Người Buôn Gió - Người bạn, người em, người chiến hữu của tôi. Hiệp sĩ khuyết tật Nguyễn Công Hùng đã mất chiều nay.
Hồi tháng 4, Hùng nói với tôi.
- Anh viết giúp em cuốn tự truyện, em nghĩ mình không còn sống được bao lâu nữa.
Cuốn tự truyện hai anh em tôi còn dang dở, cậu ấy đã ra đi vĩnh viễn về nơi nước Chúa. Xin cho linh hồn của em được an nghỉ trong hồng ân của Đấng Cứu Thế.
Đây là phần đầu của cuốn tự truyện Công Hùng đang viết dở theo lời em kể, tôi chưa chỉnh sửa cho tròn trịa. Chắc chắn tôi sẽ sớm hoàn thành câu chuyện của em, một câu chuyện mà như em nói- anh là người hiểu em nhiều hơn cả, vì thế em chọn anh chấp bút.
*
Tôi sinh năm 1982, giữa mùa hè gay gắt nắng và gió Lào của xứ Nghệ. Quê hương tôi nổi tiếng bởi đặc sản cam xã Đoài. Nhà tôi cách tòa giám mục giáo Vinh không xa, ngay trên con đường dẫn vào tòa giám mục. Tuổi thơ của tôi là nằm trong nhà nhìn ra cửa thấy thứ bảy, chủ nhật hàng đoàn người đi lễ.
Nhà tôi có 3 anh em, tôi là lớn nhất, rồi đến một em gái tên Thủy, em út tên Vân.
Chỉ duy có tôi và Vân bị một căn bệnh kỳ lạ, chúng tôi bị một cơn sốt rồi bại liệt.
Lúc sinh ra tôi như bao đứa trẻ bình thường khác, trắng trẻo, xinh xắn tập nói, tập đi trong vòng tay của ba mẹ. Đến khi hai tuổi bất ngờ một cơn sốt ập đến, co giật, tím tái. Ba mẹ tôi đưa đi bệnh viện, bác sĩ xác định tôi bị sốt bại liệt. Từ đó, không gian đầy hấp dẫn của đứa bé mới chập chững đi tìm khám phá bỗng trở thành chật chội. Một quãng thời gian dài ba mẹ mang tôi đi khắp nơi để chữa chạy, đủ các bệnh viện Đông y, Tây y. Những bệnh viện không đem lại được nhiều hy vọng. Có bệnh vái tứ phương, ba mẹ tôi như người chơi vơi bơi trên biển cả mênh mông, thấy vật gì trôi nổi cũng bám víu. Những lời mách bảo về ông lang này hay thuốc, ông lang kia giỏi châm cứu, bà lang nọ có phương thuốc kỳ lạ...ở nơi đâu dù xa xôi thế nào ba cũng chở tôi đi. Lúc mùa đông giá lạnh căm căm ba tôi đạp xe, mẹ tôi ngồi đằng sau ôm tôi trong cái chăn bọc kín người, hở chút mặt đậy khăn voan, đi trên con đường quê xóc lọc cọc, nẩy tưng tưng tìm đến nhà ông lang, bà lang nào đó cách nhà tôi hàng vài chục cây số.
Lang thuốc, lang châm cứu không ăn thua, đến lượt thầy mo, thầy cúng vào cuộc. Thầy mo cho tôi ăn lá khoai lang, rồi lấy bao tải cuốn quanh người tôi và giật mạnh, tôi lăn quay lông lốc. Thầy mo bảo rút thế cho con ma ra theo. Thầy mo tát vào mặt để con ma ra khỏi người tôi. Ba mẹ tôi đứng nhìn nước mắt chan chứa, cố cầm lòng để hy vọng tôi được phép màu nào đó trở về thành đứa trẻ bình thường.
Thầy mo là hy vọng cuối cùng của gia đình tôi ở quê nhà, chúng tôi đi xa hơn nữa. Gia đình tôi đưa tôi lên Hà Nội tìm đến bệnh viện châm cứu trung ương ở đường Thái Thịnh- Hà Nội chữa trị. Một năm trời tôi ở nhà người quen, hàng ngày có người đưa vào viện để châm cứu, người săn sóc. Đó là quãng thời gian gia đình tôi mất nhiều công sức nhất. Từ quê mọi người thay nhau ra Hà Nội để chăm sóc tôi lúc mà cuộc sống mưu sinh của mọi người rất khó khăn.
Người Buôn Gió