Đề thi HS giỏi xuất hiện Bà Tưng, Ngọc Trinh gây tranh cãi - Dân Làm Báo

Đề thi HS giỏi xuất hiện Bà Tưng, Ngọc Trinh gây tranh cãi

L. Thoa (NLĐO) - Trao đổi với PV Báo Người Lao Động chiều 9-10, Sở GD-ĐT Hải Phòng xác nhận đề thi học sinh giỏi văn lớp 12 năm học 2013-2014 khiến cư dân mạng xôn xao liên quan đến 2 “hotgirl” tai tiếng bà Tưng và Ngọc Trinh là có thật.

Đề văn như sau: 

Câu 1: Người mẫu Ngọc Trinh từng trả lời phỏng vấn rằng: "Yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn à?" Mới đây, cô gái trẻ Lê Thị Huyền Anh (biệt danh "Bà Tưng") khi trả lời một trang mạng xã hội, cũng thẳng thắn: "Tôi mơ ước có nhiều đại gia, nhiều người giàu quan tâm đến mình, cho tôi thật nhiều tiền". 

Từ những hiện tượng trên, anh/chị hãy viết một bài văn (tối đa 800 từ) về chủ đề: "Tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của cô gái trẻ”. 


Sau khi đề văn được phát tán trên mạng xã hội, nhiều bạn đọc phản ứng gay gắt về cách ra đề của Sở GD-ĐT Hải Phòng. Bạn Hòa Nguyễn bức xúc: “Phát ngôn của một số người bình thường trong xã hội cũng đưa vào đề thi... Phát ngôn của những người buộc phải có trách nhiệm xã hội thì không thấy đâu”. 

Bạn Minh Tam nói: Sở này ngộ nha. Dạy trẻ ghi nhớ tên tuổi hai bà Trưng, ai lại dạy trẻ nhớ hai "Tưng" này chớ. 

Đồng quan điểm trên, nhiều ý kiến cho rằng đề thi sẽ góp phần quảng bá tên tuổi cho 2 “hotgirl” tai tiếng, làm khó dễ cho các học sinh ngoan hiền. Nickname Andy Pham viết: Đề bài gợi ý kiểu này thì chắc chắn sẽ có em nghiêng về sự cổ súy chứ kết quả chưa chắc là sự phản ánh ngược lại. 

Vuong Phan Ra nhận xét: Đề kiểu này mấy em ngoan hiền đầu óc trong sáng không biết Bà Tưng hay Bà Tửng lại mệt đây... Cách tốt nhất cho các em tìm hiểu về nhân vật là Google. Ôi thôi một loạt những hỉnh ảnh khỏa thân, thả rông vô tình bày ra trước mắt, các em được công khai chiêm ngưỡng mà không sợ phụ huynh rớ đến... 

Tuy nhiên, nhiều thành viên mạng xã hội cũng bày tỏ ý kiến đồng tình với đề thi và cho rằng đây là sự đổi mới tích cực, sáng tạo trong cách ra đề. Bạn Kien Tran viết: Hoan nghênh Sở GD-ĐT Hải phòng vì đã phá cách. Văn học nghệ thuật là phải đề cao sự sáng tạo và bộc lộ quan điểm cá nhân. 

Nickname Ha Ngoc bình luận về đề văn: Đề thi văn thông thường có 2 phần đặc trưng là nghị luận xã hội và phân tích tác phẩm văn học. Phần nghị luận xã hội chiếm 30% - 40% số điểm, phần chính mới là phân tích văn học. Đề thi thế này rất thường thấy ở các trường chuyên, không phản giáo dục gì cả vì văn học là phản ánh hiện thực xã hội. 

Bạn Quynh Nguyen nhận xét: Đề hay. Người trẻ nên có quan điểm riêng về thực trạng xã hội. Bây giờ ở đâu cũng nghe tên 2 cô gái này, vậy đề thi hỏi đúng với những gì giới trẻ chứng kiến thì có gì sai? 

Nickname Hao-Nhien Q. Vu viết: Chuyện thiệt hả? Nếu vậy tui hoan nghênh Sở GD-ĐT Hải Phòng. Từ lâu nay, cứ tưởng giáo dục Việt Nam suốt ngày toàn phân tích các bậc thánh hiền... chứ biết tìm nguồn từ đời thường, thậm chí những nhân vật bị chê bai lên xuống, là một bước tiến bộ tư duy vượt bậc. Bác nào chê, trước khi chê bác thử viết bài làm theo đề này mà vẫn giữ được tư cách cá nhân không bị sa đà vào những chuyện nhảm, lúc đó bác mới biết đề này đáng khen chứ không phải chê.

Chiều 9-10, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Vũ Văn Trà, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng xác nhận đây đúng là đề thi chọn học sinh giỏi môn ngữ văn của thành phố dành cho học sinh lớp 12. Tuy nhiên, khi hỏi cụ thể về việc tại sao sở ra đề thi như vậy, ông Trà từ chối trả lời. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo