Thục Quyên (Danlambao) - Suốt năm, ngày nào mà không là ngày kỷ niệm Ba Mươi Tháng Tư? Câu nói có vẻ mang chút kịch tính nhưng chỉ là sự thật.
Ba Mươi Tháng Tư luôn luôn hiện diện là lẽ tự nhiên, vì cả con người và cuộc sống của một người đã từng quyết định bỏ quê mẹ để ra đi về một phương trời vô định với hai bàn tay trắng, ngày hôm nay cũng chỉ như con Phượng hoàng đã nảy sinh từ nắm tro tàn của con Phượng hoàng tiền sinh, sau khi nó cuộn mình trong cái tổ bằng củi quế rồi bốc cháy. Từ đó mới có cơ hội để bến bờ tự do mang dần lại những chất liệu cần thiết nuôi dưỡng thể xác cũng như tinh thần cho cuộc sống "tái sinh" ngày hôm nay.
Một chín bảy lăm, không thể phủ nhận tâm trạng não nề tuyệt vọng khi tôi bước chân rời quê mẹ. Mang trong lòng nỗi uất ức bị đồng minh phản bội, nỗi tiếc thương hai người anh chưa đầy ba mươi tuổi đã gục ngã nơi chiến trường mà không ngăn được sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa, nổi giận trời giận đất tại sao kẻ ngay lại phải ngã ngựa. Trong những rối loạn tâm tư, tôi chỉ còn một điểm tựa duy nhất là lòng tin ở lý tưởng của mình là đúng và mình phải thoát khỏi sự kềm kẹp thể xác cũng như tinh thần của Cộng sản VN mới còn cơ hội tranh đấu cho một dân tộc Việt Nam có tự do và chủ quyền. Điều này là kinh nghiệm xương máu của gia đình tôi, một gia đình người Bắc di cư năm 54 vào Nam, với người bác ruột bị Việt Minh tối đập cửa trùm chăn đem đi biệt tích, với người chú họ phải nghe lời cha, trước khi trốn vào Nam đã dấu mang thuốc độc vào nhà tù cho cha mình tự tử để tránh cảnh hôm sau ông cụ bị đấu tố, và một người cha vào tù ra khám thực dân Pháp nhưng luôn sáng suốt không rơi vào bẫy của Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản, nên đã cắn răng gởi người vợ tay bế đứa con vừa tròn tháng tay dẫn đàn con nhỏ lếch thếch theo họ hàng xuống Hải Phòng xuôi vào Nam. May mắn là một trong những chuyến tàu thủy cuối cùng mấy tháng sau đã giúp ông đoàn tụ gia đình.
Hai không mười bốn. 39 năm hải ngoại, hơn một nửa đời người.
Thấy rõ trong mình lúc nào cũng là hai mảnh và phải cần một thời gian dài, rất dài, để có thể tìm được phần nào sự hài hòa giữa hai mảnh đời, để không luôn luôn có sự xâu xé giữa những ước muốn hạnh phúc tầm thường của một con người bình thường là có gia đình yên ấm và một cuộc sống vật chất đầy đủ, với những thao thức của một người Việt Nam muốn tìm cách đóng góp để chấm dứt sự lầm than, kiệt quệ, mà vẫn xuất huyết không ngưng nghỉ của dân tộc mình.
Kết tội và thù hận kẻ gây tội là điều dĩ nhiên, nhưng với thời gian cũng không đủ để giải quyết vấn đề. Nghĩ cho cùng thật là cả một sỉ nhục cho một dân tộc nếu lý do của tình trạng kiệt quệ ngày hôm nay chỉ do sự lường gạt của một người là Hồ Chí Minh hay một nhóm người là đảng Cộng Sản gây ra. Nếu chỉ vì những thủ phạm này thì dân tộc Việt là ai mà bị lừa bịp, tiếp tục bị lừa bịp, bị thua sự lừa bịp, suốt từ năm 1945, mà không tỉnh giấc để tự giải thoát?
Thật ra hiện tượng tỉnh giấc vài năm sau này đã xảy ra từ Bắc chí Nam, tiếc thay thật muộn màng và đau đớn thay không do sự thông minh học hỏi từ những kinh nghiệm của người đi trước, mà chỉ xảy ra sau những kinh nghiệm xương máu chính bản thân của hơn hai thế hệ. Phải mất 69 năm toàn dân Việt Nam mới đồng nhất trong nhận định chủ thuyết cộng sản ngoại lai không hề đem lại tự do độc lập cho dân tộc, mà đã và đang cản trở sự phát triển của đất nước cũng như đẩy dân tộc vào mối hiểm nguy trước sự bành trướng của Trung Cộng.
Súng đạn của những người Việt yêu tự do và chống Cộng sản đã thua tháng tư, một chín bảy lăm. Điều này là một sự thật tuy chua chát nhưng tôi không bao giờ thấy hổ thẹn hay có nhu cầu phải bào chữa.
Vì lý tưởng về Nhân quyền, Tự do, Hòa bình, đã thắng.
Đảng Cộng sản Việt Nam dù còn đang cầm quyền nhưng những luận điệu dối trá, sự thối nát của họ đã không còn lường gạt được ai. Trong nước, mỗi ngày người dân mọi nơi đã thôi sợ sệt và lên tiếng vạch mặt chỉ tên, thẳng thắn kết án. Tại hải ngoại những kẻ ngã ngựa khi xưa đã tìm được những nhân tố quật khởi trong những nhân tố thất bại: lấy sự có mặt bất đắc dĩ của mình ở xa quê hương làm phương tiện để học hỏi, trau giồi và chứng minh với thế giới khả năng tự chủ tự cường của dân tộc Việt. Họ bủa vây, lật mặt nạ những tham nhũng, vi phạm nhân quyền, không được dân ủng hộ của nhà cầm quyền cộng sản VN trước thế giới và đang đẩy dần Cộng Sản VN vào thế kẹt.
39 năm nhìn lại. Súng đạn chúng ta đã thua, lý tưởng chúng ta đã thắng. Nhưng sự ngậm ngùi vẫn tiếp tục vì dân tộc chúng ta vẫn lầm than và đất nước chúng ta sắp rơi hẳn vào tay Trung Cộng.
Dân tộc Việt Nam cần một nhân tố cuối cùng để đạt tới mục đích: chúng ta phải HÀNH ĐỘNG.
Nhớ lại quyết nghị đồng thanh "Đánh!"của Hội Nghị Diên Hồng do vua Trần Nhân Tông triệu tập khi xưa để học hỏi cách hành xử của vị vua thấm nhuần thiền học: phải đạt được sự đồng tâm nhất trí của mọi giới, phải đánh thức và phát huy được ý thức tự chủ và tinh thần tự lực tự cường của dân Việt.
Nhưng làm sao một dân tộc còn có hy vọng đạt được sự đồng tâm nhất trí của mọi giới khi những chữ "tha thứ" "hòa hợp", " hòa giải" đối với người Việt Nam trong đại đa số trường hợp đã trở thành một chất gây tình trạng sốc phản vệ (anaphylactic shock)? Dị ứng nhanh chóng và mãnh liệt tới nỗi không còn kịp nhận định "tha thứ" thì ai tha thứ ai, tha thứ cái gì, "hòa hợp" thì ai hòa hợp với ai, "hòa giải' thì ai hòa giải với ai, có thù hằn xích mích khác biệt chống lại nhau ra sao mà cần hòa giải?
Mà tại sao lại cứ phải luẩn quẩn với "hòa hợp hòa giải"?
Chúng ta cần vượt khỏi những khái niệm cũ về cả vật chất, tinh thần và cảm xúc để có một nhận thức mới đưa đến sức mạnh hành động.
Nước Việt Nam hiện nay có xấp xỉ 90 triệu dân, trong đó có khoảng 3 triệu đảng viên cộng sản và gần 4 triệu người Việt Nam ở hải ngoại. Như vậy vận mạng của dân tộc Việt Nam, trước hết là vận mạng của hơn 80 triệu dân trong nước, và lụn bại hay thành công trong việc xây dựng nền tự do dân chủ cũng tùy thuộc ở những đồng bào này. Người trong nước là những người gánh chịu mọi hậu quả và cũng là những người phải gánh trách nhiệm trên vai.
Những người dân đang trực tiếp bị đàn áp là những người dân trong nước. Vậy thù oán, chia rẽ hay đoàn kết với nhau để chiến thắng bạo quyền đang đày ải họ, phải tùy nơi người dân trong nước là chính. Nếu một mai thắng rồi, hành xử với những kẻ thuộc nhóm bạo quyền ra sao thì rồi cũng tùy sự quyết định của họ.
Những người Việt sống tại hải ngoại, không đang phải chịu chung số phận của người dân trong nước. Sự tự do no ấm của mỗi người chỉ tùy thuộc vào quốc gia nơi người đó sinh sống. Nếu còn quan tâm đến sự tự do no ấm của đồng bào ruột thịt nơi quê mẹ thì thiết nghĩ chúng ta chỉ có thể tùy theo khả năng của mình để cố công góp sức với họ trong cuộc tranh đấu của họ, và đồng thời thông cảm cùng kính trọng những quyết định và con đường họ đã lựa chọn tranh đấu tùy theo sức lực, hoàn cảnh, và sự suy xét của họ.
Người Việt sống tại hải ngoại chỉ có khả năng chận đứng những dối trá lừa bịp của nhà cầm quyền VN hiện tại và tìm sự hậu thuẫn của thế giới cho thế lực dân tộc. Nhưng bài học lịch sử cũng đã dạy chúng ta, cầu ngoại viện mà không có tự lực thì sẽ thành vong nô. Do đó thế lực dân tộc mạnh hay yếu phải tự lực đến từ hơn 80 triệu dân trong nước.
Điều đáng lo ngại nhất cho Việt Nam là sự xuất huyết những tinh anh của dân tộc, một sự xuất huyết thường trực từ dưới thời pháp thuộc kéo dài đến thời chiến tranh và rồi tới sự thanh toán triền miên những người tài của bạo quyền cộng sản.
Việt Nam cần bảo vệ những tinh anh còn lại, cần dồn nỗ lực để cứu những chiến sĩ dân chủ đang bị đàn áp và trong vòng tù tội. Điều đó, lực lượng người Việt tại hải ngoại có thể làm được, không cần biết những chiến sĩ dân chủ sau khi thoát gông cùm cộng sản bị đẩy ra hay chính họ lựa chọn ra nước ngoài.
Việt Nam đã có quá nhiều "anh hùng quá cố", chúng ta không cần nhiều hơn nữa.
Tương lai dân tộc nằm trong tay những người còn sống, có kinh nghiệm chống cộng sản và có tinh thần trách nhiệm.
Nếu một người Việt tại hải ngoại nghĩ rằng một chiến sĩ dân chủ khi rời quê mẹ sẽ trở thành vô dụng thì chính người đó đã suy nghiệm từ bản thân mình là kẻ bất lực. Nếu một người Việt trong nước nghĩ vậy thì người này thiếu suy xét vì làm sao có thể không nhìn thấy những thành công của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản trong việc đánh động và được thế giới lưu tâm cũng như hậu thuẫn đòi nhân quyền, tự do, cho người dân Việt và tố cáo hành động xâm lấn của Trung Cộng?
Sự xuất hiện của những tổ chức xã hội dân sự trong và ngoài nước, những trao đổi và hợp tác giữa đôi bên đã thành hình và đang tiến triển. Liệu dân tộc Việt lần này có thành công cùng đứng dậy để hoàn thành Sự Nghiệp Việt Nam?