24 giờ tuyệt thực - Dân Làm Báo

24 giờ tuyệt thực

Paulo Thành Nguyễn - Như một cách lách áp lực Quốc Tế về tình trạng vi phạm Nhân Quyền, chính phủ Việt Nam thường bắt giam những người bất đồng chính kiến, những dân oan mất đất, những tín đồ tôn giáo không quy phục chính phủ với cái cớ là “Gây rối trật tự xã hội”. Nhìn bên ngoài, những người bị bắt vì tội gây rối có vẻ trùng khớp với cá tính và hình ảnh phía an ninh thu thập được. Họ thường là những người nóng tính, lớn tiếng, hay chửi công an hay thậm chí là “đả đảo cộng sản” có vẻ rất cực đoan. Nhưng mấy ai biết đằng sau ống kính an ninh cố tình chỉa vào họ là hình ảnh họ thường xuyên bị đàn áp, khiêu khích và đánh đập? Chỉ có Chúa, lực lượng an ninh và bản thân họ biết.

Tôi thường nói đùa là “không có ai hiểu tôi ngoài an ninh”, thực sự là vậy, với một hệ thống an ninh đồ sộ như là xương sống để bảo vệ chế độ, lực lượng này được trang bị mọi phương tiện tối tân nhất để theo dõi và hiểu rõ từng đối tượng trái với quan điểm chính phủ. Họ hiểu rất rõ cá tính từng người rồi từ đó lên chiến thuật chia rẽ, khiêu khích và đến thời cơ thuận lợi họ sẽ bắt giam mà nhìn bên ngoài chúng ta dễ lầm tưởng là một sự kiện nhất thời. Một cách nào đó, những người bất đồng chính kiến như những con mồi có thể bị vồ bất cứ lúc nào theo chiến thuật gây sợ hãi để cai trị, theo chỉ tiêu số lượng vụ án mỗi năm để giải ngân, khoảng chi phí khổng lồ dành cho “an ninh Quốc gia”.

Gần một năm được tự do sau sáu tháng giam cầm ở trại Thanh Hà, cô Bùi Hằng lại bị bắt vì tội “gây rối” tương tự như lần trước. Tôi không bất ngờ về việc này, vì trước đó tôi thường góp ý cô phải cố gắng thả lỏng, mềm mỏng chứ không sẽ dính bẫy một lần nữa, nhưng cá tính cô quá mạnh nên sau vài lần góp ý thì tôi cũng im lặng và ít liên lạc với cô, đơn giản vì tôi không ủng hộ cách đấu tranh này. Tôi không hề chỉ trích hay tôn vinh cô là “anh thư”; là “người phụ nữ của năm”; là “nhà dân chủ” như phần đông những người thích dán những cái nhãn hiệu, những nhu cầu tự do của bản thân vào hình ảnh của cô. Với tôi, cô như một người thân, cô chỉ là một nạn nhân như bao nạn nhân trong xã hội, bị cướp đất, bị giam cầm bất công, nhưng bởi cá tính mạnh mẽ, cô đã không cam chịu như bao người mà dấn thân đấu tranh cho sự tự do, cho những Quyền con người mà cô bị tước đoạt. Cô chỉ sống theo lương tâm và cá tính của mình. Nhưng có lẽ, cái không gian tự do ở đất nước này quá ngột ngạt, đến nỗi ngay trong giới bất đồng, giới cấp tiến khó chấp nhận những người khác cá tính và quan điểm của nhau, chúng ta dễ dàng biến họ thành đối lập và thậm chí là kẻ thù như quan điểm của chính phủ.

Đã 23 ngày trôi qua kể từ khi cô bị bắt, cô vẫn tuyệt thực trong khi chính phủ đang gấp rút dàn dựng để hợp pháp hóa tội danh “gây rối” cho cô. Tôi không lạc quan để tin rằng cô sẽ được tự do trong thời gian ngắn bởi tôi không tin việc bắt giam cô chỉ là tình cờ vì... xuống Đồng Tháp “gây rối”! Điều tôi thực sự lo lắng hiện nay là tình trạng sức khỏe của cô và hai người bị bắt chung nhằm ghép tội nặng là “gây rối có tổ chức”, trong hoàn cảnh cô lập mọi liên lạc, tiếp xúc với người thân, con cháu bên ngoài.

Hôm nay lễ Tro của người Công Giáo, khi sám hối và chay tịnh để hướng về Thiên Chúa tôi chợt nghĩ đến hình ảnh tuyệt thực của cô Bùi Hằng trong chốn lao tù, tôi cảm nhận tinh thần cô đang xuống cùng với sức khỏe của mình. Tôi đã thấy những cây xanh chết héo vì thiếu ánh mặt trời, những con chim ủ rũ khi bị nhốt trong lồng và tôi cảm thấy xót xa cho những con người đang mất tự do trong chốn lao tù như cô Bùi Hằng, và hàng ngàn người tù nhân lương tâm khác...

Khi con người dùng cả sinh mạng mình để phản đối sự bất công bằng cách tuyệt thực chính là lúc mọi ánh sáng của tự do, của công bằng, của hy vọng đã bị che khuất hoàn toàn bởi bóng tối của sự dữ. Trong khả năng yếu ớt của mình, tôi chỉ có thể tuyệt thực trong 24 giờ như một tâm tình và ý nguyện của tôi gửi đến cô cùng những tù nhân khác qua một trung gian, mà trong Đức tin tôi tin chắc Thiên Chúa sẽ nhận lời.

Tôi hy vọng những người đang nhớ, đang mong cô Bùi Hằng cũng hãy làm gì đó, hãy hành động trong giới hạn của mình, có thể là cầu nguyện, có thể là tuyệt thực đồng hành thời gian ngắn hoặc đơn giản chỉ gửi thư yêu cầu cho con cháu thăm gắp đến nơi giam giữ cô, đến tòa án, đến Quốc hội... Hãy để dành sự tiếc thương, khóc than cho đến khi mọi suy nghĩ về hành động đã bất lực.

Sài Gòn, 05.3.2014




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo