Cái loa Nguyễn Thanh Sơn tuyên truyền ra sao? - Dân Làm Báo

Cái loa Nguyễn Thanh Sơn tuyên truyền ra sao?

Phạm Trần (Danlambao) - Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (UBNVONN) đã chứng minh thêm lần nữa là người có cái lưỡi không thể nói lời chân thật mà chỉ để gây chia rẽ và đào sâu thêm hận thù dân tộc.

Nhà ngọai giao 57 tuổi (sinh ngày 26/12/1957 tại Hà Nội) đã lộ rõ “cái tâm” của mình trong cuộc họp báo ngày 03/04/2014 tại Hà Nội.

Trước hết, ông Sơn báo cáo mục đích chuyến công tác liên ngành từ 09-29/3/2014 đã đi qua các nước Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Canada: “Là dịp tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 36/NQ-TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Nhằm khích lệ tinh thần yêu nước, truyền thống anh dũng bảo vệ Tổ quốc của các thế hệ nhân dân và quân đội Việt Nam, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hướng về đất nước, cùng nhân dân cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc….” (Tạp chí Quê Hương online của UBNVONN, ngày 03/04/2014)

Dịp này ông Sơn cũng nói với báo chí rằng : “Đoàn khoảng 70 kiều bào sẽ về tham dự Giỗ tổ Hùng Vương trong thời gian từ 7/4-14/4/2014 với một số hoạt động chính như Dâng hương đền Hùng (Phú Thọ), thăm nhà Bác Hồ (Nghệ An), Viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thăm động Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình)… Hoạt động này thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam; thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với kiều bào, khẳng định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của dân tộc, là một nguồn lực và cầu nối quốc tế quan trọng của đất nước; thể hiện sự quan tâm sâu sắc của bà con kiều bào với sự phát triển của đất nước….” (Tạp chí Quê Hương online ) 

Tin của Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN ngày 03/04/2014) viết thêm: “Từ 16/4-28/4/2014, Ủy ban phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức đoàn kiều bào ra thăm và tặng quà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại Trường Sa. Hoạt động này góp phần khơi dậy một cách mạnh mẽ tình cảm của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với Tổ quốc nói chung và vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc nói riêng. Trong dịp này, Ủy ban cũng sẽ phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Lễ cầu siêu cho anh linh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ biển đảo quê hương.” 

KIỀU BÀO YÊU NƯỚC - LIỆT SỸ

Nhưng “những người lính tử trận” nào mới được vinh danh “anh hùng liệt sỹ”, theo quan niệm của ông Nguyễn Thanh Sơn? Và con số khoảng 70 “kiều bào” này là ai ? 

Theo TTXVN thì: “Đa số là các doanh nhân đang thực hiện dự án đầu tư ở Việt Nam, đã lớn tuổi, có tư tưởng yêu nước và theo đạo Phật.”

À thì ra vậy! Những “kiều bào yêu nước” này là Hội viên của Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở Nước ngoài (DNVNONN) do đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, cho nên chuyến đi Trường Sa hay các nơi khác trong dịp này cũng chỉ để làm một nhiệm vụ “yêu nước”, theo quan niệm của người Cộng sản mà thôi.

Việc này đã được xác nhận trong bản Điều lệ của Tổ chức như sau:

Điều 2. Tôn chỉ, mục đích

1. Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài là một tổ chức xã hội nghề nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài nhằm huy động năng lực của cá nhân và tập thể doanh nghiệp vì lợi ích của doanh nghiệp, doanh nhân, cộng đồng và của đất nước Việt Nam.

2. Tạo môi trường để hợp tác và trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp, doanh nhân, các hiệp hội trong và ngoài nước, nhờ đó thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học và công nghệ, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

3. Liên kết, phối hợp và hỗ trợ các Hội viên nhằm tạo điều kiện thuận lợi góp phần vào sự ổn định, phát triển và thành đạt của các Hội viên trong các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thương mại và dịch vụ tại Việt Nam và ở nước ngoài.

2. Hiệp hội đặt trụ sở tại Hà Nội, thủ đô của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và có các chi hội, chi nhánh văn phòng đại diện ở trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Nguyên tắc và phạm vi hoạt động

1. Hiệp hội hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ về tài chính, tuân thủ luật pháp Việt Nam và Điều lệ Hiệp hội.

2. Hiệp hội có phạm vi hoạt động trên toàn lãnh thổ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tại các nước có người Việt Nam sinh sống và làm việc. Hoạt động của Hiệp hội chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành khác có liên quan về lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội.

3. Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài là thành viên tập thể của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Ngoài “những người thuộc loại cánh tay nối dài” kinh doanh giúp nhà nước nuôi đảng sống lâu như các Doanh nhân, đòan người Việt từ nước ngòai về nước vào dịp đặc biệt này còn có những ai nữa?

Ông Nguyễn Thanh Sơn tiết lộ thêm với Báo Tuổi Trẻ trong cuộc phỏng vấn ngày 04/04/2014: “Chuyến đi này chúng tôi đã vận động, mời về một số nhà báo, một số người xưa nay vẫn chống đối rất cực đoan. Cách đây hơn một tuần, tôi đã đi công tác nước ngoài và vận động, đưa về một số người cực đoan, chống đối quyết liệt để họ đến với Trường Sa nhằm chứng minh những việc chúng ta đang làm.

Tôi tin rằng những người này về sẽ tiếp tục chứng kiến để khẳng định sự thật, chân lý mà chúng ta đang thực hiện, để bảo vệ từng mét nước, từng hòn đảo. Chuyến đi lần này thêm một lần nữa khẳng định với kiều bào về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, cũng để khẳng định kiều bào là một phần không thể tách rời của cộng đồng dân tộc VN, họ đã và đang đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp bảo vệ biển đảo. Chuyến đi cũng thêm một lần nữa nhắn nhủ với bà con kiều bào rằng chúng ta đang làm tốt nhiệm vụ thay họ giữ gìn chủ quyền của Tổ quốc.”

Những người mà ông Sơn gọi là “nhà báo” hay “xưa nay vẫn chống đối rất cực đoan” không xa lạ với người Việt ở Mỹ. Họ chỉ là những cá nhân muốn “xoay chiều bắt gío” để thử thời vận nhưng không đại diện cho ai và chẳng có chút ảnh hưởng gì trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Những việc làm “hướng về Hà Nội” của họ đã bị nhiều tổ chức và cá nhân lên án.

Còn chuyện ông Sơn nói đảng CSVN đang “bảo vệ từng mét nước, từng hòn đảo” là chuyện trống trơn không thật. Ngay tại Trường Sa, quân lính Trung Cộng đã dựng đồn, đắp lũy trên 8 Bãi đá ngầm, quan trọng nhất là bãi đá chiến lược Gạc Ma, mất vào tay Trung Cộng ngày 14/03/1988.

Trung Cộng cũng đã thiết lập đài khí tượng, đặt đài radar quân sự và dựng cột hải đăng để hướng dân tầu bè của họ đi tuần dương, tập trận của Hạm đội Nam Hải.

Sau Gạc Ma, đến lượt đá Vành Khăn (có tranh chấp với Phi Luật Tân) bị lính Trung Cộng chiếm tháng 02 năm 1995. Quân Việt Nam ở Trường Sa đã không những “co gìo nằm im” nhìn kẻ cướp vào nhà mà còn bất lực không dám đánh đuổi ngư dân Trung Cộng đang quây lưới nuôi hải sản tập thể trên vùng biển Trường Sa.

Lính hải quân Trung Cộng, ngụy trang trên các tàu tuần tra “Hải giám” vẫn tiếp tục xua đuổi, đàn áp ngư dân Việt Nam để bảo vệ hàng trăm thuyền đánh cá Trung Cộng được an tòan và tự do đánh bắt hải sản trong 2 vùng biển Hòang Sa và Trường Sa của Việt Nam. 

Cũng chưa thấy Việt Nam “cựa quậy” gì trước hành động Trung Cộng trắng trợn vi phạm chủ quyền của mình thì lại thấy Hà Nội đã vội vàng “hợp tác cùng khai thác dầu khí” trên vịnh Bắc Bộ với Trung Cộng trong năm nay (2014) và các vùng khác ở Biển Đông trong tương lai, theo lời Thủ tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường, sau chuyến thăm Việt Nam trong hai ngày 13-15/10/2013. 

Tệ hại hơn, nhà nước Việt Nam chỉ dám nói “quân đội nước ngoài” đã tấn công lính Việt Nam và chiếm các bãi đá ở Trường Sa và gọi các tầu Trung Cộng có lính võ trang roi điện và vũ khí là “tầu lạ” khi chúng đàn áp, không chế, đánh đập và cướp tài sản của ngư dân Việt Nam ở Hòang Sa và Trường Sa. 

Nhiều người trong nước đã thắc mắc không hiểu tại sao Ban Tuyên Giáo của đảng CSVN đã nhu nhược đến mức phải ra lệnh cấm báo chí không được viết đích danh “lính Trung Cộng” hay “tầu Trung Cộng”, mặc dù nhiều ngư dân thoát chết đã công khai tố cáo như thế ?

Vì vậy khi nghe ông Sơn “tự biên tự chế” ra câu “chúng ta đang làm tốt nhiệm vụ thay họ (người Việt Nam ở nước ngòai) giữ gìn chủ quyền của Tổ quốc” thì khó ai có thể tin ông đã nói thật với cái lưỡi của mình, ấy là chưa nói đến chuyện đảng CSVN đã không dám kiện Bắc Kinh ra Tòa án Quốc tế như Phi Luật Tân đã làm vì Trung Cộng vẫn chiếm giữ tòan bộ quần đảo Hòang Sa của Việt Nam từ ngày 19 tháng 01 năm 1974 !

CHẾT CHO TỔ QUỐC NÀO ? 

Trong cuộc phỏng vấn của Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thanh Sơn còn để lộ ra một cái đầu có óc không bình thường khi ông nói: “Trong chuyến đi lần này, chúng tôi cũng kế thừa truyền thống đại đoàn kết của các chuyến đi trước là mời đại diện sáu tôn giáo lớn tham dự, sẽ tổ chức các lễ cầu siêu ở đảo Trường Sa Lớn và trên đường đi cho những anh hùng liệt sĩ của Quân đội nhân dân VN đã hi sinh trong quá trình bảo vệ biển đảo. Chúng ta cũng ghi nhận sự hi sinh của những người lính VN cộng hòa trong lực lượng hải quân đã bảo vệ Hoàng Sa năm 1974.”

Tại sao ông Sơn lại “chia ra hai loại lính”, một bên lính của đảng Cộng sản thì được gọi là “anh hùng liệt sĩ”, còn bên Việt Nam Cộng hòa thì chỉ được mang tên “những người lính” khi họ cùng có chung một dòng máu, một tiếng nói và có cùng mầu da lúc hy sinh mạng sống cho lý tưởng duy nhất là bảo vệ Tổ quốc Việt Nam?

Khi được Tuổi Trẻ hỏi: “Việc tổ chức lễ cầu siêu cùng lúc cho các liệt sĩ Quân đội nhân dân VN, quân nhân VN cộng hòa và các thuyền nhân tử nạn có thể tạo ra những tâm tư khác nhau, xin ông giải thích rõ ý tưởng và mong muốn của việc này?"

Ông Sơn đáp: “Tôi cho rằng chúng ta là những người chiến thắng, đã có công thống nhất đất nước sau một thời kỳ dài đấu tranh gian khổ để chống thực dân và đế quốc. Hoàng Sa bị mất trong khi vẫn còn chính quyền VN cộng hòa ở miền Nam. Lịch sử để mất Hoàng Sa chúng ta đã biết quá rõ, đó là thời điểm chúng ta đang phải tập trung lực lượng để thống nhất đất nước, đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi. Chúng ta cũng hiểu sự hi sinh, mất mát to lớn của nhân dân hai miền Nam - Bắc. Chính vì vậy sau khi thống nhất đất nước, hội nhập với thế giới, từng bước nâng cao vị thế trên trường quốc tế thì chúng ta cũng không quên một bộ phận rất nhỏ trong số những người VN đang định cư ở nước ngoài còn mang trong lòng mình sự hận thù. Bằng chính sách đại đoàn kết dân tộc, chúng ta chân thành kêu gọi họ hãy trở về để tận mắt chứng kiến những việc chúng ta đang làm, để xây dựng một nước VN đoàn kết, độc lập, tự do, phát triển. Tuyệt đại đa số kiều bào, 90% trong số 4,5 triệu người đang sống ở nước ngoài, đã trở về đất nước để thăm viếng, đầu tư, góp một nguồn lực to lớn cho việc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Việc chúng tôi tổ chức các lễ cầu siêu cho những người đã ngã xuống, trong đó có những binh sĩ thuộc quân lực VN cộng hòa, họ đã không cầm súng chống lại chúng ta mà đã kiên quyết chiến đấu bảo vệ từng mét nước, từng hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa đến cùng, chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình của nhân dân. Việc làm này thêm một lần nữa khẳng định rằng dân tộc VN là một, chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa và Trường Sa là nhất quán và rõ ràng với các bằng chứng lịch sử và pháp lý không thể chối cãi.”

Có vài vấn đề cần bàn trong câu nói “chói tai, chủ quan và có hậu ý tồi tệ chỉ gây thêm hận thù dân tộc” của Thứ trưởng Cộng sản Nguyễn Thanh Sơn.

Thứ nhất, Hoàng Sa mất vào tay quân xâm lược Trung Cộng khi Quân lực Việt Nam Cộng Hòa thiếu lương thực và vũ khí vì Hoa Kỳ, người bạn đồng minh cật ruột của nhân dân miền Nam, vì quyền lợi của họ đã không giữ lời hứa bảo vệ VNCH như Tổng thống Cộng hòa Richard Nixon đã viết trong thư gửi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trước khi TT Thiệu đồng ý ký Hiệp định Ba Lê 1973.

Thứ hai, cùng vào thời điểm mất Hòang Sa thì quân và dân miền Nam phải đối phó với cuộc chiến xâm lăng, trắng trợn vi phạm hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam 1973 của trên 300.000 quân đội Cộng sản miền Bắc cầm trong tay vũ khí của Liên bang Sô Viết và Trung Cộng khi ông Sơn mới 18 tuổi !

Thứ ba, khi Trung Cộng tấn công Quân VNCH ở Hòang Sa, mặc dù Hạm đội số 7 của Mỹ đang có mặt trong vùng và được yêu cầu, Hoa Kỳ vẫn không tiếp cứu quân VNCH. 

Thứ bốn, khi quân Trung Cộng chiếm Hòang Sa, đảng và nhà nước Cộng sản miền Bắc (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, VNDCCH) đã vì mục đích cần có viện trợ và đường tiếp vận vũ khí của khối Liên Sô qua lãnh thổ Trung Cộng để chiếm miền Nam bằng mọi giá nên VNDCCH không dám lên tiếng “phản đối” Trung Cộng.

Bằng chứng này được Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy, một chuyên gia về Trung Cộng tiết lộ trong cuộc phỏng vấn của báo Tuần Việt Nam vào dịp kỷ niệm 40 năm Trung Cộng chiếm Hòang Sa (19/01/1974) .

Cuộc phỏng vấn được thực hiện sau khi sử gia Nguyễn Đình Đầu (ở Sài Gòn) đưa ra quan điểm của ông về biến cố Hòang Sa thì: “Tình đồng chí giữa những người Cộng sản (Việt Nam và Trung Hoa) lúc đó còn lớn hơn lãnh thổ”.

Cuộc phỏng vấn này được tờ báo đăng trong số ra ngày 06-01-2014: “ Có một câu hỏi mà nhiều người thắc mắc là, hồi Trung Quốc đánh Hoàng Sa đầu năm 1974, tại sao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại không lên tiếng phản đối?

Và, đối với một số người, thậm chí còn đặt vấn đề nặng hơn là Việt Nam lúc đó đã nể, sợ Trung Quốc. Thậm chí không ít người còn chỉ trích Ban Lãnh đạo Việt Nam lúc đó còn đặt tình đồng chí cao hơn lãnh thổ quốc gia?

Tôi xin nói rằng đó chính là câu hỏi mà tôi cũng thắc mắc cách đây 40 năm, khi còn là một tổ trưởng theo dõi quan hệ Việt - Trung. Tất nhiên, tôi phàn nàn với mấy anh bạn đồng nghiệp thôi. Nhưng không hiểu sao, ông Nguyễn Cơ Thạch, lúc đó là Thứ trưởng Ngoại giao, nghe được, và cho gọi tôi lên gặp ông.

Ông Thạch, vốn rất quý tôi vì biết rõ tính ngay thẳng của tôi, đã nói luôn:

"Dy ơi, sao cậu dại thế! Đất nước đã thống nhất chưa? Thống nhất đất nước so với việc Trung Quốc chiếm nửa Hoàng Sa thì cái nào lớn hơn? (chú thích của Phạm Trần: Năm 1956, Hải quân Trung Quốc chiếm đóng nhóm đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa (nhóm An Vĩnh) trong đó có đảo Phú Lâm (Woody Island) và đảo Linh Côn. VNCH làm chủ các đảo phía Tây và Nam)

Cậu có biết rằng viện trợ của Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu dành cho chúng ta chủ yếu đi qua đường nào? Rồi cậu chắc biết hơn những người khác rằng Trung Quốc viện trợ cho chúng ta như thế nào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ...

Thế mà bây giờ, vì cái chuyện Hoàng Sa, mà đằng nào họ cũng chiếm của Việt Nam rồi, chúng ta lên tiếng, đã không làm được gì còn ảnh hưởng tới sự nghiệp lớn hơn."

Lúc đó, ông Thạch chỉ nói cho tôi đến thế thôi, và tôi cũng thông.”

Khi Trung Cộng chiếm Hòang Sa thì ông Nguyễn Thanh Sơn mới 17 tuổi. Liệu ông Sơn, khi ấy chắc còn ngồi trên ghế Trung học, có thể nào biết so sánh hơn thiệt và khác biệt giữa bổn phận bảo vệ “chủ quyền lãnh thổ” và “tham vọng xâm chiếm VNCH” của các lãnh đạo Lê Duẩn,Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp ?

Hơn nữa, khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Công hàm ngày 14/09/1958 cho Thủ tướng Trung Cộng Chu Ân Lai nhìn nhận chủ quyền của Trung Cộng trên hai quần đào Hòang Sa và Trường Sa thì ông Sơn chưa tròn 1 tuổi nên chưa thể có đủ trí khôn để hiểu được ý nghĩa của nhóm chữ “liên tục lịch sử” khi nói về chủ quyền lãnh thổ !

Ngoài ra, ông Sơn cũng biết trong suốt 40 năm mất trọn Hòang Sa vào tay quân xâm lược Trung Cộng, nhà nước CSVN chỉ biết “nói không” Hòang Sa-Trường Sa là của Việt Nam mà chưa có bất cứ hành động nào để lấy lại Hòang Sa hay tống cổ quân Trung Cộng ra khỏi 8 bãi đá ở Trường Sa.

Thậm chí vào ngày 19/01/2014 đúng dịp kỷ niệm 40 năm với 74 chiến sỹ VNCH hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ Hòang Sa (19/01/1975), chính phủ của ông Sơn đã cho công an đội lốt công nhân bầy trò “cắt đá thi công giả vờ” làm bụi mù và mở loa phóng thanh cực mạnh để phá buổi lễ tưởng niệm của người dân Hà Nội tại Tượng đài Lý Thái Tổ.

Lúc đó ông Sơn ở đâu mà không ra đó dâng hương cầu siêu mà 4 tháng sau lại bầy trò mang nhau ra tận Trường Sa vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương để tụng kinh, truyền hình cho những người lính VNCH mà theo lời ông, chỉ vì họ là “những binh sĩ thuộc quân lực VN cộng hòa đã không cầm súng chống lại chúng ta mà đã kiên quyết chiến đấu bảo vệ từng mét nước, từng hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa đến cùng...”

Nhưng tại sao họ không được vinh danh là “anh hùng liệt sĩ” như 64 người lính của Quân đội Nhân dân CSVN đã bỏ mình trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lượng Trung Cộng ở Trường Sa ngày 14/03/1988 mà chỉ được gọi là “binh sĩ” ? 

Ngôn ngữ “kỳ thị” của ông Nguyễn Thanh Sơn giống hệt như khi ông Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) kêu gọi góp tài chính cho chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” trong đó có dự án xây “đền tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam anh dũng hy sinh trong trận Gạc Ma (huyện đảo Trường Sa, thuộc tỉnh Khánh Hòa)” .

Tại sao lại không dựng đền tưởng niệm cho 74 chiến sỹ Hãi quân VNCH đã hy sinh tại Hòang Sa năm 1974 ? Và tại sao mãi đến bây giờ ông Sơn mới thấy “cái lợi chính trị” cho việc tưởng niệm những người lính VNCH hy sinh ở Hòang Sa là để “thêm một lần nữa khẳng định rằng dân tộc VN là một, chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa và Trường Sa là nhất quán và rõ ràng với các bằng chứng lịch sử và pháp lý không thể chối cãi.” 

Hành động thiếu lương thiện khi dùng xương máu của 74 chiến sỹ VNCH vào mục tiêu chính trị cốt để “làm chứng” cho chủ quyền liên tục của Nhà nước Cộng sản Việt Nam ở Hoàng Sa, sau 40 năm quên lãng liệu có xóa được 2 đọan này trong Công hàm ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

“Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung-hoa, quyết định về hải phận của Trung-quốc."

“Chính phủ nước Việt-nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng 12 hải lý của Trung-quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa trên mặt bể.” 

TẠI SAO DÂN RA ĐI ?

Cũng trong cuộc phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ ngày 04/04/2014 , khi nói về chuyện cầu siêu ở Trường Sa,Thứ trường Nguyễn Thanh Sơn còn xuyên tạc có chủ ý xấu về cuộc vượt biển chạy trốn Cộng sản tìm tự do của nhân dân Việt Nam sau năm 1975.

Ông Sơn nói: “Chúng ta cũng tưởng nhớ và thương tiếc những người dân VN vô tội đã ra đi và bị chết trong cuối thập kỷ 1970, đầu thập kỷ 1980. Chúng tôi coi những thuyền nhân tử nạn là những nạn nhân chiến tranh, ra đi vì bị tuyên truyền, kích động bởi thông tin một chiều, bởi khó khăn về đời sống kinh tế và nhiều nguyên nhân khác, vậy thì hãy cầu siêu để linh hồn họ được siêu thoát trên vùng biển quê nhà. Qua đó chúng ta cũng mong muốn vùng biển Đông thật sự là vùng biển hòa bình, hữu nghị, còn chủ quyền của chúng ta thì chúng ta phải kiên quyết giữ, những khu vực, hòn đảo đang bị chiếm đóng trái phép tạm thời thì chúng ta sẽ đấu tranh bằng biện pháp hòa bình để đòi lại.”

Qủa thật là khi hàng chục ngàn người dân, đa số từ miền Nam phải liều mình bỏ nước ra đi sau cuộc chiếm đóng VNCH của quân đội miền Bắc sau ngày 30 tháng 04 năm 1975 thì ông Nguyễn Thanh Sơn mới vừa đủ tuổi thành niên 18 và đang được nuôi sống trong môi trường có cha anh “còn say men chiến thắng”. Ông đã không nhìn ra hậu qủa của một xã hội băng họai, lòng người li tán và nền kinh tế kiệt quệ suýt đẩy dân tộc đến chỗ suy kiệt sau 10 năm kinh tế bao cấp, giáo điều, lạc hậu và bảo thủ của nhà nước.

Người thanh niên thuộc lớp tuổi “quàng khăn đỏ coi đảng lớn hơn cha mẹ mình” như ông Sơn cũng không hiểu nổi tại sao đảng của mình lại gian dối để đẩy hàng trăm ngàn quân-cán-chính của chế độ miền Nam vào các trại tù lao động gọi trá hình là “cải tạo” chỉ cốt để trả thù sau cuộc chiến?

Và tất nhiên ông Sơn cũng còn “ngây thơ” khi biết rằng vợ con của những người miền Nam bị bắt đi tù, có người ngót 20 năm tại những vùng rừng sâu nước độc và nhiều người đã chết mất xác, đã bị đầy đọa tới những vùng đất “sống một chết mười” được mang tên mỹ miều là “vùng kinh tế mới” trong đợt đánh tư sản mại bản do ông Đỗ Mười cầm đầu ở trong Nam từ 1977?

Sau này khi lớn lên và được vào làm nhân viên của nhà nước, chắc ông Sơn phải hiểu câu nói này của Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu.” (Trích từ cuộc phỏng vấn ông của Tuần báo Quốc Tế ngày Thứ hai, 18 Tháng tư 2005, dịp kỷ niệm 30 năm chiến tranh kết thúc)

Rất tiếc, ông Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, thế hệ cháu chắt của ông Võ Văn Kiệt đã “tiếp tục làm nó thêm rỉ máu” khi ông gọi hàng chục, nếu không muốn nói hàng trăm ngàn “thuyền nhân tử nạn” trên đường vượt biển tìm tự do “là những nạn nhân chiến tranh, ra đi vì bị tuyên truyền, kích động bởi thông tin một chiều, bởi khó khăn về đời sống kinh tế và nhiều nguyên nhân khác.”

Nhưng ai đã gây ra chiến tranh ở trong miền Nam, nếu không phải là người Cộng sản, trong đó có anh em, dòng họ của ông Sơn ? Và ai đã tuyên truyền lôi kéo họ phải “thập tử nhất sinh” tìm đường trốn thoát khỏi ngục tù Cộng sản ?

Ai đã ô nhiễm vào các thuyền nhân những “thông tin một chiều” khi họ đã trải nghiệm bằng cuộc sống bằng chính sách kỳ thị dân tộc, kỳ thị Nam-Bắc, kỳ thị nguồn gốc Tôn giáo, kỳ thị qua lăng kính lăng mạ “ngụy quân-ngụy quyền” và thứ ngôn ngữ bỉ ổi coi những người đã bỏ nước ra đi là thành phần "ma cô, đĩ điếm"?

Và sau cùng, hẳn ông Sơn phải biết ai là thủ phạm của “đời sống kinh tế khó khăn” khiến nhiều người dân phải bỏ nước ra đi sau ngày 30/04/1975 ở trong Nam khiến Tổng bí thư Trường Chinh và hai Ủy viên Bộ Chính trị Võ Văn Kiệt và Nguyễn Văn Linh phải vất vả lắm mới “gột tẩy” được những “cặn bã giáo điều, bảo thủ” trong Bộ Chính trị để thi hành chủ trương “đổi mới, hội nhập” cứu nguy kinh tế, đưa đất nước thóat khỏi bờ vực thẳm sau 10 năm phá sản, kiệt quệ (1975-1985)?

Mặt khác, khi Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn tìm cách che đậy trách nhiệm của Nhà nước CSVN trong những hòan cảnh đau lòng của các thuyền nhân chết chìm, bị hải tặc tấn công, bắt cóc trên đường vượt đại dương trốn khỏi một quê hương có những kẻ cai trị đã đầy đọa mình thì ông cũng đã quên luôn cả số tiền ngót 9 tỷ dollars của “Việt kiều” đã gửi về Việt Nam hàng năm để giúp gia đình, nhưng đồng thời cũng đóng góp vào nền kinh tế của Quốc gia.

Nhưng điều đó không có nghĩa như lời tuyên truyền không đúng sự thật khi ông Sơn nói trong cuộc phỏng vấn ngày 4/4/2014 rằng: “Tuyệt đại đa số kiều bào, 90% trong số 4,5 triệu người đang sống ở nước ngoài, đã trở về đất nước để thăm viếng, đầu tư, góp một nguồn lực to lớn cho việc xây dựng và bảo vệ đất nước.”

Đúng là có nhiều người đã về Việt Nam thăm thân nhân, nhưng có mấy phần trăm đã “hồi hương” và “đầu tư” để gọi là “xây dựng đất nước” do đảng Cộng sản cai trị ?

Có thật như ông Sơn “nói không thành có”?

TRÍ THỨC VÀ NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Mọi người hãy nghe Giáo sư Nguyễn Quốc Vọng thuộc Đại học danh tiếng Kỹ thuật và Thiết kế RMIT của Úc Đại Lợi giải thích cách nay 4 năm lý do tại sao vẫn có rất ít trí thức Việt kiều trở về nước phục vụ? 

Ông nói: “Qua thực tiễn 2 năm trở về nước được làm việc, tôi thấy có những nguyên nhân chính sau đây:

- Việt Nam chưa thực sự thấy được mối quan hệ hữu cơ giữa khoa học kỹ thuật và phát triển kinh tế, nên một số chính sách và cơ chế để thu hút trí thức không được nghiêm chỉnh thực hiện. Một khi trí thức trong nước chưa được sử dụng đúng mức thì việc trở về của trí thức Việt kiều sẽ không bao giờ xảy ra vì họ đang được làm việc trong điều kiện tốt nhất của nước sở tại;

- Chưa làm tốt việc cung cấp thông tin về những vấn đề nhạy cảm (ví dụ như biên giới biển đảo, Hoàng Sa Trường Sa, quặng mỏ bauxit Tây Nguyên...) nên trí thức Việt kiều không thấy được Việt Nam đã có sự thay đổi, tiến bộ về mặt dân chủ, phản biện, tự do tôn giáo, từ đó đâm ra hoang mang, lo sợ… không muốn trở về nước;

- Chưa có đầu mối để tìm tòi, liên lạc, mời gọi… do chính trí thức Việt kiều đảm trách vì trong hàng trăm, hàng ngàn công nghệ cao của thế giới, phải là người có kiến thức mới có thể lựa chọn những công nghệ tốt nhất, thích hơp nhất và có lợi nhất cho đất nước;

- Thủ tục giấy tờ về nước phải thông qua nhiều Bộ ngành nên rất rườm rà, mất thời gian;

- Tinh thần “vọng ngoại” của một số ít người trong nước vẫn thích “mắt xanh mũi lõ” dù rằng có nhiều khi “mắt xanh mũi lõ” lại ở trình độ khoa học kỹ thuật thấp hơn, không hiểu Việt Nam hơn trí thức Việt kiều;

- Tính “địa phương” và “trong ngoài” còn khá phổ biến, môi trường làm việc dựa nhiều vào cảm tính nên nhiều khi không công bằng, thiếu tin tưởng làm trí thức Việt kiều trở thành những thứ trang trí, không có thực quyền và cơ hội đóng góp sở trường khoa học kỹ thuật của mình."

Giáo sư Vọng kết luận bài viết của ông trên Tạp chí Tia Sáng (Bộ Khoa học và Công nghệ) ngày 07/09/2010: “Từ những năm 1970 Hàn Quốc đã mạnh dạn triển khai chính sách mời gọi trí thức Hàn kiều ở Mỹ trở về đóng góp. Ba mươi năm sau Hàn Quốc vươn lên trở thành nền kinh tế thứ 13 của thế giới. Cũng thế Trung Quốc đã ứng dụng chính sách ưu đãi mời gọi trí thức Hoa kiều, và họ cũng đã tiến rất nhanh trong công cuộc hiện đại hoá công nghiệp hoá đất nước, trở thành nền kinh tế thứ ba trên thế giới. Chỉ có Việt Nam, đã hơn ba mươi năm sau ngày giải phóng, mà vẫn còn loay hoay mãi với câu hỏi về trí thức Việt kiều.”

Tình hình này đã thay đổi vào năm 2014 chưa? Ông Sơn hãy can đảm nói cho cả thế giới biết đã có bao nhiêu trong số trên 300.000 chuyên gia “Việt kiều” mà Việt Nam rất cần có đã về giúp nước chứ đừng vội khoe như đã có tới 90% trong số 4,5 triệu người đang sống ở nước ngoài đã về thăm viếng và đầu tư phần nhiều vào hai lĩnh vực bất động sản và du lịch là những ngành không có nền tảng kinh tế bền vững. -/-

04/ 2014




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo