Doanh nhân và nền kinh tế định hướng XHCN - Dân Làm Báo

Doanh nhân và nền kinh tế định hướng XHCN

Phan Châu Thành (Danlambao) - Chủ nghĩa Xã hội (CNXH) hay Chủ nghĩa Cộng sản (CNCS) muốn được xây dựng thành công đều cần có chủ thuyết (lý thuyết, tư tưởng, triết lý) đúng, mô hình (mục tiêu) đúng, con người tương xứng tư tưởng và mục tiêu, và nguyên tắc (luật lệ) xây dựng đúng. Đúng ở đây là hợp với bản chất Con người và thuận theo các Qui luật phát triển của xã hội, Tự nhiên và Vũ trụ. 

Thực tế lịch sử cận đại của loài người cho thấy, sau hơn một thế kỷ xuất hiện và tồn tại trên vài chục quốc gia, dân tộc với hàng người tỷ tham gia và bị tham gia, CHCS hay CNXH đã sụp đổ, đã thất bại hoàn toàn. Cái còn lại chỉ là một khúc thân và đuôi không đầu của con quái vật Xã hội chủ nghĩa (XHCN) trăm tuổi đó, vẫn đang cố sống... Loài người đã coi như nó chết rồi và còn biết rõ tại sao nó đã, đang và sẽ phải chết hoàn toàn, đó là: 

Vì chủ thuyết cộng sản của nó sai, ngược lại với bản chất hữu sản của con người, vì mô hình XHCN không khả thi, tàn nhẫn và phi nhân tính, không công bằng với các nhóm hay giai tầng xã hội và thiên vị cho một giai cấp cầm quyền mới, vì con người cộng sản và XHCN quá tham vọng, tàn ác và giả dối, và vì CNCS và các đảng CS cầm quyền ngồi trên Hiến pháp và pháp luật dành cho phần đại đa số dân bị trị còn lại, vì phương pháp xây dưng XHCN của họ là bạo lực và lừa dối đối với số đông và phản bội lừa đảo đối với nhau và tiền bối...

Cả bốn yếu tố cần phải đúng (right) để CNXH thành công đều chưa bao giờ đúng nên CNXH không thể thành công là tất yếu. 

Dù CNCS hay CNXH không phải là đề tài chính bài viết này, mà Doanh nhân với Kinh tế định hướng XHCN ở VN hôm nay mới là điều tôi muốn bàn luận, nhưng tôi phải nhắc lại vài ý trên về CNXH vì cái này sinh ra cái kia. Chính cái ĐCS VN với cái CNXH “cố sống” hôm nay ở nước ta đó đã sinh ra cái gọi là nền kinh tế định hướng XHCN. 

Tương tự như chính cha đẻ của nó - CNXH, “nền kinh tế định hướng XHCN” cũng cần và phải có đủ bốn nhân tố thích hợp (tức là thuận theo các qui luật phát triển kinh tế xã hội loài người) để thành công: một lý thuyết kinh tế định nghĩa XHCN, một mô hình kinh tế tương ứng, những con người (ở đây là những doanh nhân) thấm nhuần tư tưởng định hướng và nắm vững mô hình đó, và luật chơi trong nền kinh tế định hướng đó. 

Trong bốn yếu tố trên, ba yếu tố (lý thuyết, mô hình và luật chơi kinh tế định hướng XHCN) đã được các chuyên gia kinh tế chính trị xã hội cả lề dân và đảng, cả trong và ngoài nước nói đến rất nhiều, đa số đều chỉ ra những bất cấp, thiếu sót, sai trái và ngộ nhận, lừa dối hay ngu dốt của chúng để đi đến kết luận chung, rõ ràng và tất yếu là sự sụp đổ của cái gọi là kinh tế định hướng XHCN VN trong tương lai gần. 

Tôi cũng đã đóng góp vài bài về mô hình kinh tế định hướng XHCN này trong loạt bài về “Tập đoàn Kinh tế nhà nước (KTNN) từ đâu ra và đi về đâu?”. Hôm nay, thêm vài năm quan sát và suy ngẫm, lại cũng vẫn tham gia, lại là người trong cuộc kinh doanh “định hướng”, với tư cách là một doanh nhân chứ không phải lý thuyết gia hay chuyên gia kinh tế, tôi muốn bàn thêm về nhân tố “định hướng” thứ tư: doanh nhân trong kinh tế định hướng XHCN! 

Bây giờ, dù tôi có nói thêm gì về yếu tố thứ tư này – “doanh nhân định hướng XHCN?” thì cái kết luận chung của đa số và của tôi cho nền kinh tế định hướng XNCN này vẫn không thay đổi: cái bàn mà đảng bắt dân tộc ta xây cuộc sống Thịnh vượng (Hạnh phúc và Sung túc) lên trên nó đã có ba chân bị mục thì cái chân thứ tư là gì cũng sẽ đổ thôi!

Nhưng, nếu chúng ta đã biết rõ hình ảnh và vai trò của những con người cộng sản trong sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản trên thế giới và ở VN thế nào để sống chung với họ sau khi họ “đổ”, thì tôi nghĩ chúng ta cũng rất nên biết hình ảnh và vai trò của doanh nhân Việt trong nền kinh tế định hướng XHCN của VN hôm nay và trong sự sụp đổ tất yếu của nó sắp tới, để biết chúng ta có thể nên trông đợi điều gì hay không? 

Để dám nói về điều này, tôi có thực tế trên ba mươi năm làm việc trong nền kinh tế nay là “định hướng XHCN” này sau khi tốt nghiệp thạc sĩ kỹ thuật, thạc sỹ kinh tế ở Đông Âu XHCN cũ, và sau hàng chục năm quan sát, kiểm tra, suy ngẫm gần đây. 

Vì tôi đã có cơ hội làm việc trong hầu như mọi dạng doanh nghiệp chính: nhà nước, liên doanh, tư bản, tư nhân, quỹ NGO... trong đó đều kinh qua nhiều cương vị khác nhau, từ nhân viên quèn đến quản lý cấp cao (các CEO), đến giám đốc, nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp... tôi đã cố gắng tìm một mẫu hình doanh nhân Việt đặc trưng, và nếu là mẫu hình doanh nhân Việt thành công càng mừng. Nhưng đáng buồn là tôi không tìm thấy họ. Thậm chí, tôi không thấy một hình mẫu người đặc trưng nào có thể gọi là Doanh nhân Việt! 

Thứ nhất, trong nền kinh tế định hướng XHCN không có khái niệm, định nghĩa doanh nhân chuẩn như trong nền kinh tế tư bản, dù có thể mỗi người có những định nghĩa khác nhau, nhưng tinh thần doanh nhân trong đó là chung, đó là: doanh nhân phải là chủ đồng vốn mình kinh doanh, sáng tạo giá trị từ vốn đó cho mình và xã hội và chấp nhận và chịu mọi rủi ro (từ quyết định kinh doanh của mình). 

Đó cũng là định nghĩa Doanh nhân của tôi. Như vậy, là doanh nhân tức là làm chủ. Với định nghĩa trên thì trên 80% số người được xã hội VN (cả báo chí, các cấp quản lý kinh tế, giới kinh doanh, các học viện và đại học kinh tế, các “nhà kinh tế”...) gọi là doanh nhân hiện nay không phải là doanh nhân, đó là: các cấp quản lý doanh nghiệp có vốn nhà nước từ thấp đến cao đến chủ tịch tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế nhà nước, các quản lý trung cấp và CEOs trung cao cấp mà không sở hữu đáng kể vốn của các doanh nghiệp nước ngoài, liên doanh nhà nước - nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân... Đáng buồn là đa số người này cũng tự gọi mình là doanh nhân (!), chứng tỏ họ chẳng biết gì về bản chất kinh doanh (vì không hiểu cả bản chất doanh nhân). 

Còn đa số người là doanh nhân thực sự là chủ các cơ sở kinh doanh nhỏ trong các gia đình (các doanh gia), các cá nhân như ông chủ quán cơm, bà chủ hàng tạp hóa, cô chủ tiệm làm tóc... ở đầu ngõ nhà tôi (đều đáp ứng định nghĩa trên) lại không được xã hội gọi là và coi là doanh nhân (dù họ cũng thuê vài ba người làm và không trốn được việc đóng thuế kinh doanh), mà chỉ gọi họ là các hộ kinh doanh. Và họ cũng không ý thức được, không dám nghĩ mình chính là doanh nhân... 

Đó là một tình trạng đánh tráo khái niệm Doanh nhân trên phạm vi toàn xã hội thật đáng sợ! Nó bóp chết hay làm méo mó, biến dạng tinh thần doanh nhân trên toàn xã hội VN, ngay trong trứng nước. 

Ngoài những CEOs làm thuê cho doanh nghiệp lớn của các ông chủ trong và ngoài nước mà tự coi mình là doanh nhân (làm chủ) thì chỉ là tự sướng, chả có hại cho ai ngoài việc góp phần làm hỏa mù thiên hạ (và mình) về doanh nhân đích thực, thì những “doanh nhân” là quản lý các doanh nghiệp nhà nước lại ngộ nhận mình là chủ doanh nghiệp thật và dần dần làm chủ sở hữu hoàn toàn doanh nghiệp nhà nước mà họ quản lý hay đứng đầu vốn chỉ như là một người làm thuê trên vị trí đó. Họ được đảng bổ nhiệm làm thuê cho ông chủ “sở hữu toàn dân”, nhưng ông “toàn dân” này toàn là dân nghèo, dân oan…chả biết mình có quyền gì và không bao giờ được có mặt trong các doanh nghiệp mà mình được ghi tên chính chủ trong két của đảng.

Đám “doanh nhân” nhà nước mà tôi gọi là “roanh” nhân này, họ không hề biết đến và không hề có tinh thần doanh nhân đích thực, lại được giao hầu như toàn bộ vốn (tài chính và đất đai) nhà nước, đặc quyền và chính sách ưu đãi... vì doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo và định hướng, nên họ càng “làm chủ bự” - tức là biển thủ bạo. 

Mục tiêu kinh doanh duy nhất của họ là chiếm đoạt cái không phải của họ, cái vô chủ (của ông toàn dân) nhưng được (đảng) giao cho họ làm chủ. Thực chất vì thế đảng làm chủ toàn bộ tài sản quốc gia, bao gồm các doanh nghiệp nhà nước đó...

Còn các doanh nhân đích thực theo định nghĩa trên thì sao? 

Đa số họ là các hộ kinh doanh, không biết mình và coi mình là doanh nhân, chỉ coi mình là những con cá trên thớt “định hướng XHCN”, may thì sống, không may thì chết, luôn luôn có thể bị “chém” bất cứ lúc nào bởi những “con dao” bộ máy “kinh tế - chính trị - xã hội” nhản nhản khắp nơi trong từng thôn xóm ngõ hẻm: thuế, công an, thị trường, chính quyền, cả các “đoàn thể chính trị ” và “quần chúng tự phát”. Võ duy nhất để tránh bị chém là “phong bì” đều đặn, càng dầy càng tốt.

Số doanh nhân là chủ các doanh nghiệp tư nhân, các công ty THNN, các công ty cồ phần... chia làm ba loại: 

Loại một, hình thành và hoạt động hoàn toàn theo tinh thần doanh nhân, doanh nghiệp và luật doanh nghiệp; Doanh nhân nhóm này gặp ba vấn đề lớn nên rất khó tồn tại mà không từ bỏ tinh thần doanh nhân, đó là: văn hóa kinh doanh của cả xã hội và cả nền kinh tế quá tệ, đa số theo luật rừng nên kinh doanh bằng chữ tín dễ bị thua trắng. Người doanh nhân mới được phục hồi danh dự khoảng chục năm thì đã bị kẻ khác cướp mất tên chính danh rồi; đó là luật lệ, chính sách kinh doanh không công bằng với doanh nghiệp tư nhân gây thiệt hại, khó khăn muôn vàn cho họ; và đó là họ luôn bị một rừng máy chém có đảng bảo kê, chém liên tục vì bất cứ lý do gì, y như với các hộ kinh doanh, chỉ có cường độ chém là tàn bào hơn – vì họ có pháp nhân kinh doanh riêng! Nhưng nếu họ tồn tại và vượt qua khó khăn hôm nay, họ là tương lai của nền kinh tế thị trường nước Việt, họ là thế hệ đầu tiên sau thế hệ Bạch Thái Bưởi! 

Loại hai, hình thành và hoạt động giai đoạn đầu (vài tháng đến và năm) như loại trên, sau đó đầu hàng ba khó khăn trên và liên kết tự nguyện làm “sân sau” rửa tiền cho các “roanh nhân” trong các doanh nghiệp nhà nước và nước ngoài (liên doanh càng dễ) trong các lĩnh vực kinh doanh của mình... Họ chấp nhận mục đích và cách sống khác của doanh nhân ban đầu, nay là “làm chủ” việc rửa tiền cho người khác ăn cắp ăn cướp của thằng “toàn dân” an toàn thay vì kinh doanh, họ “nâng bi” để được chung chi, chung chia... Đổi lại từ bên ngoài nhìn, họ là những doanh nhân “sáng tạo” và “chấp nhận rủi ro” đích thực, những doanh nghiệp thành đạt! 

Trong con mắt tôi, doanh nhân và doanh nghiệp này thật đáng khinh bỉ, dù họ được hầu như cả xã hội công khai chấp nhận, ngưỡng mộ gọi là những đại gia, đại đại gia, mong muốn được học theo. Họ vô tình đặt ra chuẩn mực đạo đức kinh doanh mới thấp dưới rốn thay vì trong tim trên trí óc. Họ cũng vô tình đặt các doanh nhân và doanh nghiệp chân chính Nhóm một trên vào một cuộc nội chiến trong tư duy vô cùng khó khăn, khó thắng: đầu hàng thì được vinh quang, được vinh thân phì gia, còn nếu giữ đúng tinh thần doanh nhân, tinh thần doanh nghiệp là làm chủ và sáng tạo giá trị, không tham gia ăn cắp ăn cướp đất nước mình, dù gián tiếp hay trực tiếp, thì hãy chịu thoi thóp như cá nằm trên thớt... thật khó khăn lắm thay! Tôi và các doanh nghiệp của tôi, những con cá đáng thương, cứ thoi thóp như vậy hàng chục năm rồi, thà chết chém không chịu chết làm hổ danh hai chữ Doanh nhân, đợi ngày hóa rồng! 

Nhóm doanh nghiệp và doanh nhân tư nhân thứ ba là một dạng “quái thai hoàn hảo” của nhóm thứ hai. Chúng được các roanh nhân là các cán bộ quản lý các doanh nghiệp nhà nước và người thân của họ lập ra, rót vốn hoặc ăn cắp vốn cho và điều hành chỉ để hỗ trợ các roanh nhân” tham nhũng tiền của nhà nước một cách công khai như qua “đấu thầu công bằng”! Nhóm “ranh nhân” này không cần một chuyên môn nghiệp vụ sản xuất hay dịch vụ nào hết, chỉ cần biết ký tên và đếm tiền. Toàn bộ công việc nhiều khi cả bộ máy đồ sộ của các tập đoàn kinh tế nhà nước làm thay… Bằng các công ty và “doanh nhân” loại này, họ có thế ăn cắp không chỉ tài sản vật chất và tiền bạc mà cả bộ máy hành chính sự nghiệp hay kinh doanh đồ sộ của nhà nước định hướng XHCN… Đây là cách làm yêu thích của các đồng chi lãnh đạo cấp cao của các bộ máy chính trị kinh tế xã hội và cả đảng nữa, của các đồng chí không chỉ X mà cả Y, cả Z... đang lãnh đạo toàn bộ nền kinh tế định hướng XHCN này. 

Nói thế là chúng ta đủ thấy toàn cảnh chân dung doanh nhân Việt trên bức tranh kinh tế định hướng XHCN VN hôm nay. Có bốn lực lượng kinh tế chính thì chỉ có một là sản xuất thật: các doanh nghiệp có vốn FDI, còn một luôn bị đè nén nên chỉ cố bươn trải để sống, dù vai trò của họ trong nền kinh tế vô cùng quan trọng: kinh tế hộ gia đình và các doanh nhân vô danh. Tôi luôn kính trọng họ và kinh tế nước ta chưa sập hôm nay là nhờ công họ! 

Còn lực lượng lãnh đạo và định hướng là kinh tế nhà nước chỉ toàn do các “ranh nhân” được đảng giao chính thức cướp quyền làm chủ tài sản đất nước của “toàn dân”. Họ chị biết tham nhũng tức là cướp phá cho nhanh sau khi đã “thu hồi vốn” và rút lui. Tư duy kinh doanh của họ là kinh doanh... nhiệm kỳ ghế. Đến cái tên doanh nhân họ còn phải đi ăn cướp nữa là... Văn hóa kinh doanh của họ là văn hóa đảng – đang hóa vằn...

Cuối cùng, các doanh nghiệp tư nhân Việt, nơi giới Doanh nhân Việt sẽ thực sự hình thành và phát triển, thì vẫn là chốn như hoang vu thiếu vắng hoàn toàn tinh thần doanh nhân, vẫn là của mảnh đất ít người nhiều ma. Doanh nhân vốn Việt chỉ thật sự được hình thành và phát triển trong vòng chưa đến 10 năm, từ sau 1995 đến trước 2005. Đến nay thì quá trình đó đã bị chặn lại tàn bạo, bị bóp chết và bóp méo bởi nỗi sợ trao quyền tự do kinh doanh cho người dân của chính thể dân chủ gấp vạn lần tư bản này. Họ đang đánh tráo khái niệm, thay thể những doanh nhân thực sự chỉ mong sáng tạo giá trị cho mình và xã hội bằng lớp doanh nhân “đểu” chỉ biết ăn cắp giá trị của xã hội cho mình, nhưng sẵn sàng nghe theo họ vì được ăn chia đồ ăn cướp đó của dân tộc… 

Tương quan lực lượng giữa doanh nhân đích thực Nhóm 1 và “doanh nhân” Nhóm 2 và 3 hiện nay có lẽ là 1:50 đến 1: 100 hay 1:500?! Tôi chỉ cảm nhận thế mà không thể nói là con số nào gần đúng nhất… 

Cỗ máy kinh tế “định hướng” XHCN đó với các thợ máy giỏi như thế sẽ đi đến đâu thì đã rõ… 

Nhưng, cái gì của Cezar sẽ phải trả lại cho Cezar. Cái tên và tinh thần Doanh nhân đáng tự hào của Loài người sinh ra và làm nên trong mấy thể kỷ qua, đã góp phần đắc lực tạo nên sự thịnh vượng chung của toàn thể giới hôm nay và mai sau, là bất diệt. Cái tên ấy ở Mỹ là của những người như Bill Gates, Warren Buffet, Steve Jobs… họ cũng sẽ phải trả lại những Doanh nhân Việt đích thực mà tôi viết hoa sẵn danh họ hôm nay. Có thể họ chính là những người như Trần Huỳnh Duy Thức Lê Thăng Long, luật sư Lê Quốc Quân và nhà báo - hộ kinh doanh bị “chém thuế” tàn bạo Điếu Cày… 

Điều tôi tin tưởng là chỉ những Doanh nhân có tự do kinh doanh đích thực mới góp phần mang lại thịnh vượng cho đất nước. Và thịnh vượng họ có thể mang đến không chỉ là vật chất, mà trước hết là tinh thần, tinh thần tự do sang tạo trong kinh doanh. 

Doanh nhân của nền kinh tế định hướng XHCN hôm nay không hề có tự do đó, nên họ hầu như không tồn tại, phải giấu mình. Nền kinh tế định hướng XHCN mà họ lẽ ra là những người chơi chính vậy đang chơi bởi ai? Bởi những “ranh nhân” định hướng nâng bi XHCN, những bóng ma “doanh nhân”, nên cả nền kinh tế sẽ sớm có ngày tan tành như một cơn ác mộng...

Những bóng ma “doanh nhân” chỉ có thể đưa nền kinh tế VN hôm nay đến... những nghĩa trang. 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo