Huỳnh Bá Hải (Danlambao) - Bất ngờ của ngày thi đầu tiên với môn Văn học ngày 2. 6. 2014 đã làm cho giới báo chí và các nhà nghiên cứu Văn học ngạc nhiên. Lần đầu tiên một đề tài thời sự được cập nhật ngay trong đề thi. Vấn đề tranh chấp Biển đông với Trung Quốc được ra dưới dạng mở cho thí sinh tự luận. Và càng ngạc nhiên hơn nữa một đoạn trích trong vở kịch "Hồn Trương Ba da hàng thịt" của nhà soạn kịch lừng danh Lưu Quang Vũ cũng được đề cập trong phần thi bắt buộc. Các phóng viên vẫn còn ngỡ ngàng và e dè, các nhà giáo thì mạnh dạn bày tỏ trên facebook và các chuyên viên của Vụ văn học thì đang nín thở.
Một tiến sĩ đang giảng dạy ngành Ngữ văn tại Sài Gòn cho hay là gần đây đề Văn cho các kỳ thi tốt nghiệp và thi tuyển đại học đã không còn đặt nặng "Tam Hờ" tức 3H như trước đây. 3H: Hồ (HCM) - Hữu (Tố Hữu) - Hoài (Tô Hoài). Các năm trước cũng có Quang Dũng, Nguyễn Khải, Hoàng Phủ Ngọc Tường. Vị tiến sĩ hài hước: "Năm nay không có Tố Hữu, không có Bác Hồ nhưng có Bác Cu". Dỉ dỏm thâm thúy về công hàm của thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958. Tuy nhiên vị tiến sĩ cũng cho hay là tiến trình ra đề thi là một tiến trình có nhiều khâu tuyển chọn. Trong các ngân hàng đề thi thì việc chọn đề có tính cách ngẫu nhiên chứ không có định hướng gì ở đây. Theo vị tiến sĩ này thì những dạng đề thi gắn liền với thực tế này kích thích người dạy và người học môn Văn hơn.
Một giáo viên dạy văn về hưu tại Hà Nội thì dè dặt hơn. Theo ông đề Văn dạng này thời chiến tranh chống Mỹ đã phổ biến và cũng có tác dụng chuẩn bị tâm lý động viên thanh niên đi B (tức vào Nam). Cách ra đề như thế này là có tính toán nhằm chuẩn bị cho một lệnh kêu gọi thanh niên tốt nghiệp phổ thông lên đường nhập ngũ trong tương lai gần. Những đề thi Văn kích thích lòng yêu nước thường gặp trong thời chiến. Dường như cho thấy không khí ngột ngạt trong thời gian qua báo hiệu cuộc chiến tranh chống Trung Quốc đang cận kề. Nhà giáo về hưu cũng cho hay là một sự kiện lịch sử về Văn học nó chỉ có cái nhìn khách quan trong khoảng thời gian 50 năm. Với sự kiện vợ chồng nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh bị chết trong tai nạn xe có nhiều điều nghi ngờ nhưng chưa ai dám công khai lên tiếng rằng cái chết của gia đình Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh là do nhà cầm quyền ám sát. Nhưng rõ ràng tác phẩm của ông được ra đề trong kỳ thi quốc gia như thế này là yếu tố tích cực.
Một giáo viên dạy Văn tại một trường chuyên tại Phan Rang - Tháp Chàm thì cho hay đề Văn kỳ thi tốt nghiệp năm nay quá hay và gần gũi thực tế. Học sinh có nhiều tự do hơn trong vấn đề trình này ý kiến của mình. Nhà giáo đương chức này cho hay đề thi môn Văn năm nay chứng tỏ Bộ Giáo Dục & đào Tạo rất dũng cảm khi ra đề và chắc chắn có sự đồng ý của cấp lãnh đạo cao nhất bật đèn xanh thì mới có kiểu đề thi như vậy. Khi chúng tôi hỏi là cấp lãnh đạo cao nhất hiện nay ở Việt Nam là cơ quan nào? Quốc Hội hay Chính Phủ? Thì nhà giáo này đáp ngắn gọn: Bộ Chính Trị.
Một Thạc sỹ văn chương đang công tác tại đại học Huế thì có ý kiến khác. Lâu lâu thì cũng có nhiều đề thi dạng này may mắn "lọt lưới" kiểm duyệt gắt gao. Dạng đề thi "hiểm" như thế này thì ít gặp trong các kỳ thi tốt nghiệp hay thi tuyển đại học. Nhưng trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và toàn quốc thì cũng thường gặp. Những dạng đề thi này rất dễ cho thí sinh cũng như giám khảo chấm bài. Ba- rem điểm gần như mở tối đa hễ có ý là có điểm. Vị này tin là năm nay thí sinh đạt điểm cao môn Văn khá nhiều. Ông cũng có cháu đi thi tốt nghiệp kỳ này và ông rất mừng khi gặp dạng đề thi như thế này cho các thí sinh.
Một giáo viên dạy Văn tại một trường PTTH nổi tiếng tại thành phố Cần Thơ thì có cái nhìn khá bi quan. Nhất định là phía "bạn" tức Trung Quốc sẽ lên tiếng sau kỳ thi này và ít nhiều Viện Văn học thuộc Bộ sẽ bị kỷ luật. Chúng tôi hỏi kỷ luật gì thì nhà giáo này cho hay chắc cảnh cáo hay khiển trách tổ ra đề kỳ này vì đề cập vấn đề nhạy cảm hiện nay là tranh chấp Vùng Biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Nhưng bất ngờ là các thí sinh tại Sài Gòn và Hà Nội thì cho hay là đề thi này không có bất ngờ gì với các em. Trong lúc ôn luyện thi tốt nghiệp thì thầy cô có nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Một học sinh của trường Sào Nam tỉnh Quảng Nam thì bộc bạch em "không trúng tủ" nhưng làm cũng tạm tạm.