Nguyễn Nghĩa650 (Danlambao) - Cần một giải thích nhỏ về đầu đề của bài viết. Hiến pháp là khung luật cao nhất của một nhà nước. Viết rằng một Hiến pháp không hợp hiến có vẻ như không logic. Tuy vậy, điều này đã xảy ra đối với Hiến pháp Việt Nam 1960.
Bởi vì Hiến pháp 1960 được tuyên bố là bản sửa đổi của Hiến pháp VN 1946, mà bản sửa đổi này không hợp lệ, không tuân thủ qui định về "quyền sửa đổi Hiến pháp" của Hiến pháp 1946, nên Hiến pháp 1960 là không hợp hiến.
Những Hiến pháp được thông qua 1980, 1992 cũng đều tuyên bố là những sửa đổi của Hiến pháp trước đó.
Bản Hiến pháp trước đã không hợp hiến thì bản sửa đổi của nó cũng không hợp hiến.
Bài viết này sẽ dành để chứng minh tính không hợp hiến của Hiến pháp 1960.
1. Hiến pháp 1946
Hiến pháp 1946 là Hiến pháp tiến bộ, đưa nước Việt Nam từ một nhà nước Thực dân-Phong kiến trở thành một nhà nước dân chủ, mọi quyền lực thuộc về nhân dân thông qua Quốc hội và những cuộc bầu cử phổ thông, tự do, nhằm xây dựng một "nước Việt Nam độc lập và thống nhất tiến bước trên đường vinh quang, hạnh phúc, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hòa bình của nhân loại." (Lời mở đầu của HP 1946).
Hiến pháp 1946 gồm 7 Chương chứa 70 điều khoản gắn gọn. Mặc dù rằng bộ phận biên soạn bản dự thảo HP này gồm hầu hết là đảng viên cộng sản (xem Wikipedia HP VN 1946), HP 1946 không mang một tý dấu vết nào của ý thức hệ cộng sản.
Như vậy có thể thấy rằng, ý muốn xây dựng một nước Việt Nam độc lập, dân chủ, sánh vai với trào lưu tiên tiến của thế giới,... của cả dân tộc Việt Nam sau 80 năm trời nô lệ, là mạnh mẽ, mà các lực lượng cộng sản lúc bấy giờ không thể không tôn trọng.
Thời điểm 1946 các phương tiện truyền thông, in ấn còn trong tay tư nhân, đã là một sức ép, để bản HP 1946 thể hiện được ý nguyện của dân tộc Việt Nam tại thời điểm lịch sử này.
Sau này, khi lực lượng lãnh đạo phong trào khởi nghĩa dành độc lập chuyển dần vào tay các lực lượng cộng sản, những người cộng sản Việt Nam đã dần dần đánh cắp những ý nguyện của dân tộc Việt Nam về dân chủ, về độc lập... được ghi nhận trong HP 1946 và trao tặng cả một dân tộc hơn 4 nghìn năm văn hiến cho CNCS Mác-Lênin trong những bản HP sau.
HP 1946 là HP có tầm nhìn lâu dài, văn từ đơn giản, rõ nghĩa.
Ta thử xét qua một ví dụ về quyền công dân của HP 1946 và 1992.
HP 1946 qui định - Điều thứ 10
Công dân Việt Nam có quyền:
- Tự do ngôn luận
- Tự do xuất bản
- Tự do tổ chức và hội họp
- Tự do tín ngưỡng
- Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài.”
Trong khi HP 1992, tại
Điều 68: Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật.
Điều 69: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”
So sánh một chút là ta thấy tính bất logic, không nhất quán của các điều 68, 69 trong HP VN 1992, ngược lại với những qui định rõ ràng của HP 1946.
Hiến pháp là văn bản luật cao nhất, là khung cho mọi luật trong nhà nước Việt Nam. Mọi văn bản pháp luật ban hành trong nhà nước Việt Nam phải dựa vào Hiến pháp.
Như vậy dòng "theo quy định của pháp luật" trong các Điều 68 và 69 HP 1992 là phi lý, không logic.
Đây chính là những lươn lẹo của chính quyền cộng sản Việt Nam khi soạn thảo Hiến pháp 1992.
Đây chính là cách ĐCS VN tước đi những quyền tự do tối thiểu của công dân Việt Nam để họ sử dụng chuyên chính vô sản, gieo rắc sợ hãi trong những công dân "tự do" theo qui đinh của Hiến pháp, nhưng không được “tự do” theo qui định của các bộ luật trong nhà nước cộng sản Việt Nam.
2. Hiến pháp 1960 là không hợp hiến
Do tính tiến bộ về quyền công dân, tam quyền phân lập... của Hiến pháp 1946, ĐCS VN muốn thay đổi hiến pháp.
Những nhà luật sư cộng sản vào cuộc. Những trí thức này muốn tìm ra một cớ để có hiến pháp mang nhiều tính cộng sản hơn. Họ đưa ra mệnh đề:
"Do chiến tranh Đông Dương bùng nổ ngay sau khi bản hiến pháp này được thông qua nên nó chưa được chính thức công bố và thi hành."(xem Wikipedia HP VN 1946)
hay
"Quốc hội tuy đã thông qua, song không công bố và đưa bản hiến văn này cho toàn dân phúc quyết, bởi vậy nó chưa thể có hiệu lực về phương diện pháp lý."(xem Phạm Duy Nghĩa - Tạp chí Tia Sáng)
Đây là một mệnh đề sai, lừa dối người dân Việt Nam bình thường.
Hiến pháp Việt Nam 1946 đã trải qua tất cả các thủ tục pháp định bình thường để trở thành một văn bản Hiến pháp thực sự của toàn dân Việt Nam.
Đầu tiên, một "Ủy ban dự thảo Hiến pháp được thành lập theo Sắc lệnh số 34-SL ngày 20 tháng 9 năm 1945 gồm có 7 thành viên: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh).
Bản dự án Hiến pháp đã được soạn thảo và công bố vào tháng 11 năm 1946.
Ban dự thảo Hiến pháp (Tiểu ban Hiến pháp) được Quốc hội bầu ra ngày 2 tháng 3 năm 1946 gồm có 11 thành viên: Trần Duy Hưng, Tôn Quang Phiệt, Đỗ Đức Dục, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Huỳnh Bá Nhung, Trần Tấn Thọ, Nguyễn Cao Hách, Đào Hữu Dương, Phạm Gia Đỗ, Nguyễn Thị Thục Viên.
Ban này tiếp tục nghiên cứu dự thảo hiến pháp.
Trong phiên họp ngày 29 tháng 10 năm 1946, Tiểu ban Hiến pháp được mở rộng thêm 10 đại biểu đại diện cho các nhóm, các vùng và đồng bào thiểu số để tu chỉnh dự thảo hiến pháp và trình ra Quốc hội ngày 2 tháng 11 năm 1946 để Quốc hội thảo luận, sửa chữa và thông qua.(xem Wikipedia HPVN 1946)
Bản hiến pháp được Quốc hội thông qua vào ngày 9 tháng 11 năm 1946, tại kỳ họp thứ 2, với 240 phiếu tán thành trên tổng số 242 phiếu. Sau đó, Quốc hội ra nghị quyết giao nhiệm vụ cho Ban Thường trực Quốc hội:
1. cùng với chính phủ ban bố và thi hành hiến pháp,
2. trong thời kì chưa thi hành được Hiến pháp thì chính phủ phải dựa vào những nguyên tắc đã định trong hiến pháp để ban hành các sắc luật".(http//baotanglichsu.vn/portal/vi/Tin-tuc)
Như vậy bản Hiến pháp 1946 đã trải qua các bước cần phải thực hiện để trở thành một văn bản luật có hiệu lực.
Chính chính phủ kháng chiến cũng đã dựa trên bản Hiến pháp này để ban hành các sắc luật.
Thời gian hòa bình, từ 1954 đến 1960, Hiến pháp 1946 vẫn là văn bản luật duy nhất của nhà nước cộng sản Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở lên phía bắc.
Dựa vào những khó khăn của 9 năm kháng chiến rồi gạch toẹt hiệu lực của Hiến pháp 1946 là hành động vi hiến của nhà nước cộng sản Việt Nam.
Chính Hồ Chí Minh là người lãnh đạo việc làm này. Ông ta cho rằng: “Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước ta, thích hợp với tình hình và nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ đó. Nó đã hoàn thành sứ mệnh của nó. Nhưng so với tình hình mới và nhiệm vụ cách mạng mới hiện nay thì nó không thích hợp nữa. Vì vậy mà chúng ta phải sửa đổi Hiến pháp ấy” (Hồ Chí Minh toàn tập)
Tuy nhiên Hồ Chí Minh lại một lần nữa vi hiến.
Theo điều 70 của Hiến pháp 1946:
Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây:
a) Do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu.
b) Nghị viện bầu ra một ban dự thảo những điều thay đổi.
c) Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết.
QUỐC HỘI"
(HP VN 1946).
Việc đưa ra toàn dân phúc quyết Hiến pháp 1960 là điều không tưởng.
Hiến pháp 1946 là Hiến pháp có hiệu lực của cả Việt Nam từ Bắc đến Nam, đã được toàn dân Việt Nam 30 triệu người, thông qua Quốc hội bầu dân chủ đầu tiên, phúc quyết.
Hiến pháp 1960 muốn làm bản Sửa đổi của HP 1946 phải được cả 30 triệu đồng bào ta lúc đó đồng ý.
Nhưng Miền Bắc lúc đó chỉ có 17 triệu người.
Đây cũng là điều giải thích tại sao Hồ Chí Minh khăng khăng cho rằng HP 1946 không có hiệu lực, khi chính ông ta đã ngồi họp tại Quốc hội Việt Nam ngày 9/11/1946, ngày Hiến pháp 1946 được Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua, ngày HP 1946 có hiệu lực hành chính.
Chính vì vậy, tôi cho rằng Hiến pháp 1960 và các Hiến pháp tiếp theo là vi hiến.