Kẻ sĩ dẫn thân vì đại nghĩa - Dân Làm Báo

Kẻ sĩ dẫn thân vì đại nghĩa

Luật Sư Nguyễn Hữu Thống (Danlambao) - Trong tuần qua Luật Sư Nelson Mandela Nguyên Tổng Thống Nam Phi đã ra người thiên cổ. Ông sinh năm 1918 khi Thế Chiến I kết thúc. Ông tốt nghiệp Trường Đại Học Luật Khoa Nam Phi năm 24 tuổi. Mười năm sau, năm 34 tuổi ông đứng ra phụ trách Đoàn Thanh Niên trong Liên Đoàn Quốc Gia Châu Phi để khởi sự đấu tranh cho độc lập tự do, nhân quyền chống chế độ Kỳ Thị Chủng Tộc. Ông bị kết án tù chung thân năm 44 tuổi. Sau gần 28 năm bị cầm tù. Ông được phóng thích năm 1990 khi vừa quá tuổi thất thập cổ lai hi (72 tuổi). Ba năm sau, năm 75 tuổi, cùng với Tổng Thống Nam Phi De Klerk người Anh, ông được trao tặng Giải Nobel Hòa Bình. Qua năm sau ông đắc cử Tổng Thống Nam Phi vào tuổi 76. Ngay từ giai đoạn bị giam giữ tù đầy ông cam kết sẵn sàng hy sinh đến hơi thở cuối cùng (trên thực tế ông đã đạt tới tuổi đại thọ 95). Mục tiêu tranh đấu trong 7 thập niên là thâu hồi tự do dân chủ cho người dân đồng thời quảng bá nghĩa bình đẳng bác ái cho đồng bào và đồng chủng theo tôn chỉ “người trong bốn biển đều là anh chị em”.

Ông chủ trương mỗi công dân đấu tranh cho tự do nhân quyền là một viên gạch xây dựng thành trì Dân Chủ và Nhân Quyền. Trong thời gian bị giam cứu ông vẫn âm thầm thương nghị để thuyết phục phe Kỳ Thị Chủng Tộc thay đổi lập trường và thái độ. Rốt cuộc năm 76 tuổi ông được quốc dân tín nhiệm bầu làm Tổng Thống để lãnh đạo và giải thể chế độ Kỳ Thị Chủng Tộc.

Ba tuần trước đây tại Nam Cali, Luật Sư Trần Danh San cũng ra người thiên cổ. Anh sáng lập phong trào đòi tự do nhân quyền cho Việt Nam. Đồng thời với việc ban hành Hiến Chương 77 tại Prague, ngày 23-4-1977, Anh đã tuyên đọc tại khuôn viên Nhà Thờ Đức Bà Saigon “Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Những Người Viết Nam Khốn Cùng”. Kết quả Anh đã bị giam giữ 12 năm tại trại cải tạo cùng với các Luật Sư Nguyễn Hữu Giao, Trần Nhật Tân, Triệu Bá Thiệp, Vũ Hùng Cương và Thủ Lãnh Vũ Đăng Dung tại Luật Sư Đoàn Huế. Trong thời gian này Luật Sư Khuất Duy Trác cũng bị bắt giam 12 năm, 6 năm về tội “tuyên truyền chống chế độ” và 6 năm về tội sĩ quan biệt phái.

Sau khi Cộng Sản cướp chính quyền tại Miền Nam để thiết lập chế độc tài đảng trị, trong vòng 2 năm, từ 1975 đến 1977 có ít nhất 14 luật sư đã tuẫn tiết hay bị giam giữ. Luật Sư Trần Chánh Thành đã quyên sinh không chịu khuất phục bạo quyền, Các vị khác đã đứng lên tố cáo Nhà Cầm Quyền Hà Nội vi phạm nhân quyền và những quyền tự do căn bản của người dân.

Cuối năm 1975, trong vụ án Vinh Sơn, Luật Sư Nguyễn Khắc Chính bị kết án tù chung thân về tội “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”.

Qua năm 1976, Luật Sư Trần Văn Tuyên, Thủ Lãnh Luật Sư Đoàn Saigòn đã tuẫn tiết tại trại cải tạo Hà Tây. Sau đó, 3 người con trai Trần Vọng Quốc, Trần Tử Thanh và Luật Sư Trần Tử Huyền đã bị kết án 12 năm, 5 năm và 3 năm về tội “tuyên truyền chống chế độ”. Đồng thời Luật Sư Thủ Lãnh Lý Văn Hiệp đã bị kết án 12 năm tù cũng về tội này. Ngoài ra, các Luật Sư Nguyễn Quý Anh và Nguyễn Hữu Doãn cũng bị giam 18 tháng về tội giả tạo nói trên.

Trong số 14 luật sư nói trên, cho tới nay ít nhất có 6 vị đã ra người thiên cổ là các Luật Sư Trần Chánh Thành, Trần Văn Tuyên, Vũ Đăng Dung, Trần Danh San, Nguyễn Hữu Giao và Nguyễn Quý Anh.

Cùng với các tầng lớp trí thức khác như bác sĩ và gíao sư, giới luật sư đã đứng lên tranh đấu đòi tự do nhân quyền ngay từ khi Đảng Cộng Sản thiết lập chế độ độc tài vô sản tại Miền Nam. Lý do là vì người luật sư có truyền thống bất khuất không chấp nhận chuyên chế và bạo hành. Từ thời Napoleon giới luật sư vẫn là kẻ thù số một của các chế độ độc tài. Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, Luật Sư Đoàn Sài Gòn đã phản kháng chính sách cưỡng bách học tập chính trị. Các luật sư đã công bố lập trường trên báo chí đòi phải có thuyết trình và thảo luận về đường lối và chính sách quốc gia, thay vì học tập một chiều như trong các chế độ độc tài toàn trị. Vì không có thuyết trình viên đủ sức thuyết phục, kết cuộc Chính Phủ đã phải hủy bãi chương trình học tập chính trị tại Luật Sư Đoàn Sài Gòn. Và Công Tố Viện đã thu hồi khởi tố lệnh trạng về tội “nhục mạ nhà cầm quyền”. Do giáo dục và sinh hoạt nghề nghiệp trong môi trường đối thoại, người luật sư chấp nhận đối lập thường xuyên giữa luật sư và biện lý, luật sư và chánh án, luật sư và đồng nghiệp. Nhờ đối thoại, tranh luận, biện minh và thuyết phục để đi đến hòa giải, thỏa hiệp hay đồng thuận, người luật sư được hấp thụ tinh thần đấu tranh công khai, ôn hòa, bất bạo động trong việc đề xướng và tôn trọng Sự Thật và Công Lý. Dầu sao, về lương tâm và chức nghiệp, người luật sư phải giữ chính trực, vô tư, ôn hòa và tình đồng nghiệp để duy trì hòa khí và tương thân tương kính, mà nếu thiếu vắng, pháp đình tôn nghiêm sẽ trở thành đấu trường hỗn loạn.

Từ sau Thế Chiến II, các luật sư trong các đảng quốc gia Á Châu đã đứng ra lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc và đã giành được độc lập và thống nhất bằng đường lối chính trị ngoại giao trong vòng bốn năm từ 1946 đến 1949.

Năm 1934, hai luật sư Quezon và Roxas trong Đảng Quốc Gia Phi Luật Tân đã đến Hoa thịnh Đốn vận động Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua một đạo luật công nhận Phi Luật Tân là một quốc gia tự trị năm 1935 . 11 năm sau nhằm ngày Quốc Khánh Hoa kỳ, Phi Luật Tân được tuyên bố độc lập ngày 4-7-1946.

Trong năm 1936, Luật Sư Dabbas tại Liban đã vận động chính phủ Pháp để trao quyền tự trị cho Syrie và Liban. Và 10 năm sau, năm 1946, Mặt Trận Bình Dân Pháp đã trả độc lập cho 2 quốc gia này.

Tại Ấn Độ và Đại Hồi, hai năm sau thế chiến II, năm 1947, Thủ Tướng Lao Động Attlee đã trả độc lập cho 2 quốc gia này sau những cuộc vận động chính trị và ngoại giao của các Luật Sư Gandhi, Nehru và Jinnah là những vị lãnh đạo Đảng Quốc Dân Đại Hội.

Tại Nam Dương, năm 1949, Thủ Tướng Luật Sư Sjahrir là người đã gia nhập Đảng Lao Động Hòa Lan và đã nhờ Tổng Thống Truman vận động Liên Hiệp Quốc áp lực Hòa Lan phải hòa đàm với chính phủ Sjahrir để ký Hiệp Ước La Haye thừa nhận chủ quyền độc lập của Nam Dương.

Tại Việt Nam, về mặt chính trị và ngoại giao, trong thập niên 1940, Chính Phủ Pháp đã ký với Quốc Gia Việt Nam 3 Hiệp Định để thừa nhận chủ quyền độc lập của Việt Nam. Đó là Hiệp Ứớc Sơ Bộ Vịnh Hạ Long ngày 7-12-1947 để thừa nhận trên nguyên tác nền độc lập của Việt Nam.

Sáu tháng sau, ngày 5-6-1948, Hiệp Ước Sơ Bộ được chính thức hóa bởi Thông Cáo Chung Vịnh Hạ Long ký với Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam với sự bối thự của Quốc Trưởng Bảo Đại.

Và ngày 12-2-1949, Ủy Ban Hỗn Hợp Việt Pháp được triệu tập để khai triển những điều khoản trong Thông Cáo Chung Vịnh Hạ Long nhằm qui định một hiệp ước chính thức mang danh là Hiệp Định Élysée sẽ được ký kết giữ Tổng Thống Pháp Vincent Auriol và Quốc Trưởng Bảo Đại. Thành phần phái đoàn Việt Nam gồm 7 vị trong đó có 3 Luật Sư và Giáo Sư là Giáo Sư Thạc Sĩ Nguyễn Quốc Định tại Đại Học Luật Khoa Paris và hai Luật Sư Bảo Lộc và Nguyễn Đắc Khê.

Bốn tuần sau, ngày 8-3-1949, Hiệp Định Élysée được ký kết để thừa nhận Quốc Gia Việt Nam Độc Lập. Những hiệp ước thuộc địa và bảo hộ trong hậu bán Thế Kỷ 19 đã bị Hiệp Định Élysée bãi bỏ.

Chiếu Công Pháp Quốc Tế, Việt Nam được độc lập ngày 2-2-1950 sau khi Quốc Hội Pháp phê chuẩn Hiệp Định Élysée ngày 8-3-1949.

Tuy nhiên Đảng Cộng sản đã phá hoại nền độc lập này. Vì Hiệp Định Élysée không cho họ độc quyền lãnh đạo quốc gia. Và họ tiếp tục chiến đấu trong 25 năm để cướp chính quyền và thôn tính Việt Nam Cộng Hòa bằng bạo lực.

Muốn giải thể chế độ độc tài Cộng Sản, theo lời nhắn nhủ của Tổng Thống Nelson Mandela, mỗi người trong chúng ta phải sẵn sàng hy sinh thân sống để Xây Dựng Thành Trì Tự Do Dân Chủ cho đồng bào và nhân loại.

(8-12-2013)



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo