Gia Minh (biên tập viên RFA) - Một số người trong ngày hôm nay 8 tháng 12 cho biết họ đang bị cơ quan chức năng ngăn trở để không thể tham gia cuộc biểu tình chống Trung Quốc dự kiến diễn ra vào ngày mai tại hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn.
Photo courtesy of Dân Làm Báo - Cô Phạm Thanh Nghiên tại nhà
với biểu ngữ "Trường Sa Hoàng Sa là của Việt Nam. Xóa đường lưỡi bò bảo vệ Tổ Quốc".
Ngăn cản
Sau khi xuất hiện lời kêu gọi xuống đường biểu tình tại Hà Nội cũng như thông báo mít tinh tại Sài Gòn vào ngày 9 tháng 12 năm nay với mục tiêu chống những hành động gây hấn gần đây của phía Trung Quốc tại khu vực Biển Đông; một số người nhận được tin tức đó bày tỏ mong muốn tham gia.
Thế nhưng ngay trong ngày trước khi xảy ra hoạt động đó, một số người đã bị phía cơ quan chức năng đưa vào diện ‘làm việc’.
Cựu tù nhân chính trị Phạm Thanh Nghiên, người vừa mãn hạn tù bốn năm mà một trong những lý do khiến cô bị tù tội là do những hành động chống Trung Quốc của cô trước đây. Từ Hải Phòng cô cho biết ý muốn tham gia biểu tình lần này cũng như việc bị chốt chặn không thể lên Hà Nội:
"Trên mạng đang có lời kêu gọi của những người yêu nước đứng lên bày tỏ tiếng nói yêu nước một cách ôn hòa. Họ kêu gọi biểu tình ở Sài Gòn và Hà Nội. Bản thân tôi rất muốn có mặt trong buổi biểu tình đó vào ngày 9 tháng 12 năm 2012 này. Sở dĩ tôi nhấn mạnh ngày này vì (tôi không biết những người kêu gọi vô tình thôi hay cố ý chọn ngày 9 tháng 12) cách đây 5 năm có cuộc biểu tình đầu tiên trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và Lãnh sự quán Trung Quốc ở Sài Gòn. Bản thân tôi 5 năm về trước cũng có mặt tại cuộc biểu tình đầu tiên chống Trung Quốc đó.
Ngày mai tôi cũng muốn có mặt sau bốn năm tù giam, để cùng với anh chị em, cô, bác... những người đồng hành với tôi bày tỏ lòng yêu nước và phản đối chính sách xâm lược của chính quyền Trung Quốc. Tuy nhiên việc tôi có thể đi đến cuộc biểu tình ngày mai, tôi khẳng định là không thể, vì từ hôm qua chính quyền địa phương đã cho một lực lượng công an đến canh gác ở nhà tôi để ngăn cản không để tôi lên Hà Nội biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc."
Blogger Huỳnh Công Thuận từ Sài Gòn cũng thông tin cho biết một số người quen biết của ông từng tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc trước đây cũng đang trong tình trạng bị theo dõi và mời đi làm việc:
"Tôi biết về cuộc biểu tình từ lâu rồi; hôm ngày 30 đã phong phanh có thông tin rồi. Nhưng tôi là một trong những người mà ‘họ’ lưu ý. Bây giờ đã có người canh cửa rồi. Có người bị gửi giấy mời, thăm hỏi rồi. Tôi thì chưa, nhưng không biết tình hình thế nào. Có thể tôi phải ‘dạt vườn’ để từ nay đến tối tính sau; bây giờ không biết có yên thân hay không chứ chưa nói đến ngày mai..."
Phẫn nộ
Mẫu hộ chiếu mới của Trung Quốc có in đường lưỡi bò mà họ đòi hỏi trên Biển Đông. Source báo TQ/peopledaily
Tuy không thể cùng đi tham dự cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn vào ngày mai tại Hà Nội, nhưng cô Phạm Thanh Nghiên vẫn cho biết ‘bất bình’ trước những hành động của phía Trung Quốc đối với Việt Nam và phản ứng của chính quyền Hà Nội:
"Theo thông tin công khai trên Internet cũng như nhiều người chia sẻ với tôi, thì việc gần đây nhất là Trung Quốc in hình lưỡi bò lên hộ chiếu công dân của họ. Việc này đã cách đây vài tháng rồi nhưng ở Việt Nam mới biết được ước chừng hơn chục ngày mà thôi. Theo tôi và có thể mọi người cũng đồng ý với tôi đây là một hành động hết sức ngổ ngược, ngang tàng của phía chính quyền Trung Quốc và sự im lặng của phía Nhà cầm quyền Việt nam là không thể chấp nhận được.
Tôi thấy phản ứng (của nhà cầm quyền Việt Nam) chỉ mang tính chiếu lệ mà thôi và rất yếu ớt, mang tính hình thức và thực sự không có ý nghĩa gì. Lý do vì sao tôi nói không có ý nghĩa là vì cứ mỗi lần Trung Quốc gia tăng các hành động của họ trên Biển Đông, vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam thì bao giờ Nhà nước Việt Nam cũng cho người phát ngôn phản đối yếu ớt, và chiếu lệ. Họ nói đi nói lại lời phản đối mà theo tôi một đứa con nít 5 tuổi cũng có thể học thuộc được."
Với tư cách là một người công dân của đất nước, cô Phạm Thanh Nghiên bày tỏ mong muốn của bản thân và việc cần làm của một công dân trong tình hình hiện nay:
"Tôi ủng hộ và rất muốn đồng hành cùng tất cả cô chú bác và anh chị em có mong muốn đi biểu tình trong ngày 9/12. Đây là điều mà người dân Việt Nam cần phải phát huy. Trước hết để bày tỏ một cách ôn hòa thái độ của mình trước việc Tổ quốc bị lâm nguy. Không thể nói một cách nói suông được. Việc làm biểu tình là cần thiết trước hết. Sau đó tất cả mọi người không loại trừ một ai nếu biết sự thật này phải bằng hành động dùng chính trí tuệ, bằng tài năng, tấm lòng và lòng quả cảm của mình để làm gì đó hòng cải thiện vấn đề nan giải trong thời gian này."
Hồi cuối năm 2007 tại Việt Nam bắt đầu có những cuộc biểu tình chống hành động xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Một số người chủ chốt trong đợt biểu tình lần đó như ông Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày hiện phải thụ án 12 năm tù giam về tội tuyên truyền chống Nhà Nước.
Hồi mùa hè năm ngoái tại Hà Nội cũng diễn ra hơn chục cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn; trong năm nay cũng có một vài cuộc biểu tình tương tự. Thế nhưng hoạt động đó rốt cuộc đều bị phía cơ quan chức năng gây khó khăn và buộc chấm dứt.
2012-12-08