Tâm Nguyễn (Danlambao) - Tôi định không viết về mảng đề tài này do chưa đọc kỹ Bên Thắng Cuộc của Huy Đức vì không có thời gian. Tuy nhiên, qua nhiều nguồn dư luận và đọc những bình luận trên các mạng lề, tự nhiên tôi có ý định góp một đôi lời. Theo tôi, hình như có rất nhiều người chưa xác định được ý đồ của Huy Đức khi thực hiện tác phẩm này, mặc dù Huy Đức đã viết rất rõ ở phần mở đầu: “Đây là công trình của một nhà báo mong mỏi đi tìm sư thật”. Và đã trích hai câu thơ rất đắt của Nguyễn Duy: “Suy cho cùng trong mỗi cuộc chiến tranh, bên nào thắng thì nhân dân đều bại”. Tôi có thể đã hiểu rằng đây không phải là một tác phẩm lịch sử, càng không phải là một tập sách mang tính nghiên cứu hay thông thái gì đó, có lẽ đơn giản nó chỉ là một tư liệu báo chí mang tính tập hợp, thống kê, ghi chép về một thời kỳ với những tư liệu ngồn ngộn, đầy ắp, nó sẽ là tiền đề cho các nhà sử học nghiên cứu, bổ sung các dữ liệu mà chắc chắn rằng nó sẽ còn thiếu.
Cá nhân một con người dù có dụng công nhiều đến đâu cũng không tránh được những thiếu sót, đã là một tư liệu báo chí thì lại càng không tránh được tính áp đặt, định hướng của tác giả bên trong luận đề chính tác phẩm của mình. Bên Thắng Cuộc (BTC) của Huy Đức (HĐ) đã đưa tôi về một thời kỳ với những sự kiện mà một thời tuổi trẻ của tôi đã từng ghi chép vào sổ tay để nhớ. Nhưng tôi chỉ ghi chép sự kiện, còn qua BTC, tôi hiểu được những lý do và gốc ngọn của nó. Và HĐ chỉ trình bày cái tổng thể, còn có những cái thuộc về chi tiết và những cái mà HĐ chưa hề nhắc đến, tôi vẫn cho rằng nó có ảnh hưởng nhất định đến một thời kỳ và ảnh hưởng đến số phận của nhiều con người trong đó.
Chắc ai cũng nhớ một thời những chuyện mà HĐ có nêu về việc cắt tóc, cắt quần một cách man rợ của nhà cầm quyền CS, cũng chưa man rợ bằng việc bắt những người vi phạm TTXH, thậm chí chẳng vi phạm gì vì cái tội rổi hơi như thắc mắc XHCN khác CNXH như thế nào (mà các anh chị CM 30/4 không giải thích được), hay quên để một số vật dụng có in cờ VNCH ở nhà chưa vứt bỏ, họ phải đeo bảng ghi tội danh (do chính quyền cấp thấp ghi đại, vì thời kỳ ấy hoàn toàn không có luật, mãi đến tháng 8 hay 9/75 gì đấy mới có 3 sắc luật của Chính quyền CHMNVN ban hành) và được điệu đi vòng vòng phố. Đây là một kiểu dụng hình của thời trung cổ và được Chính quyền miền Bắc áp dụng trong thời cải cách ruộng đất. Chắc có lẽ tôi vẫn chưa quên một người phụ nữ chồng đi học tập cải tạo, một mình nuôi con nhỏ, thời kỳ bao cấp rất khó khăn mà ai cũng biết, chị phải đi khách để có tiền mua sữa cho con, bị bắt, bị đeo bảng đi vòng vòng phố với dòng chữ: “tôi làm đĩ”. Xấu hổ hết mực, một tuần sau đó, chị tự tử. Tính man rợ chưa dừng ở đó, mặc dù được sơn phết màu mè bằng mỹ từ “chính quyền non trẻ”, ai mà chẳng biết chính quyền này được nối dài bởi chính quyền ở miền Bắc đã được định hình hơn hai mươi năm trước đó, nhưng cái chính quyền được định hình đó chưa bao giờ được củng cố cho vững chắc, nó chỉ phục vụ cho ý đồ chiến tranh và tha hóa con người để dể cai trị. Với tư cách là kẻ thắng, với tư cách một chính thể nhà nước thống nhất cả hai miền sau tháng 7/1976, đảng và nhà nước đã vội vã một cách duy ý chí nhằm biến miền Nam vô sản hóa như miền Bắc bằng những biện pháp hành chính hà khắc, nó đã được HĐ liệt kê, nào đổi tiền, nào cải tạo tư sản mại bản… Tuy nhiên, trong đợt đánh tư sản mại bản, HĐ chỉ kể chuyện ở chủ trương và thực hiện ở cấp thành phố qua những danh sách được sưu tầm trong các tư liệu của chế độ cũ, trong điều tra và cung cấp của các điệp viên CS được cài lại ở Sài Gòn, còn ở các Quận, Huyện cũng có những danh sách riêng được lập bởi các nguồn khác nhau và đây mới chính là những thảm họa.
Ai ở miền Nam mà chẳng biết dân mình thích sắm vàng để làm của, phần vì giá vàng ở miền Nam trước 1975 rất rẽ, bất cứ một gia đình trung lưu nào cũng co một hai chục cây vàng cất ở nhà để phòng khi hữu sự. Có những gia đình là cơ sở sản xuất nhỏ, chủ tiệm ve chai... có năm bảy chục, thậm chí một hai trăm cây vàng ở trong nhà là chuyện thường. Để chuẩn bị cho đợt đánh tư sản, qua những nguồn tin cung cấp cho chính quyền cấp Quận (được Thành phố thông qua bằng những danh sách trích ngang rất sơ sài), những cơ sở sản xuất nhỏ này đã bị đánh tơi bời, bị tịch thu hết vàng (so với những cán bộ CM lúc ấy thì một cây vàng cũng là điều không mơ tới được), số vàng tịch thu rất lớn, quả là một thắng lợi như mơ của chính quyền lúc ấy. Cộng với việc xúc những gia đình này đi kinh tế mới bất ngờ trong đêm đã hoàn chỉnh bức tranh cải tạo đẹp đẽ chứng minh thành tích tốt đẹp của đảng và nhà nước. Nhưng sau đó, việc quy lại thành phần, việc sửa sai đã âm thầm diễn ra, bởi vì người ta đã chứng minh được rằng, đa số những cơ sở nhỏ lẻ này không thuộc thành phần tư sản mại bản, nó là kết quả của những cuộc trả thù của những anh CM 30/4 và CS nằm vùng người địa phương và tư tưởng ấu trĩ của những người cầm quyền vốn xuất thân là những anh nông dân chữ nghĩa không đầy lá mít.
Tư tưởng trả thù này còn phát triển lên một mức mới trong các đợt truy quét chống tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội ở thành phố. Những ai ở thành phố HCM thời kỳ từ 1975 đến 1980 đều không thể quên những đêm bắt bớ khủng khiếp, mỗi phường, xã, mỗi quận huyện và cả thành phố đều đồng loạt ra tay trên diện rộng. Những đối tượng được mời đi ban đêm, được tập trung ở những trường học, trụ sở xã ở ngoại thành, có nơi được nhốt trong những cô-nét (công ten nơ bằng sắt lớn) chật như nêm và nóng chảy mở, hoặc thậm chí dưới hầm như ở Xã An Nhơn, Gò Vấp... rồi trong một đêm giờ G nào đó được tập trung đưa đi vào ban đêm đến những trại tập trung được chỉ định sẵn. Việc lên danh sách thì sao? Rất đơn giản, căn cứ vào hồ sơ, danh sách các đối tượng HS, TNXH của Bộ chỉ huy CSQG/VNCH để lại, danh sách mới phát hiện sau 30/4/75, danh sách được lập từ cơ sở tổ dân phố. Điều khôi hài ở đây là những danh sách ấy, nhất là danh sách từ CSQG chế độ cũ là những danh sách thuộc loại hết giá trị sử dụng chỉ mang tính tham khảo và theo dõi, tỉ như Ông A, bà B đã từng bị bắt vì tội ghi số đề, đi chơi điếm hay làm điếm... bất chấp giờ họ có còn tái phạm hay không, chỉ cần một xác nhận của cơ sở, tổ dân phố là a-la-hấp lên đường. Sau này, cũng những khiếu nại, các cấp thanh tra từ Phường, xã đến Quận, Huyện, Thành phố đều công nhận có sai sót trong các khâu điều tra, xác minh, những người oan, sai bị bắt thật nhiều, do những định kiến từ cơ sở, do trả thù cá nhân... có người chỉ vì gây gỗ với hàng xóm, mà hàng xóm này là tổ trường dân phố hay bà con của các quan CM, thế là lãnh đủ. Đây là một hệ quả của một chương trình do ngành công an phát động mang tên phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc, chủ yếu khuyến khích người dân tố giác lẫn nhau, kiềm chế lẫn nhau để chính quyền, ngành công an kiểm soát mọi hành vi, tư tưởng con người dưới danh xưng mỹ miều “nhằm trấn áp tội phạm…”
Nhưng sửa sai được không? Không thể, bắt thì được, đưa đi thì được, nhưng khi đã giao cho cánh quân đội quản lý rồi thì... mất tích. Dù có tìm ra, dù có quyết định đề nghị được giải quyết tha, nhưng chắc chắn ngày về thật xa, có khi cầm đơn tìm được chổ giam giữ, thì được nhận tin người đã chết.
Những việc này không khó xác minh, nhưng phải thật tinh ý mới nhận ra đằng sau ý nghĩa của nó trong các báo cáo của chính quyền và công an thời kỳ đó. Những dòng văn khô khan, duy ý chí như sau: “đã nhận được... đơn khiếu nại về việc đề nghị giải quyết lấy lại tài sản bị tịch thu trong đợt cải tạo công thương nghiệp vừa qua, đã đề xuất giải quyết được... trường hợp”, hay “đã nhận được... đơn xin được giải quyết cho người thân bị bắt trong đợt truy quét hình sự vừa qua, đã đề xuất giải quyết cho về... trường hợp...”
Một điều nữa mà HĐ chưa nói (không biết trong phần hai có nói không vì tôi chưa đọc), nhưng trong bất cứ một nghị quyết nào của đảng bộ thanh phố, đảng bộ các quận, huyện, phường xã đều có ghi một câu thòng rất quan trọng cũng trong thời điểm từ 1976 đến 1980, đó là: ưu tiên phát triển, xây dựng lực lượng kế thừa là người địa phương. Một chủ trương không có gì sai, nhưng đằng sau của nó là một sự kiện mà chắc những cán bộ người miền Bắc đều nhớ là họ không bao giờ được giao nắm giữ những chức vụ quan trọng, cốt cán. Hình như lúc đó đã có những chỉ đạo ngầm từ phía đảng bộ thành phố là tìm cách đào tạo mọi lực lượng kế thừa là người miền Nam để dần thay thế những cán bộ chi viện miền Bắc, thậm chí ở một số địa phương đã để xảy ra tình trạng đấu tranh cục bộ địa phương chủ nghĩa giữa những cán bộ miền Bắc, miền Trung và miền Nam gây chấn động cả TW Đảng CSVN lúc đó, và đã có một nghị quyết nhằm giải quyết vấn đề này. Nhưng tình trạng này vẫn âm ỉ kéo dài cho đến khi có chỉ đạo dời các cán bộ lãnh đạo ra TW trực tiếp giải quyết...
Tóm lại, HĐ cũng đã làm tròn trách nhiệm của một nhà báo, anh đã đưa ra được một khối tư liệu khổng lồ dù có thể là chưa hoàn chỉnh để là một tiền đề cho những người làm sử, những chứng nhân lịch sử tham gia góp ý. Có thể có người trách anh đã dùng chữ nhạy cảm là Bên Thắng Cuộc sẽ khiến cho nhiều người không hài lòng, nhưng anh ấy đã nói trước rồi còn gì, nói chuyện về sau ngày 30/4/1975 là nói về phe thắng. Mà thắng kiểu nào cũng là thắng, tôi chỉ đơn giản kể cho các bạn nghe một câu chuyện thường gặp trong các tuồng cải lương ở miền Nam:
Hai anh Bắc và Nam cùng yêu cô gái tên Việt, nhưng Việt và Nam đã cùng yêu nhau thắm thiết và thề chung thủy trọn đời. Bắc tức, dùng đủ mọi cách kể cả dọa nạt và bỏ thuốc mê nhằm chiếm đoạt thân xác Việt. Do thất tiết, Việt phải chấp nhận lấy Bắc làm chồng. Nam bỏ đi. Vì lấy nhau không tình yêu, vì căm giận người phụ nữ đã từng hất hủi mình, Bắc đã hành hạ để trả thù...
Bắc có phải là người thắng cuộc? Hãy nghe Ông Hội đồng gào lên trong vở Đời Cô Lựu; Trời ơi, tôi chiếm được thân xác bà, nhưng không chiếm được trái tim bà, mãi mãi tôi chỉ là người thua cuộc mà thôi!
Vậy trong trường hợp này ai là người thắng cuộc, ai là người thua cuộc? Đó cũng chỉ mang tính ước lệ. Người phụ nữ bị chiếm đoạt ấy rồi sẽ mãi mãi câm nín bên ông chồng tàn tệ, hay rồi sẽ vùng lên đòi hỏi tự do, tìm tình yêu và hạnh phúc cho mình?
Ai giải dùm cho bài toán đó?
28/01/2013