“Dã ngoại” cùng bác sĩ Nguyễn Đan Quế - Dân Làm Báo

“Dã ngoại” cùng bác sĩ Nguyễn Đan Quế

Phạm Thanh Nghiên (Danlambao) - “Lần nào nói chuyện với bác, cháu cũng lãi”. Đó là câu nói đùa nhưng rất thật của tôi khi kết thúc cuộc nói chuyện qua điện thoại với bác sĩ Nguyễn Đan Quế. Mà tôi không chỉ “lãi” với bác Quế. Tôi còn “lãi” khi được nói chuyện với bác Hà Sĩ Phu, bác Trần Khuê, bác Nguyễn Thanh Giang, bác Lê Hồng Hà và nhiều bậc cao niên đáng kính khác. Tôi học được rất nhiều, từ những điều bình dị trong cuộc sống đến kinh nghiệm tranh đấu và “lãi” hơn cả là những kiến thức nằm ngoài phạm vi hiểu biết của tôi.

Một trong những người đầu tiên ủng hộ Chúng Ta - Công Dân Tự Do khi ra “Lời Tuyên bố Công Dân Tự do” là bác sĩ Nguyễn Đan Quế. Và ông đặc biệt quan tâm đến Buổi dã ngoại Nhân quyền vào ngày 5/5 tới. Ông nói, đó là một việc làm tuy nhỏ nhưng sẽ là nền móng căn bản góp phần chuyển hóa xã hội Việt Nam. 

Khi trao đổi với nhau, Bác sĩ Quế không nói về hai mươi năm tù đày mà ông đã trải qua nhưng lúc nào cũng xót xa cho bốn năm tù của tôi. Tôi thấy mình thật nhỏ bé trước một con người như thế. Dường như cảm nhận được tâm lý ấy của tôi, ông bảo: “Dân chủ là phải bình đẳng. Cháu nên trao đổi với bác hay với bất cứ người nào cũng phải trên tinh thần bình đẳng. Sự tôn trọng không xuất phát từ tuổi tác, địa vị hay học vấn. Nó đến từ thiện chí và mang một giá trị chung là lý tưởng”. 

Ông nói nhiều về buổi dã ngoại vào ngày Chủ nhật 5 tháng 5 tại Sài Gòn, Nha Trang và Hà Nội. Tiếc rằng tôi không nhớ được hết nhưng tâm đắc với một vài nhận định của ông nhưng vẫn “mạo muội” viết ra đây với mong muốn được chia sẻ với bạn bè của mình. Tôi bày tỏ sự lo lắng buổi dã ngoại sắp tới rất có thể không được diễn ra, nhiều người sẽ bị ngăn cản, bắt bớ hoặc sẽ gặp một vài tình huống nằm ngoài dự tính của chúng tôi. Ông cười, giọng cười rất hiền (và rất trẻ): 

- Chẳng phải cháu đã từng nói: “Không ai có thể bị bắt khi nói với người khác: Tôi là một con người!” là gì. Và dù có gặp bất cứ khó khăn, nguy hiểm nào thì các cháu cũng phải vượt qua. Trong hoàn cảnh khó khăn mà thành công thì thành công ấy mới là đáng kể và đáng quý. Mỗi chúng ta chỉ là những sự đóng góp hết sức nhỏ bé, “nhưng là những cái nhỏ được đặt trong một Hướng của lịch sử”. Chúng ta thắng lợi vì có sự ủng hộ của Xu thế thời đại. Xu thế thời đại là: Tự do và Dân chủ. 

Không cố ý nhưng tôi vẫn buột miệng “khen” ông (và những người như ông) là mang tầm vóc vĩ mô. Và nhận mình là bình dân, quê mùa (mà tôi thì quê mùa thật). Ông phân tích cho tôi hiểu rằng, cái mà ta cần lúc này là sự bình dân. Sự bình dân được đặt trên nên tảng của những giá trị lớn lao, những tầm vóc vĩ mô. Bác sĩ Quế cho rằng những buổi dã ngoại Nhân quyền sẽ mở đầu cho một loạt những hoạt động tiếp theo mang tính “nhiệm vụ lịch sử”. Thực ra, khi tổ chức các cuộc dã ngoại để trao đổi về Quyền Con Người, không ai trong số chúng tôi nghĩ rằng mình đang thực thi “nhiệm vụ lịch sử”. Chúng tôi chỉ làm những gì mình muốn và cần thiết như hơi thở: Con Người cần phải có Quyền Con Người. 

Đơn giản, chúng tôi là những Công Dân Tự Do

Chính xác hơn - Chúng Ta là những Công Dân Tự Do

Chúng ta là Tự Do!

Bác sĩ Quế nói ông khá hồi hộp mong chờ ngày 5/5 tới. Làm như chính ông phải chịu trách nhiệm về sự thành công cho chuyến dã ngoại sắp tới. Ông bảo: “Coi như hai bác cháu hôm nay đã Dã ngoại để trao đổi về Quyền Con Người qua điện thoại rồi nhé”. Đúng là một cuộc Dã ngoại “đặc biệt”. Đặc biệt hơn cả “Dã ngoại trước sân nhà”.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo