Bảo Giang (Danlambao) - Tôi đã đọc đến những trang cuối của Đèn Cù rồi đây. Có một điều tôi chờ đợi, tôi muốn thấy, nhưng không thấy. Lạ hơn, cũng không có, dù chỉ là một tư tưởng nhỏ của sự giải thoát cho người, cho những lớp voi giấy, ngựa giấy hay chó giấy ra khỏi cái khung sườn của CS. Trái lại, dù là người ở ngoài, thú ở trong, vẫn là một cảnh vừa chạy, vừa đuổi, tít mù theo cái vòng quay của nó. Nó vẫn quay và làm chết người. Niềm đau là người không lối thoát!
Khi “Đêm giữa ban ngày” và tác giả của nó đã vượt qua cõi chết, đem ra trước công luận những hình ảnh, những thân phận người đang phải sống dưới bóng tối, dù bên ngoài trời đã sáng, làm cho nhiều người phát kinh hoàng về một góc độ của cuộc sống thực trong “thiên đường cộng sản”. Khi ấy, dù chẳng nói ra, nhiều người có thêm một dịp được nhìn tận mắt, nghe tận tai câu chuyện, cuộc sống của người ở phía bên kia. Những câu chuyện mà có lẽ cái nhà nước CS ấy, dù rất tinh thông nghề láo lếu, gian trá, vẫn không thể há mồm ong óng lên là cuốn sách do “thế lực thù địch” đặt hàng để viết ra. Tuy thế, tôi vẫn cho đó chỉ là những nét phẩy, nét vẽ đơn điệu của bên thắng thế dành cho bên yếu thế của họ trong quá trình tranh giành quyền lợi cá nhân trên nỗi thống khổ, lao nhọc và đau thương của đồng bào Việt Nam. Nó không hề phản ảnh, hay nói lên được cái gian trá, đểu cáng đến tột cùng mà chế độ ấy, trong đó bao gồm cả bản thân phía bị gọi là thua, yếu thế đã gây ra cho đồng bào của mình. Tôi đâm ra lạnh nhạt, vô cảm, dửng dưng với câu chuyện “đêm giữa ban ngày”.
Tuy thế, tôi vẫn nghĩ rằng, rồi ra sẽ có được những tác phẩm với những đường kẻ rõ nét hơn, sắc bén hơn, trung thực hơn khi soi dọi vào những khuôn mặt mo đã làm nên hình thù của một chế độ bệnh hoạn phía bên kia bờ vĩ tuyến 17, để không phải chỉ ở bên kia vĩ tuyến, nhưng trên toàn cõi Việt Nam đã rơi vào trong tang thương. Ở đó, có đầu rơi, có máu chảy. Có nhiều người chết. Chết bằng nhiều kiểu, cách khác nhau. Người bị giết lén, bị chặt đầu bằng dao mã tấu của HCM. Kẻ bị chết vì mùa đấu tố. Người chết vì bom, vì mìn của Lê Duẩn trên đường “giải phóng”. Kẻ bị thả trôi sông vì không theo giặc cộng. Người bị bêu đầu vì làm việc cho Cộng Hòa. Đủ kiểu, đủ cách sẽ được phơi bày trên những trang giấy trọng tính nhân văn. Ở đó, những sự thật dẫu là tàn bạo, man rợ đều không thể bị che khuất bởi những làn mây đen, dù tác giả đã viết nó trong một ngày không có nắng. Để nhờ đó, lịch sử được soi sáng và những bạo tàn, gian dối có cơ may đón nhận sự tha thứ từ đồng bào hơn là tiếp tục che dấu để tồn đọng sự hận thù trong lòng dân tộc. Sự chờ đợi ấy đến nay vẫn chưa có. Tuy nhiên, từ trong bóng đêm đã thấp thoáng một bóng Đèn Cù,
“Người ta không đốt đèn rồi để nó ở dưới gầm giường, nhưng là đặt trên giá cao để soi sáng cho cả nhà” (Lc, 8,16).
Khi nói đến cái đèn, người ta liên tưởng ngay đến đặc tính của nó là chiếu sáng và đẩy lui đi bóng tối. Nghĩa là, nhờ ánh sáng của đèn người ta nhìn thấy rõ những sự vật đang nằm trong bóng tối. Hơn thế, ánh sáng còn tạo ra nguồn lực, sức nóng, nguồn sống cho con người. Mất đi đặc tính chiếu sáng, sức nóng, đèn không còn là chính mình. Tuy nhiên, Đèn Cù trong nhân gian Á Châu, Việt Nam (và có thể do chính tác giả mượn chữ của nó, để diễn nghĩa) không phải là loại đèn dùng để soi sáng, tỏa nhiệt, tạo nguồn động lực sống, xóa tan bóng đêm. Nhưng là loại đèn được thiết trì với mục đích giải trí cho đôi mắt, tạo niềm vui nho nhỏ cho người thưởng lãm. Theo đó, ánh sáng, sức nóng từ ngọn đèn sẽ tác dụng tạo ra nguồn động lực làm chuyển động những khung hình, trên ấy có những hạng mục voi giấy, ngựa giấy, chó giấy... cùng theo nhau, đuổi nhau chạy vòng quanh trong lồng đèn, tạo cho người xem một cảm giác là lạ, thích thú. Ánh sáng ấy khi tỏ khi mờ, đôi khi lóe lên, chiếu dọi ra bên ngoài qua những hình thú nhấp nhô, để khách thưởng lãm nhìn rõ mặt từng hình thú voi giấy, ngựa giấy, chó giấy đang quay tít kia mà bàn tán, chê khen. Phận thú, mặc cho lời bàn tán, nó vẫn tiếp tục quay như điên, như cuồng, chẳng khi ngừng lại cho đến khi đèn hết dầu hoặc đèn bị cháy.
I. Những hạng mục trong Đèn Cù
Như tôi đã nhắc đến ở trên, một trong những điều thú vị của Đèn Cù là ánh sáng của nó, dù không tỏ, vẫn làm cho vòng quay phải quay, vẫn giúp cho người đứng xem, nhìn được vài, ba đường nét nổi bật, cũng như những góc khuất của đoàn thú đang chạy vòng vòng trước mặt. Nghĩa là, sau những vòng quay, chẳng một con thú nào không được điểm đanh với những hình dạng, đặc tính riêng của nó. Cũng thế, mời bạn trở lại chuyện cái Đèn Cù Việt Nam, chúng ta nhìn thử xem thế nào?
a. Dàn voi đi đầu: Hồ chí Minh
Gần 80 năm qua, chẳng ai có số liệu chính xác trong tay, nhưng chắc hẳn là không có dưới 5, 7 chục ngàn những bài viết dài ngắn, lớn nhỏ, từ trung ương xuống địa phương, của những người thổi ống đu dủ và của cả những kẻ đã bỏ của chạy lấy người, mang tính lừa gạt cao, đầy tình tiết thêu dệt về nhân vật Hồ Chí Minh với mục đích làm cho người dân thuộc thế kỷ 14, 15 tin rằng, đó là một lãnh tụ anh minh, vĩ đại. Hơn thế, còn ngoa ngữ Y là một loại cha già kiểu cha già tộc dân... bán khai nào đó, mà Việt cộng có công lớn khi nhập cảng Y vào Việt Nam! Cùng chủ đích, cũng có hàng chục cuốn sách của các tác giả khác nhau, vẽ vời ra những góc cạnh, hình ảnh giả tưởng như "ông thánh", như “cái đỉnh chói lọi” "vừa đi đường vừa..." với mục đích "dựa hơi", thổi ống, kiếm sống, kiếm phần đỉnh chung. Chẳng ai trong số những tác giả này, ở trong nước hay hải ngoại đã nói lên được một vài nét thật, đặc tính, hay những cốt lõi (tốt, xấu, bần tiện) đã làm nên hình ảnh, con người, sự nghiệp và đời sống của Y. Tất cả đều vơ vào, loanh quanh, ngụy biện, tuyên truyền, dối trá với những lý do của lịch sử, thuộc về lịch sử, đã đầu độc dân chúng, đầu độc dư luận, gây ra một sự ngộ nhận lớn trong lịch sử.
Nay sự kiện xem ra đã đổi khác đôi phần. Qua dòng chữ vắn vỏi: “Cụ Hồ bịt râu đến dự một buổi” (buổi đấu tố bà Nguyễn thị Năm) trong Đèn Cù (trang 82) của Trần Đĩnh, người ta đã có thể nhìn hiểu một cách thấu đáo hơn, cặn kẽ hơn và đánh giá đúng hơn về tư cách, về lương tri, về đời sống và về phẩm chất bần tiện, cùng những hành vi tồi bại của HCM, mà chẳng cần phải đọc cả ngàn ngàn trang sách, báo chê khen nào khác nữa. Bởi vì, có cộng chung hàng tấn sách báo mà CS vẽ vời ca tụng Y lại với nhau, cũng không thể bào chữa, khoả lấp, tẩy xóa được cái hình ảnh, cái tư cách cực hèn của một chủ tịch nước, chủ tịch đảng cộng sản đã bịt râu che mặt đến dự cuộc đấu tố người ân nhân của đảng, của nước do chính mình lựa chọn về cách đấu và người đấu. Chỉ cần một câu ấy “cụ Hồ bịt râu đến dự một buổi” là quá đủ để vẽ nên trọn hình ảnh của một tên hề, (hề mới vẽ râu sơn mặt). Là quá đủ để cho hàng ngàn tấn sách báo tâng bốc kia thành rác rưởi, và đủ chứng liệu để lịch sử xếp cho y một chỗ đứng nào đó, bắt buộc phải có trong lịch sử Việt (dẫu muốn quăng nó đi, cũng không quăng đi được!).
Thật vậy, trước đây guồng máy tuyên truyền của CS luôn phát đi những điều gian dối, nhiều người, kể cả hàng ngũ cán cộng trung cao cấp của cs, cứ tưởng HCM là một lãnh tụ, người tổ chức và đứng đầu guồng máy lãnh đạo của nhà nước cộng sản tại miền Bắc là người tử tế, có tư cách. Nay qua nhiều tài liệu lịch sử đã phơi bày, qua ánh Đèn Cù của Trần Đĩnh, thực tế lại hề quá hề. HCM chẳng phải là kẻ đã tạo ra cái khung lồng đèn ấy. Trái lại, Y chỉ là hề, kẻ đứng đầu trong các hạng mục voi giấy ngựa giấy, chó giấy chạy vòng vòng, quay tít trong cái lồng đèn để làm trò vui tai lạ mắt cho những kẻ điều khiển là Liên sô và Tàu cộng mà thôi! Trần Đĩnh kể:
“Bác xuất ngoại, trong ATêKa chúng tôi rất mực vui. Đâu có biết đại thí sinh Hồ Chí Minh sắp dự cuộc khẩu thí mà nếu trúng tuyển thì đất nước sẽ đoạn tuyệt hẳn với thế giới. (tr,45) (Tại sao lại đoạn tuyệt với thế giới, ở đó không phải là tổ chức của loài người chăng?). Sau đó, nghe truyền đạt Stalin đã phân công Trung Quốc “phụ trách” Việt Nam,… (tr 49) Lúc ấy chưa nhận hết hàm nghĩa của từ phụ trách. Đúng, thế nào là phụ trách? Là phải ốp sát, kèm chặt ở bên! Đồng chí La có tư cách song trùng: vừa đại sứ cách trở vừa thường xuyên đụng đầu bàn bạc ở cương vị “phụ trách.”(tr.51). Nên biết chính Bác tự nguyện nhận mình chỉ nêu ra được có tác phong, còn tư tưởng, lý luận thì để cho Mao Chủ tịch. Được lãnh tụ ráo riết giáo dục, (điều lệ thêm câu “lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam,” điện đảng gửi Đảng Cộng sản Trung Quốc viết Đảng Lao động Việt Nam nguyện học tập Đảng Cộng Sản Trung Quốc, học tập tư tưởng Mao Trạch Đông, tư tưởng lãnh đạo nhân dân Trung Quốc (tr. 49)”
Cuộc voi chạy thê thảm là thế, nhưng ngay sau khi được chuẩn nhận như là chú voi chạy đầu, là HCM hóa... Cáo! Tác phong đổi hẳn. Trong lần đầu gặp HCM (1957), Trần Đức Thảo đã được dặn dò kỹ lưỡng. Thấy lạ, Thảo hỏi:
- Nếu không được xưng tôi thì xưng bằng gì?
- Đồng chí có thể xưng bằng “con,” hay bằng “cháu,” và phải gọi Người bằng “bác” như đồng bào vẫn gọi... Những mệnh lệnh này là quan trọng, đồng chí phải ghi nhớ cho kỹ, kẻo làm hỏng cuộc diện kiến với “Người”... (Trần Đức Thảo. Những Lời Trăn(g) Trối, 2014).
Đó là tình cảnh trước và sau khi gặp Mao. Trước đó, HCM đã viết thư gởi Stalin, xin được trả 100 đô la Mỹ một tháng để có tiền sống và đi hoạt động. Rồi ngày 31-10-52, Hồ Chí Minh viết thư, trình cái đề án gọi là cải cách ruộng đất ở VN với sự giúp đỡ của hai viên cô vấn Tàu để xin Stalin phê chuẩn. HCM đã giữ đúng thứ, bậc trong hạng mục nô lệ, giúp việc cho ngươi. Y đã toại nguyện mộng làm nô lệ được trả công. Chỉ tiếc rằng, Y không lường trước được là cái thư xin 100 đô la một tháng, xin phép ngoại nhân để giết người Việt Nam của Y rồi ra sẽ được phơi bày ra trước công luận! Nó trở thành bản án muôn đời cho chính kẻ viết ra nó!
Với bên ngoài thì HCM khúm núm, quỳ gối như thế, nhưng quay vào trong, HCM lại có ngay cho mình hai thái độ là ông chủ nhớn, và kẻ đại bất lương. Ông chủ dựa hơi làm chủ như Trần Đức Thảo ghi lại. Bất lương chính là việc viết "địa chủ ác ghê" dùng làm cơ sở cho các cuộc đấu tố, đã trực tiếp giết chết 200 ngàn sinh mạng vô tội. Rồi làm bại hoại nền luân lý, đạo đức của xã hội Việt Nam.
Trước đây, cái chết của bà Năm trong ngày Hồ Chí Minh khai hội múa dao, gọi là cải cách ruộng đất ở miền Bắc đã được nhiều kẻ tung hứng và đưa ra những tin tức thất thiệt, cho là Hồ Chí Minh không biết. Hoặc giả, không có ý giết người (BT, HT), nhưng vì Lê Qúy Ba một cố vấn và phụ trách mảng Việt Nam của Tàu ra lệnh, nên Hồ Chí Minh phải gật đầu. Từ việc loanh quanh biện hộ này đã cho thấy Hồ Chí Minh vốn dĩ chỉ là một loại voi giấy chạy đầu, dưới quyền chỉ bảo sai khiến của Lê Qúy Ba. Đến nay, những giở giáo, bênh đỡ, che đậy ấy đã thực sự bị lột trần ra rồi. Hồ Chí Minh không những chỉ là kẻ viết ra bản cáo trạng gian dối, bất lương, ngậm máu độc phun người, có một không hai trong lịch sử để mở đầu cho cuộc đấu tố đầy vong ân bội nghĩa để vui lòng chủ nhân Tàu. Y còn “bịt râu che mặt đến dự một buổi” trong cuộc đấu tố ấy nữa. Chắc đọc xong 8 chữ này, các ống đu dủ của Y cái thì bể, cái bị xì hơi, hết cách thổi! Những tấn sách, những tên tuổi vẽ vời về Y tự nhiên cháy đen thui. Bởi lẽ, những hành động của Y thể hiện trong việc viết bản cáo trạng "địa chủ ác ghê" đã là một việc làm bất cương không ai có thể tưởng tượng ra, nay lại đích thân đi mở đầu cuộc đấu bằng cách che râu dấu mặt thì có khác gì những quân khủng bố. Hỏi xem, chúng ta phải liệt Y vào hạng mục nào cho xứng? Đó có phải là một tội ác cực lớn đối với con người và tổ quốc Việt Nam không?.
Với con người, nó đã trực tiếp lấy đi sinh mạng của 200 ngàn người và làm cho hàng trăm ngàn gia đình khác phải tan nát. Với Tổ Quốc, nó đã giết chết nền luân lý đạo đức và văn hóa của Việt Nam bằng sách lược của CS, ép thúc con đấu cha, vợ đấu chồng, anh chị em, thân nhân đấu nhau. Với đồng bào, nó đã phân chia ra thành giai cấp, với khẩu hiệu “Trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ” để triệt hạ tình nghĩa đồng bào, tiêu diệt tình người trong xóm thôn. Tạo ra một xã hội băng hoại niềm tin. Ở đó, tất cả chỉ còn phụ thuộc vào gian trá và nói dối nhau theo bản cáo trạng của HCM mà sống. Với tôn giáo, nó đã đập phá, hủy hoại niềm tin lành thánh vào thần linh của con người bằng cách tạo ra chiêu bài "bài trừ mê tín dị đoan" để phá chùa, đập đền thờ, xô đổ đình miếu và đốt nhà thờ. Sau đó, đưa hình ảnh và cái đầu lâu của Hồ chí Minh vào đình chùa, miếu đền, nơi tôn nghiêm như là một hình thức suy tôn mới để phỉ báng tôn giáo. Với chỉ bấy nhiêu thôi, đất nước Việt Nam đủ tan hoang, và tang thương chưa?
b. Voi dày mả tổ: Trường Chinh Đặng Xuân Khu
Trước đây, người Việt Nam đã rõ ngọn nguồn về một tên tuổi lừng danh trong đảng cộng sản. Kẻ này vang danh khét tiếng với những hành động thiếu hẳn nhân tính trong vai trò chỉ đạo cuộc đấu tố 1953-1956. Tính công, Y chỉ đứng sau Hồ Chí Minh trong việc sát hại gần 200 ngàn người Việt Nam để cướp toàn bộ tài sản của họ. Y là Đặng Xuân Khu thường được biết đến qua tên hiệu Trường Chinh. Trần Đĩnh viết "Với tôi, anh có thể làm tổng bí thư suốt đời”. Sau cái chết oan ức của 200 ngàn người, và ảnh hưởng quá nghiêm trọng do cuộc đấu tố 53-56 tạo ra, Đặng Xuân Khu đã mất chức TBT vào tay Lê Duẩn. Khi đã bị hạ tầng công tác, Khu còn được vinh dự mang thêm “huy chương” là kẻ đấu tố bố mẹ đẻ, và là kẻ vong ân, bội nghĩa khi dự phần vào cuộc đấu tố bà Nguyễn Thị Năm.
Ở đây, tôi cũng xin nói rõ một điều là, tôi chưa đọc được trang sách nào khả tín nói đến chuyện Đặng Xuân Khu về Hành Thiện đấu tố bố mẹ mình, và cũng chưa thấy ai chứng thực rằng đã thấy Trường Chinh làm chuyện này, nhưng có lẽ là do bố mẹ của Khu cũng bị vạ lây trong mùa đấu tố mà Khu bị mang lấy cái tiếng này chăng? Bị tiếng vì quả báo? Nhưng chuyện Khu nhúng chàm trong vụ giết người ân nhân của mình thì không thể chối cãi được. Trước đây đã có nhiều người nói đến, nay Đèn Cù của Trần Đĩnh huỵch toẹt ra là: “Cụ Hồ bịt râu đến dự một buổi và Trường Chinh thì đeo kính râm suốt” (ĐC 82). Có nghĩa là TC có mặt từ đầu đến cuối nhưng phải che mặt đeo kính vì sợ người ngoài nhận diện? Đã hèn thế, còn lệnh cho Trần Đĩnh "cần một bài báo viết nổi bật lên khung cảnh sôi sục, sinh động của cuộc đấu tố để ca ngợi sức mạnh của bần cố nông được phát động, còn tội ác thì tôi cứ theo tài liệu, cáo trạng của đội... chi tiết, khai thác Văn." (ĐC 82). Mục đích Trần Đĩnh không viết ra, nhưng có lẽ Y không đến để khóc thương bà Năm. Nhưng là đến chỉ đạo đánh cho gọn, đánh cho đẹp?
Chuyện đấu tố là thế. Trước đó, cây lý luận lớn nhất của đảng cộng sản đã được biết đến là kẻ rước voi về dày mả tổ, kẻ muốn xin cho Việt Nam vào làm chư hầu cho Trung cộng. Tháng 8-1951 trong văn thư với bảng hiệu “Ủy ban hành chánh kháng chiến VNDCCH năm thứ 7”, nhân danh TBT đảng Lao Động (CS) lúc bấy giờ, Chinh viết lời kêu gọi đồng bào Việt Nam “bỏ chữ Quốc Ngữ học chữ Tàu. Bỏ thuốc Tây dùng thuốc tễ của Tàu” mà Y khoác lác là “hay nhất hoàn cầu”, như là một điều kiện để xin cho VN được làm chư Hầu cho Tàu. Vì “Tàu không những chỉ là bạn, nhưng còn là thày của ta nữa”.Về lý luận có lẽ không ai hơn Khu thật. Bởi vì nhờ Đặng Xuân Khu, CS đã tạo ra được những bản văn Ô nhục nhất để lưu lại trong dòng lịch sử của Việt Nam! Phục chưa nào?
Một người như thế, bất cứ ai nghe đến đều phải rùng mình rợn tóc gáy. Nhưng CS thì hãnh diện và tác giả của Đèn Cù, một chàng trai hào hiệp, được Lê Đức Thọ khen là có tài (chắc không phải là tài viết bậy theo CS?) đã sống, tiếp xúc và làm việc nhiều với Trường Chinh ngay từ lúc 19 tuổi. Là người đã xưng tôi với Trường Chinh ngay từ lần tiếp xúc lần đầu tiên, có lẽ nào không hề hay biết gì đến những tội thuộc diện trời không tha, đất không dung của Y? Đã thế, còn coi Y là người lý tưởng của mình thì rất lạ. Có phải vì gần mực mà bị đen hay không? Ở đây, tôi không quy trách bất cứ một điều gì cho tác giả, chỉ dám nêu lên một thắc mắc là: Không biết tác giả đã yêu và coi Trường Chinh là lý tưởng của mình về phương diện nào? Về tư cách và hành vi của Y trong cuộc đấu tố chết 200 ngàn đồng bào Việt Nam, hay là hợp thỉnh, đồng mưu với Y trong việc rước voi về dày mả tổ và xin làm chư hầu cho Trung cộng?
c. Dàn ngựa Tầu: Lê Duẩn, Lê Đức Thọ…
Trong Tam Quốc có kể lại một câu chuyện rất bất nhân về nhân vật Lữ Bố là: Khi được Trác tặng con ngựa thì Lữ Bố giết chủ là Đinh Nguyên, theo Trác, gọi Đổng Trác là cha. Đến khi bị Đổng Trác phỗng tay trên, chiếm mất Điêu Thuyền con gái nuôi của tư đồ Vương Doãn thì cầm họa kích giết Đổng Trác. Sau cùng bị Tào Tháo... cứa cổ.
Rồi hôm nay, trong Đèn Cù có câu chuyện Lê Duẩn, Lê Đức Thọ... nổi lên như một cặp ngựa chiến của thời đại trong tay của Trung cộng đã tàn phá non sông Việt Nam và gây ra cái chết của gần ba triệu sinh linh trong cuộc chiến từ 1954-1975. Trần Đĩnh viết: “Cụ Hồ, Trường Chinh, Giáp không muốn ngả theo Mao, nhưng Duẩn tin rằng theo sấm sét của tư tưởng “Lê-nin thời ba dòng thác cách mạng” thì sẽ giải phóng thống nhất đất nước... Duẩn theo Mao hẳn rồi,”( tr.258). Tiết lộ này, xem ra chẳng có gì là mới mẻ cả. Trái lại, nó chỉ có khả năng đúng được một phần (Duẩn theo Mao), còn một phần lớn khác (Minh, Chinh, Giáp không theo Mao mở cuộc chiến) có khi là một chứng gian!
Thật vậy, mọi người từ quê ra tỉnh đã biết và biết rất rõ là Lê Duẩn đã nhiều lần tỏ bày hết tâm tư nguyện vọng của một kẻ tôi đòi, nô bộc với Mao qua những lần giáp mặt hay không giáp mặt với Mao là: “Cuộc chiến đánh Mỹ, giải phóng miền Nam là chúng tôi đánh cho Trung Quốc, cho Liên Xô”... “Sở dĩ chúng tôi kiên trì chiến đấu là vì Mao chủ Tịch,... Cuộc chiến đấu của chúng tôi là phụ thuộc vào công việc của Mao chủ tịch!” Rõ ràng là ngựa Tàu hại nước Việt. Tuy nhiên khi nhìn lại, những tuyên bố dầy nô lệ tính của Duẩn sẽ chẳng có gì là khó hiểu và chẳng phải tự ý làm. Trái lại, đó chỉ là phản ứng lấn vai của những con ngựa trong bầy muốn chứng tỏ mình là con khoẻ mạnh, hung hăng để cho chủ nhân vừa ý, đóng dây cương vào cổ mà thôi. Với người, đó là tâm tư nguyện vọng của hạng nô lệ, tôi đòi, sợ chủ nhân không biết được lòng dạ khuyển mã của mình mà tin dùng kẻ khác chăng?
Có lẽ thế! bởi vì cùng đi theo hệ tư tưởng nô lệ, nê tập đoàn cộng sản từ Minh, Chinh, Duẩn, Đồng, Giáp, kéo theo cả một dàn gọi là lãnh đạo cho đến hôm nay đều dòm chừng nhau, tranh công, hạ gối, sẵn sàng làm bất cứ điều gì để chủ nhân Tàu sủng ái, đóng dây cương vào cổ, đặt vòng xích vào chân như dấu ấn chứng nhận là người của chủ. Sau đó, cúi đầu dưới ngọn roi mà phục vụ cho chủ nhân, miễn là, sau đó, họ được phép đứng dậy hò hét, nghênh ngang với các “đồng chí” trong đảng. Còn đối với nhân dân, một tập thể vốn dĩ đã bị coi là nô lệ trong chế độ CS thì cần chi phải lưu tâm tới nữa. Thống khổ ư? Nhân Quyền ư? Tự Do, Độc Lập ư, Tôn giáo ư? Tất cả đều là không! Lý do, khi tập đoàn lãnh đạo, đảng đã là nô lệ cho ngoại nhân thì người dân sẽ còn là hạng mục gì khác?
Đây chính là điểm khác biệt lớn nhất trong tư duy của những người lãnh đạo ở miền Nam như Tổng Thống Diệm, TT Thiệu, với các tay lãnh đạo trong hàng ngũ của đảng CS tại miền Bắc. Tư duy lãnh đạo của những nhà lãnh đạo ở miền Nam với Thế giới, với đồng minh, với nhân dân là tự chủ, là nhân bản, là bình đẳng, là tôn trọng, là luật pháp. Trong khi đó, cái tư duy cốt lõi của lãnh đạo CS Bắc Việt với CS QT là ngắn gọn hơn. Nô lệ và phụ thuộc. Theo đó, những người lãnh đạo ở miền Nam trước 1975 sẵn sàng lấy tính mệnh của mình để bảo vệ quyền lợi, quyền sống của người dân, bảo vệ đất đai, sông núi, biển đảo của tổ quốc. Trong khi đó, vì muốn có quyền lực trong tay, từ HCM, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, cho đến những kẻ kế thừa sau này đều có một quyết sách như nhau. Bên ngoài thì cúi đầu nhận roi, sẵn sàng dâng đất, dâng biển đảo của tổ quốc cho kẻ thù của dân tộc. Bên trong, sẵn sàng giết hại, tù đày đồng bào của mình, hoặc giả, chà đạp quyền sống, quyền lợi, phúc sinh của người dân để đẹp lòng chủ nhân phương Bắc!
Cần bằng chứng ư? Hãy hỏi thăm những quan cán đầu tỉnh ở Hà Tĩnh xem họ có được phép đến vùng xây dựng gọi là Formosa ở Vũng Áng để kiểm soát xem có bao nhiêu công nhân Tàu đến làm việc không có giấy phép ở đây hay không? (theo báo Vietnamnet ngày 8-8-2014 cho biết, khu xây dựng Formosa có hơn 4000 công nhân Tàu đang làm việc, nhưng chỉ 200 người có giấy phép. Số còn lại không giấy tờ nhập cảnh, nhưng các quan chức địa phương không được phép vào kiểm tra). Đấy chủ quyền đất nước dưới tay cộng sản là thế đấy! Còn nói chi đến Hoàng Sa Trường Sa ớ tút mút ngoài biển làm gì?
Trở lại câu chuyện của dàn ngựa Tàu và cái Đèn Cù. Trước hết, HCM đã được xếp hạng siêu nô lệ cho Liên Xô từ lâu. Hơn thế, còn được coi là con đẻ của Tàu. Chủ nhân Tàu đã che chắn cho Y từng bước. Từ việc y mang tên Lý Thụy rồi cho lấy Tăng Tuyết Minh do Dĩnh Siêu, vợ của Chu Ân Lai làm mai mối. Lại đặt cho cái tên là Hồ Quang, đóng vai Thiếu tá trong Bát Lộ Quân của Chu Đức. Ít lâu sau, Hồ Quang được hộ tống vào Việt Nam dưới sự chỉ đạo, phụ trách của Lê Qúy Ba, Trần Canh, được đôn lên làm chủ tịch đảng rồi chủ tịch nước. Được chủ nhân Tàu cung cấp toàn bộ, từ vũ khí lương thực cho đến quân trang, quân dụng để gọi là chống Pháp, mở cuộc đấu tố, giết hại cho hết những người Quốc Gia. Rồi đánh trống thổi kèn theo chiêu bài giải phóng dân tộc, cướp lấy chính quyền, đẩy chiến tranh ra khỏi đất Trung cộng. Nhưng trên hết, từ Hoa Nam, HCM được huấn luyện, được đưa vào Việt Nam với chủ trương Hán hóa Việt Nam, đẩy Việt Nam vào làm chư hầu cho Trung cộng. Công trạng ấy, ai sánh bằng?
Đến cái gai trong mắt, nếu có phải nhường bước cho HCM, có lẽ Duẩn cũng cam lòng vì số phận. Phiền vì cái gai Trường Chinh còn kia, Duẩn ăn ngủ sao yên. Duẩn mất ăn mất ngủ vì Chinh đã khôn ngoan khi biết ruột dạ của Hồ là rắp tâm đưa Việt Nam vào vòng nô lệ cho Tàu, Khu đã nhanh tay, nhanh chân mà thảo ra cái văn thư với bảng hiệu “Ủy Ban Kháng Chiến” và kêu gọi người Việt Nam “bỏ học chữ Quốc Ngữ mà học tiếng Tàu” để xin làm chư hầu cho Trung cộng. Việc thì không chắc thành, nhưng cái văn thư ấy, cái ruột dạ ấy đã làm mát lòng mát dạ quan thầy bành trướng phương Bắc. Nay nhất thời vì vụ đấu tố, uy tín trong nội bộ của Khu có bị giảm sút đôi chút, nhưng nếu sau này, Tàu cộng muốn thực hiện sách lược kéo Việt Nam vào làm vùng tự trị như nội Mông thì Trường Chinh còn trẻ hơn Hồ, chắc chắn phải có ngày chủ nhân lại đưa Y trở lại cái vị thế số một chư hầu ở nam bang. Khi đó Duẩn ra sao? Đây chính là cái lo trong gan phổi của Duẩn, Y không tranh thắng với Khu trong phương cách xin làm nô lệ cho Tàu cũng không được.
Ấy là chưa kể đến Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp, cả hai đã từng sang theo hầu HCM ở Côn Minh. Người thì theo lệnh của Hồ đã nhanh tay ký phăng cái công hàm, công nhận chủ quyền của Trung Cộng ở Hoàng Sa và Trường Sa, mà theo những văn bản và lịch sử được quốc tế công nhận là của Việt Nam và đang ở dưới sự kiểm soát của chính phủ miền Nam. Kẻ thì theo kế của Trần Canh cố vấn, sẵn sàng đánh Pháp rồi đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng cũng đánh. Đánh xong là nhà hoang, đất Việt Nam bỏ trống. Nhìn mảnh đất màu mỡ này thì còn hạnh phúc nào lớn hơn cho người anh em Trung cộng. Từng đoàn từng lũ kéo sang mà đóng cọc, làm nhà rồi bỏ phiếu xin làm chư hầu cho Trung cộng. Kế ấy mà thành thì ai dám tranh công với Đồng với Giáp? Chinh, Đồng, Giáp đều theo gương Hồ để được bụng Tàu, có lẽ nào Duẩn không theo? Nay đang ngồi ở trên cái ghế TBT mà được Tàu cộng đóng dây cương vào cổ, đặt vòng xích vào chân thì vai trò siêu nô lệ của Duẩn có ai dám vào đó mà tranh?
Tóm lại, Duẩn cũng chỉ là một hạng mục trong cái tập đoàn CSVN có cơ hội đi chầu và tỏ lòng tùng phục chủ nhân Tàu cộng mà thôi. Nhưng người phóng viên của tờ báo gọi là “sự thật” của cộng sản từ những năm 49-50 ở Atêka khi mới 19 tuổi, nay đầu đã bạc lại nhìn không ra. Lại bảo Hồ, Chinh, Giáp không theo Mao tham chiến là sai. Qúa Sai. Sai vì hai lý do: Việc riêng là vì “còn yêu Chinh và ghét Duẩn”. Và về việc công, có lẽ người phóng viên ở trong rừng năm xưa cho rằng người Việt Nam chưa bị giải phóng, chưa từng thấm thiên đường CS. Cũng chẳng có mấy người biết đọc biết viết như ở trong Atêka, nên tác giả áp dụng sách tuyên truyền của đảng. Cứ viết bừa, viết cho lấy được bất chấp hậu quả, chẳng biết đúng sai. Và cũng không biết, cái lối viết ấy là hại người hại mình. Nó là một sai lầm lớn. Sai không thuốc chữa nếu như không muốn nói là gian! Trước hết, nó chẳng lừa được ai, còn cho mọi người thấy là hình như tác giả đang viết cho thời 1949-50, hoặc chưa bước chân vào thành phố. Bênh HCM, TC, VNG bằng luận điệu này thà lấy lửa đốt chính mình đi còn hơn!
I I. Chuyện xin làm chư hầu và công hàm bán nước trong Đèn Cù. (kỳ sau)
10-2014