Phó chủ tịch Nam Định lên facebook kể chuyện 100 ngày nhậm chức - Dân Làm Báo

Phó chủ tịch Nam Định lên facebook kể chuyện 100 ngày nhậm chức

Hoàng Trần (Danlambao) - Tân phó chủ tịch tỉnh Nam Định, ông Bạch Ngọc Chiến đã gây được sự chú ý khi chủ động lên facebook để ‘báo cáo’ công việc sau 100 ngày nhận nhiệm sở.

Ông Bạch Ngọc Chiến là con rể của ông bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị - nhân vật được cho là ứng cử viên ghế tổng bí thư trong kỳ đại hội đảng sắp tới.

Ông Bạch Ngọc Chiến sinh năm 1971, thuộc danh sách 44 cán bộ ‘luân chuyển’ về địa phương hồi tháng 3/2014. Trước khi điều về Nam Định, ông Chiến giữ chức trưởng ban đối ngoại thuộc đài truyền hình Việt Nam (VTV).

‘Xây hơn chống’

Phó chủ tịch Bạch Ngọc Chiến có lẽ là một trong những quan chức đầu tiên trong guồng máy công khai việc sử dụng facebook - một mạng xã hội vốn được xem là môi trường ‘nhạy cảm’ đối với chế độ toàn trị tại Việt Nam.

Dù vậy, nhìn chung bài viết của vị quan đầu tỉnh Nam Định vẫn không thoát khỏi ảnh hưởng bởi những lối lý luận theo kiểu tuyên giáo. 

Mở đầu bài viết, ông Chiến nhắc đến chuyện chống tham nhũng và trình bày quan điểm rằng: ‘với chức phận và mong muốn cá nhân’, mục đích ông về Nam Định là để ‘xây hơn chống’.

“Từ ngày mới về đến nay, nhiều lần nhận được tin nhắn và điện thoại của một bác hỏi “anh có dám chống tham nhũng không?” Tôi trả lời “Tôi về đây với mục đích xây hơn là chống”. 

Tôi cũng muốn bác ấy và các bà con khác hiểu rằng tôi chẳng ưa gì cái thứ hắc lào ấy, nhưng với chức phận và mong muốn cá nhân, tôi muốn cái hay, cái mới, cái tươi đẹp sẽ đến lúc cuốn phăng đi cái dở, cái cũ và cái xấu.”, ông Bạch Ngọc Chiến viết trên facebook. 

Thông thường, lối nói nước đôi theo kiểu của tân phó chủ tịch Nam Định nhằm để tránh trở thành mối đe dọa đến con đường quan lộ trước mắt.

Lương 25 đô, cưới con gái bí thư tỉnh ủy?

Ông Chiến kể lại rằng, vào năm 1996, mức lương hướng dẫn viên du lịch của ông mỗi tháng khoảng vào khoảng 1000 đô-la Mỹ, tuy nhiên khi trở thành cán bộ thuộc bộ ngoại giao, mức lương ông nhận được mỗi tháng chỉ còn 25 đô-la Mỹ. 

Theo ông Chiến, đồng lương quá thấp khiến ông phải nhận thêm tiền từ hai người em để tiêu. Khi cưới con gái ông Phạm Quang Nghị, ông cũng phải làm thêm ngoài giờ, nhờ vậy mà vợ chồng ông ‘đủ sống’.

Vào thời điểm ấy, ông Phạm Quang Nghị đã là bí thư tỉnh ủy Hà Nam.

Cho rằng mức lương của phó chủ tịch tỉnh ‘khá nhỏ bé so với nhu cầu của cuộc sống hiện tại’, nhưng ông Bạch Ngọc Chiến khẳng định sẽ ‘giữ mình và công tâm’

“Tôi đã có lương khô và ý chí kiên định cho tương lai nên có thể giữ mình và công tâm”, ông Chiến viết.

Chưa tiếp dân oan

Có thể thấy rằng, sự thăng tiến quá nhanh đối với ông Chiến, từ một trưởng ban đài truyền hình bỗng chốc trở thành một phó chủ tịch tỉnh đã bộc lộ rõ năng lực của những cán bộ được xem là ‘thế hệ lãnh đạo kế cận’.

Theo hồ sơ, ông có bằng thạc sĩ chuyên ngành ngoại giao - thương mại; cử nhân tiếng Nga, cử nhân tiếng Anh, trình độ lý luận chính trị cao cấp.

Dù vậy, sau 100 ngày nhận nhiệm sở, ông Chiến thú nhận rằng ông đã “phải kết luận hoặc cho ý kiến về những việc mà chỉ vài tháng trước không hề có khái niệm”.

“Cá nhân tôi xác định tôi đi làm việc và học việc. Học việc vì những gì tôi trải qua chưa đủ.” 

“Chỉ còn một việc chưa làm là tiếp công dân (chủ yếu là khiếu kiện) và sẽ làm trong thời gian tới.” 

Ví tình trạng tham nhũng giống như căn bệnh hắc lào, ông Chiến kêu gọi:

“Mong các bạn hãy nhìn Nam Định một cách tích cực vì khi không thể chữa được ngay hắc lào vì thiếu thuốc đặc trị thì hãy không mặc quần áo ẩm và bẩn.”

Được phân công lo về các mảng văn hóa, thể thao, truyền hình, du lịch, kêu gọi đầu tư…, ông Chiến cũng có nhắc đến một số điều ông cho là thành quả sau 100 ngày làm việc.

Vẫn còn quá sớm để kết luận, nhưng chắc chắn kinh nghiệm điều hành của một trưởng ban, dù là ở đài truyền hình quốc gia cũng không thể áp dụng đối với cả một tỉnh rộng lớn với dân số hơn 2 triệu người như Nam Định.

Vì thế, ông Chiến vẫn chưa cho thấy khả năng gì nổi trội, ngoài việc ông là con rể của ủy viên bộ chính trị Phạm Quang Nghị.

Việc ‘luân chuyển’ cán bộ được giới chóp bu cộng sản giải thích là để ‘rèn luyện trong thực tiễn’. Trên thực tế, công tác lựa chọn cán bộ chủ yếu dựa vào thế lực gia đình, trong khi năng lực của những người được chọn hầu như không có gì nổi bật.

Sau một thời gian ‘luân chuyển’ về địa phương, những người này sẽ tiếp tục được điều về trung ương giữ những chức vụ cao cấp hơn. Do đó, vị trí phó chủ tịch tỉnh cũng chỉ là bước đệm cho con đường quan lộ của các thế hệ 'thái tử đảng' theo kiểu cha truyền con nối.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo