Đường lưỡi bò trong SGK: Lỗi do học sinh - Dân Làm Báo

Đường lưỡi bò trong SGK: Lỗi do học sinh

Thái An (Giáo dục) - Không thể chấp nhận sự vô trách nhiệm của ngành giáo dục trong vụ việc xuất hiện đường lưỡi bò trong SGK, nhiều độc giả đã gay gắt yêu cầu cách chức lãnh đạo ngành giáo dục. Cụ thể là Bộ GD-ĐT, Sở và các hiệu trưởng có liên quan.

Lỗi tại học sinh


Sự việc trên địa bàn TP.HCM, một số trường THCS đang sử dụng phần mềm tin học có hình ảnh đường lưỡi bò khiến dư luận bức xúc.

Vậy nhưng, khi vụ việc được phát hiện thì vẫn là thông lệ cũ “thành quả thì nhanh tay hái, sai trái thì trên đổ dưới, dưới đẩy lên trên”.


Đường lưỡi bò xuất hiện trong phần mềm dạy tin học lớp 7

Đầu tiên là sự ngỡ ngành của ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT. Sau sự ngỡ ngàng, ông Chuẩn đẩy ngay trách nhiệm sang Cục công nghệ thông tin: "Phần mềm là thuộc Cục Công nghệ thông tin quản lý, chúng tôi không hề liên quan, làm sao chúng tôi biết phần mềm gì".

Còn ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT cho biết: "Việc này thuộc phạm trù của Vụ Giáo dục Trung học quản lý, vì đó là phần mềm dạy từng môn học cụ thể".

Chưa hết ngán ngẩm với mấy vị quan chức, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM lại tiếp tục đẩy trách nhiệm sang NXB Giáo dục.

Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GT-ĐT TP.HCM khẳng định: "Đó là phần mềm nằm trong sách dạy tin học tăng cường của Bộ GD-ĐT, nên các trường cho học theo tài liệu chính thức của Bộ, đến nay chúng tôi vẫn sử dụng tài liệu của Bộ". Và phần mềm này được NXB Giáo dục bán cho các trường vì vậy đơn vị này phải có trách nhiệm hoàn toàn.

Cũng không trách các vị lãnh đạo này được, không ai biết thì làm sao mà xử lý được, không biết thì sao chịu được trách nhiệm. Có trách thì trách học sinh, phụ huynh và cả người dân đã đóng thuế nuôi nhầm lãnh đạo.

Theo phân tích của độc giả Phạm Đình Khang, thì người phải chịu trách nhiệm đầu tiên chính là các cháu học sinh. Bởi không ai khác chính là các em đã được trực tiếp học thì trách nhiệm thuộc về các em là đương nhiên rồi.

“Các bác Ngành quản lí giáo dục không chịu trách nhiệm thì để các cháu là học sinh "chịu trách nhiệm" thay cho, bởi vì các cháu học chứ các bác có học đâu nhỉ?”, độc giả này nói.

Độc giả Hồng Vân còn cho rằng, phải phạt thật nặng những học sinh này để răn đe.

Thì rõ rồi, chẳng phải báo chí lúc nào cũng kêu ca, học sinh ghét học sử, bằng chứng là hàng loạt học sinh đã xé bỏ sách lịch sử khi không thi môn học này. Điều này khiến nhiều nhà giáo dục lo ngại vì lịch sử phổ thông chính là hình thành, bồi đắp tình cảm yêu mến lịch sử dân tộc trong quá trình hoàn thiện nhân cách học sinh.

Trong khi đó, đâu đâu cũng thấy sách in sai, từ cờ Trung Quốc, bản đồ không có quần đảo Hoàng Sa, và nay là đường lưỡi bò xuất hiện trong nhà trường.

“Lỗi phần mềm này, học sinh và phụ huynh phải chịu trách nhiệm (còn các quan có "trình độ" thì không bao giờ sai)”, độc giả Hung nhắc lại.

Lại đúng nữa, lỗi của phụ huynh là đã cho con đi học , mà đi học thì phải học phần mềm này. Đúng chỉ có thể là lỗi của phụ huynh.

Nếu không thì có lẽ chỉ có thể là lỗi của ông trời, của những người dân đóng thuế nuôi nhầm.

“Có lẽ nên nói: tại cơ chế, tại thiên lôi quá dốt. Bộ Giáo dục mà không nhận thì tại trời thôi????”, độc giả Dang tran bức xúc.

Độc giả Tiachopxanh1968 tỏ ra ngán ngẩm: “Giáo dục mà né tránh trách nhiệm thì giáo dục cho ai đây????. Xem thông tin thời sự, thì quả là thật ngán ngẩm với bà y tế và ông giáo dục rồi. Nước ngoài, văn hóa từ chức là lòng tự trọng của họ”.

Trong khi đó độc giả Nguyễn Đức Mạnh kết luận: “Trách nhiệm này là do những người dân đóng thuế để nuôi nhầm”.

Phải cách chức


Còn nhớ, sự xuất hiện mới đây của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, với những phát ngôn thể hiện sự quyết tâm và tầm chiến lược khi đưa ra đề án đổi mới toàn diện nền giáo dục. Bộ trưởng ví von lần đổi mới này như một “trận đánh lớn”. Bộ trưởng liên tục nhấn mạnh về sự đổi mới toàn diện, trên nhiều lĩnh vực với nhiều hình thức...

Nhưng chưa thắng trên chiến trận nhỏ thì hi vọng gì ở trận đánh lớn, nhất là khi những biểu hiện tác động tiêu cực của kinh tế thị trường vào giáo dục ngày càng thể hiện rõ.

Trước đó những sai sót trong sách giáo khoa, sách tham khảo… đã được phản ánh rất nhiều và mới đây mới đây trong vụ việc đường lưỡi bò trong SGK được ông Bùi Việt Hà, Giám Đốc Công ty Công nghệ Tin học nhà trường, đơn vị giới thiệu phần mềm này, khẳng định "không ai để ý đâu".

Ông này cho biết đã phát hiện ra từ năm 2012, sau đó, báo cáo với Bộ GD-ĐT để sửa đổi nhưng bộ cứ họp hành mãi nên năm 2013 mới tiến hành sửa để in mới vào năm 2014. Và liệu có cải cách, đổi mới được không khi mãi vẫn còn hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, không dám thừa nhận sự yếu kém, tồn tại trong cả hệ thống.

Chỉ một thao tác đơn giản bằng công nghệ thông tin mà Bộ GD-ĐT phải mất bao nhiêu cuộc họp, mất bao nhiêu thời gian mới ra được quyết định sửa mới. Nguyên nhân tại sao, trách nhiệm này thuộc về ai?

Độc giả Duongtu khẳng định: “Phải khẳng định rằng: Trách nhiệm TRƯỚC NHẤT VÀ LỚN NHẤT phải là ở Bộ GD-ĐT. Rõ ràng sự vô trách nhiệm của Bộ đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến LÒNG TỰ TÔN DÂN TỘC !!!”.

Độc giả Tuanvan thẳng thắn: “Đây là sản phẩm của 1% trong số cán bộ cắp ô đây. Trước đây Bộ GD-ĐT đã xảy ra nhiều vụ rồi, nay lại tiếp tục. Tôi thấy cần phải cho số cán bộ này nghỉ việc thôi”.

Từ chức cũng là sự băn khoăn của độc giả Titeo: “Trọng tài ra hiệu lệnh rồi quả bóng lại bắt đầu đá thôi... Chỉ cần có một tí công thôi thì tất cả các quan quan nào cũng nhận, còn tội tày đình thì lại đá bóng... Sao ở mình không có văn hóa nhận trách nhiệm và văn hóa từ chức nhỉ ?”, độc giả này đặt câu hỏi.

Rất nhiều ý kiến, quan điểm của độc giả đồng loạt yêu cầu truy trách nhiệm của người đứng đầu.

Độc giả Trần Minh Tân gay gắt: “Phải nghiêm khắc xử lý tác giả và người chịu trách nhiệm xuất bản. Không thể để chìm xuồng như vụ cờ có 6 ngôi sao. Dù vô tình hay là CỐ Ý thì đây là một vụ xâm phạm nghiêm trọng vào AN NINH QUỐC GIA không thể xem thường”.

Đó cũng là quan điểm của độc giả Quang Trung “Quản lý giáo dục mà không biết chương trình giáo dục cho học sinh cụ thể là gì thì nên từ chức để người có năng lực thay thế.Thật là vô trách nhiệm!”. Độc giả này còn nói rõ: “Một là từ chức, còn không dám từ chức thì phải cách chức”.

Truy trách nhiệm người đứng đầu không phải chỉ độc giả bức xúc, ngay cả Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu truy trách nhiệm người đứng đầu nếu không hoàn thành trách nhiệm trong lĩnh vực mình quản lý.

Cụ thể Thủ tướng chỉ đạo "công chức nếu 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định của Luật Cán bộ, Công chức sẽ bị thôi việc".

Chỉ đạo của Thủ tướng rất rõ ràng, dư luận chờ đợi vào sự thực thi pháp luật nghiêm khắc. Sau hàng loạt những sai phạm liên tiếp, liệu Bộ GD-ĐT có vô can và lỗi hoàn toàn là do học sinh, phụ huynh và cả ông trời?

Thái An (Giáo dục)


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo