Tiếc nhớ anh Trầm Kha - Nguyễn Văn Đồng - Dân Làm Báo

Tiếc nhớ anh Trầm Kha - Nguyễn Văn Đồng

Trung úy Hải Quân Nguyễn Văn Đồng hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974

HT Nguyễn (Danlambao) - Ngày 28 tết, tôi năm ấy 13 tuổi không còn nhỏ, nhưng cũng chưa lớn để hiểu mọi chuyện. Tôi kể lại những gì tôi còn nhớ về ngày ấy, khi anh trai tôi là trung úy hải quân Nguyễn Văn Đồng hy sinh trong trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa.

Sáng hôm ấy, như mọi năm, gần tết là việc làm đậu để bán của nhà tôi rất bận rộn. Mẹ tôi đị chợ từ sáng. Tôi dọn bếp xưởng xong, đang tắm thì nghe thấy tiếng bà nội khóc từ ngoài cổng vào. Tôi vẫn ở trần mặc quần đùi chạy ra thì thấy Hiệp, con trai chú Hy dìu bà nội đi vào, đi cùng là một anh lính HQ. Bà nội vừa khóc vừa nói anh Đồng mày chết rồi cháu ơi. Tôi sợ cũng khóc rống lên nhưng thật sự cũng không hiểu vì sao lại có tin đó. Thực ra từ năm 1968, anh Đồng đi Võ Bị Đà Lạt 4 năm, ra trường là vào Hải quân ngay, nên hầu như không ở nhà. Thỉnh thoảng có lần về phép cũng không vào dịp Tết nên ấn tượng trong tôi từ lúc 8, 9 tuổi là anh rất nghiêm. Mỗi lần về phép anh bắt chúng tôi học cả tiếng Anh và rèn chúng tôi lau quét nhà như trong lính. Vậy mà...

Bố tôi lúc ấy chạy ra thì anh lính báo miệng nói rõ anh Đồng hy sinh ngày hôm qua (19/1) ở Hoàng Sa, hiện thi thể đưa về quàn tại Tổng Y viện Duy Tân Đà Nẵng. Bố không khóc, ông cũng là lính mặc dù chỉ là lính văn phòng đã giải ngũ nhưng ông hiểu sự tình. Đúng lúc ấy thì chú Hy đến, chú chỉ là Hạ sĩ quan nhưng làm vận tải nên đã xin một chuyến xe quân đội cấp tốc đi ngay vào Đà Nẵng để nhận thi thể anh tôi. Cùng đi có chị gái tôi là chị Thu Hương.


Còn lại ở nhà, anh Chu tôi, cùng mấy bác hàng xóm chuẩn bị dọn dẹp sắp xếp để đón anh về. Gần trưa, mẹ tôi hay tin, vứt cả quang gánh bỏ buổi chợ chạy về nhà khóc con.

Tôi cũng xin giải thích vì sao tin báo tử lại về nhà chú tôi ở 3 LTĐ. Nguyên do là nhà tôi ở trong hẻm đường Hàm Nghi nên việc gửi thư rất khó khăn, anh tôi xin địa chỉ nhà chú Hy để tiện liên lạc. Do vậy khi anh hy sinh đơn vị đã cử người về đó báo tin.

Đáng lẽ, như mọi năm nhà tôi cũng đang chuẩn bị đón Tết, vậy mà năm ấy toàn một màu tang tóc. Cành mai trắng (anh Minh cho) cũng được đem ra để ở ngoài sân. Ông Chính, người hàng xóm thuận tay định chặt cây mai vàng trồng chính giữa cửa nhà. Ông bảo trồng như thế xấu và cản trở việc tang lễ nhưng mẹ tôi khóc không cho chặt cây. Cả nhà tôi khóc và cùng ngồi chờ. Hàng xóm cũng ra vào và ngóng chờ.

Trưa hôm sau (29 Tết), xe đưa thi thể anh tôi về nhà. Tiếng khóc vang. Những người lính đi hộ tống khiêng quan tài anh tôi vào đặt giữa nhà. Cả nhà tập trung lại, hàng xóm cũng rất đông. Nắp quan tài mở ra, thân xác anh tôi đã được tẩm quấn vải trắng, khuôn mặt chừa lại nhìn như người đang ngủ. Anh vẫn rất đẹp trai như khi còn sống. Sau này, bố tôi kể lại khi vào nhà xác nhận thi thể anh, thấy anh chết nhưng thân thể vẹn toàn, chỉ có một vết thương cỡ một ngón tay ở thái dương nên quyết định cho tẩm liệm nhưng không đóng chặt nắp quan tài để về mở ra cho mọi người nhìn anh lần cuối.


Buổi tẩm liệm bắt đầu, Trung tá Thông, Giang đoàn trưởng Giang đoàn 32 xung phong đóng ở Huế đọc diễn văn truy điệu và thừa ủy nhiệm Tổng thống gắn lon truy thăng Đại úy, truy tặng Bảo quốc huân chương đệ ngũ đẳng và Anh dũng bội tinh nhành dương liễu. Từ lúc đó 2 bên quan tài luôn có 6 người lính trang phục chỉnh tề đứng nghiêm.

Trung úy Phú, người cùng học VBQG Đà Lạt và rồi cùng chiến đấu trên HQ5 với anh Đồng kể lại: Lúc chiến sự nổ ra, anh Đồng là sỹ quan trưởng khẩu pháo lớn nhất và quan trọng nhất của tàu HQ 5 Trần Bình Trọng. Anh chỉ huy trên pháo tháp và bắn cháy tàu Trung Cộng, HQ5 cũng bị bắn trả dữ dội. Khoảng 11 giờ, chiến sự ác liệt, thuộc cấp có vẻ nao núng thì anh Đồng hét to "Không sợ, có chết tao chết trước”, vừa dứt lời thì một phát đạn trúng pháo tháp, anh ngã xuống hy sinh cùng lúc có cả người lính xạ thủ. Có người kêu lên, thằng Đồng chết rồi và vài người khiêng xác anh xuống để vào vị trí quàn thi thể. Cuộc chiến tiếp tục. Chiều tối đó tàu được lệnh quay về Đà Nẵng, nhờ vậy mà thi thể anh được về với đất mẹ không phải thủy táng. Anh Phú mang về trao kỷ vật cho gia đình, một ít tiền, nhiều sách thơ văn của anh, một cái nhẫn Võ Bị K25, một đồng hồ Seiko 5, và một cái ná dây thun, ít quần áo.

Cả đêm hôm đó mọi người có mặt đều không ngủ.

Sáng hôm sau, 30 Tết, lễ động quan và di quan đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Tang lễ diễn ra theo quân cách, 2 hàng lính hải quân, lục quân trang phục chỉnh tề tiễn đưa và khi hạ huyệt có bắn mấy phát súng chỉ thiên. Anh nằm lại ở nghĩa trang xã Thủy Phước, Tỉnh Thừa Thiên Huế bấy giờ.

Cuộc đời anh dừng lại ở tuổi 26, tuy vậy anh cũng để lại nhiều ký ức. Năm 1968 anh là sinh viên Luật, tham gia Thanh niên thiện chí, có sáng tác thơ văn và hoạt động văn nghệ. Khi vào trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, anh cũng là cây bút sung sức viết nhiều cho Đa hiệu và các tap chí Văn khác với bút hiệu TRẦM KHA. Anh có một tập thơ Đông Phương đã chuẩn bị xong nhưng chưa kịp in, bản thảo đưa về gia đình, chiến sự năm 1975 bản thảo bị thất lạc.

Năm nay, nhân 40 năm ngày anh mất, tôi viết lại những dòng này để tiếc nhớ thương anh.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo