Lê Chân Nhân (Dân trí) - “Không đâu chăm lo mầm non tốt như nước ta” - Đó là phát biểu của ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở giáo dục đào tạo TPHCM tại buổi làm việc với huyện Bình Chánh ngày 13.1. 2014, theo báo Đất Việt, bài “Trẻ mầm non sướng thế còn đòi gì?”.
(Minh họa: Ngọc Diệp) |
Phát biểu của lãnh đạo cấp sở trong một buổi làm việc của chính quyền, sự cẩn ngôn là hết sức cần thiết. Cẩn ngôn trước hết là nói năng nghiêm túc, nhưng yếu tố này chưa đủ, mà còn phải thuyết phục, chính xác về thông tin mà bản thân cung cấp.
Nghe câu nói của ông Nguyễn Tiến Đạt, chắc không ít người lấy tay che miệng cười, hoặc sau đó phải “rửa tai”.
Ông căn cứ vào đâu để khẳng định Việt Nam là nước chăm sóc mầm non tốt nhất? Nếu hỏi câu này, chắc chắn ông không thể trả lời được, bởi vì tại buổi làm việc trên, ông nói rằng, ở các nước phát triển, không có trường công lập cho trẻ em dưới 3 tuổi, trong khi gửi ở trường tư thục giá rất cao.
Xin thưa với ông Tiến, vấn đề không phải là trường công lập hay trường tư, mà trẻ em mầm non của một quốc gia được chăm sóc như thế nào. Cũng như không cần biết kinh tế công hay tư, mà người dân có ấm no, đất nước có thịnh vượng hay không.
Ngay trên địa bàn của ông quản lý, trẻ em mầm non bị bảo mẫu hành hạ, thậm chí có trường hợp bị giẫm chết, ông có biết không? Còn biết bao nhiêu trẻ em mầm non khác đang được gửi trong các nhà trẻ thiếu thốn đủ điều, ông có biết không?
Nếu biết thì ông sẽ không dám nói cái câu coi thường người nghe ấy đâu. Hoặc ông biết, nhưng ông nói lấy được. Vậy thì ông coi thường sự hiểu biết của người nghe quá.
Còn nữa, trẻ em mầm non trên khắp đất nước này, nhất là ở các địa phương nghèo, các tỉnh miền núi, nông thôn, được nuôi trong nhà trẻ bằng tre lá, bằng tường gạch mất vệ sinh. Bữa ăn thiếu chất dinh dưỡng... Nhất thế giới là như vậy thưa ông?
Trẻ em mầm non Việt Nam được chăm sóc tốt nhất thế giới thì chắc chắn học sinh tiểu học Việt Nam không nhất cũng nhì. Vậy mà thưa ông, có biết bao nhiêu đứa trẻ đến trường bằng bơi qua sông, bằng đi cầu khỉ, bằng đu dây, bằng đi bộ hàng chục cây số. Biết bao nhiêu đứa trẻ thiếu ăn thiếu mặc, nhiều cá nhân, tổ chức đang giúp cho các em để bữa “Cơm có thịt”. Và còn nữa, biết bao nhiêu ngôi trường tranh tre nứa lá, lớp học ca ba trên đất nước này.
Đừng nói lấy được mà nên nhìn vào chính vào những hạn chế, lạc hậu, đói nghèo của mình, thừa nhận nó, đau đớn với nó, để cùng xắn tay vào xây dựng. Huyênh hoang ca ngợi suông mà bỏ qua hiện thực đói nghèo thì chỉ có nghèo thêm.
Phát ngôn theo kiểu rất không cẩn ngôn không chỉ trường hợp ông Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo TPHCM, có nhiều quan chức ở các diễn đàn trong nước, nước ngoài đã có những câu nói thiếu thận trọng như vậy.
Kêu gọi nâng cao dân trí đã nhiều, nhưng tưởng cũng luôn luôn phát động phong trào nâng cao quan trí.