Minh bạch để bài trừ tiêu cực trong bộ máy đảng, Nhà nước - Dân Làm Báo

Minh bạch để bài trừ tiêu cực trong bộ máy đảng, Nhà nước

Cầu Nhật Tân - Hôm 25/12/2013, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khẳng định: “Luật Tiếp cận thông tin ra đời là cần thiết, bảo đảm hiện thực hóa quyền tiếp cận thông tin của người dân như hiến định. Thời đại này, không có Luật Tiếp cận thông tin không được đâu. Xem xét quy định cái gì nằm trong diện đáng mật thì mật, quy định mật cũng phải xem thời gian bao lâu phải giải mật. Còn xã hội càng minh bạch càng tốt”.

Một đại nạn quốc gia ai cũng biết bấy lâu là các quan chức sử dụng bằng giả để làm phương tiện lên lãnh đạo nhân dân. Cán bộ xài bằng giả không chỉ xuất hiện ở cấp xã phường mà ngay cả cấp cao nhất cũng dễ dàng thấy. Không đảng nào trên thế giới mà Ban Chấp hành lại có nhiều giáo sư, tiến sĩ như đảng ta. Không nội các nào trên thế giới lại lắm giáo sư tiến sĩ như nội các xứ mình. Hôm rồi, đứa cháu gái đi học ở Úc về ăn Tết thổ lộ: nội các nước Úc cũng chẳng có ai GSTS gì sất. Người ta cần GSTS trong các cơ sở nghiên cứu khoa học, chứ hoạt động của chính quyền đã có Hiến pháp, pháp luật điều chỉnh rồi. Cứ thế mà vận hành.

Ông đảng, ông Nhà nước minh bạch đi, công khai thông tin đi, để nhân dân tham gia, giám sát mọi hoạt động đi. Vấn đề sẽ được khắc phục hiệu quả. Bộ GD-ĐT, các trường cả nước đều có kho dữ liệu bằng cấp, tốt nghiệp được số hóa đầy đủ. Công khai lên mạng đi, chỉ 1 cái nhấp chuột là dân biết ngay đồng chí nào dùng bằng giả. Có đồng chí cán bộ chủ chốt đảng ủy phường chưa học cấp 3 ngày nào mà giờ có đủ “ný nuận” chính trị, cử nhân “nuật” lại còn vừa đi nhà hàng khao mới lấy bằng cao học “quản ný hành chính công”. Rồi một đồng chí cán bộ cao cấp trong đảng – Chính phủ, xuất thân là y tá quân y, cả tuổi trẻ cống hiến ở bưng biền (rất trân trọng), sau ra Hà Nội lãnh đạo cũng được “tạo điều kiện” làm cái bằng tiến sĩ kinh tế. Đồng chí này học cấp 3 ở đâu, học đại học hệ chính quy tập trung chuyên ngành gì, trường nào, thời gian nào? Làm ơn minh bạch giùm một cái.

Về đề tài, nội dung nghiên cứu, công khai ra, 100 đề tài nghiên cứu tiến sĩ chắc có đến 90 cái giống nhau (nhiều ý kiến cho rằng tỉ lệ này là 99/100 hoặc cao hơn nữa). Vì sao? Vì chúng cùng được viết ra bởi một đội ngũ viết thuê mà đơn vị đào tạo cao học nào hiện nay cũng có. Với các quy định như cán bộ thuộc diện thành ủy quản lý phải có bằng tiến sĩ, cán bộ chỉ huy cấp trung đoàn hoặc tương đương trở lên (trong CA và quân đội) phải có bằng tiến sĩ thì số nghiên cứu sinh và đội ngũ viết thuê còn tăng ở cấp số nhân. Đó là chưa kể đến số đề tài nghiên cứu tiến sĩ rất tào lao, hàm lượng khoa học cực thấp kiểu như: tắm rửa cấp trung đoàn, chống lấn chiếm lòng đường vỉa hè, xóa nhà diện tranh tre nứa lá (của một nghiên cứu sinh nguyên Ủy viên TƯ đảng, nguyên Chủ nhiệm VP Quốc hội), hay giải quyết nhà trọ cho lao động ngoại tỉnh tại Hà Nội (của một nghiên cứu sinh nguyên Ủy viên TƯ đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ).

Năm 2001, chỉ qua rà soát dữ liệu tập trung, Bộ Giáo dục – Đào tạo, đã phát hiện trên 10.000 trường hợp sử dụng bằng giả. Vụ này sau đó bị chỉ đạo cho chìm xuồng. Hơn 10 năm qua, có ông nào trong số 10.000 ông này lên đến Trung ương thậm chí vào Bộ Chính trị chưa? Làm ơn minh bạch đi 1 cái.

Đ/c Nguyễn Bốn Bảy (cụm 7 phường Phú Thượng, Tây Hồ) đang chất vấn Tổng Bí thư chiều 6/12/2013. Ông từng nhiều lần đề đạt vấn đề minh bạch thông tin lên lãnh đạo đảng, Nhà nước. Ông được biết với câu nói: “dân hiện không đói cơm đói gạo mà rất đói thông tin”. Ông cũng là nạn nhân của tiêu cực quy hoạch tại dự án cầu Nhật Tân.






Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo