Miệng Lưỡi đa sự ký [1] - Dân Làm Báo

Miệng Lưỡi đa sự ký [1]

Cái lưỡi là tấm gương của bao tử (thành ngữ Pháp)

Hàn Lệ Nhân (Danlambao) - Hai ngàn sáu trăm năm trước, có nhà ngụ ngôn trứ danh người Hy-lạp tên Esope mà hậu thế vẫn thường nhắc đến với giai thoại sau đây: 

Hồi còn trẻ, Esope ở đợ cho một nhà quý tộc kiêm triết gia tên Xanthus. Một bữa có khách quý đến thăm, Xanthus sai và dặn Esope đi chợ mua thực phẩm loại ngon nhất về đãi. Esope ra chợ mua rặt lưỡi các loài động vật, về lên món toàn lưỡi. 

Nhìn bàn tiệc, Xanthus ngạc nhiên hỏi: Tiệc tùng kiểu gì vậy? 

Esope đáp: Ngài chẳng đã dặn tôi mua thức ăn loại ngon nhất sao? Có gì quý hơn lưỡi? Khách hôm nay là một triết gia, mà lưỡi là ngõ dẫn tới mọi nền học vấn, vì là sợi dây liên lạc với đời sống văn minh, là chìa khóa của khoa học, là cơ quan của sự thật và lẽ phải. Vậy đâu còn thức nào vừa ngon vừa hợp cảnh, hợp người hơn? 

Chủ lẫn khách nghe, đều chịu và vui vẻ đánh chén. 

Hôm sau, Xanthus dặn Esope làm tiệc nhưng phải chọn thứ dở nhất để đưa cay. Esope lại bày toàn lưỡi. Xanthus nổi khùng, mắng Esope. 

Esope bình thản giải thích: Thưa hai ngài, miệng chẳng là cửa vào của mọi xấu xa tệ lậu cùng cực trên đời sao? Vì nó là Mẹ của những sự tranh cãi, vú nuôi của những vụ kiện tụng, nguồn gốc của chia rẽ và chiến tranh. Nếu lưỡi là cơ quan nói ra sự thật, thì nó cũng nói lên sự láo lếu và tệ hơn: sự vu khống! 

Vậy lưỡi là cái quý nhất, ngon nhất nhưng đồng thời là cái xấu nhất, dở và… dơ nhất khi nó bốc mùi đảng tính! 

Cái lưỡi mắc xương 1 

Lưỡi là bộ phận mềm nằm trong miệng của động vật có xương sống. Ở động vật có vú, lưỡi là khối cơ vân chắc, phủ ngoài bằng lớp biểu bì phân lớp, phía dưới là lớp mô liên kết. Mặt trên lưỡi có nhiều nhú cảm giác trong đó có vị giác, dùng để đón và nếm thức ăn, ngoài ra ở người còn dùng để phát âm. (1) 

Ở con người, đặc biệt trong phạm vi cái đầu, chúng ta hằng lao tâm lao lực o bế, điều chỉnh, phù phép các bộ phận như mái tóc, đôi tai, bộ râu, chân mày, cái mí, cặp mắt, sống mũi, hai má, làn môi… và hàm răng nên xưa nay đã sản sinh ra hàng hàng lớp lớp các chuyên gia đặc trách từng bộ phận, nhưng cho đến lúc tôi gõ bài đa sự ký này, tuyệt nhiên – theo chỗ tôi biết, chưa nơi nào trên thế giới có ngành Lưỡi Học (y khoa lẫn thẩm mỹ); tuy rằng ở người, về y lý một số bệnh được thể hiện qua lưỡi như bệnh lưỡi đỏ (thương hàn), bệnh lưỡi trắng (tiêu hóa), bệnh lưỡi nhẵn (thiếu máu)… Phải chăng bởi "trăm năm trong cõi người ta" lưỡi là bộ phận hiếm khi bị trục trặc mặc dù nó bị / được thường trực sử dụng trong việc phụng sự các bộ phận khác: Một vì tất cả. Bù lại, mọi bộ phận khác nhất trí xem "lao động là vinh quang" cũng chỉ để làm vừa lòng cái lưỡi: Tất cả vì một. Có thể nói khi cái lưỡi bị bệnh thì dường như cả thân-tâm đều bệnh theo. Nếu "con mắt là cửa sổ của tâm hồn" thì "cái lưỡi là tấm gương của bao tử". 

Nói đến lưỡi là nói đến miệng, cái khoảng trống bóng-hình của lưỡi: Miệng lưỡi, với nghĩa đen: Hai bộ phận thường được coi là biểu tượng của việc ăn uống và nói năng của con người. Miệng và lưỡi thiệt thụ là đôi tri kỷ đồng sinh đồng tử, triệu triệu lần giá trị hơn cặp Bá Nha-Tử Kỳ, Di Ngô -Thúc Nha hay tam đầu chế Lưu-Quan-Trương vì chẳng cần chích máu ăn thề và chẳng bao giờ ngủng ngẳng cắng đắng nhau. 

- "Xét về con người, tôi thấy tai, mắt, mũi, lưỡi, tay chân, thân thể… hết thảy đều cần thiết, không thể thiếu được, chỉ có hai cơ quan không cần thiết chút nào cả mà Trời lại phú cho ta, tức cái miệng và cái bao tử, nguồn gốc tất cả những cái lụy của loài người, từ xưa tới nay. Có cái miệng với cái bao tử nên sinh kế mới hóa ra phiền phức, sinh kế phiền phức nên mới sinh ra những mưu mô, gian trá. Mưu mô, gian trá sinh ra nên mới phải đặt ra hình pháp; thành thử chính phủ (2) không thể thi hành nhân chính; cha mẹ không thể nuông chiều con cái, ngay đến tạp vật hiếu sinh như vậy cũng phải làm trái cái chí của mình. Tất cả những cái đó chỉ do Tạo vật vụng tính khi tạo thân thể con người, cho ta hai cơ quan đó. 

"Thảo mộc không có miệng và bao tử mà vẫn sống, đá đất không ăn uống mà vẫn trường tồn. Thế thì tại sao loài người lại khác mà phải có miệng và bao tử? Nếu như phải có miệng và bao tử thì sao không cho ta như loài cá loài tôm, uống nước mà sống, hoặc như con ve, con châu chấu, hút sương mà sống, cũng phát triển đầy đủ khí lực để bơi lội, bay nhảy, kêu hót vậy? Như vậy chúng ta sẽ có cầu gì đời đâu mà bao nhiêu nỗi lo lắng sẽ biến hết. Đã sinh ra cái miệng, cái bao tử, Tạo vật lại cho ta nhiều thị dục, bao nhiêu cũng không chán, như sông biển không bao giờ đầy, thành thử suốt đời, bao nhiêu cơ quan khác đều phải kiệt lực cung phụng cho hai cơ quan đó mà không đủ. 

"Tôi suy đi nghĩ lại về điều đó, không thể không trách Tạo vật được. Tôi cũng biết Tạo vật tất cũng hối hận rằng mình lầm, nhưng đã lỡ rồi, hình thể con người đã định rồi, làm sao sửa được." (3) 

- Thưa tiên sinh, phần tôi lại cho rằng bao tử và miệng không thể là thủ phạm chính của mọi phiền toái của kiếp người mà đích thị là do cái lưỡi. Nói đơn giản, bao tử chỉ là nơi chứa những gì từ miệng trôi vào. Miệng đưa xuống gì, bao tử nhận nấy. Bao tử biết đầy, biết no chứ đâu biết ngon, biết đã. Còn chuyện biến hóa sau đó ra sao không nằm trong tiểu đề này. Nếu chỉ có đưa xuống và cất chứa, kiếp người đâu mà phải điêu đứng vì cái ăn, cái uống ngày 3, 4 bữa như xưa nay và mãi mãi sau này. Đành rằng "đã sinh ra cái miệng, cái bao tử, Tạo vật lại cho ta nhiều thị dục", nhưng theo cụ Khổng thì ở con người chỉ có hai thị dục lớn nhất là "Doanh dưỡng và sinh dục", nôm na tức ăn uống và trai gái. Con người ăn uống mà đơn điệu như loài ăn cỏ: Trâu, bò… ; loài ăn thịt: cọp, beo… làm sao mà sinh lắm chuyện được. Vạn sự nhiêu khê phải chỉ đích danh thủ phạm mang tên Cái Lưỡi! Vì chính nó – cái lưỡi, cọng cái gọi là Vị Giác mà ra, nói gọn lưỡi là cơ quan của vị giác để phân biệt các vị khác nhau nhưng tựu trung mục đích trước hết và sau cùng ở con người không ngoài một và duy nhất một chữ Ngon: Ăn ngon, uống ngon. Sao cho vừa khẩu vị, cho khoái khẩu. 

- Cứ tạm cho lưỡi là mầm lụy. Ăn uống đứng đầu trong tứ khoái của kiếp nhân sinh mà nị. Nghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân sinh và Ăn để sống hay Sống để ăn là 2 đề tài bàn loạn chẳng bao giờ có chấm com. Nỗi hoài hương là tình cảm tự nhiên của người xa xứ, kẻ lưu vong. Nhưng xét cho cùng, hoài cảnh thì ít, nhớ người và nhất là thèm nhớ hương vị món ăn thì nhiều. 

- Ờ nhỉ, thảo nào nhà văn, nhà thơ lưu xứ nào cũng dễ dàng có dăm bài về nỗi nhớ quê hương song chẳng ông bà nào chịu khó nhớ tổ quốc cả. 

- Hai chữ Quê Hương trong văn thơ, gẫm kỹ, là để chỉ quê quán (sinh quán) của mỗi tác giả. Nhiều quê gộp lại thành một tổ quốc. Tổ Quốc hay Quê Hương (đất nước) quá bao la, quá thiêng liêng nên vô hình, do đó vô đặc vị. Quê tuy chỉ là một góc nhỏ của Tổ Quốc nhưng là nơi ta đã được sinh ra, đã từng vọc đất, tắm sông..., là nơi có thực, có ẩm thực. 

- Chí lý. Kính tiên sinh nửa ly nếp cẩm. Khà, chẳng thế mà cái ông Bắc kỳ di cư Vũ Bằng, từ quê Nam, tràng giang đại hải nhớ về quê Bắc đến 2 cuốn sách, nhưng tựu trung rặt nhớ Miếng Ngon! (4) 

- Tổ Quốc và Quê Hương tuy tương đương về ý nghĩa, tuy vậy, người ta chỉ nói Món Ngon Quê Hương, chứ chẳng ai nói Món Ngon Tổ Quốc! Cũng như khi ta kêu lên ba tiếng "tổ quốc ơi!" sao thấy nó lành lạnh, nhạt nhạt thế nào; chẳng bù lúc thì thầm ba tiếng"quê hương ơi!" thì thân tâm rung động, nước mắt lưng tròng... và rõ ràng trong nỗi hoài hương đau đáu, thoang thoảng hương đất, hương người nhưng nồng nàn đặc vị mì vịt tiềm, mực ống chiên giòn, vịt-heo quay, ngao xào ớt, bê nướng than...

- ...Phở bò, bún riêu cua, cháo gà ác, lẩu cá chình, nem nướng... mà, trời ơi, chỉ đến khi ngưng thở may ra mới... chuyển hướng vấn vương. 

- Món ngon nhớ lâu là thế. Nhưng sao lại chuyển hướng mà không là chấm hết? 

- Luân hồi, tái sinh kiếp khác mà tiên sinh. Tái sinh tức làm lại từ đầu. Vả, chẳng may kiếp sau lại bị làm người thì trong những điều làm lại từ đầu, dù muốn hay không cũng phải nhập gia vị, tùy tục lụy nơi đó mà"huân tập» cái miệng, cái lưỡi lại chơ. 

- Cũng chí lý, nào cạn ly. 

- Cộng đồng lưu dân nào chẳng mang theo toàn bộ bí quyết gia chánh, nếu không muốn nói vô hình chung cái bếp là hành trang cụ thể, thực tiễn, bền vững nhất khi ra đi. Riêng trong cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại cho đến đêm nay, trong các hoài bão bảo tồn, phát huy này nọ, duy môn ẩm thực là âm thầm tri hành hợp nhất, nổi bật là món Phở đã và đang khẩu phục thiên hạ bốn biển năm châu mà các hỏa đầu lãnh tụ chẳng cần phải ra tuyên ngôn đầu voi-đuôi chuột, tuyên cáo như pháo đầu năm. Điều đáng ghi nhận nữa là các lãnh tụ về Phở không bao giờ nửa lời chê bai nhau chứ đừng mơ được nghe họ hoác mồm chửi rủa nhau vì nước lèo của tao ngon hơn nước dùng của mầy. 

- Phở Việt và mì Tàu có chung một chân lý bất di bất dịch: Ngon hay dở. Chỉ có ngon hay dở thế thôi. Mà đã dở thì không nên phí thời giờ tán ra cho thêm dở, lại bị gán cho là đồ dở hơi, ‘âm mưu diễn biến hòa bình’. Nghị quyết, điều lệ rành rành trong Hiến pháp người ta còn lườn lẹo giải mã lúc thế này lúc thế khác, chứ đầu bếp phở, đầu bếp mì hạng dở nói riêng chỉ có thể đánh lừa khách hàng một hai lần là sập tiệm hoặc phải thay tên đổi họ, đổi bếp may ra cứu lại niềm tin: Gây niềm tin không khó, phá vỡ niềm tin không khó, lấy lại niềm tin không dễ! Tiếng ngon, tiếng dở đồn mau và xa hơn tiếng tốt, tiếng xấu. 

- Tâm ý ăn xỗi vẫn còn là đặc tánh của người Việt chúng tôi. Ví dụ tô phở lúc mới mở tiệm thì ngon tuyệt, đông khách là có vấn đề, nước lèo từ xương thành nước lèo hóa học + bột ngọt / mì-chính. Húp một hai muỗng là cái lưỡi tê đơ, cái mặt rần rần, người cứ như sợi phở trong tô phở, như con ruồi say bò trên miếng thịt bò. Ai cũng có thể lừa tôi trên mọi lãnh vực, trừ món Phở. Thâm thúy thay cho người lấy Món Phở làm điều đáng hãnh diện với thế giới của dân tộc anh dũng-anh hùng 4.000 năm văn hiến.(5) 

- Nhưng ở Pháp sao lại có câu"người Việt ăn phở Tàu"? 

- Thì ở Pháp cũng có câu "người Tây ăn Sushi Trung Quốc", nhưng là vấn đề khác. Tục ngữ Việt có câu "miếng trầu là đầu câu chuyện". Nghe qua thì hay và tuy vẫn là ăn (ăn trầu) nhưng đã hoàn toàn bất cập trong hiện tại, cần phải cập nhật thành "miếng ngon làm giòn câu chuyện". Thời buổi này, chẳng có buổi họp mặt nhỏ hay lớn nào mà thiếu ăn uống: 

1. 
Họp thượng đỉnh giữa các nguyên thủ quốc gia: hội trường sắp nổ tung vì ăn chia không đều, chiến tranh ngấp nghé ngay cửa phòng họp, nhưng đến bữa là phải tạm ngưng, hai phe thù nghịch sắc không, không sắc đằng đằng, dời bước qua phòng khánh tiết, ngồi vào bàn tiệc chừng vài giây: mọi sự trở nên sắc sắc không không, ăn ăn uống uống như chưa hề có sự cố gì cả. 

2. 
Họp trung đỉnh giữa hai, ba, bốn... hội đoàn, đảng phái cùng chí hướng, cùng lập trường: Nếu phía chủ chịu khó nghiên cứu về phía khách, khéo chọn vài món đúng khẩu vị của họ - bày ra trước và giữa buổi họp - sẽ dễ đưa đến đồng thuận và thống nhất. Sự đồng thuận và thống nhất trong một vài trăm trường hợp chỉ nhất thời vì, theo kinh nghiệm bản thân, thường thì họp tan ai về tới nhà nấy là quên hết, riêng dư vị bữa ăn thừa sức vất vưởng ít ra cũng vài tuần. 

- Các tộc Tàu có một quy luật bất thành văn là mọi buổi họp hạ đỉnh về giao dịch bán buôn bình đẳng - chính trị là buôn nhiều hơn bán nên bất bình đẳng, và chưa từng nghe nói ‘con bán chính trị’ - đều phải được diễn ra trên bàn tiệc, có ăn mới có nói. Người Việt nị có hai chữ Ăn Nói, đúng không? 

- Đúng vậy, nhưng có hai nghĩa. Ăn nói tức có nói, không có ăn. Ăn, nói nghĩa là vừa được ăn vừa được nói, đôi khi còn được gói đưa về nữa. Tôi chưa biết Hà Nội, nhưng bạn bè cho biết có nhà hàng Tàu tên Ăn & Nói (Food Talk House) ở quận Hoàn Kiếm. 

Ông bà chúng tôi còn dạy "Miếng ăn là miếng tồi tàn". Nhưng dẫu kề súng vào đầu tôi, tôi cũng không tin lòng Yêu Nước của một người không yêu, không mê vài miếng ăn đặc sản của đất nước mình. 

- Nị có vẻ quá khích lắm đó, nhưng quá khích kiểu này thật dễ thương, nói cho có nói, vì không ăn vài miếng đặc sản nơi mình sinh ra là điều không thể, họa là hạng bẩm sinh không có miệng lưỡi – nên ăn bằng cửa sau; hoặc vô cảm, lập dị và... đại ngu! Tiêu chuẩn Yêu Nước của nị dễ thương vì so với tiêu chuẩn yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa, thậm vô duyên, dễ ghét đến độ không thể không ới lên tên họ cựu TBT Đ...ỗ M...ười! Lối áp chế ấu trĩ thế này có khác gì nàng thỏ thẻ với chàng: yêu em thì anh phải yêu luôn lố em mất dạy của em. 

- Còn chàng rù rì bên tai nàng: Yêu anh em phải yêu luôn bà mẹ lưỡi rắn và nửa tá em gái nhọn mồm của anh. 

(Bài tới: Cái lưỡi mắc xương 2) 



___________________________________

Chú thích:

(1) Lược từ Từ điển Bách Khoa VN, cuốn 2, trang 786, Nxb TĐBK, HN-2002. 

(2) Trong sách ghi là Vua. 

(3) Trích từ bài tựa phần"Ẩm soạn bộ", tập "Nhàn tình ngẫu ký" của Lý Lạp Ông, thời nhà Thanh, Trung Quốc. Dẫn theo Lâm Ngữ Đường: The importance of living tức Sống đẹp, bản dịch Nguyễn Hiến Lê, Nxb Tao Đàn, SG-1964. 

(4) Vũ Bằng (1913-1984): 1/ Miếng Ngon Hà Nội (1960), 2/ Thương Nhớ Mười Hai (1972), Nxb Nam Chi Tùng Thư, Sài Gòn. Ngoài ra Vũ Bằng còn là tác giả cuốn Món Lạ Miền Nam (1970). 
(5) Nguyễn Tuân (1910-1987) mở đầu tùy bút Phở: "Trong muôn vàn thực tế phong phú của nhân dân Việt-Nam, có một cái thực tế mà hàng ngày ít ai nỡ tách rời nó, tức là cái thực tế phở. Cái thực tế phở ấy lồng vào trong những cái thực tế vĩ đại của dân tộc." Trích đoạn này bị / được lược bỏ trong Nguyễn Tuân Toàn Tập, tập 4 trang 34 - Nxb Văn Học, HN 11/2000.


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo