Hoàng đế ở truồng - Dân Làm Báo

Hoàng đế ở truồng

Vaclav Havel * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Cùng với sự chính xác và cao quý của những văn kiện căn bản như thế, có một điều khác đóng vai trò cực kỳ quan trọng: phải có những người sẵn sàng, như người ta thường nói, "chấp nhận hiểm nguy" vì những văn kiện này; nghĩa là, những bản tuyên bố này phải được coi trọng; những nguyên tắc chung của chúng phải được cụ thể hóa; những tuyên bố này phải thật sự được thực thi, và sự thực thi những tuyên bố này phải là điều cụ thể... 

*

Cách đây hơn mười lăm năm trong dịp viếng thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên với tư cách tổng thống, thay mặt quốc gia mình tôi đã nhận tại đây ở Washington một món quà quan trọng. Đó là bản thảo gốc của bản Tuyên ngôn Độc lập Tiệp Khắc từ năm 1918. Văn kiện hiếm có và giá trị này thuộc sở hữu thư viện này cho đến 1990. Vị tổng thống đầu tiên của chúng tôi, Tomas Garrigue Masaryk, người có công lớn tạo ra nước Tiệp Khắc độc lập và người đã làm việc mật thiết với Tổng thống Wilson trong thời gian sống lưu vong ở Hoa Kỳ, đã chép tay bản thảo tiếng Tiệp này. Khi viết bản Tuyên ngôn này, Masaryk rất có thể lấy cảm hứng từ bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ. 

Trong lịch sử hiện đại có vài văn kiện như thế mà có ý nghĩa tương tự như ý nghĩa mà bàn Tuyên Ngôn Độc lập Mỹ có cho tới ngày nay. Chẳng hạn, tôi chỉ cần nhắc đến bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền được Liên Hiệp Quốc thông qua sau Đệ nhị Thế chiến, hay Hiệp ước Helsinki năm 1975. Những văn kiện này rất thành công vì đã được viết bằng ngôn ngữ giản dị, rõ ràng, và hùng hồn, ước gì nhờ đấy học sinh lại càng dễ học chúng thuộc lòng hơn, để những văn kiện này trở thành kiến thức bền vững của các em về công dân và hệ thống các giá trị. 

Tất nhiên, cùng với sự chính xác và cao quý của những văn kiện căn bản như thế, có một điều khác đóng vai trò cực kỳ quan trọng: phải có những người sẵn sàng, như người ta thường nói, "chấp nhận hiểm nguy" vì những văn kiện này; nghĩa là, những bản tuyên bố này phải được coi trọng; những nguyên tắc chung của chúng phải được cụ thể hóa; những tuyên bố này phải thật sự được thực thi, và sự thực thi những tuyên bố này phải là điều cụ thể . 

Không may, trên thế giới có những chế độ hay chính quyền làm ra vẻ rất tự hào về những văn kiện này, nhưng rõ ràng chẳng coi trọng chúng. Đối với những chế độ như thế, những tuyên bố này chỉ là một trong những hình thức cao hơn của nghi lễ chính thức mà có một mục đích duy nhất: che đậy hiện thực xấu xa. Chức năng của những hình thức này giống như chức năng của nhiều lễ hội, vẫy cờ, diễu hành, những tuyên bố hay diễn văn tán dương: không phải để phơi bày sự thật, mà để che giấu sự thật. 

Trong hoàn cảnh như thế ta có thể làm được gì một cách đúng đắn và hợp lý? 

Chắc chắn, ta không nên đáp lại những sự gian trá về từ ngữ, văn bản, tuyên ngôn, hiến pháp hay luật pháp như thế bằng chỉ sự chế giễu hay phản kháng ở chốn riêng tư. Có một cách khác, cách tuy nguy hiểm hơn, nhưng có kết quả hơn. Cách ấy có thể không áp dụng được ở khắp mọi nơi, nhưng nó đã chứng tỏ thành công trong hầu hết mọi trường hợp, đặc biệt trong thế giới hiện đại với những sự tập trung quyền lực chưa từng có và với những ảnh hưởng chưa từng có của những từ ngữ được xử dụng một cách giả dối. Cách ầy chính là sự cố gắng kiên trì tin tưởng vào lời nói của những người tuyên bố thực thi những tuyên ngôn này, và cố gắng kiên trì yêu cầu rằng lời nói của họ không phải chỉ là những lời nói suông trống rỗng. Cách như thế thường khiến những kẻ cai trị rất kinh ngạc và tức tối vì họ quen với chuyện không ai tin tưởng lời nói của họ, và quen với chuyện không ai có can đảm đòi hỏi ý nghĩa thật của lời nói của họ. Nhưng điều ấy hoàn toàn là bình thường. 

Đây chính xác là điều chúng tôi đã làm trong suốt thời kỳ phản kháng bất đồng chính kiến chống lại quyền lực toàn trị cộng sản. Chúng tôi rất coi trọng hiến pháp, luật pháp của nước chúng tôi, và các hiệp ước quốc tế -nhất là Hiệp ước Helsinki cho nên chúng tôi bắt đầu yêu cầu chính quyền phải tôn trọng chúng. Không chỉ Hiến Chương 77 ở Tiệp Khắc mà Đoàn Kết ở Ba Lan, các Uỷ ban Helsink ở Liên Xô, và các nhóm đối lập khác ở các nước cộng sản đều làm theo cách này. Những kẻ cầm quyền đã ngạc nhiên và bất ngờ, nhưng họ thật khó biện minh cho việc trấn áp những người mà không yêu cầu gì khác hơn là nhà cầm quyền phải tôn trọng những luật lệ do chính họ đặt ra. Và như thế chỉ đòi hỏi sự thật thôi đã bắt đầu thắng công an và quân đội. 

Tôi tin chắc rằng bằng mọi cách có thể chúng ta phải ủng hộ những người đương đầu với các chế độ độc tài bằng sự tin tưởng của họ vào lời nói của chế độ và ủng hộ những người kêu gọi công luận lưu tâm đến tất cả những mâu thuẫn giữa lời nói và hành động mà là đặc trưng của thực tế hàng ngày trong những chế độ này. Những người rất can đảm đang sống ở Bắc Hàn, ở Trung Quốc, ở Belarus, ở Cuba, ở Miến Điện, và cũng ở nhiều nước khác.Tất cả chúng ta đều khâm phục Aung San Suu Kyi, người tin tưởng vào dân chủ và lên tiêng ôn hòa chống lại sự đàn áp dân chủ thô bạo. Vinh danh cũng dành cho cuộc đấu tranh phi thường của những nhà bất đồng chính kiến Cuba, những người-chỉ nêu ra một trong những sáng kiến của họ- đã thu thập được hàng chục ngàn chữ ký ủng hộ kế hoạch Varela, mà coi trọng luật pháp và, một cách hợp pháp, yêu cầu tôn trọng những nguyên tắc đã công bố chính thức. Tương tự như thế, những người Belarus chỉ trích chế độ cai trị của Lukashenko xứng đáng sự ủng hộ cả về tinh thần và vật chất. Nhiều công dân như thế đương đầu với các chế độ độc tài theo những cách ôn hòa hiện đang tích cực ở trong nước; nhiều người khác đang hoạt động ở nước ngoài, và rất nhiều người khác đang ngồi tù. 

Tôi vui mừng khi thấy hiện diện cùng với chúng ta trong buổi tối này có nhiều người đại diện nhiều nhóm và tổ chức đang đấu tranh cho nhân quyền ở những nước nơi nhân quyền bị vi phạm với nhiều mức độ khác nhau và tôi vui mừng khi chúng ta có thể nghe tiếng nói của họ ở đây. Vì dù sao, một mặt chính nhân quyền phải cần thiết hiện diện trong các tuyên ngôn chính thức hay trong các văn kiện cơ bản của những nước có những chế độ rất khác xa nhau, nhưng mặt khác các chế độ áp bức bắt buộc vi phạm thường xuyên nhất với hy vọng sẽ không ai tố cáo những vi phạm như thế và hy vọng sẽ không ai dám la to rằng hoàng đế ở truồng vì áo quần đẹp nhất của hoàng đế chỉ là ảo tưởng. Đồng thời nhân quyền cũng bị vi phạm ở các nước lớn và mạnh như Trung Quốc chẳng hạn, nơi cho đến ngày nay vẫn còn những trại tập trung giam giữ những người bị cáo buộc là kẻ thù của chế độ, giam giữ những người chỉ vì họ suy nghĩ khác. Điều khiến tôi rất bất an là các nước dân chủ- không có bằng chứng thực sự về sự thay đổi trong các chính sách cai trị của Trung Quốc- đang thậm chí nghĩ đến chuyện bãi bỏ cấm vận về vũ khí mà nước này bị áp đặt sau cuộc thảm sát những thanh niên có suy nghĩ độc lập tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh và bãi bỏ cấm vận này sẽ có nghĩa là những nguy cơ mới đối với chính quyền dân chủ ở Đài Loan. Và cuối cùng, ngay cả các đại diện của Tây Tạng ngày nay yêu cầu không gì khác hơn là nhân quyền phải được tôn trọng trong nước họ, trong đó bao gồm quyền hành chánh thực sự và tự trị, quyền tôn giáo riêng của họ, quyền văn hóa riêng của họ, và quyền tôn trọng truyền thống và lịch sử riêng của họ. 

Không chỉ chính trách nhiệm đạo đức, mà còn chính vì quyền lợi thiết yếu của mọi người sống trong hoàn cảnh dân chủ hay tự do là không được thờ ơ với số phận của những người không có được sự may mắn như thế, là sẵn sàng giúp đỡ tất cả cho những ai dù trong hoàn cảnh mất tự do vẫn có can đảm hành xử tự do và phục vụ sự thật dưới ách cai trị dối trá. Cho nên nghĩa vụ bình thường của những chính quyền dân chủ là phải biết thực trạng ở các nước như thế, và phải công khai nói về nó ở trong nước mình, ở trên trường quốc tế, và trong các buổi họp với các đại diện của tất cả các nước nơi có những lý do đáng quan ngại cho dù những nước ấy có hùng mạnh thế nào chăng nữa. Nếu những nước như thế đặt quan hệ quốc tế của họ trên ý tưởng rằng những quốc gia mà họ có quan hệ nên làm ngơ trước những khuyết điểm nào đấy, hay họ không được nói về những khuyết điểm này, thì ngược lại những chính phủ dân chủ thực sự nên đặt tất cả các mối quan hệ quốc tế của mình trên sự thật, và trên sự công khai lẫn nhau. 

Chúng ta đang sống trong thời đại khi một nền văn minh duy nhất bao trùm lên toàn hành tinh của chúng ta, và khi số phận của mỗi người và mỗi xã hội hơn bao giờ hết là số phận của tất cả chúng ta. Nếu chúng ta quan tâm đến người khác, tức chúng ta đồng thời quan tâm đến mình và con cái mình. 

Là người cách đây nhiều năm đã trực tiếp kinh qua ách cai trị chuyên chế của chế độ độc tài, nhưng rồi sống để thấy thời kỳ tốt đẹp hơn-phần lớn nhờ sự đoàn kết quốc tế dành cho chúng tôi- tôi khẩn thiết kêu gọi tất cả những ai có cơ hội hãy chống lại hành vi chuyên chế như thế và hãy bày tỏ đoàn kết với nhân dân và các quốc gia mà cho đến ngày nay vẫn còn sống trong tình trạng mất tự do. 

Vaclav Havel (1936-2011) đọc bài diễn văn sau tại Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 24 tháng 5 2005.

Nguồn: Trang nhà của The Library of Congress, The John.W. Kluge Center 


Bản tiếng Việt:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo