Tin Ba - Tôi xin mượn bác Trung Úy Phạm Ngọc Roa và bác Thượng sỹ Nhất Trần Dục thay mặt cho những người dù còn, hay đã hy sinh trong trận chiến Hoàng Sa năm 1974 làm hình mẫu. Họ chiến đấu để bảo vệ chủ quyền, tự do đúng nghĩa. Họ hy sinh không một nấm mồ, họ thà để xương, thây ngâm đáy Hoàng Sa còn hơn là làm nô lệ cho TC và cho một ngày hòa bình, tự do vãn hồi trên quê hương đau khổ VN. Các Anh, các Bác đã ra đi cho một giấc mơ tuyệt đẹp về tương lai của đất nước, của con cháu Vua Hùng tràn ngập tình yêu thương. Tôi và những người trẻ, dù sinh ra ở bất cứ đâu, mang sắc tộc nào trên quê hương Việt Nam đều cảm thấy ngưỡng mộ và hãnh diện về công lao của các anh...
*
Chuyến xe bắt đầu lăn bánh rời vội vã giữa cơn mưa giao mùa cuối đông ở Cố Đô Huế trong sự tiếc nuối và bàng hoàng trong tim tôi! Có gì đó như len lỏi làm tôi không thể nào nhắm mắt vào giấc ngủ được! Nếu tôi không chia sẻ những tâm sự này chắc lương tâm tôi sẽ cắn rứt nhiều lắm!
Từ Đức Trọng, Lâm Đồng một địa danh quá đỗi bình thường mà tôi đã đi qua vài lần, tôi không nhớ rõ lắm! Đến Tp Huế thơ mộng đầy xa lạ! Nhưng đây có thể là chuyến đi ý nghĩa và đáng nhớ nhất trong đời tôi!
Ngày 12/1/2014 thông qua vài người bạn trên facebook, tôi cùng nhóm No-U Sài Gòn có chuyến đi tri ân, thăm hỏi, tặng quà các quân nhân và thân nhân gia đình có tham gia trận Hải chiến Hoàng Sa 19/1/1974 nhân dịp kỉ niệm tròn 40 năm.
Xin nói thêm bố tôi là cựu quân nhân trong quân lực VNCH. Trước kia, thỉnh thoảng bố cũng hay kể cho tôi nghe về những năm tháng khi còn trong quân đội của ông, nhưng tôi chẳng quan tâm và không muốn nhắc đến những trận chiến mà nếu kể ra thì toàn mất mát về sinh mạng và biết bao nhiêu đau đớn khác. Nay ngẫm lại thấy mình thật vô tâm khi coi thường và bỏ quên mất lịch sử!
Sở dĩ tôi thay đổi nhanh như vậy là sau khi tiếp xúc với bác cựu trung úy hải quân Phạm Ngọc Roa và bác Thượng sỹ Nhất Trần Dục những người trực tiếp làm nhiệm vụ trên khu trục hạm Trần Khánh Dư tàu HQ4 trong trận đánh bảo vệ Hoàng Sa năm đó!
Về bác Roa, ấn tượng đầu tiên về bác Roa đập vào mắt tôi là một người mộc mạc, khá giản dị. Mái tóc bạc lơ phơ và làn da rám nắng khiến tôi thấy rất gần gũi. Bác tiếp đón chúng tôi, những người trẻ tìm hiểu về lịch sử qua các câu chuyện từ quá khứ nhẹ nhàng và lôi cuốn! Chi tiết cuộc trò chuyện tôi sẽ không kể ra ở đây, nhưng tôi có hỏi bác một câu:
- Khi mà đối diện với quân TC xâm lược mà mình đang thất thế bác có sợ không? Bác cười.
- Lúc đó thế trận tàu ta với tàu địch đang ở rất gần nhau, có thể thấy từng người ngồi trong ụ súng ven mạn tàu thì chỉ nghĩ đến làm sao để giành lại đảo và hoàn thành nhiệm vụ thôi chứ sự sợ hãi không có trong khái niệm của người lính khi bảo vệ quê hương trước sự xâm lăng của giặc.
Chỉ thế thôi cũng đủ để thế hệ đi sau như tôi phải suy ngẫm và thức tỉnh! Tôi có hỏi thêm bí quyết để bác Roa có sức khỏe dẻo dai và bền bỉ như vậy và được bác gái, vợ bác Roa tiết lộ. Mỗi lần về bến sau chuyến đi biển dài ngày bác Roa thường mua rất nhiều thịt cốt-lết, khoai tây và sữa xay nhuyễn và dùng thay cơm khi đi biển. Thế nên dù đã ngoài 60 tuổi nhưng bác vẫn tham gia sản xuất và trụ cột trong kinh tế gia đình. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ biển đảo thì tàu HQ4 còn nhiều lần ngăn chặn được các vụ buôn lậu bạch phiến qua đường biển, Bác Roa cho biết thêm.
Không được như bác Roa, bác Dục sức khỏe không được tốt, có lẽ vì tuổi tác và những năm tháng cơ cực sau cuộc chiến đã bào mòn phần nào đó. Vất vả vì miếng cơm manh áo, ngoài trông chờ vào 8 xào ruộng thì các con bác phải nghĩ học từ rất sớm đi làm thuê, làm mướn. Nay bác và bác gái đang sống cùng con trai út và có được 2 cháu gái... Nhưng điều đáng buồn nhất là sự miệt thị, chèn ép của chính quyền sau cái gọi là giải phóng. Tuy nhiên nụ cười chưa bao giờ tắt trên gương mặt của người lính năm nào. Bác còn cho biết một trong những lí do thất bại trong trận hải chiến đầu tiên đó là do thiếu sự đồng bộ và còn quá ít kinh nghiệm hải chiến. Và lúc được lệnh tái chiếm đảo, xuất quân đã được nữa đường thì cấp trên ngưng lệnh tấn công. Trở về đất liền, tuy có bị thương nhẹ nhưng vết thương lòng còn đau gấp trăm lần như mất từng khúc ruột.
Tôi tự hỏi thời gian qua mình đã làm gì cho Tổ Quốc chưa? Hay tối thiểu là hiểu biết đầy đủ chính xác về lịch sử? Đại đa số những bạn trẻ như tôi ngày nay chỉ biết hưởng thụ, chạy theo xu hướng của đồng tiền và vật chất. Tôi may mắn được cùng những người anh, người chị trong nhóm No-U Sài Gòn tiếp xúc trực tiếp với các Bác là nhân chứng sống. Tôi đã thay đổi! Còn bạn thì sao!? Những người trẻ tương lai của đất nước.
Tôi xin mượn bác Trung Úy Phạm Ngọc Roa và bác Thượng sỹ Nhất Trần Dục thay mặt cho những người dù còn, hay đã hy sinh trong trận chiến Hoàng Sa năm 1974 làm hình mẫu. Họ chiến đấu để bảo vệ chủ quyền, tự do đúng nghĩa. Họ hy sinh không một nấm mồ, họ thà để xương, thây ngâm đáy Hoàng Sa còn hơn là làm nô lệ cho TC và cho một ngày hòa bình, tự do vãn hồi trên quê hương đau khổ VN.
Các Anh, các Bác đã ra đi cho một giấc mơ tuyệt đẹp về tương lai của đất nước, của con cháu Vua Hùng tràn ngập tình yêu thương.
Tôi và những người trẻ, dù sinh ra ở bất cứ đâu, mang sắc tộc nào trên quê hương Việt Nam đều cảm thấy ngưỡng mộ và hãnh diện về công lao của các anh.
Ngày mai, tôi và nhóm No-U Sài Gòn lại tiếp tục chuyến hành trình thăm hỏi và tặng quà thân nhân và gia đình những người ''Anh Hùng'' tiếp theo. Chúng tôi rất biết ơn tất cả sự ủng hộ và góp sức của quý mạnh thường Quân. Dù chuyến đi có vất vả đến đâu nhưng tôi tin việc chúng tôi đang làm là đúng và thực sự có ý nghĩa. Và tôi cũng tin, lịch sử sẽ không quên các BÁC những người con ưu tú của dòng giống Lạc Hồng.