Phạm Thanh Nghiên (Danlambao) - Tôi xin tặng câu chuyện này cho bạn, những Tù Nhân Lương Tâm “dự khuyết” dưới chế độ cộng sản, để thấy được những khoảng khắc của một người tù. Tôi luôn hy vọng, trong tương lai gần sẽ không còn nhiều người Việt Nam phải trải nghiệm cuộc đời mình trong chốn ngục tù đầy đau thương và mất mát như một cái giá để trả cho Khát vọng Tự Do.
Con người luôn có xu hướng “nói tốt về mình” và cảm thấy dễ dàng khi nói về những thành công hơn là những điều thất bại. Người ta hay lảng tránh hoặc giấu kín những sai lầm của bản thân, nhất lại là những sai lầm “ngoài mình không ai biết”. Nhưng, thành thật với chính mình phải được xem là điều kiện bắt buộc để trở thành một con người chính trực. Để thấy rằng, mục đích chính không phải trở thành người hùng mà là cách ta đối mặt và vượt qua những khoảnh khắc sợ hãi, mềm yếu của mình trước những thử thách đầy cam go, khốc liệt.
Tôi không định cất giữ những “bí mật” của riêng mình trong thời gian bị cầm tù mặc dù tôi hoàn toàn có thể và có quyền làm như thế. Nhưng, tôi sẽ kể cho bạn một cách trung thực nhất không chỉ những câu chuyện của chiến thắng, của khí phách và lòng quả cảm mà cả những câu chuyện về thất bại, về phút giây hèn yếu của tôi, một tù nhân lương tâm dưới thời cộng sản. Đơn giản vì sự thật cần phải được biết tới và tôn trọng. Nếu bạn “không may” trở thành một tù nhân lương tâm như tôi thì hy vọng, những trải nghiệm này sẽ giúp bạn có thêm một vài kinh nghiệm. Nhất định bạn sẽ chiến thắng, một chiến thắng trọn vẹn vì bạn giỏi hơn tôi, dũng cảm và thông minh hơn tôi rất nhiều.
Tôi luôn nghĩ mình... không đến nỗi nào khi vượt qua được bảy ngày khủng bố trước khi bị bắt. Ngay cả lúc tôi bước chân vào nhà tù, làm các thủ tục “nhập kho”, tôi vẫn không sợ hãi.
Một tên cai tù mặt mũi bặm trợn, mặc độc một chiếc quần xà lỏn đang chơi bóng chuyền ngoài sân, xông vào gây sự:
- Đứng dậy, vào đến đây mà còn dám ngồi à? Tội gì? Có muốn cạo trọc đầu không?
Tôi vẫn ngồi trên ghế. Thay vì phản ứng với hắn, tôi đưa mắt nhìn ả điều tra viên. Cô nàng hơi lúng túng, rồi tiến đến chỗ tên cai tù hống hách. Không biết cô ta thì thầm nhỏ to điều gì nhưng tôi thấy thái độ của hắn chùng xuống. Lúc này tôi mới chằm chằm nhìn hắn, cho tới khi hắn lỉnh ra sân, tiếp tục cuộc chơi với đồng đội.
Làm các thủ tục xong xuôi, bọn điều tra viên ra về. Một người phụ nữ trung tuổi đưa tôi vào một căn phòng chật chội. Tôi ngốc đến nỗi không biết đó là một cai tù vì mụ ta mặc thường phục, dáng vẻ lại nhỏ nhắn và yếu ớt. Lẽ ra tôi phải biết một điều rất đơn giản ngoài những tù nhân (đã bị nhốt) và bọn điều tra viên, nơi đây là thánh địa của bọn cai tù.
Lúc này, tôi mới nhận thấy mình không còn chút sức lực nào hết. Tôi thả lỏng người, cho phép đầu óc được ngơi nghỉ bằng cách không suy nghĩ.
- Ngồi xuống!
Tôi giật mình khi mụ ta ra lệnh. Tôi vẫn chưa nhận ra chân dung của một cai tù. Bực mình trước sự lúng túng của tôi, mụ quát to hơn:
- Ngồi xuống!
Tôi nhìn quanh không thấy cái ghế nào.
- Tìm gì! Ngồi xuống đất ấy.
Không kịp suy nghĩ, tôi ngồi thụp xuống đất. Đến bây giờ và có lẽ mãi về sau, tôi vẫn cảm thấy xấu hổ và day dứt bởi hành động đó của mình. Một sai lầm không bao giờ cứu vãn được. Hình ảnh của những người tranh đấu trong phút chốc đã bị tôi làm cho thảm hại.
- Họ tên? Càng lúc mụ càng tỏ ra hách dịch và khinh bỉ.
Lúc này, tôi mới nhận ra một tên cai tù. Tôi lập tức đứng lên. Nhưng, tay tôi phải vịn vào bàn làm việc của mụ vì khi đó tôi đã rất mệt. Tôi đã sai lầm khi cho phép trí não mình nghỉ ngơi. Ngạc nhiên trước thái độ bất ngờ của tôi, mụ hoạnh, ánh mắt xoáy vào kẻ đối diện:
- Ai cho mày đứng lên mà đứng? Ngồi xuống!
- Tôi không có nhu cầu ngồi dưới đất.
Tôi nhìn thẳng vào mắt mụ cai tù. Đôi mắt nhỏ và đục. Nhất là lực của mắt như một sức nặng xoáy vào người đối diện. Người “yếu bóng vía” chắc không dám nhìn vào đôi mắt ấy.
Gần đến ngày ra tòa tức mãi hơn một năm sau, tôi mới biết mụ là thông gia của đương kim Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh. Nhiều người ví von rằng, muốn biết bản chất của công an cộng sản Việt Nam, chỉ cần nhìn vào gương mặt của ông bộ trưởng. Ở đó có sự tăm tối, độc ác, có mùi máu tươi lẫn với tiếng thét kinh hoàng của những kẻ vô tội. Gương mặt của ông bộ trưởng, thật sự khiến người ta rùng mình dù chỉ thoáng thấy trên màn hình vô tuyến.
Không khôi phục được danh dự của mình sau hành động thảm hại vừa rồi nhưng không thể để mụ có một chiến thắng trọn vẹn. Dồn hết sức lực và niềm kiêu hãnh còn lại vào ánh mắt, tôi muốn mụ hiểu: tôi đã đứng dậy.
Phải nhớ sự sỉ nhục ngày hôm nay để không lặp lại một sai lầm tương tự trong tương lai.
Mụ cai tù chủ động xuống nước. Tôi “khai” lý lịch xong, mụ ta bắt đầu một bài thuyết giảng giống như bao nhiêu bài thuyết giảng của cánh đồng chí với mụ. Mụ bảo suốt mấy chục năm công tác, chưa bao giờ mụ gặp “loại tội phạm” như tôi. Trước khi đẩy tôi vào buồng giam, dùng lối xưng hô rất… ngọt, mụ nhẹ nhàng đe dọa:
- Thôi, cô chả cần biết mày làm những gì ở ngoài. Vào đây rồi thì cố mà suy nghĩ cho kỹ. Sai thì nhận, không việc gì phải ngoan cố rồi khổ ra. Chịu khó chấp hành nội quy, không là khó sống lắm. Cô cứ nói thật cho mày biết như thế.
Mụ cai tù bập khóa lại, vội vã (và chuyên nghiệp) đến mức cánh cửa như chạm vào lưng tôi. Tôi thực sự bị đẩy vào thế giới của những kẻ được cho là đáy cùng của xã hội. Hàng chục con mắt đổ dồn vào kẻ mới đến. Tôi thấy rờn rợn. Rất cố gắng để xua đi ý nghĩ rằng họ là những kẻ đáng sợ. Trong phút chốc, khó mà nhận diện đâu là chân dung của kẻ sát nhân, đâu là kẻ buôn ma túy, đâu nữa là kẻ buôn phụ nữ và trẻ em? Từ nay, tôi sẽ phải “chung đụng” với những con người này và họ sẽ là một phần cuộc sống của tôi.
Nhưng chắc chắn một điều rằng, không một ai trong số họ giống như tôi: Vào tù chỉ vì đòi Quyền con người và muốn toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước mình.
Lần đầu tiên tôi bị “kiểm tra thân thể” theo đúng nghĩa đen của cụm từ này trước sự chứng kiến của bao nhiêu người khác. Việc khám người thường do một tù nhân (gọi là buồng trưởng) thực hiện. Vài người khác được gọi chung là “trách nhiệm” lo phần kiểm tra tư trang. Đây là thủ tục bắt buộc đối với hầu hết những người mới “nhập buồng”.
Gọi là “hầu hết” vì thi thoảng cũng có vài trường hợp ngoại lệ. Đó là “người nhà” của Ban giám thị, hay của bọn cán bộ. “Người nhà” có thể là họ hàng, nhưng đa số là mối quan hệ được xây dựng dựa trên lợi ích giữa những kẻ làm ăn phi pháp với những tên cai tù hoặc những tên quan chức có cỡ. Chỉ cần “cô” (người quản lý buồng giam) nói trước với buồng trưởng một tiếng, kẻ mang danh “người nhà” sẽ vênh váo bước vào buồng giam mà không ai được phép đụng vào thân thể.
Trong lúc khám người, chị buồng trưởng phổ biến cho tôi nghe “nội quy” của buồng giam. Đại loại không được đi quá phạm vi chỗ nằm, không được nói chuyện riêng gây mất trật tự, nhất là không được “tuyên truyền chống Nhà nước”. Tôi đoán rằng, rất ít người ở đây nghe thấy cụm từ này trước khi tôi xuất hiện. Chị buồng trưởng phải phát âm tới lần thứ ba mới đúng cụm từ trên. Không hiểu sao khi ấy, tôi hình dung ra vẻ mặt ngây ngô (có phần hãm tài) và nụ cười hồn nhiên của ông chủ tịch Triết. Sự sợ hãi và vẻ hài hước của ông ta len lỏi vào tận chốn ngục tù.
Tôi nói với Nhung “rồng” (buồng trưởng) rằng tôi cần phải đi tắm. Chị ta chỉ cho tôi vào toa lét. Vài hôm sau tôi mới biết không một ai đủ “gan” để ngang nhiên yêu cầu được tắm trong giờ đóng cửa buồng cũng như không một tù nhân (làm trách nhiệm) nào dám “đồng ý” cho việc đó. Đối với mọi người, ngay ngày đầu tiên bước chân vào buồng giam tôi đã mang dấu hiệu của sự khác biệt.
Tôi được xếp nằm dưới “gầm mà”(*), bên cạnh hai người tù bị buộc tội buôn ma túy. Làm quen vài câu lấy lệ, tôi thả mình xuống tấm chiếu không còn lành lặn.
Lúc này đã gần bẩy giờ tối.
Mệt và đói. Mấy thìa cháo tôi ăn trước lúc đi đã bay hơi ngay khi vừa ngồi trong xe thùng.
- Sao không mở ti-vi lên coi hả các chị?
Không ai trả lời. Tôi nhắc lại câu hỏi lần nữa. Nhung rồng trả lời:
- Ti-vi hỏng.
Cái ti-vi chỉ “hỏng” đúng buổi tối đó thôi. Nó hỏng theo chỉ thị. Bản tin thời sự hẳn sẽ đưa tin về một chiến công lẫy lừng của các chiến sĩ công an, tóm gọn tên “phản động” với những “bằng chứng không thể chối cãi”, và rằng “đối tượng đã cúi đầu khuất phục”. Cánh điều tra viên không muốn cắm mặt xuống đất mỗi lần đi hỏi cung “bị can” -nhân vật chính trong bản tin thời sự. Kể cũng chưa mất hết liêm sỉ.
Mọi người vẫn ngồi chơi. Tôi nằm nhưng không sao ngủ được. Một chị đánh bạo hỏi:
- Em ơi thế em đi tù hay đi ngủ?
- Cả hai chị ạ.
Một vài người khác mạnh dạn hơn, bắt đầu hỏi chuyện. Song cũng chỉ một lúc, không còn ai dám chuyện trò với tôi nữa. Bản tính tò mò không thắng được nỗi sợ hãi.
Cái mệt đã giúp tôi trải qua đêm đầu tiên trong tù một cách dễ dàng.
(Còn tiếp)
______________________________________
Chú thích:
(*) Gầm mà: Chỗ nằm của tù chia ra làm hai loại. Trên sàn (sàn trên) được xây bằng bê tông có lát đá hoa cao chừng 1 mét. Chỉ những tù nhân mà người nhà ở ngoài có sự “quan tâm” đến “cô”(cai tù) mới được nằm trên sàn. Tức là đi tù cũng phải mua chỗ. Những người không có tiền, không thiết lập mối quan hệ với cai tù thì bị ấn dưới gầm sàn, gọi là “gầm mà”.