Đóng góp vì một xã hội nhân đạo - Dân Làm Báo

Đóng góp vì một xã hội nhân đạo

Lời người dịch - Trần Quốc Việt (Danlambao) - Vào tháng Tư 1974 nhà văn Nga lưu vong Alexander Solzhenitsyn lập ra Quỹ Xã hội Nga nhằm giúp đỡ những tù nhân chính trị và gia đình của họ. Suốt trong thời gian tồn tại từ 1974 đến 1979 quỹ này đã luôn luôn giúp đỡ và khích lệ rất nhiều cho phong trào dân chủ trong nước. Nhà văn Solzhenitsyn nhất quyết đóng góp tất cả toàn bộ số tiền nhuận bút của tác phẩm Quần Đảo Ngục Tù của ông cho quỹ và giao cho người bạn thân và cũng là nhà bất đồng chính kiến rất nổi tiếng ở trong nước, Alexander Ginzburg, trông coi. 

Trung bình mỗi năm quỹ tương trợ tù nhân chính trị này giúp đỡ gần 1.000 gia đình với một số tiền bằng "mức lương trung bình hàng năm". KGB bắt Alexander Ginzburg bốn lần và cuối cùng kết án ông 8 năm tù vào năm 1977 và đày ông đến những trại tù hà khắc nhất ở Liên Xô. Tuy nhiên tiếp bước chân ông những người khác đã can đảm đứng ra gánh vác trách nhiệm quản lý quỹ. Lần lượt tất cả họ đều bị bắt và bị đày đọa trong tù. 

Sự tồn tại không gián đoạn trong thời gian dài của quỹ tương trợ tù nhân chính trị này là một minh chứng cho "sức mạnh đạo đức vẫn luôn luôn tồn tại trong lòng nhân dân Nga" để từ đấy khích lệ sự lớn mạnh không ngừng của phong trào nhân quyền và góp phần làm sụp đổ chế độ cộng sản toàn trị ở Liên Xô. 

*

Nói chung người dân Xô Viết không ủng hộ các nhà bất đồng chính kiến ở trong nước. Họ coi những nhà bất đồng chính kiến là những kẻ gây rối. Cho nên tin tức tiết lộ rằng hàng trăm tù nhân chính trị Xô Viết và gia đình của họ đã nhận được sự giúp đỡ tài chính đáng kể từ những người ủng hộ bên trong Liên Xô khiến mọi người kinh ngạc. Điều này chứng tỏ ít nhiều có sự đoàn kết chính trị và sự thương cảm dành cho những con người can đảm đấu tranh cho nhân quyền. 

Nhà văn lưu vong Alexander Solzhenitsyn lập ra quỹ tương trợ này dành cho các nhà bất đồng chính kiến. Alexander Ginzburg, một nhà bất đồng chính kiến ở Liên Xô và cũng là bạn của nhà văn, quản lý quỹ nhưng mới đây ông đã bị KGB bắt và hiện đang ở tù. Gần 270.000 rúp (độ 360.000 đô la) đã được phân phát cho những nạn nhân của chế độ, khoảng một phần tư số tiền này đã được quyên góp bí mật ngay bên trong Liên Xô. Năm ngoái gần 630 gia đình đã được giúp đỡ, ít hơn so với năm 1975 vì KGB theo dõi gắt gao. 

Không khó hiểu tại sao nhà cầm quyền Kremlin đã đả kích công khai hoạt động tương trợ này. Họ không thể nào mà không khó chịu khi các công dân Xô Viết, đặc biệt giới trí thức, đang âm thầm chấp nhận bao rủi ro để giúp đỡ các tù nhân chính trị và gia đình của họ mặc dù chính những công dân này là những người chưa từng bao giờ lên tiếng phản kháng. 

Rõ ràng, cho dù nhà cầm quyền Kremlin trấn áp tàn bạo phong trào bất đồng chính kiến nhỏ bé này như thế nào đi nữa, cho dù họ bắt giam bao nhiêu nhà hoạt động nhân quyền đi nữa, cho dù họ trục xuất bao nhiêu nhà báo Tây phương đi nữa, họ cũng không thể nào bóp nghẹt những tiếng nói phản kháng ngày càng dâng cao- hay bóp chết niềm khao khát của càng ngày càng nhiều người về một xã hội nhân đạo. 


Nguồn: The Christian Science Monitor số ra ngày 7 tháng Hai 1977. 

Tựa đề của người dịch. Tựa đề tiếng Anh "Russian help their dissidents" 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo