"Đất ruộng của Tháp" ngày ấy và bây giờ - Dân Làm Báo

"Đất ruộng của Tháp" ngày ấy và bây giờ

Glang Anak (Danlambao) - Sau nhiều bài viết về “Nhân UPR, đặt vấn đề trả tháp cho người Chăm thờ tự và quản lý”, nhiều độc giả đã quan tâm có nhiều lời bình ủng hộ và đặt nhiều câu hỏi muốn tìm hiểu thêm về vấn đề này. Riêng độc giả “Free Duck” đã có sự đồng cảm với “comment” rất sâu sắc về xã hội Chăm và có đề nghị muốn biết thêm những ảnh hưởng về kinh tế đối với người Chăm qua việc Nhà nước thu hồi, quản lý tháp. Chúng tôi xin thông tin một số vấn đề liên quan như sau:

Trước năm 1975, các Tháp Champa nơi có người Chăm sinh sống đều do người Chăm thờ tự và quản lý theo nghi lễ, thủ tục của người Chăm. 

Những người phụ trách tháp Champa thường là các chức sắc có uy tín và hiểu biết nhiều về phong tục, lễ nghi của tín ngưỡng Bà La Môn giáo.

Tổ tiên người Chăm xưa đã dành riêng một số đất ruộng lớn cho việc cúng kính, thờ tự Tháp. Những bộ phận tộc người như (Chăm, Chru, Raglay,..) phải có trách nhiệm gìn giữ, thờ cúng Tháp,.. đây cũng là những người được quyền canh tác trên các ruộng đất này mà người Chăm hay gọi là “đất ruộng của Tháp”. 

Đến mùa cúng kính, lễ nghi thì những bộ phận người canh tác trên đất tháp sẽ đóng góp kinh phí chuẩn bị các đồ lễ chính, còn bà con thì đóng góp thêm theo lòng hảo tâm và tín ngưỡng. Tuy nhiên có quy định những làng nào thì có trách nhiệm cúng kính cho những tháp nào. Và một số sắc tộc anh em như Churu, Raglay cũng có trách nhiệm trong thờ cúng Tháp, như về nghi lễ sắc phục cho thần linh Champa. 

Cho nên việc thờ cúng Tháp rất có tôn ti trật tự và theo những nghi lễ rất trang nghiêm. Chính vì vậy mà các chức sắc Chăm phụ trách Tháp vừa làm tròn trách nhiệm ở nơi thờ tự theo lễ nghi, vừa được hưởng nhiều lợi ích kinh tế từ khoản thu lợi do được canh tác trên ruộng đất của Tháp.

Sau năm 1975, tất cả các ruộng đất của Tháp bị Nhà nước tịch thu. Các chức sắc Chăm phụ trách Tháp bị “mời về nhà”, giao Tháp lại cho các công ty du lịch khai thác. Điều này đã tác động rất lớn đến đời sống tâm linh tín ngưỡng và phát kinh tế xã hội của người Chăm. Cụ thể: 

Về tín ngưỡng

Chức sắc Chăm không được quyền tự do thờ cúng trong tháp. Đến các ngày lễ lớn như lễ Yuer Yang (tháng 4 Chăm lịch), lễ Katé (tháng 7 Chăm lịch), lễ Cambur (tháng 9 Chăm lịch) và lễ Peh Ba-mbang Yang “lễ mở cửa tháp” (tháng 11 Chăm lịch) thì phải làm giấy tờ xin phép chính quyền các cấp. Rất nhiêu khê và phiền phức.

Riêng đối với người dân Chăm, khi gặp chuyện khó khăn trong làm ăn, con cái bệnh đau hay gặp chuyện không may, họ thường cầu nguyện thần linh Champa và tự lên Tháp cúng kính theo lời cầu nguyện. Nhưng nay, người Chăm không được vào tháp cúng kính theo tín ngưỡng tâm linh mà buộc phải mua vé du lịch để vào và thường chỉ được khấn lạy. Vì xung quanh Tháp thường có bảo vệ theo dõi các hoạt động trong đền Tháp và họ cảm thấy rất khó chịu khi có người lạ xuất hiện theo dõi trong các buổi cúng kính. Từ đó có rất ít người Chăm đến cúng Tháp và thực hiện nghi lễ theo tín ngưỡng của mình.

Về kinh tế:

Tất cả “đất ruộng của Tháp” đã bị Nhà nước tịch thu sau năm 1975 nên Tháp không có nguồn thu nào để lo chuyện thờ cúng theo nghi lễ hàng năm. 

Mỗi mùa lễ cúng, một vài chức sắc phải đứng ra quyên góp từ người dân. Nhưng người dân Chăm nay rất nghèo vì ruộng đất của họ đã bị Nhà nước thu hồi. Do đó việc quyên góp cúng Tháp cũng rất khó khăn. 

Người Chăm bức xúc cho rằng đất đai của dân Nhà nước đã thu hồi; “đất ruộng của Tháp” Nhà nước cũng tịch thu, do đó một lượng lớn đất đai, canh tác mà tổ tiên họ đã dành riêng để phục vụ cho cúng Tháp nay đã không còn sở hữu của người Chăm.

Một số nơi du lịch có đầu tư kinh phí cho một số hoạt động trên Tháp như múa Chăm, đánh trống Paranưng… Nhưng tất cả các hoạt động mang tính “văn nghệ” này chỉ nhằm thu hút khách du lịch chứ không phải hoạt động tâm linh tín ngưỡng thật của người Chăm. Nhiều người than phiền rằng đây là những hoạt động “lừa dối thần linh Champa” vì không đúng với nghi lễ thật của họ.

Các khu du lịch thường đi kèm với các khu triển lãm sản phẩm Chăm, khu bán quà lưu niệm xung quanh tháp,… thì hầu như do công ty du lịch quản lý. Chỉ có một vài người Chăm được thuê làm để giới thiệu sản phẩm nhưng không đáng kể. 

Tóm lại: 

Sau năm 1975, nhà nước chưa có một chính sách ưu tiên nào để đền bù việc “Lấy Tháp cho du lịch” và thu hồi “Đất ruộng của Tháp” mà tổ tiên người Chăm đã để lại cho con cháu dành riêng cho việc thờ phụng Tháp.

Các công ty khai thác du lịch trên Tháp Chăm chưa quan tâm đến việc tạo điều kiện cho người Chăm vừa tham gia gìn giữ và thờ tự Tháp theo đúng nghi lễ vừa phát triển kinh tế bằng du lịch.

Có thể thấy một không khí xã hội rất phẫn uất trong cộng đồng Chăm khi đời sống tâm linh tín ngưỡng bị chà đạp và cả tài sản riêng về đất đai của Tháp mà người Việt hay gọi “ Đất từ đường” đã bị cướp sạch.

24/2/2014



__________________________________

Thông tin chủ đề cho các bài viết sắp tới:

1. Nghi lễ gìn giữ Sắc phục Thần linh Champa của người Churu, Raglay không còn do hậu duệ nghèo túng.
2. Tình huynh đệ Chăm - Churu không còn khắng khít do nghèo túng.
3. Tục mẫu hệ người Chăm bị lung lay khi ruộng đất người Chăm không còn.
4. Ai đã bức tử chữ viết Chăm truyền thống (Akhar Thrah Chăm)?



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo