Ai sẽ làm Tổng Bí thư năm 2016? - Dân Làm Báo

Ai sẽ làm Tổng Bí thư năm 2016?

Hùng Vương - “Bởi vì sự thật bây giờ, cho dân ta thấy chỉ có những kẻ có chức quyền mới được hưởng cái gọi là “thành quả của Cách mạng”. Còn dân đen vẫn hoàn là dân đen. Mọi tiếng nói yêu cầu tự do, dân chủ đều bị đàn áp thẳng tay. Khi sự đàn áp tàn bạo dâng cao, thì có nghĩa là “ngày tàn bạo chúa” đang đến gần. Không. Dân ta không còn bị lừa nữa rồi. Trọng cũng rứa, mà Rứa cũng rứa thôi!”

*

Dạo này đang có nhiều lời đồn đại, rằng có khả năng đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, sẽ làm Tổng Bí thư vào năm 2016.

Ta thử phân tích khả năng này xem sao.

Hiện nay Bộ Chính trị của ‘đảng ta’ có 16 người, người nhiều tuổi nhất là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sinh năm 1944, quê Đông Anh, Hà Nội.

Năm 2016, đồng chí Phú Trọng sẽ 72 tuổi, chắc chắn sẽ phải nghỉ.

Người nhiều tuổi thứ hai trong Bộ Chính trị là đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (1), quê Nam Đàn, Nghệ An, nghe nói là cháu họ bác Hồ (Nguyễn Sinh Coong), sinh năm 1946. Đồng chí Sinh Hùng chắc chắn cũng sẽ nghỉ vào năm 2016, cho dù nghe nói là cháu họ bác Hồ, vì khi đó, đồng chí vừa tròn 70 tuổi, cũng thuộc loại “xưa nay hiếm”- lời cụ Hồ.

Nhiều tuổi thứ ba trong Bộ Chính trị có 2 người, là đồng chí Ngô Văn Dụ, sinh năm 1947, quê Vĩnh Phúc, hiện đang là Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương. Và đồng chí Tô Huy Rứa, sinh năm 1947, quê Thanh Hóa, đồng hương với đồng chí cựu Tổng Bí thư “mênh mông tiền dân” Lê Khả Phiêu.

Nhiều tuổi thứ 4 trong Bộ Chính trị, có 5 người, cùng sinh năm 1949, là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thường trực ban Bí thư – cựu Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Lê Hồng Anh, Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, và Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị, đồng hương Thanh Hóa với đồng chí Huy Rứa, và đồng chí Lê Khả Phiêu.

Như vậy, những vị cao lão trong Bộ Chính trị nói trên tất cả là 9 vị, còn lại 7 người thuộc loại trẻ trong Bộ Chính trị, trong đó có 2 phụ nữ.

7 vị trẻ đó là: Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang - Đại tướng, sinh năm 1956; Lê Thanh Hải - Bí thư Sài Gòn, sinh năm 1950; Đinh Thế Huynh - Trưởng ban Tuyên giáo, sinh năm 1953; Nguyễn Xuân Phúc - Phó Thủ tướng, sinh năm 1954; Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Mặt trận, sinh năm 1953; Tòng Thị Phóng - Phó Chủ tịch Quốc hội, sinh năm 1954; Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó Chủ tịch Quốc hội, sinh năm 1954.

“Đảng ta” có những cách bố trí cán bộ rất kỳ quặc, không giống ai. Ví dụ, Phó Chủ tịch Quốc hội thì vào Bộ Chính trị được, nhưng Phó Chủ tịch nước thì chưa ai vào Bộ Chính trị được. Mà bây giờ có tới 2 Phó Chủ tịch Quốc hội cùng vào Bộ Chính trị, còn Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thì không được vào.

“Đảng ta” coi thường cái chức vụ Phó Chủ tịch nước quá.

Theo lẽ thông thường của “đảng ta”, thì tới Đại hội đảng, khoảng một nửa Ủy viên Bộ Chính trị sẽ nghỉ, để đưa người mới và trẻ vào.

Lẽ thông thường thứ hai của “đảng ta”, Tổng Bí thư phải là người đã là Ủy viên Bộ Chính trị ít nhất một khóa rồi, không có ai vừa vào Bộ Chính trị mà làm ngay Tổng Bí thư được.

Thế tức là Tổng Bí thư phải là một trong 16 vị Ủy viên Bộ Chính trị hiện nay.

Câu hỏi đặt ra là: Tổng Bí thư có thể là một trong 9 vị Ủy viên già, hay là một trong 7 vị Ủy viên trẻ?

Bí thư Sài Gòn thì chưa bao giờ được làm Tổng Bí thư, trừ Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Bí thư Sài Gòn thời 1976, 1977. Nhưng, đồng chí Linh thực ra là người làng Tương Bần, Yên Nhân, Hưng Yên, sát nách Hà Nội.

Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Mặt trận, và Trưởng ban Tuyên Huấn cũng chưa bao giờ được làm Tổng Bí thư.

Đại tướng Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang có thể làm Tổng Bí thư được không? Nước ta chưa có tiền lệ như nước Nga, là Bộ trưởng Bộ Công an - trùm an ninh làm Tổng Bí thư (2).

Nhưng gần đây, có khá nhiều vị công an được chuyển ngành, sang làm dân sự, làm Bí thư Tỉnh ủy, như Trung tướng Công an Phạm Minh Chính đang làm Bí thư Quảng Ninh. Ông Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao Nguyễn Hòa Bình, cũng nguyên là Thiếu tướng Công an, về quê Quảng Ngãi, làm Bí thư Quảng Ngãi, rồi quay lại nắm ngành Kiểm sát. Hay ông Trương Hòa Bình, nguyên Phó Giám đốc Công an Sài Gòn, nay làm Chánh án Tòa án Tối cao.

Chính Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng cũng nguyên là Thứ trưởng Bộ Công an, năm 1996, rồi chuyển sang làm Chính quyền. Và Thường trực Ban Bí thư hiện nay, Lê Hồng Anh, cũng nguyên là Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng.

Có thể nói, chưa có bao giờ ngành công an lại nở rộ, phát đạt, ăn nên làm ra như hiện nay, ở nước ta. Nó tạo ra hình ảnh một nhà nước cảnh sát đầy đủ nhất trong lịch sử hơn 4000 năm của Việt Nam ta.

Với xu hướng cảnh sát hóa bộ máy “đảng và nhà nước ta” hiện nay, thì có khả năng đồng chí Đại tướng Trần Đại Quang cũng có thể nằm trong tầm ngắm của chức Tổng Bí thư vào Đại hội Đảng năm 2016 sắp tới.

Như vậy trong 7 vị Ủy viên Bộ Chính trị trẻ, thì chỉ có duy nhất Đại tướng Trần Đại Quang có khả năng nhiều nhất có thể trở thành Tổng Bí thư sắp tới (3).

Trong 9 vị Ủy viên già, thì 3 người chắc chắn sẽ nghỉ, là Tổng Bí thư Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Sinh Hùng, và Trưởng ban Kiểm tra Văn Dụ.

Trong 16 vị Ủy viên Bộ Chính trị, sẽ có khoảng một nửa nghỉ, tức là khoảng 8 người, hoặc ít nhất, cũng phải có khoảng 6 người phải nghỉ.

3 người nói trên nghỉ rồi, thì ít nhất 3 người nữa, sẽ là ai phải thôi Ủy viên Bộ Chính trị?

Người thứ 4 sẽ phải ra khỏi Bộ Chính trị sẽ là đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, vì Chủ tịch Mặt trận thì chưa bao giờ vào Bộ Chính trị cả.

2 người nữa phải ra khỏi Bộ Chính trị sẽ là ai?

Có thể trong số 7 vị trẻ kia không? Hay là trong số 5 vị sinh năm 1949?

Có thể nói, bài toán nhân sự sắp tới cho Bộ Chính trị của “đảng ta” là rất đau đầu.

Về đồng chí Tô Huy Rứa, thì như thế nào?

Lúc đầu, có tin đồn là đồng chí Tổng Bí thư Phú Trọng muốn giới thiệu đồng chí Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị vào chức Tổng Bí thư sắp tới. Đồng chí Quang Nghị sinh năm 1949, trẻ hơn đồng chí Huy Rứa 2 tuổi.

Bí thư Hà Nội lên làm Tổng Bí thư thì không có gì là lạ cả, vì đồng chí Phú Trọng cũng nguyên là Bí thư Hà Nội, lên làm Tổng Bí thư.

Nhưng Trưởng Ban Tổ chức Trung ương lên làm Tổng Bí thư thì cũng chưa hề có trong tiền lệ của “đảng ta”.

Nhưng thật ra, khi đồng chí Hồ Đức Việt làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, người tiền nhiệm của đồng chí Huy Rứa, năm 2011, Đại hội Đảng 11, đã có nhiều lời đồn đại có khả năng đồng chí Đức Việt sẽ làm Tổng Bí thư, thay đồng chí Nông Đức Mạnh. Thế nhưng rồi nghe nói có sự mâu thuẫn giữa đồng chí Tổng Bí thư Mạnh, và đồng chí Đức Việt, (nghe nói đồng chí Đức Việt không muốn để đồng chí Nông Quốc Tuấn, con trai đồng chí Mạnh, về làm Bí thư Bắc Giang, vì lộ liễu việc “cha truyền-con nối”quá), nên đồng chí Đức Mạnh tức giận, cho đồng chí Việt nghỉ luôn cả chức Tổng Bí thư lẫn Bộ Chính trị.

Bị nghỉ tuốt tuồn tuột như thế, nên đồng chí Đức Việt có lẽ uất ức quá, sinh bệnh, chết rất nhanh sau khi bị nghỉ hưu hơn một năm (đồng chí Đức Việt sinh năm 1947, đã về với Mác-Lênin năm 2013, khi mới 64 tuổi). Còn đồng chí Nông Đức Mạnh, sinh năm 1940, thì ngược lại, sau khi nghỉ hưu thì vợ già chết nhưng - ơn bác, ơn đảng - lại vui khỏe hẳn ra: cưới cô vợ mới sồn sồn-khỏe-xinh-đại biểu Quốc hội-Giám đốc công ty-rất giàu có, Đỗ Thị Huyền Tâm.

Thế cho nên, nghe nói đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa cũng có khả năng trong dự kiến làm Tổng Bí thư sắp tới, thì có lẽ cũng không lạ lắm.

Vì sao đang có dự kiến đồng chí Phạm Quang Nghị sẽ làm Tổng Bí thư, mà nay lại có dự kiến khác, là đồng chí Tô Huy Rứa?
Đồng chí Tô Huy Rứa: Tổng Bí thư năm 2016? 

Nếu như lời đồn đoán này là có thật, thì có thể hiểu cách tính toán của đồng chí Tổng Bí thư Phú Trọng là như sau:

Đồng chí Phú Trọng và Tấn Sang đã 2 lần định lật đổ đồng chí Thủ tướng Tấn Dũng, mà không lật đổ được (dùng Hội nghị Trung ương 6, tháng10 năm 2012; và dùng Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm, tháng 6 năm 2013). Bây giờ, nếu đồng chí Tổng Bí thư Phú Trọng giới thiệu người thay mình sẽ là đồng chí Phạm Quang Nghị, thì có khả năng đồng chí Tấn Dũng cũng tham gia làm ứng cử viên chức Tổng Bí thư, vì đồng chí Tấn Dũng bằng tuổi đồng chí Quang Nghị.

Chẳng có lý do gì mà đồng chí Quang Nghị sinh năm 1949, làm ứng cử viên chức Tổng Bí thư được, mà đồng chí Tấn Dũng cũng sinh năm 1949 lại không ứng cử viên chức Tổng Bí thư được.

Có lẽ trước nguy cơ đó, nên đồng chí Phú Trọng tính đến phương án đồng chí Huy Rứa, để ngăn chặn khả năng đồng chí Tấn Dũng.

Nguyên nhân thứ hai nữa, là nếu đồng chí Quang Nghị làm ứng cử viên cho chức Tổng Bí thư, thì có tới 5 vị sinh năm 1949, và đều có khả năng ứng cử chức Tổng Bí thư được.

Thế thì phức tạp quá.

Và trong số 5 vị sinh năm 1949, có lẽ sẽ có vị phải nghỉ. Vậy ai nghỉ? Ai không nghỉ?

Phức tạp quá.

Tổng Bí thư chắc chắn phải nằm trong 1 trong 9 vị già kia, không thể nằm trong 7 vị trẻ, trừ khả năng đồng chí Đại tướng Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang.

Có thể nói, từ ngày thành lập đảng Cộng sản Việt Nam năm1930 đến nay, chưa có bao giờ “đảng ta” bị đứng trước khả năng lựa chọn cán bộ bị dàn trải, phân tán như hiện nay.

Điều đó cũng dễ hiểu, vì “đảng ta” đang đứng ở buổi xế chiều.

Xã hội Việt Nam ta đã tiến hóa theo tuần tự “thịnh-suy, suy-thịnh”.

Giai đoạn “thịnh” của “đảng ta” đã bắt đầu hết, đang bắt đầu đến giai đoạn “suy”, để từ đó có sự thay đổi lớn, một “triều đại mới, chính thể mới” sẽ bắt đầu.

Nếu ai không nắm bắt được sự tiến hóa đó của lịch sử, sẽ bị bánh xe lịch sử nghiền nát, vứt vào sọt rác của lịch sử.

Cho dù đồng chí Phú Trọng có đau đầu, nghiền ngẫm bài toán nhân sự sắp tới của đảng Cộng sản Việt Nam, để mong đảng của đồng chí ấy vẫn đứng vững với lập trường Mác-Lênin, thì đồng chí ấy cũng không thể làm đảo ngược được bánh xe của lịch sử.

Nếu như đồng chí Phú Trọng đã 2 lần thất bại trong việc đánh đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, thì chắc gì tới Đại hội Đảng 12 sắp tới, Đại hội Đảng, hoặc Hội nghị Trung ương sẽ chấp nhận sự giới thiệu của đồng chí Phú Trọng.

Chúng ta còn nhớ rằng ngày 21 tháng 12 năm 1989, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Rumania Ceausescu còn đứng trên Quảng trường Cách Mạng “Revolution Square”, để nói về các thành quả của Chủ nghĩa xã hội, và lên án các “phần tử cực đoan”, “diễn biến hòa bình”, lên án “những kẻ nổi loạn ở Timisoara là những con cá sấu phát-xít muốn phá Chủ nghĩa xã hội”.

Ngày 21 tháng 12 năm 1989 đó, ông Tổng Bí thư Ceausescu còn nắm quyền lực tuyệt đối, ra lệnh cho cảnh sát, quân đội đàn áp thẳng tay những người nổi loạn, giết chết hơn 1000 người trong khắp cả nước Rumania.

Thế nhưng ngày hôm sau, 22 tháng 12 năm 1989, hai vợ chồng ông ấy đã phải lên máy bay chạy trốn, và bị bắt, và ngày 25 tháng 12 năm 1989, cả hai vợ chồng ông Tổng Bí thư Ceausescu bị nhân dân Rumania thi hành án tử hình (4).

Và câu chuyện mới nhất đây, là ở nước cựu Xã hội Chủ nghĩa Ukraine. Ngày 16 tháng 1 năm 2014, Quốc hội Ukraine thông qua đạo luật “Anti-Protest Law”- Luật Chống Phản đối”- để ông Tổng thống độc tài Yanukovych có vũ khí pháp luật đàn áp người biểu tình. Kết quả của các vụ đàn áp của ông Tổng thống Yanukovych là có 98 người biểu tình bị cảnh sát, quân đội Ukraine giết chết. Dường như quyền lực của ông Yanukovych là tuyệt đối.

Nhưng ngày 22 tháng 2 năm 2014, chưa đầy một tháng sau khi ban hành đạo luật chống nhân dân đó, ông Yanukovych bị Quốc hội phế truất chức vụ Tổng thống, và đang chạy trốn dưới sự bảo vệ của ông Tổng thống Nga Putin, bỏ lại dinh thự rộng mênh mông bát ngát, xa hoa lộng lẫy hơn thời vua chúa ngày xưa (5).

Cho dù ông Tổng thống Putin có đưa quân đội vào Crimea, thì cũng chỉ thêm một bằng chứng về một người khi đang trên đỉnh cao quyền lực, thường không nhìn thấy bánh xe lịch sử quay như thế nào. Cả ông Putin, lẫn ông Yanukovych rồi sẽ bị bánh xe lịch sử nghiền nát. Cả hai ông đó, chắc chắn sẽ phải ra Tòa án, để trả lời cho các hành vi phạm tội, chống lại loài người của 2 ông.

Bởi vậy, mọi tính toán về nhân sự của đồng chí Nguyễn Phú Trọng cho Đại hội đảng 12 sắp tới chắc chắn rồi sẽ thất bại.

Một nước Việt Nam mới, hùng mạnh, dân chủ và tự do, xứng đáng với truyền thống văn hiến hơn 4000 năm rồi sẽ xuất hiện, sẽ đạp đổ tất cả những kẻ đạo đức giả, lừa dối.

Bởi vì bây giờ không phải là năm 1930, khi dân Việt Nam ta ngây thơ nghe theo lời lừa phỉnh của đảng “hãy theo sự lãnh đạo của đảng, đảng sẽ mang lại tự do, hạnh phúc, ấm no cho dân Việt Nam ta”.

Bởi vì bây giờ không phải là năm 1945, khi dân ta hoàn toàn tin tưởng nghe theo lời kêu gọi trong Bản Tuyên Ngôn độc lập mà cụ Hồ đọc ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945: “Hỡi quốc dân đồng bào cả nước. Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng…”.

Bởi vì bây giờ không phải là năm 1975, sau khi chiến tranh kết thúc, dân ta lại một lần nữa bị lừa phỉnh, nghe theo tiếng gọi hào hùng của đảng, rằng “Hãy đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của đảng quang vinh, để xây dựng Chủ nghĩa xã hội, chúng ta sẽ được dẫn đến xã hội “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. (6)

Bởi vì sự thật bây giờ cho thấy những điều đảng nói chỉ toàn là bánh vẽ thôi.

Bởi vì sự thật bây giờ, cho dân ta thấy chỉ có những kẻ có chức quyền mới được hưởng cái gọi là “thành quả của Cách mạng”. Còn dân đen vẫn hoàn là dân đen. Mọi tiếng nói yêu cầu tự do, dân chủ đều bị đàn áp thẳng tay.

Khi sự đàn áp tàn bạo dâng cao, thì có nghĩa là “ngày tàn bạo chúa” đang đến gần.

Không. Dân ta không còn bị lừa nữa rồi.

Trọng cũng rứa, mà Rứa cũng rứa thôi (7).

Mọi sự độc tài, đàn áp chỉ là những cái chớp mắt của lịch sử, sẽ không thể kéo dài mãi được.

Chỉ có dân chủ-tự do là vĩnh hằng.

Vấn đề chỉ là thời gian thôi.

Nhà triết học Hy Lạp Sextus Empiricus (160-210 AD) đã nói rất đúng:

“Cối xay của Tạo hóa nghiền rất chậm chạp, nhưng nghiền rất tinh vi / Slowly grinds the mill of the Gods, but it grinds fine”.



___________________________

Chú thích

(1) Đường đường là CTQH, nhưng bác Hùng hói - cháu họ bác Minh râu, lại chân chất phát ngôn thế này: “Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai”!

(2) Yuri Vladimirovich Andropov (1914-1984), trùm KGB, TBT Liên Xô: 12/11/1982-09/02/1984.

(3) Nói tới Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, bạn đọc trong hay ngoài nước đừng quên gu-gồ lời khai trước toà của đồng chí tội phạm Dương Chí Dũng trong vụ án “Ụ nổi hay đống sắt vụn” Vinalines đang được / bị tiếp tục ‘diễn’ tại đây.

(4) Video xử bắn vợ chồng đồng chí TBT Ceausescu.

(5) Video “Cái chòi trông cá” của cựu Tổng thống Ukraine, Viktor Yanukovych.

(6) Từ 1945 đến 2014 này là đúng 69 năm “đảng ta” tự phong làm trùm hướng đạo kéo nhân dân anh hùng VNDCCH và 39 năm toàn nhân dân trên chữ S “thống nhất, độc lập” tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên thiên đường xhcn, ấy thế mà hôm 23-10-2013 TBT Nguyễn Phú Trọng lại chỉnh chu phán cái đùng: “Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng Chủ nghĩa xã hội còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ (21) này không biết đã có Chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa.”

(7) Bàn về việc thay đổi lãnh đạo trong “đảng ta”, mời đọc thêm bài: Bà Tiến hay ông Lùi cũng rứa thôi! (Huy Cường, nhà báo độc lập)


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo