Vince H DT (Danlambao) - "Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu." - Lời của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt trả lời phóng viên khi được hỏi về những việc cần làm sau ngày 30-4-1975.
Khi đất nước đã không còn tiếng súng, những thế hệ sinh sau chiến tranh như tôi chỉ biết đến ngày 30-4 là ngày nhân dân miền Nam được giải phóng, thoát khỏi bàn tay kềm kẹp của "đế quốc Mỹ" và "tay sai Ngụy quyền", hoặc là ngày đất nước được "thống nhất" v.v.
Những sự kiện về mùa Xuân đại thắng được Ban Tuyên giáo từ TW đến địa phương khai thác để hướng dẫn công tác tuyên truyền sâu rộng hàng năm đến cán bộ, quần chúng nhân dân theo chỉ thị của Bộ Chính Trị, với mục đích giáo dục, bồi dưỡng, phát huy tinh thần cách mạng chống Mỹ - diệt "Ngụy", góp phần củng cố và tăng cường niềm tin vào đảng - chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa.
Nhiều người thuộc thế hệ sau này chỉ hiểu một cách mơ hồ về "bọn ác ôn" qua sách báo hay truyền thông được định hướng. Những tư duy còn non trẻ được học tập từ bé để căm thù "Mỹ-Ngụy" qua những bài toán cộng-trừ, với câu hỏi là cô du kích đã bắn được bao nhiêu thằng Mỹ, hay bạn Võ Tiến Trung ở Quảng Nam dùng lựu đạn diệt được bao nhiêu tên "Ngụy" và thám báo ác ôn.
Tôi đã từng ước gì mình được sinh ra trước ngày thống nhất, để có thể cầm súng chiến đấu chống Mỹ, hay trừng trị cái bọn tay sai bán nước mà báo đài hay gọi là "Ngụy quân – Ngụy quyền Sài gòn", bọn "phản cách mạng - phần tử thù địch" có tội với dân.
Trong một chương trình do trường tổ chức để giúp những bạn có hoàn cảnh, tôi tình cờ tiếp xúc với bố một bạn cùng lớp, người vừa được "Cách Mạng" "khoan hồng" sau gần 10 năm học tập cải tạo. Hôm ấy tôi ra về với nhiều cảm xúc lẫn lộn. Sự thù hằn của tôi về bọn "Ngụy quân - Ngụy quyền" đã tan biến đi, thay vào đó nỗi ưu tư về số phận của những con người cùng chung dòng máu đã từng chiến đấu bảo vệ miền Nam Việt Nam.
Thiếu tá Cảnh là một quân nhân trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, người rất hiền lành nhưng đã bị khúc quanh nghiệt ngã của lịch sử hủy hại cơ thể bằng những căn bệnh hiểm nghèo trong trại cải tạo. Và tinh thần thì hầu như hoàn toàn suy sụp khi hay tin người vợ sau 6 năm đợi chờ đã vĩnh viễn ra đi, để lại 4 đứa con thơ cho một cụ bà trên 80 tuổi cưu mang.
Như bao quân nhân khác, ông trình diện theo lệnh của Ủy Ban Quân quản Sài Gòn để đi học tập mười ngày vì là sĩ quan của "chế độ cũ". Thế nhưng, yếu tố để thiếu tá Cảnh bị lưu đày hơn 10 năm chỉ vì đã ông theo học ngành truyền thông ở Mỹ, từng cộng tác và viết báo cho quân đội miền Nam Việt Nam.
Hòa bình được lập lại, sau đó thì trên nửa triệu con người phải ngày đêm trả giá cho hòa bình bằng xương máu ở những trại cải tạo như Khe Thắm, Suối Máu, Thanh Cẩm v.v... Ngoài những giờ lao động khổ sai, họ còn được học tập về "tội ác" của chính bản thân, về "tính ưu việt" của Xã Hội Chủ Nghĩa, đạo đức của những người Cộng Sản. Họ phải thành khẩn khai báo tội lỗi của mình để chuộc tội với nhân dân, một hành động để chứng minh mình đã được tiếp thu ánh sáng của chính nghĩa cách mạng - hiểu được "sự khoan hồng" của chính quyền nhân dân.
Ngoài con số trên 100.000 người chết trong những trại cải tạo (1), đa phần đều được tái định cư ở Mỹ. Họ chọn việc ra đi mang theo nỗi đau của những người phải xa nơi chôn nhau cắt rốn, hơn phải ở lại để làm "bọn tàn dư của Mỹ Ngụy", làm công dân hạng bét và chết dần với những âu lo trong cuộc sống.
Tôi bắt đầu đặt nhiều câu hỏi mang tính nhân bản với những người mang danh cách mạng, khi tìm hiểu về kẻ thù của dân tộc tôi, bọn "đế quốc Mỹ" xâm lược. Tôi đọc về lịch sử, hệ thống chính trị của Mỹ từ ngày lập quốc. Người Mỹ cũng có một cuộc nội chiến với hơn nửa triệu người chết chưa tính thương vong. Họ cũng có một tháng Tư lịch sử, một tháng Tư mà hơn 300 năm sau, Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ vẫn kiên định với vị trí của mình là một cường quốc, là đầu tàu của thế giới.
Ngày 6 tháng 11 năm 1860, A. Lincoln được bầu làm tổng thống Mỹ đã tạo nên làn sóng phản đối tại miền Nam Hoa Kỳ. Ông Lincoln là thành viên của đảng Cộng Hòa, và nền tảng của đảng vào thời điểm bấy giờ là cam kết giữ cho chế độ nô lệ không được tồn tại hợp pháp trên các vùng lãnh thổ chưa được thành tiểu bang. Nhiều nơi tại miền Nam Hoa Kỳ vẫn muốn chế độ nô lệ tồn tại, nên họ phản đối bằng cách tách rời khỏi Liên bang, ly khai và thành lập một quốc gia mới, gọi là Confederate States of America (Hợp bang Hoa Kỳ), gồm những tiểu bang như Nam Carolina, Mississippi, Georgia, Florida v.v...
Sự ly khai của những bang miền Nam đã khởi đầu cho cuộc nội chiến của Hoa Kỳ, bắt đầu vào tháng 4 năm 1861, với con số 620 ngàn người chết và thương vong lên đến hàng triệu người. Chiến sự kết thúc vào tháng 4 năm 1865 khi tướng Robert E. Lee của miền Nam đầu hàng tướng Ulysses S. Grant của miền Bắc tại Appomattox Court House thuộc bang Virginia vào đúng ngày 9 tháng 4 năm 1865 - chấm dứt cuộc chiến tương tàn giữa hai miền Nam Bắc.
Buổi trưa lịch sử tháng 4 ấy, tướng Lee (người bại trận) đã hiên ngang cưỡi ngựa đi giữa sự chào đón bằng kèn trống do đoàn quân nhạc của những người thắng trận trình bày.
Cũng xin nhắc lại một điều, tướng Grant (bên thắng cuộc) luôn nhắc nhở binh lính của ông rằng: "Những kẻ phiến loạn cũng là anh em của chúng ta". Vị tư lệnh miền Bắc đã ra lệnh nghiêm cấm các sĩ quan và binh lính trực thuộc không được tỏ ra bất cứ hành động nào vô lễ với ông tướng tư lệnh hay binh sĩ của miền Nam bại trận.
Sau khi ký vào văn bản đầu hàng, một lần nữa tướng Lee lại được vỗ tay để đưa tiễn bởi những người quân nhân thuộc bên thắng trận. Các binh sĩ của ông thì được lệnh của tướng Grant, đem lừa và ngựa về để xây dựng lại cuộc sống cho mai sau.
Tại Washington, tổng thống Lincoln đã sẵn sàng bắt đầu tiến trình hòa giải vào những giây phút đầu tiên. Nhưng ông đã không có nhiều cơ hội để thực hiện điều đó, vì chỉ chưa đầy một tuần sau khi miền Nam tuyên bố đầu hàng, ông bị một người miền Nam ám sát bởi vì sự cay đắng trong thất bại.
Sau chiến tranh, đã có hàng ngàn nghĩa trang lớn nhỏ được xây tại miền Nam để chôn cất những người của bên bại trận. Không tù cải tạo, không có hình ảnh của những binh sĩ bị thương trên người đầy máu bị đuổi khỏi nơi đang điều trị để nhường giường cho người thắng cuộc.
Cho đến ngày hôm nay, những di tích lịch sử, những hình ảnh hùng hồn của vị tướng ly khai miền Nam vẫn được trân trọng, nhắc đến như một vị anh hùng của dân tộc. Có những bang như South Carolina vẫn treo cờ Hợp bang của bên ly khai, cạnh cờ của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ và cờ tiểu bang. Riêng người Mỹ nếu thích treo cờ của bên ly khai tại nhà hay trên xe thì đó cũng là quyền tự do đã được bảo vệ theo hiến định, không ai được can ngăn (2).
Có thể người Mỹ cũng nhận thức được rằng, cho dù là kẻ chiến thắng hay chiến bại, họ đều là người Mỹ. Nếu đã cùng màu da sắc tộc thì sao phải trù dập hay miệt thị những người bại trận, vì không ai khác ngoài dân tộc Mỹ sẽ bị sỉ nhục, tạo cơ hội cho những thế lực bên ngoài gây chia rẽ để phục vụ cho lợi ích chính trị của họ.
Xin nhắc lại một điều không kém phần quan trọng góp phần cho sự thất bại của miền Nam, đấy là Anh và Pháp đã lên kế hoạch công nhận Hợp bang của các bang ly khai, nhưng họ đã trì hoãn quyết định này và miền Nam không bao giờ nhận được sự hỗ trợ mà họ rất cần trong những giờ phút cuối của cuộc chiến.
Tôi tự hỏi, nếu người Mỹ có thể đối xử với nhau bằng tính nhân bản thật cao trong tình người cách đấy hơn 100 năm (tính từ năm 1975), thì tại sao những người dưới danh "cách mạng dân tộc" sáng ngời lại có thể xử sự với người chung dòng máu Việt một cách tồi tệ như thế.
Ngày hôm nay, ngoài việc sốt sắng trong vấn đề vận động kiều bào về nước đầu tư, thì chưa từng có trong lịch sử của những Ủy viên TW một lời thương tiếc đối với những người đã chết trong trại cải tạo hay trên 200.000 người mất tích trên biển vì đi tìm sự sống (3).
Gần 40 năm sau ngày thống nhất, tiếng vọng của quá khứ tại đất nước bốn nghìn năm là những từ ngữ khá quen thuộc như: phản động lưu vong, thế lực thù địch, khủng bố v.v... được lập đi lập lại trên các tờ báo trực thuộc cơ quan TW của đảng - nhà nước Việt Nam khi đánh giá về những cá nhân, đoàn thể của người Việt nước ngoài có ý kiến trái chiều với nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Kết quả của cuộc vận động hòa hợp hòa giải - đoàn kết dân tộc trong một thời gian dài là sự chia rẽ sâu nặng trong ý thức, tư duy của những thế hệ sau này. Tuổi trẻ ngày nay được tuyên giáo thường xuyên về "Cuộc chiến thần thánh" chống Mỹ-Ngụy như một niềm tự hào dân tộc. Khi được hỏi về cải cách ruộng đất, vượt biên, tù cải tạo, kinh tế mới v.v..., những sự kiện liên quan đến hơn 3 triệu người Việt hiện phải sinh sống tại nước ngoài và những người không may mắn phải ở lại để bị trù dập hay phải lên rừng vì chính sách kinh tế mới, thì đa phần đều mơ hồ không biết, hoặc không muốn đề cập đến những vấn đề mang tính nhạy cảm. Điều đau lòng nhất là rất nhiều người trong thế hệ sau này vẫn có cái nhìn không hề thiện cảm với những người của chế độ miền Nam Việt Nam trước đây.
Cũng có những bộ phận truyền thông hoạt động tại hải ngoại như báo Viet Weekly, Phố Bolsa TV, đài Tiếng Quê Hương v.v... đã dành nhiều thời gian phỏng vấn các lãnh đạo Việt Nam về đường lối, chính sách của Đảng với kiều bào, về một Việt Nam đã đổi mới hay việc quên đi quá khứ, hướng đến tương lai v.v...
Vấn đề là dù ông Chủ tịch nước có dốc hết lực để vận động, ông thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn có hô hào đến đâu thì lòng tin vào sự hòa giải dưới sự lãnh đạo của đảng vẫn đang được phơi bày qua những sự kiện như: Lê Quốc Quân, Nguyễn Văn Hải (Điếu cày), Cù Huy Hà Vũ, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, gia đình Huỳnh Thục Vy... Lời kêu gọi về đoàn kết dân tộc trong và ngoài nước hoàn toàn phản tác dụng khi quyền tư hữu của dân không được bảo vệ, chính sách giải tỏa đền bù chỉ có lợi cho nhóm lợi ích đã tác động lên cuộc sống của hàng ngàn người dân, mất đất đai nhà cửa, tù tội, giám sát theo dõi như: Đoàn Văn Vươn, Bùi Thị Minh Hằng, dân oan Văn Giang v.v....
Kết quả của những kiều bào đã đặt lòng tin vào chế độ cũng không may mắn hơn. Nếu ai còn nhớ ông Trần Trường cũng một thời ôm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cờ đỏ sao vàng tại phố Bolsa tại quận Cam, bang California và sau đó đã về nước sinh sống đầu tư trong một thời gian dài. Hậu quả là anh đã quay lại Mỹ với hai bàn tay trắng, đứng ra xin lỗi cộng đồng người Việt vì đã có những hành xử thiếu suy nghĩ trong quá khứ.
Trường hợp Trịnh Vĩnh Bình, Việt kiều Hà Lan với tài sản- nhà cửa bị tước đoạt dẫn đến tù tội, cho thấy thái độ vô trách nhiệm, coi thường luật pháp, dư luận quốc tế, không tỏ một chút thiện chí nào đối với kiều bào qua cách hành xử của những người có trách nhiệm tại Việt Nam.
Bao năm qua, lãnh đạo đảng - chính phủ đã sử dụng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp vào cuộc để vận động cho mục tiêu Hòa Hợp Hòa Giải - Đoàn kết dân tộc với nhân dân trong và ngoài nước. Nhưng tiếc thay, những chi tiêu bằng tiền thuế của dân cho việc tuyên truyền này chỉ đem lại kết quả mang tính trừu tượng cao, vì đảng cs đã không thật tâm trong việc giải quyết mấu chốt của vấn đề bằng những hành động đơn giản nhưng cụ thể nhất, như trả tự do cho những người tù tội chỉ vì lên tiếng đấu tranh cho sự bất công trong xã hội, giải quyết tất cả những mâu thuẫn về đất đai, đền bù hỗ trợ thích đáng cho dân oan, và tạ lỗi với những chính sách sai lầm liên quan đến bao sinh mạng trong quá khứ.
Thù trong, giặc ngoài là một tình huống khó khăn nhất mà không một người lãnh đạo sáng suốt nào muốn phải đối diện. Hiện nay, khi đảng quyết tâm duy trì chế độ chuyên chế bằng giải pháp trấn áp những tiếng nói phản biện đã tạo ra sự phản kháng trong nhiều tầng lớp, đấy là thù trong. Và giặc ngoài chính là anh láng giềng Trung quốc với tham vọng thôn tính biển Đông mà trong đó Hoàng Sa và một phần của Trường Sa vẫn còn nằm trong tay của anh bạn 16 chữ vàng.
Nếu đảng vẫn trì trệ, không muốn tiến hành một cuộc thay đổi ngay bây giờ bằng cách dân chủ hóa đất nước để tạo được đoàn kết trong và ngoài nước, thì một tương lai đen tối vẫn bao trùm lên cả dân tộc và đất nước Việt Nam. Thế nhưng, lịch sử hơn 4000 của bao thế hệ đi qua đã minh chứng rằng đất nước và dân tộc này sẽ vẫn trường tồn, vấn đề là số mệnh của đảng sẽ được kết thúc như thế nào, có được sáng như sao hay phải đếm từng ngày như Tổng thống Bashar al-Assad, hoặc bị chôn vùi như nhà độc tài Muammar Gaddafi khi mà lòng tin của dân với đảng đang ở sát bên bờ vực thẳm.
___________________________________
Chú thích:
(2) First Amendment, amendment (1791) to the Constitution of the United State, part of the Bill of Rights)
(3) Theo Washington Post, UN Refugee Commission