Anh Tư toàn bộ... tiếp tục: Hoàng Sa là vườn nhà của ngư dân - “Quốc gia nào cũng có chủ, dù nhỏ, dù lớn cũng đều hết sức bình đẳng. Phần chủ quyền biển đảo của ta, bà con cứ đánh bắt, không gì phải bàn”.
“Quốc gia nào cũng có chủ quyền. Do vậy vùng biển chủ quyền của ta thì ta cứ đánh bắt. Khi gặp thiên tai, địch họa, ngư dân nhanh chóng thông báo cho các cơ quan chức năng kịp thời để có biện pháp can thiệp bảo vệ tính mạng và tài sản” - ANHTUXUIDAI.COM
*
Hoàng Sa là vườn nhà của ngư dân
Việt Hùng - Trà Giang (TT) - Chiều 15-4, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác đã đến thăm, nói chuyện với ngư dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).
Trời đổ lửa chang chang nhưng hàng nghìn cư dân đảo Lý Sơn vẫn đội nắng đón chào chuyến tàu cao tốc đưa Chủ tịch nước ra thăm đảo. Một cái rạp dã chiến được dựng ngay cầu cảng Lý Sơn để Chủ tịch nước gặp gỡ bà con.
Ngư dân bức xúc việc tàu bị xua đuổi
Ông Trần Ngọc Nguyên, chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết khai thác hải sản trên vùng biển truyền thống Hoàng Sa - Trường Sa là công việc mưu sinh chính của người dân đảo. Mặc dù sản lượng thủy sản đánh bắt tăng, nhưng ông Nguyên băn khoăn: “Tình trạng ngư dân Lý Sơn đi khai thác, đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa bị nước ngoài bắt giữ, phạt tiền, phạt tù, đập phá, tịch thu tài sản thường xuyên xảy ra. Chỉ từ đầu năm đến nay đã có 15 vụ, trong đó hai tàu bị bắt, tịch thu tài sản và 13 tàu bị ngăn cản, đập phá không cho khai thác làm ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân”.
Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải Nguyễn Quốc Chinh bức xúc: ngư dân ngoài bị thiên tai, bão tố đe dọa còn nơm nớp bởi “địch họa”. Ngư dân Lê Văn Cương (xã An Vĩnh) kể đã gắn bó trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa 20 năm. Chi phí cho mỗi chuyến đi tốn khoảng 150 triệu đồng, nhưng tàu thường xuyên gặp tai nạn, rủi ro, tàu nước ngoài xâm lấn, tịch thu tài sản, đánh cướp. “Bà con kiến nghị chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, lãi suất nhẹ để đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư cụ vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền” - ông Cương đề đạt. Ngư dân Bùi Văn Phải kể lại cho Chủ tịch nước về vụ tàu của mình bị bắn cháy cabin hồi tháng 3 tại vùng biển Hoàng Sa. Anh Phải đề đạt: “Đảng, Nhà nước can thiệp để ngăn chặn hành vi vô nhân đạo của Trung Quốc để ngư dân yên tâm bám biển”.
Ông Trần Ngọc Nguyên tổng hợp ý kiến bà con ngư dân kiến nghị với Chủ tịch nước: đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ những người bị thiệt hại khoảng 50% vốn/chiếc tàu để ngư dân có thể đóng mới tàu thuyền và mua ngư cụ tiếp tục bám biển; Đảng và Nhà nước có biện pháp can thiệp ngoại giao với các nước (nhất là Trung Quốc) không được xua đuổi, ngăn cản, đập phá tài sản, phương tiện để ngư dân yên tâm ra khơi; chỉ đạo các lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư tuần tra thường xuyên khu vực quần đảo Hoàng Sa để hỗ trợ ngư dân đánh bắt hải sản được yên tâm hành nghề.
Cam kết hỗ trợ ngư dân
Chủ tịch nước đề nghị ông Đặng Ngọc Tùng - chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN - phát biểu. Ông Tùng khẳng định: “Ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường truyền thống của tổ tiên chúng ta. Đối với ngư dân Lý Sơn, ngư trường đó xem như mảnh vườn, ao cá nhà mình. Nơi đó bao thế hệ ngư dân VN đã đổ xương máu để lao động, vun bồi, đánh bắt thủy hải sản”.
Ông kêu gọi bà con hãy sát cánh, tập hợp trong nghiệp đoàn để giúp nhau đoàn kết, khai thác, giúp đỡ lúc hoạn nạn, cùng nhau làm giàu từ biển, mạnh dạn vươn khơi... “Người dân cả nước luôn sát cánh, bảo vệ bà con yên tâm vươn khơi bám biển” - ông nói. Ông cam kết công đoàn sẽ hỗ trợ tối đa việc đóng tàu mới, mua ngư cụ cho những ngư dân bị thu giữ tàu, mất tài sản.
Ông nói thêm tổ chức công đoàn đang hợp tác với một số nghiệp đoàn thế giới, khi ngư dân bị bắt giữ, thu tàu, ngư cụ bất hợp pháp thì các nghiệp đoàn trong nước và thế giới sẽ lên tiếng, bảo vệ.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói qua gặp gỡ bà con ngư dân, ghi nhận sản lượng đánh bắt cá ngày càng tăng, biểu dương những ngư dân đã can trường ngày đêm vượt qua sóng gió để bám biển.
Chủ tịch nước cho rằng: “Quốc gia nào cũng có chủ, dù nhỏ, dù lớn cũng đều hết sức bình đẳng. Phần chủ quyền biển đảo của ta, bà con cứ đánh bắt, không gì phải bàn”.
Chủ tịch nước cho rằng ngư dân yên tâm khi khai thác trên vùng biển của mình và nếu có trục trặc gì phải báo cáo chính xác, kịp thời với cơ quan chức năng. Từ đó các cơ quan chức năng VN có cơ sở can thiệp với các nước có liên quan.
Về chính sách, Chủ tịch nước cho rằng hiện Nhà nước đã triển khai một số chính sách có tác dụng tốt như đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, cho vay vốn. Nhìn chung có một số nhu cầu bà con phát sinh, đặc biệt đánh bắt xa bờ, nên Chính phủ đang xây dựng một số chính sách bổ sung để hỗ trợ bà con làm ăn. Chủ tịch nước đề nghị các bộ ngành rà soát các chính sách, về thuế, về phí trong hoạt động đánh bắt để làm sao hỗ trợ ngư dân vươn khơi.
Chủ tịch nước cũng lưu ý ngư dân tránh đánh bắt gần bờ, đánh tận diệt nguồn lợi, nên nỗ lực đánh bắt xa bờ để có hiệu quả. Ông cũng nói việc làm ăn có khi gặp thiên tai địch họa, dù không muốn nhưng vẫn xảy ra, vì vậy ngư dân nên đứng vào nghiệp đoàn nghề cá để khi xảy ra sự cố có thể hỗ trợ, nương tựa nhau. “Câu chuyện đụng chạm nhau trên biển không thể một sớm một chiều giải quyết, sẽ còn lâu dài và khó tránh khỏi. Đảng, Nhà nước sẽ hết sức lo, tập trung giải quyết. Đây là chuyện cơ đồ, lâu dài nhưng phải giải quyết bền bỉ trên cơ sở lợi ích quốc gia và luật pháp quốc tế” - Chủ tịch nước cam kết và động viên ngư dân.
****
http://danlambaovn.blogspot.com