Tàu đi qua phố - Dân Làm Báo

Tàu đi qua phố

Bảo Đình (Danlambao) - Đặt chân đến xứ Huế mộng mơ trong một chiều mưa bay bay, cái lạnh, cùng cái đói không ngăn được bước chân thổn thức của những người anh em tìm đến nhà bác Trần Dục, một Thượng sĩ nhất từng tham gia trong trận đánh “Hải chiến Hoàng Sa” trên con tàu HQ4 lẫy lừng ngày nào. Chiếc xe lăn bánh đi băng băng trong mưa dừng xe trước nhà của bác Trần Dục, cả đoàn chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy ngôi nhà sập xệ phũ đầy rêu phong, ngỡ ngàng khi trong ngôi nhà ấy lại chứa ba thế hệ. Liệu có quá bất công chăng khi những kẻ ngày ngày giờ giờ đang bòn rút cạn kiệt đất nước này lại được sống trong những ngôi biệt thự sang trọng còn những con người từng đỗ máu cho Đất nước này thì phải chui rúc trong một căn nhà nhỏ trong một con hẻm còn chưa được tráng nhựa...

*

Tàu đi qua phố, tàu qua phố 
Phố lạ mà quen, ta giang hồ 
Chẳng lẽ suốt ngày bên bếp vợ 
Chẻ củi, trèo thang với... giặt đồ 

Giang hồ đâu bận lo tiền túi 
Ngày ta đi chỉ có tay không 
Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi 
Mây trắng trời xa, trắng cả lòng...

Ngay từ ngày còn trẻ, bài thơ của Phạm Hữu Quang để lại trong tôi không ít suy nghĩ vì lời lẽ phóng khoáng có phần mạnh mẽ của ông. Nhưng phải đến cái ngày theo bước chân những người anh em mà người ta vẫn thường gọi nhau là “giang hồ”, tôi mới thấm thía cái suy nghĩ và cái tâm của những người theo con đường cách mạng mà ngày nào mình vẫn còn mơ hồ khi chập chững bước vào con đường chông gai đi tìm lẽ phải cho cuộc sống, đi tìm con đường tươi sáng cho đất nước này - đất nước của tôi. 

9h sáng, vì một vài lí do cá nhân tôi một mình bước lên chuyến xe Đà Lạt theo dấu những người anh em đã hồ hỡi khởi hành trong đêm trước đó. Sau 8 tiếng đồng hồ nôn nóng được đoàn tụ với mọi người, tôi đã đặt chân đến Đà Lạt trong tiết trời lạnh buốt. Tạm bỏ qua những hoạt động ở Đà Lạt vì nhóm đã cập nhật nhiều trên các trang điện tử, tôi tiếp tục theo dấu chân “giang hồ” tìm đến mảnh đất Đà Nẵng, nơi được mệnh danh là “ngũ phụng tề phi”. 

Ông trời có vẻ muốn thử lòng chúng tôi (?!). Trời lạnh và mưa rả rích suốt dọc đường đi, xe hư phải ngồi đợi đến 2 tiếng đồng hồ, chuyến sẽ trễ giờ lại làm những người “giang hồ” nhiều phen thót tim khi bác tài xế qua những đoạn đèo Đà Lạt - Nha Trang với tốc độ kinh hoàng. Thử thách đành là thế nhưng không thể nào ngăn nổi bước chân “giang hồ” có mặt tại thành phố Đà Nẵng lúc 8h. Có phần luyến tiếc chút hùng vĩ và dịu dàng của những cô nữ sinh Đà Nẵng thước tha trong tà áo dài, chúng tôi lên lại chuyến xe khách và vút đi trong màn mưa mờ ảo, lạnh buốt để tìm đến và tri ân những con người từng vì hai chữ “Đất Nước” mà không tiếc máu rơi. 

Đặt chân đến xứ Huế mộng mơ trong một chiều mưa bay bay, cái lạnh, cùng cái đói không ngăn được bước chân thổn thức của những người anh em tìm đến nhà bác Trần Dục, một Thượng sĩ nhất từng tham gia trong trận đánh “Hải chiến Hoàng Sa” trên con tàu HQ4 lẫy lừng ngày nào. Chiếc xe lăn bánh đi băng băng trong mưa dừng xe trước nhà của bác Trần Dục, cả đoàn chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy ngôi nhà sập xệ phũ đầy rêu phong, ngỡ ngàng khi trong ngôi nhà ấy lại chứa ba thế hệ. Liệu có quá bất công chăng khi những kẻ ngày ngày giờ giờ đang bòn rút cạn kiệt đất nước này lại được sống trong những ngôi biệt thự sang trọng còn những con người từng đỗ máu cho Đất nước này thì phải chui rúc trong một căn nhà nhỏ trong một con hẻm còn chưa được tráng nhựa. 

Bác Trần Dục ra đón chúng tôi với một nụ cười không thể nào vui mừng hơn, có lẽ đã lâu rồi căn nhà rêu phong này không có người lui tới. Cuộc trò chuyện diễn ra vui hơn sức tưởng tượng của chúng tôi, Trong cuộc trò chuyện ngoài bác Trần Dục, bác gái và chúng tôi ra thì còn anh Cường là con trai út của hai bác, năm nay đã ngoài 40. Ở cái tuổi chưa phải là cao ấy nhưng tôi lại nhận thấy ở anh toát lên một sự lam lũ và nhọc nhằn cho kế mưu sinh, bởi lẽ trên đôi vai thô cằn của anh là 2 đứa con gái, vợ và cha mẹ già đã bước vào cái tuổi xế chiều. Đáng lẽ ra gia đình bác phải là một gia đình được nhà nước trao bằng khen là người có công với Đất Nước, chứ không phải là một gia đình mà “các anh đi thi Đại học, dù đậu vẫn không gửi giấy báo trúng tuyển” (Theo lời bác Trần Dục). Nỗi xót xa của chúng tôi “chưa vơi lại đầy” khi bác lấy tấm hình chiến hạm HQ4 ra cho chúng tôi xem, những tưởng đây là bức hình được bác giữ lại từ những ngày binh đao loạn lạc nhưng đó lại chỉ là một vài bức hình bác tìm trên mạng internet về làm kỉ niệm chưa được 1 năm, bác nói: “Bác sợ lắm, nên tất cả những gì có liên quan đến là bác đốt hết rồi.” 

Trong cuộc trò chuyện bác hay nói về trận hải chiến máu lửa với bọn Trung Cộng xâm lược mà “người ta” vẫn khăng khăng đó là bạn, là người anh em, là người hàng xóm láng giềng tốt. Trên người bác vẫn in hằn dấu vết súng đạn kẻ thù với những vết thẹo chằng chịt trên người, rõ ràng đó là những chứng tích của tội ác kẻ thù. 

Cuộc trò chuyện kết thúc chúng tôi không quên gửi cho bác ít quà tết tuy biết sẽ không thể nào bù đắp được những cực khổ, tủi nhục mà bác đã chịu đựng, nhưng ít nhất cũng sẽ giúp bác đón một cái xuân giáp ngọ ít nhọc lo cho kế mưu sinh. 

Rời nhà bác chúng tôi không quên lời hẹn với bác ngày mai tại nhà người đồng đội của bác. Mưa ngày càng nặng hạt, chúng tôi không quên thưởng cho mình một bát cơm hến xứ Huế sau những ngày dài băng mưa đội gió. 

“Chiều nay mưa trên phố Huế, kiếp giang hồ không bến đợi...” 

Tiếng hát trong giấc mơ lôi tôi khỏi giấc ngủ, giật mình thức giấc thấy giang hồ vẫn còn “say ke” trong những chiếc chăn lông không thể nào ấm hơn, nhìn lại đồng hồ thấy đã 8h, ngoài trời vẫn mưa ảm đạm. Một ngày mới lại bắt đầu, đoàn người chúng tôi lại lên đường, bước chân giang hồ lại đi mãi, đi mãi, đi mãi... (không bến đợi).




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo