Phạm Trần (Danlambao) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) của Nhà nước Cộng sản Việt Nam đã công khai xác nhận Quốc hội không phải là cơ quan đại biểu của dân mà thật sự là “bù nhìn”, “công cụ” và “tay sai” của đảng.
Việc làm này nằm trong quyết định ngày 21/02/2014 của các ủy viên trong UBTVQH khi họ đồng ý tạm “dừng việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đầu năm 2014 đối với người giữ chức vụ do Quốc Hội, Hội Đồng Nhân Dân bầu hoặc phê chuẩn” để chờ quyết định của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên Bộ Chính trị 16 người chỉ có quyêt định sau Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương 9 sẽ diễn ra trước Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội vào hạ cuối tháng 05/2014.
Trước khi trả lời câu hỏi “tại sao phải đợi ý kiến của Bộ Chính trị” thì cũng cần biết UBTVQH đã quyết định “tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm” , sau khi đã “nghiên cứu và thấm nhuần” chỉ thị của nhóm 16 người Bộ Chính trị ghi trong “Thông báo số 149-TB/TW ngày 20/12/2013 về đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện Quy định số 165-QĐ/TW ngày 18/2/2013 của Bộ Chính trị về lấy phiếu tín nhiệm”.
Tòan văn Thông báo không phổ biến công khai, nhưng Trưởng ban công tác của Quốc hội Đại biểu Nguyễn Thị Nương cho biết: “Tại khoản 3 của thông báo này (thông báo 149), Bộ Chính trị cho biết sẽ căn cứ ý kiến của Hội nghị Trung ương 9 khóa 11 về việc lấy phiếu để sửa đổi, bổ sung quy định số 165 ngày 18/2/2013 của Bộ Chính trị về lấy phiếu tín nhiệm, tiến hành tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh theo quy định của Bộ Chính trị, ban Bí thư tại HN TW 10 khóa 11 QH, tiến hành sửa đổi Nghị quyết 35 ngày 21/11/2012 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.”(báo VietNamNet, 21/02/2014)
Như vậy, có thể hiểu rằng việc “tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm” trong Đảng, từ Tổng Bí thư xuống, chưa hề làm như lời hứa của Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 6/2013, sẽ được thực hiện tại Hội nghị Trung ương 10 nhưng chưa biết ngày nào.
Cũng tương tự như thế đối với “người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn” hy vọng sẽ “tái diễn” sau khi Quốc hội thông qua những điều sửa đổi trong Nghị quyết 35 ngày 21/11/2012.
CHUYỆN CỦA NĂM 2013
Thi hành Quy định số 165-QĐ/TW ngày 18/2/2013 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 35 của Quốc hội, ngày 10/06/2013 lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, kỳ họp 5 của Khóa Quốc hội CSVN thứ 13 đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh lãnh đạo cao cấp trong bộ máy Nhà nước, cả Hành pháp lẫn Lập pháp.
Nhưng kết qủa “hòa cả làng” công bố ngày 11/06/2013 đã giúp cho mọi đối tượng thở phào nhẹ nhõm với việc làm phô diễn này. Không có ai trong 47 chức danh phải qua vòng 2 để đối diện với cuộc “bỏ phiếu tín nhiệm” (hay bất tín nhiệm). Người có số phiếu “tín nhiệm thấp” cao nhất là Thống đốc Ngân hành Nhà nước Nguyễn Văn Bình, với số phiếu 209 vẫn chưa đủ “quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội”, hay ít nhất là 250 trong tổng số 498 Đại biểu còn sống hiện diện.
Với 3 mức độ lấy phiếu “ai cũng có lợi” như “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp” không thực tế và đầy kịch tính này thì cho dù nột người có số phiếu “tín nhiệm cao” thấp nhất trong số 47 chức danh như ông Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, tuy chỉ được 83 phiếu, nhưng ông Quang vẫn đứng vững vì ông chỉ có 94 phiếu “tín nhiệm thấp”, thay vì phải qúa bán tổng số Đại biểu Quốc hội !
Phương pháp tổ chức tiếp nhận giải trình của 47 người trước khi Quốc hội bỏ phiếu cũng luộm thuộm, hình thức vì không có các cuộc chất vấn mỗi cá nhân. Đại biểu Quốc hội chỉ biết căn cứ vào các bản tự khai thành tích dài lê thê của người phải lấy phiếu, có người khai tới 30 trang với muôn vàn chi tiết mà các Đại biểu Quốc hội không có khả năng điều tra hư, thật, đúng, sai.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, người thoát bị kỷ luật tại Hội nghị Trung ương đảng kỳ 6, dù đã bị Bộ Chính trị đề nghị, cũng được tới 210 phiếu “tín nhiệm cao”, 122 phiếu “tín nhiệm”, nhưng lại có tới 160 phiếu “tín nhiệm thấp” cao nhất trong số 9 Ủy viên Bộ Chính trị có chức danh bị Quốc hội “soi xét” hôm 10/06 (2013).
Tuy nhiên không ai trong Quốc hội, kể cả Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng và báo chí của đảng “dám” bình luận về số phiếu “tín nhiệm thấp” mà Quốc hội đã tròng vào cổ ông Dũng vì nó không đủ để đẩy ông qua vòng 2 cho Quốc hội bỏ phiếu “bất tín nhiệm”.
Số phiếu “tín nhiệm thấp” của tám người còn lại của Bộ Chính trị là : Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (28 phiếu); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (25 phiếu); Phó Chú tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (14 phiếu); Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng (24 phiếu); Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh (13 phiếu); Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang (14 phiếu); Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (35 phiếu); Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (65 phiếu).
CỨU NGƯỜI HAY CỨU ĐẢNG?
Trước màn kịch “lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm” được diễn tại “sân khấu” Quốc hội thì ai cũng biết nó sẽ chẳng làm “chết thằng Tây nào”, bởi vì Nghị quyết 35 của Quốc hội đã nói rõ tính không kiên quyết và nặng hình thức của việc lấy phiếu tín nhiệm: “Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ.”
Ngay cả Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng nói trong Diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 4 về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay (31/12/2011) thì mục đích của Nghị quyết 4 là để “nhận ra khuyết điểm để sửa chữa, coi trọng sự giáo dục, sự giúp đỡ chân thành của đồng chí, đồng nghiệp, học tập lẫn nhau, "trị bệnh cứu người" !
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nói thêm, theo kiểu “dĩ hòa vi qúy” sau cuộc bỏ phiếu 2013 : “Phiếu tín nhiệm cao của Quốc hội vừa là sự động viên khích lệ đối với cá nhân người trong diện được lấy phiếu, vừa là sự đánh giá kết quả điều hành phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đạt được thời gian qua. Còn phiếu tín nhiệm thấp là sự nhắc nhở nghiêm túc đối với người được lấy phiếu để có thể hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao” (Thời báo Kinh tế Việt Nam, 12/06-013).
Nhưng sau khi kết qủa bỏ phiếu được công bố ngày 11/06/2013 thì dư luận bắt đầu “chán ngắt” cách làm ba phải của Quốc hội. Nhiều thắc mắc đã nêu: Tại sao Quốc hội không quyết định chỉ bỏ phiếu qua 2 cấp : “Tín nhiệm” và “bất tín nhiệm” và chỉ làm việc này với Cơ quan Hành Pháp là Chính phủ như các nước dân chủ trên Thế giới đang làm.
Việc bỏ phiếu một số chức danh bên Lập pháp (Quốc hội) gồm “Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội” là không thực tế vì những chức danh này ít va chạm với dân trong những việc quan hệ đến đời sống hàng ngày của họ. Hơn nữa để Quốc hội bỏ phiếu cho người của mình thì có khác nào “vừa đá bóng vừa thổi còi” nên số phiếu tín nhiệm bên Quốc hội đã cao hơn bên người của Hành pháp trong cuộc bỏ phiếu ngày 10/06/2013.
CHUYỆN 2014 - CÓ VI HIẾN KHÔNG?
Vì những chuyện “tréo cẳng ngỗng” và “đầu Ngô, mình Sở” của việc lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm đã diễn ra trong năm 2013 mà đảng kỳ vọng diễn ra mỗi năm để kiện tòan hàng ngũ cầm quyền, Bộ Chính trị 16 người đã quyết định phải “làm lại” để cứu đảng đang ở vào thời kỳ tín nhiệm xuống thấp nhất.
Ông Nguyễn Khắc Mai, Nhà nghiên cứu Văn hoá ở Việt Nam viết: “Ở VN nếu gạt Đảng ra ngoài mọi cuộc lấy phiếu tín nhiệm đều vô nghĩa. Hiện nay sự tín nhiệm đối với Đảng và ban lãnh đạo của Đảng đã xuống đến mức thấp nhất chưa từng có. Những dư luận, những lời đồn xấu không ai có thể cải chính nổi. Đảng đang thả nổi tín nhiệm của mình trước nhân dân và Dân tộc.” (Theo báo điện tử Quê Choa của Nhà văn Nguyễn Quang Lập, 24/02/2014)
Phải chăng đó cũng là mục đích của báo ViệtNamNet (21/02/2014) khi phản ảnh lý do tại sao phải sửa Nghị quyết 35 của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết sau khi triển khai lấy phiếu tín nhiệm đã có những ý kiến về thời gian lấy phiếu, các mức độ tín nhiệm, hình thức thực hiện, … Nghị quyết 35 còn những ý kiến khác nhau nên UBTVQH thấy rằng cần phải bổ sung sửa đổi 1 số điều trong Nghị quyết này cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Sửa những nội dung nào, lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hay trong cả nhiệm kỳ, lấy phiếu 3 bước hay 2 bước? Có chuyển sang bỏ phiếu không, nếu bỏ phiếu thì 2/3 hay quá bán? …là những vấn đề sẽ được trao đổi.”
Liệu những điều được gọi là “sẽ được trao đổi ấy” giữa các Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp 7 vào cuối tháng 5/2014 có dám vượt ra khỏi vòng vây của Bộ Chính trị 16 người, kể cả ông Nguyễn Sinh Hùng ?
Thắc mắc cũng không hiểu ông Hùng có biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng lõa vi phạm Hiến pháp 2013 với Bộ Chính trị khi tự mình từ bỏ thực thi quyền hạn được quy định tại Điều 69 Hiến pháp viết rằng: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước” ?
Một điều rõ ràng là khi Bộ Chính trị 16 người tiếm quyền Lập pháp để chỉ đạo Quốc hội phải chờ quyết định của Bộ Chính trị trước khi sửa Nghị quyết 35 để thi hành việc “lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm” trong tương lai thì Bộ Chính trị đã vi Hiến khi tự cho mình cái quyền “không có” để áp đặt ý muốn của mình lên cơ quan Lập pháp là Quốc hội.
Và như vậy thì rõ ràng Quốc hội không còn là “cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước” nữa.
Hơn nữa Điều Lệ Đảng thông qua ngày 19 tháng 01 năm 2011 không có bất cứ điều nào cho phép đảng “xâm phạm” vào nhiệm vụ của Ban Thường vụ Quốc hội nói riêng và Quốc hội nói chung.
Điều 17 của Điều lệ viết: “Bộ Chính trị lãnh đạo và kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương; quyết định những vấn đề về chủ trương, chính sách, tổ chức, cán bộ; quyết định triệu tập và chuẩn bị nội dung các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương; báo cáo công việc đã làm trước hội nghị Ban Chấp hành Trung ương hoặc theo yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương.”
Vậy phải chăng Bộ Chính trị đã căn cứ vào Điều 4 Hiến pháp cho phép đảng “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” để “cai trị” luôn cả Quốc hội nên “tính đương nhiên” ấy đã công khai đến “lõa lồ” trong quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21/02/2014.
Việc này đã xác nhận thêm lần nữa tại sao trong thời kỳ lấy ý kiến tòan dân cho Dự thảo Hiến pháp sửa đổi 1992 từ tháng 01 đến tháng 10/2013 nhiều Lãnh đạo đảng CSVN, kể cả Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, đã quai mồm ra chống quyết liệt đề nghị cần viết vào Hiến pháp tam quyền: “Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp” phân lập thì quyền làm chủ đất nước và quyền tự do của dân mới được bảo đảm.
Thay vào đó, Ban sọan thảo đã viết rất mơ hồ với cụm từ “thống nhất” để bảo đảm vai trò lãnh đạo tuyệt đối và tòan diện của đảng như quy định trong Khỏan 3, Điều 2 của Hiến pháp: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”
Như vậy đến Quốc hội (lập pháp) và Tư pháp (tòa án) mà cũng chỉ được “phân công” đưới mái dù chỉ huy của đảng thì làm sao dân tin được lời tuyên truyền “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền”?
02/014