Nguyễn Huy (Danlambao) - “...30 Tháng Tư, 1975, vào khoảng từ 9 giờ 30 đến 10 giờ sáng, từ căn cứ không quân Bình Thủy, Anh cất cánh chiến đấu cơ A-37B cùng với Thiếu úy Đông ngồi bên phải, trong phi vụ cuối cùng: Tiêu diệt chiến xa địch T-54 đang trên đường đánh vào Trại Hoàng Hoa Thám ở Bảy Hiền. Như thường lệ, Trung úy Nguyễn (Mạnh Dũng) thực hiện phi vụ này với sự hướng dẫn của phi cơ chỉ điểm L.19, chiếc Họa Mi 93, do Đại úy Mai Trí Dũng và Thiếu úy Biên cất cánh từ căn cứ Đồng Tâm, Mỹ Tho, trước đó ít lâu. Đây là một trong những phi vụ oai hùng cuối cùng của Không Lực Việt Nam Cộng Hòa...
“Vừa đáp xuống căn cứ không quân Bình Thủy, Trung úy Nguyễn và Trung úy Đông choáng váng khi nghe tin thủ đô Sài Gòn đã đầu hàng trong tuyệt vọng...
Trung úy Nguyễn quyết định chuyến cất cánh cuối cùng, với người bạn thân quý của anh, chiếc phản lực cơ chiến đấu A-37B Phi Long.
“Trong chuyến bay cuối cùng này, anh phóng vào trời cao, với thùng nhiên liệu gần cạn. Kể từ đó, không một ai biết số phận của anh ra sao nữa...”
(Người viết tạm trích dịch từ “In Memory Of a VNAF Hero/ 1946- April 30, 1975, Submitted and Remembered by Second LT. Huynh Bách Khoa, 516 FS, VNAF; LT Nguyen Cuong Viet, HQ 600, VN Navy”).
Nguyễn Mạnh Dũng, “kể từ đó, không một ai còn biết số phận anh”. Còn xa hơn thế nữa, giữa Dũng và tôi, đã hơn 50 năm, chúng ta đã không biết số phận của nhau, từ ngày rời khuôn viên trường Trung học BMT, 1965. Mỗi thằng mỗi vùng khói lửa. Họa hoằn lắm mới nghe đâu đó, một cách vội vàng, đứa này ở binh chủng này, đứa kia binh chủng nọ; đứa này còn, đứa kia gục ngã. Tôi có nghe Dũng-con-thầy-Quang vào Không quân, đâu ngoài Đà Nẵng.
Hình như Đoàn Đình Nga cho tin này, khi đơn vị tôi, Thiết đoàn 9 Kỵ Binh từ Vùng đồng bằng Cửu long lên góp mặt đoàn quân giải tỏa An Lộc năm 72; tôi gặp Nga ở căn cứ Lai Khê, Bình Dương, trong bộ đồ rằn ri Biệt kích bên hàng địa đạo chi chít dưới rừng cao su.
***
“Kể từ ngày đó”, mỗi độ Tháng Tư, trong tâm tưởng khóc thương, mặc niệm đồng đội, bằng hữu, bạn học xưa đã bỏ mình trong cuộc chiến, tôi đã không nghĩ rằng có Nguyễn Mạnh Dũng-con-Thầy-Quang!
Tôi đi tù “cải tạo” với hàng ngàn anh em, nhưng chỉ gặp vài “tên giặc lái” kẹt lại, như Trung úy Lý Tống bị bắn rớt máy bay ở mặt trận Phan Rang khi Sài Gòn chưa mất. (Lý Tống đi tù "tập trung cải tạo” ở trại A.30, Tuy Hòa, chứ không phải ở trại Vĩnh Phú, ngoài Bắc, như luật sư NHT viết mà tôi vừa đọc được trên Ánh Dương online). Tôi không ở chung “đội” với Lý Tống, nhưng hằng ngày sau lao động trở về cùng tắm chung bờ suối. Có lần Lý Tống vừa nhảy vừa nói vói cho tôi nghe rất rõ, “phải giữ sức để mai mốt qua Thái, bay về dội bom lên đầu chúng nó”. Thái độ của Lý Tống xóa đi cái “định kiến” chung nơi anh em chúng tôi dạo ấy, cho rằng anh em Không quân “dọt lẹ quá”.
Ba mươi năm sau cuộc chiến tàn, tôi mới biết người bạn cùng lớp Nguyễn Mạnh Dũng năm xưa với khuôn mặt bầu bĩnh hiền hòa, giọng nói ôn tồn với nụ cười răng khểnh con gái, đã là Con Đại Bàng bảo quốc trấn không can trường dũng liệt cho tới giờ phút cuối cùng cuộc mạc nước.
“Anh đã bay lên trời với thùng nhiên liệu gần cạn kiệt”. Anh bay đi đâu, về đâu? Đại bàng Nguyễn Mạnh Dũng đã gẩy cánh vùi thân dưới bao la đại dương, bay nơi bạt ngàn rừng núi? hay đang là làn tro bụi mong manh lởn vởn giữa thinh không?
Saint Exupéry, 1945, có thể đã vì mải mê đeo đuổi sao trời mà mịt mù tăm tích đường về. Nguyễn Mạnh Dũng 1975, tháng Tư, ngày 30, vì vận nước oan khiên, tức tưởi vẩy cánh vào trời tuyệt vọng? “Nobody has known of his fate since!”
1975-2006. Đã 31 năm, có lẽ chẳng còn ai nuôi hy vọng Nguyễn Mạnh Dũng thịt xương trở về. Nhưng, “thác là thể phách, còn là tinh anh”. “Tinh anh” Nguyễn Mạnh Dũng còn đó. lộng lẫy, uy nghi lẫm liệt. Tôi không được may mắn biết đến những chiến công của Nguyễn Mạnh Dũng trong suốt đời binh nghiệp của Anh, nhưng, chỉ qua mấy dòng vắn vỏi trong “In Memory Of a VNAF Hero”, tôi thấy sừng sững cả một thiên anh hùng ca. Thiên anh hùng ca Nguyễn Mạnh Dũng, trong giờ lâm chung của Tổ quốc, cũng chính là giờ lâm chung của Anh!
Nguyễn Mạnh Dũng, tôi tin Anh đang đọc những dòng này. Xin Anh nhận đây như nén hương lòng muộn màng của tôi thắp tiếc thương người bạn học cũ, mặc niệm người anh hùng dân tộc, và quyện theo khói hương lòng, niềm tự hào thế hệ chúng ta đã có được những thân trai hiên ngang vời vợi như Anh, Nguyễn Mạnh Dũng.