực tế là sở dĩ đại bộ phận nhân dân ủng hộ “chỉnh đốn đảng” là do quá căm thù những việc làm của 3 Dũng, muốn loại trừ 3 Dũng và phe nhóm lũng đoạn chứ không hẳn là vì “yêu” cái đảng này. Nhớ lại năm 1991 sở dĩ ông Enxin được hầu hết nhân dân Nga, nhất là các lực lượng vũ trang ủng hộ là do ông có uy tín, điều mà 3 Dũng không có nếu như không muốn nói rằng đã mất sạch!. Cho nên “ước mơ tổng thống” đối với 3 Dũng là không thể xảy ra, ít nhất là trong tương lai gần. Còn cho rằng “cứ để cho tham nhũng phát triển phá nát cái đảng cs này rồi sẽ có tự do, dân chủ” thì thực tế cũng đã chứng minh hoàn toàn ngược lại, với những bản án nặng nề vô nhân cũng vừa xảy ra đó thôi?... 

Trong các bài trước, tôi có đưa ra 3 “kịch bản” trong cuộc chiến giữa “cung vua” và “phủ chúa” nhưng nay căn cứ vào tình hình cũng như diễn biến thực tế thì khả dĩ nhất cũng chỉ còn 2 “kịch bản” sau đây: 

3. Hai phe “cung vua” và “phủ chúa” thỏa hiệp để cùng tồn tại: 

Trước hết, nói về sự thỏa hiệp thì cả hai bên đều phải có những “con bài tẩy” của mình thì mới có cơ sở đưa ra để “trao đổi”. Bên “cung vua” thì có quá nhiều như chúng ta cũng đã biết, vậy còn phe “phủ chúa” có được những gì? Trong suốt thời gian qua cũng như cho đến tận bây giờ, phe “phủ chúa” vẫn loay hoay đi tìm mọi sơ hở hay cái “sân sau” của những nhân vật chủ chốt trong phe “cung vua”. Nhưng đào bới mãi cũng không thể tìm ra được bất cứ “bằng chứng” nào cho thấy “cung vua” cũng “nhúng tràm” nên phải đành xoáy sâu vào việc “tìm” cho ra ai đứng đằng sau mạng Quan làm báo? Như đã từng phân tích ở bài trước, thật ra việc ai đứng đằng sau QLB xét cho cùng thì cũng chẳng mấy có tác dụng, ngược lại càng cho thấy 3 Dũng hoàn toàn chỉ vì cá nhân mình! Cho nên nếu bảo rằng những bằng chứng của “cung vua” có được về 3 Dũng ví như con “Xì zách” thì cái gọi là “bằng chứng” của “phủ chúa” chỉ có thể coi như con “3 pich” vớ vẩn mà thôi!...

Vậy 3 Dũng lấy gì để dàn xếp nhằm tìm sự “thỏa hiệp” từ phía “cung vua”?

Có lẽ khả dĩ nhất cho việc này chính là việc “mua phiếu” từ các ủy viên trung ương của 3 Dũng (chúng ta cùng nhớ lại hội nghị trung ương 12 ngày 17/4/2001, Lê Đức Anh, Đỗ Mười… đã “mua đứt” hầu hết ban chấp hành trung ương để hạ bệ Lê Khả Phiêu, mà kết quả ngược hẳn với kết luận của bộ chính trị từ trước đó khá lâu).

Bên cạnh đó là “yếu tố” Trung cộng. Như chúng ta cũng đã biết để thực hiện âm mưu bá quyền của mình thì Trung cộng không bao giờ muốn một Việt Nam ổn định hay mạnh lên về mọi mặt, vì thế để nội bộ luôn trong trạng thái “xào xáo” chia để trị là mục đích xuyên suốt của Trung cộng từ xa xưa cho tới tận bây giờ. Do đó, Trung cộng sẽ không muốn “diệt” hẳn phe nào cả, cứ để hai phe cùng tồn tại “đánh nhau” suốt ngày thì đương nhiên phải chểnh mảng những việc trọng đại khác, trong đó có chủ quyền quốc gia là không tránh khỏi. Thâm ý của Trung cộng và cũng là đại họa cho dân tộc ta xuất phát chính từ những điều này! Sở dĩ Trung cộng muốn dàn xếp để 3 Dũng tồn tại sau hội nghị trung ương 6 thì ngoài những âm mưu như đã phân tích ở trên thì còn do: 

a. Kể từ sau hội nghị Thành Đô thì 3 Dũng chính là đời thủ tướng đáp ứng nhiều nhất, toàn diện nhất cho những đòi hỏi về mọi mặt của Trung cộng, chỉ vì tiền hay còn vì những thứ khác? 

b. 3 Dũng cũng chính là đời thủ tướng đàn áp dã man, tàn bạo nhất, có những hành động bỉ ổi nhất đối với phong trào đòi quyền tự do, dân chủ, nhất là việc đàn áp những người yêu nước chống Trung cộng xâm lăng của nhân dân ta (trong đó có cả những động cơ trả thù cá nhân như đối với tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ người 2 lần kiện đích danh thủ tướng…) 

c. 3 Dũng cũng là đời thủ tướng tham nhũng bậc nhất, cùng phe nhóm lũng đoạn về mọi mặt của đời sống xã hội một cách sâu rộng và nguy hiểm nhất, làm nghèo đất nước khiến ngày càng phụ thuộc vào Trung cộng nhiều nhất so với mọi thời thủ tướng ở đất nước Việt Nam cs này. 

d. 3 Dũng cũng là đời thủ tướng ngu dốt mà lại tham lam nhất, những âm mưu-thủ đoạn trên chính trường, kết bè kéo cánh để tham nhũng chỉ là những mưu mẹo của phường thảo khấu chứ không thể được coi là trí tuệ của một bậc hiền sĩ vì dân, vì nước.

Ngày trước ông sáu Dân vốn không được học hành đến nơi đến chốn nhưng ông còn biết nghe và sử dụng hiền tài mà bằng chứng là chính ông đã cho lập ra “Ban nghiên cứu của thủ tướng” qui tụ được nhiều chuyên gia giỏi và tâm huyết trên nhiều lĩnh vực, kể cả có những người đã từng phục vụ chế độ cũ. Chính điều đó cũng đã giúp ông Kiệt cho ra được những quyết sách phù hợp với hoàn cảnh trong thể chế cs mà hầu như không mắc sai lầm.

Đến thời ông sáu Khải cũng vậy, dù có điều kiện ăn học tử tế nhưng ông vẫn duy trì và luôn hỏi ý kiến những cố vấn của mình trên nhiều lĩnh vực. Kết quả là ông đã “dọn cỗ sẵn” cho người kế nhiệm mình bằng “Hồ sơ vào WTO chỉ còn có việc chờ các bên ký kết” và “dự trữ ngoại tệ nhiều nhất mọi thời thủ tướng là 28 tỷ đô la Mỹ”. Nhưng khi 3 Dũng chính thức yên vị vào năm 2006 thì gần như ngay sau đó là cho giải tán “Ban nghiên cứu của thủ tướng” mà không một lời giải thích, sau đó còn ra nghị định 97 với mục đích “cấm mọi sự phản biện xã hội” v.v… và cũng đã “tiêu sạch” số tiền dự trữ ngoại hối mà người tiền nhiệm để lại, không những thế lại còn đang nợ ngập đầu chưa tìm ra cách trả.

Cũng giống như ngày xưa hễ mà bậc minh chúa gần bề tôi trung và giỏi, lánh xa lũ nịnh thần và dốt nát chỉ giỏi mưu mẹo vơ vét làm giàu cho bản thân và vây cánh thì tất nhiên đất nước sẽ thịnh vượng, giang sơn sẽ bền vững, còn ngược lại như 3 Dũng đang làm thì đất nước không loạn lạc, dân tình không lầm than có lợi cho kẻ thù truyền kiếp thì mới là chuyện lạ.

Nhưng nếu chỉ nói như vậy thì cũng chưa phải là khách quan nếu không thêm yếu tố đảng vào trách nhiệm này. Chúng ta ai cũng biết rằng đảng là lãnh đạo, thế nhưng chính “phủ chúa” cũng lại là đảng, các nghị quyết trung ương luôn phải theo số đông vì thế nếu “phủ chúa” mà “mua phiếu” được rồi thì chẳng hóa ra “phủ chúa” và “cung vua” đã là một rồi sao? Lúc đó dẫu tổng Trọng hay 4 Sang có muốn “đi” ngược lại liệu có được không, trong khi “gần” dân nhất vốn là việc của “phủ chúa” vì “nó” là cơ quan hành pháp? Những lá đơn kêu oan gửi lên tận Bộ chính trị (kể cả như vợ TS Vũ gửi cho Lê Đức Anh) rồi cũng phải chuyển cho “phủ chúa” mà việc họ lờ đi hay không báo cáo thì cũng chẳng thể làm gì được, vì thể chế này làm gì có tam quyền phân lập để có thể giám sát lẫn nhau?

Những điều đó chính là “lỗi hệ thống” mà nhiều người đã lên tiếng bấy lâu nay đã chứng minh rằng một khi “phủ chúa” mạnh thì ắt sẽ có sự lấn lướt “cung vua” để tự tung tự tác, cũng như thời vua Lê-chúa Trịnh ngày xưa, chỉ có khác là ngày nay chính “cái đảng” luôn luôn được mọi phe phái giương lên khi cần để “dọa” nhau và thỏa hiệp vì cả hai đều không dám “bỏ đảng”…

Trở lại với “kịch bản” này, để vẫn tại vị thì đương nhiên 3 Dũng cũng buộc phải thí tốt vài nhân vật cộm cán để yên lòng dân cũng như xoa dịu nhiều tầng lớp vẫn ủng hộ phe “cung vua”. Bên cạnh đó,  3 Dũng cũng sẽ phải san sẻ bớt quyền lực nào đó nhưng chỉ trong một “giới hạn” nhất định, cũng như việc “diệt trừ tham nhũng” thì cũng chỉ dừng lại ở một vài cá nhân đã quá lộ liễu mà chưa chắc lần đến được Nguyễn Thanh Phượng… Với tấm khiên “phiếu bầu” của số đông sẽ cho phép “phủ chúa” thực hiện điều đó, như vậy “cuộc chiến” giữa hai phe sẽ trở nên dai dẳng vì tuy “đồng sàng nhưng luôn dị mộng” đất nước sẽ bị chìm ngập trong lầm than chưa biết đến bao giờ và tự do-dân chủ vẫn sẽ bị đàn áp không thương tiếc đúng như “kịch bản” mà Trung cộng “bảo kê” và mong đợi. Tuy nhiên, dù chưa mấy hài lòng vì kết quả của cái gọi là “chỉnh đốn đảng” nhưng với việc “chém” bớt vài con tốt thí (thủ tướng nhận khuyết điểm và nhận phê bình nghiêm khắc của trung ương…) rồi vì lý do bảo đảm sự “ổn định” của đất nước để phát triển, đồng thời với “chiêu” lấy lòng những lực lượng ủng hộ “cung vua” bằng kinh tế qua những chiêu bài “trợ cấp xã hội” đã và sẽ thực hiện cũng làm cho lực lượng này chưa thể có cớ hay “nhu cầu” cấp thiết phải đòi hỏi tự do dân chủ trong giai đoạn này… và “niềm tin” ở họ là chưa hết hẳn vì những lý do trên. 

4. Phe “cung vua” thắng: 

Có thể qua chuyến đi “triều kiến” Tập cận Bình ở Nam Ninh, 3 Dũng đã nhận được một lời hứa “bảo kê” nào đó khiến cho “cung vua” phải lập tức triệu tập hội nghị trung ương 6 sớm hơn dự kiến nhiều ngày nhằm “ngăn chặn” âm mưu “đi đêm” của 3 Dũng và Trung cộng đối với các ủy viên trung ương. Có một sự thật là, dù cho căm ghét đảng cs đến mấy thì chúng ta cũng nên nhìn nhận rằng không phải toàn bộ giới chóp bu đảng cộng sản đều ngả theo Trung cộng hết. Nhưng thể chế này giống như con đường một chiều, chính vì lẽ đó mà người nào “đi” ngược lại với “tốc độ” cao thì lập tức bị “tai nạn” ngay. “Tấm gương” của cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và vài người nữa vẫn còn nguyên tính thời sự cho đến tận bây giờ.

Chúng ta đều đã biết rằng sự phụ thuộc và ngả theo Trung cộng không phải là mới đây, mà xuất phát từ hội nghị Thành Đô năm 1990 và được nối tiếp như một sợi dây xuyên suốt trong đường lối của đảng cs Việt Nam qua nhiều thế hệ lãnh đạo đảng. Những tổng bí thư hay chủ tịch nước trước đây cũng thường nói về tình hữu nghị với Trung cộng y như ngày nay tổng Trọng và 4 Sang đã nói. Thế nhưng tại sao thời ông Kiệt rồi ông Khải đối với Trung cộng lại không như 3 Dũng? Ở họ không có những việc làm một cách vô lối và quá đáng như 3 Dũng đã làm suốt từ năm 2006 đến nay? Nhớ lại lời ông Thiệu cố tổng thống VNCH “Đừng nghe những gì cs nói, hãy xem những gì cs làm” trong chừng mực nhất định thì cũng có thể áp dụng cho trường hợp cụ thể này.

Để cho khách quan và công bằng, chúng ta cùng trở lại với “Hiệp định về biên giới trên đất liền” ký ngày 30/12/1999 và “Hiệp định phân định vịnh bắc bộ” ký ngày 28/12/2000 với Trung cộng. Đó đang là thời ông sáu Khải làm thủ tướng. Thế nhưng chính Tổng bí thư thời kỳ đó là Lê Khả Phiêu đã ra chỉ thị phải nhượng bộ nhiều điều cho Trung cộng (cần nhớ là bạo chúa “thái thượng hoàng” Lê Đức Anh chính mà một nhân tố tích cực thúc đẩy và tham gia hội nghị bán nước Thành Đô năm 90 và cũng là người đã “đưa” Lê Khả Phiêu lên ghế Tổng bí thư - trong thời điểm đó cũng như mãi những năm sau này, tiếng nói của Lê Đức Anh giống như là ý Trời vậy). Thế nhưng chỉ vì dám động chạm tới quyền uy của ông ta thì trong hội nghị trung ương thứ 12 với chính “cái cớ” này Lê Đức Anh và Đỗ Mười đã hạ bệ tổng Phiêu thành công như chúng ta cũng đã biết, nhưng lý do thực sự bên trong lại là Phan Văn Khải nhiều lần than phiền với tổng Phiêu mình là thủ tướng mà không có thực quyền như ban cố vấn trung ương (ám chỉ Lê Đức Anh, Đỗ Mười, Võ chí Công…). Thế là vốn dân võ biền, thay vì để sau đại hội đảng thì đi dự hội nghị nào tổng Phiêu cũng đem điều đó ra bàn nhằm mục đích gạt bỏ ban cố vấn... Thực tế là thời ông sáu Dân cũng như sáu Khải thì quả đúng là quyền hành bên “cung vua” mạnh thật “phủ chúa” chỉ có việc thừa hành đúng nghĩa. Chỉ đến thời tổng Nông, nhất là từ khi 3 Dũng được “đôn” lên thì phe “phủ chúa” mới nắm được thế thượng phong và đương nhiên đẩy phe “cung vua” vào thế lép vế như chúng ta cũng đã “cảm nhận” được.

Nhưng những điều nêu trên cũng đã nói lên một điều mang tính qui luật là: Hễ phe nào muốn nắm thế “thượng phong” và thực quyền thì phe đó sẽ phải nhượng bộ và ngả theo Trung cộng nhiều nhất!!! Một lần nữa chúng ta thấy nếu như “kịch bản” hai bên thỏa hiệp thì đại họa cho dân tộc ta như thế nào!

Với một tay thủ tướng có tính cách lục lâm thảo khấu và vô học, nhỏ mọn, tham lam như vậy thì còn trông mong gì tự do với dân chủ và thịnh vượng!? Nếu phe “cung vua” thắng, đương nhiên là 3 Dũng phải ra đi, nhưng chúng ta không nên trông đợi ở một bản án dành cho y vì chưa có tiền lệ cho việc này ở một chính thể cs. Tuy nhiên việc “bóc sạch” đến cùng những ổ nhóm lợi ích lũng đoạn có liên quan đến cha-con 3 Dũng là khả dĩ sẽ xảy ra, đồng thời trong trung ương đảng cũng như bên ‘phủ chúa” sẽ phải có những thay đổi căn bản. Bên cạnh đó là sẽ có sự sắp xếp lại “cán cân” quyền lực giữa “cung vua” và “phủ chúa”. Nếu đúng như vậy thì các vai trò của hai bên sẽ trở về theo đúng nghĩa của từ này và “đảng” sẽ đóng vai “trọng tài” để giám sát (cũng là để “nắm”) cả hai. Ngân hàng nhà nước cũng như các tập đoàn sẽ buộc phải được cơ cấu lại. Như vậy thì cái khẩu hiệu “chỉnh đốn đảng” mới thực hiện được đúng như lời hứa ban đầu mang lại sự “chính danh” cũng như sự ủng hộ của nhiều lực lượng khác nhau trong xã hội đối với phe “cung vua”.

Vậy tại sao tôi lại cho rằng “kịch bản” này là có lợi nhất trong hoàn cảnh lực lượng của chúng ta có hạn như đã phân tích ở phần đầu?.

Thứ nhất, việc một phe chiến thắng hoàn toàn dù chưa thể thoát khỏi ảnh hưởng của Trung cộng ngay lập tức, nhưng điều đó cũng làm cản trở động cơ phải nhượng bộ Trung cộng vì “cuộc chiến” với phe kia. Lịch sử dân tộc cũng đã nhiều lần chứng minh hễ là một khối “thống nhất” là lúc ít bị người phương Bắc khống chế, bắt nạt nhất (khác với kịch bản thỏa hiệp là tuy cùng tồn tại để ra vẻ “thống nhất” nhưng cuộc chiến giữa hai phe thì lúc nào cũng âm ỉ chờ cơ hội bùng phát).

Thứ hai, ít nhiều phe “chiến thắng” cũng phải nới lỏng về vấn đề tự do-dân chủ mà chí ít cũng là giảm đáng kể việc đàn áp phong trào dân chủ như thời gian qua để chăm lo đến vấn đề dân sinh đã bị phá nát và cuộc sống của chúng ta sẽ dễ thở hơn là dưới thời 3 Dũng trị vì như hiện nay…

Nhưng điểm mấu chốt nhất có lợi cho chúng ta nằm ở chỗ: Chính là “bản chất” của chế độ cs toàn trị không hề muốn tam quyền phân lập này sẽ dẫn đến việc “nảy sinh” một hay nhiều 3 Dũng khác (nếu đảng vẫn không chịu thay đổi với một thể chế dân chủ như phần lớn các nước trên thế giới hiện có hoặc chí ít là như Miến Điện đang làm). Và nếu xảy ra đúng như vậy thì chiếc “mặt nạ” chỉnh đốn đảng với khẩu hiệu “chống tham nhũng” sẽ mặc nhiên rơi xuống; những lực lượng trước đây còn tin đảng hay ít nhất là đã vì căm ghét tập đoàn tham nhũng của 3 Dũng mà ủng hộ phe “cung vua” sẽ hoàn toàn mất niềm tin đối với đảng, mà ở đời mất niềm tin là mất tất cả!

Không như với “kịch bản” thứ 3, dù chưa mấy hài lòng về kết quả của cuộc “chỉnh đốn đảng” nhưng khi thấy tổng Trọng-4 Sang còn đó và ít nhiều phe “phủ chúa” cũng đã phải cho “trảm” vài nhân vật, cũng như vài thay đổi dù nhỏ thì ở họ vẫn còn một niềm tin nào đó (vì thật ra, trong con mắt của nhiều người thì họ “trong sạch” thật). Oái oăm trong tâm lý con người lại là ở điểm này, niềm tin dù là nhỏ đôi khi cũng trở thành một nơi để bấu víu. Nhưng ở giai đoạn sau này khi Trọng-Sang vẫn còn đó mà tham nhũng vẫn không thể loại trừ mà lại quay lại trong chính hàng ngũ của những người trong phe “chỉnh đốn đảng” thì sự “chính danh” không còn nữa. Lúc đó chắc chắn Cách mạng dân tộc dân chủ sẽ xảy ra, vì “cung vua” đã có cơ hội cuối cùng để lấy lại niềm tin, danh dự cũng như sự “chính danh” để lãnh đạo đất nước nhưng đã thất bại. Đảng sẽ không còn lực lượng bảo vệ nữa khi mà nền kinh tế vốn đã kiệt quệ dưới thời 3 Dũng mà việc khắc phục đâu phải chỉ ngày một ngày hai. Trong khi nạn tham nhũng lại tiếp tục diễn ra thì “cung vua” còn lấy đâu ra tiền để “mua chuộc” bằng những “ưu đãi” cho những người vốn phụ thuộc nhiều vào chế độ này. Nền kinh tế què quặt thì lạm phát xảy ra là hiển nhiên ảnh hưởng cả đến toàn dân cũng như chính những lực lượng vốn trước kia vẫn ủng hộ đảng… Lúc đó sẽ có thể có cán bộ cấp cao còn có tư cách trong đảng sẽ cùng toàn dân đứng lên dẹp bỏ vĩnh viễn đảng cs ra khỏi đất nước chúng ta!.

Nhớ lại cuối những năm 80 đầu những năm 90 ở Liên Xô cũ cũng là nước theo thể chế cs, nếu những cán bộ cấp cao, lực lượng vũ trang không chán cũng như mất hết niềm tin đến mức quay lưng lại với đảng để tiếp sức và ủng hộ thì liệu ông Goocbachôp rồi ông Enxin sẽ làm được gì? Có lẽ chúng ta cũng thế thôi, khi “thế” và “lực” chưa có để “tạo nên” thời thế thì chúng ta phải biết lựa và lợi dụng thời thế để phục vụ cho khát vọng tự do-dân chủ của mình, bằng cách tiếp tục phơi bày mọi xấu xa, mọi sự thật về chế độ cs toàn trị để toàn dân, nhất là lực lượng chức năng của chính đảng cs thấu hiểu, nhận ra đâu là đúng đâu là sai. Đó cũng là chủ đích của người viết bài này gửi đến mọi người cùng chí hướng… 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo